Rau đắng đất: Vị Thuốc đến Từ Loại Rau Dân Dã

Nội dung bài viết

  • Rau đắng đất là gì?
  • Tác dụng của rau đắng đất
  • Cách dùng Rau đắng đất
  • Một số bài thuốc từ Rau đắng đất

Những người con miền Tây, mấy ai mà chưa từng nghe qua lời bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, mấy ai mà chưa từng một lần ăn rau đắng. Thứ rau đắng nghét là thế, vậy mà đi xa rồi, mới nhớ thương da diết, nhớ mà ngọt lòng. Rau đắng đó chính là Rau đắng đất, đừng nhầm lẫn với loài Rau đắng biển. Và cũng như bao bài viết khác trên YouMed, ngày hôm nay, từ một loại rau quen thuộc của người miền Tây, người viết sẽ giới thiệu đến quý bạn đọc những công dụng bất ngờ từ món rau – vị thuốc này.

Rau đắng đất là gì?

Rau đắng đất có tên khoa học Glinus oppositifolius (L.) A. DC. Syn. Tên đồng nghĩa: Mollugo oppositifolia L., thuộc họ Rau đắng đất (Aizoaceae).

Ngoài cái tên này, nó còn được biết đến với những tên khác như: Rau đắng lá vòng, Thốc hoa túc mễ thảo, Mễ toái thảo,…

Đặc điểm thực vật

Đây là loại cây thân thảo sống lâu năm. Thân cành nhẵn, mảnh, mọc bò lan, tỏa sát mặt đất. Lá mọc vòng, gồm 2 – 5 lá không đều nhau, cũng có khi có tới 6 lá. Lá hình mác hẹp, thuôn dài, kích thước dài 2 – 3cm, có một gân chính. Lá kèm rất nhỏ, thường rụng sớm. Hoa màu lục nhạt, có cuống dài, tụ họp 2 – 5 hoa ở nách lá. Hoa không có cánh. Nhị 5, nhụy có 3 vòi nhụy. Quả nang, mang hạt hình thận. Mùa hoa quả kéo dài từ tháng 4 – 7. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu bằng hạt.

Rau đắng đất
Rau đắng đất

Phân bố

Trên thế giới, cây phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, từ Ấn Độ đến Malaysia, Campuchia, Việt Nam và đảo Hải Nam Trung Quốc.

Rau đắng đất rất dễ mọc, có khi nó mọc trộm sau hè nhà, mọc gần ảng nước, bờ ao, chỗ nào lúp xúp nước thì có rau đắng. Vì rất dễ mọc nên cây phát triển dọc từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt cây phát triển ở khu vực đất cát pha nước. Cây ưa sáng, phân nhánh rất khỏe nên thường mọc thành mảng, lấn át các loại cây cỏ khác.

Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Bộ phận dùng: toàn cây

Thu hái: thu hái quanh năm, tốt nhất là lúc cây chưa có hoa.

Chế biến: dược liệu hái về đem rửa sạch đất cát. Có thể dùng dưới dạng tươi hoặc phơi khô dùng dần.

Bảo quản: dược liệu tươi chỉ có thể giữ được vài ngày, có thể bảo quản lâu hơn trong tủ lạnh. Dược liệu khô cần cất giữ nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm mốc, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc.

Tác dụng của rau đắng đất

Thành phần hóa học có trong dược liệu

Thành phần hóa học chủ yếu trong Rau đắng đất là Saponin, Flavonoid, Triterpenoid.

Trong Lá cây, người ta thấy có: acid spergulagenic, một chất sapogenine, triterpenoid bảo hòa, spergulagenin A, và một tri-hydroxy cetone.

Rễ cây chứa: glucoside, spergulatriol,  spergulagenol, spergulagenin A,…

Ngoài ra còn có sự hiện diện của một số nguyên tố khoáng như: sắt Fe, sulfates, chlorures nitrates, và một nguồn nguyên tố calcium Ca.

Tác dụng dược lý của Rau đắng đất

Theo một số nghiên cứu, người ta thấy các bộ phận của dược liệu này có khả năng:

  • Có thể chống bệnh sốt rét do chứa hợp chất saponin triterpenoid
  • Ức chế nấm Candida albicans
  • Diệt một số loài ấu trùng và loài nhuyễn thể
  • Làm sạch gốc tự do
  • Chống oxy hóa
  • Bảo vệ gan
  • Chống động vật đơn bào

Dược liệu Rau đắng đất khô
Dược liệu Rau đắng đất khô

Tác dụng của Rau đắng đất theo Y học cổ truyền

Theo dân gian, vị thuốc này có vị đắng, tính mát. Có những công dụng:

  • Giúp khai vị, lợi tiêu hóa
  • Lợi tiểu
  • Hạ nhiệt
  • Nhuận gan
  • Có thể thay thế Rau má làm thuốc hạ sốt, chữa các bệnh về gan và chứng vàng da
  • Toàn cây giã ra, thêm dầu thầu dầu hơ nóng làm thuốc đắp trị đau đầu
  • Dịch lá cây đắp trị bệnh ngoài da, ghẻ ngứa
  • Cây đem đốt thành tro dùng ngâm lấy nước gội đầu

Cách dùng Rau đắng đất

Liều lượng: 4 – 8g/ 1 ngày

Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc, làm món ăn, dùng ngoài. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Một số bài thuốc từ Rau đắng đất

Bài thuốc thanh can giải độc

Rau đắng đất 6g, Nhân trần 5g, Dành dành 5g, Cỏ xước 6g, Rau má 6g, Ké đầu ngựa 6g, Dây khổ qua 6g, Cỏ mực 8g, Muồng trâu 6g, Rễ tranh 6g, Sài đất 6g, Cam thảo 3g. Tất cả đem sắc uống hoặc tán bột, luyện viên.

Chữa chứng đau vàng da, chậm tiêu, nổi u nhọt mày đay

Rau đắng đất 1 thúng, Dây cứt quạ 1 thúng. Hai thứ trên đem sắc chung, bỏ xác. Nước nấu đặc thành cao, thêm nước đường hoặc mật. Mỗi sáng, trưa và tối uống 1 muỗng cà phê.

Rau đắng đất, loại rau mọc sau hè, nhưng lại có những công dụng thật bất ngờ. Tuy nhiên, cũng như bất kì một vị thuốc nào, chúng ta không nên lạm dụng thuốc. Và khi có bệnh, cần có sự thăm khám và tư vấn từ những người có chuyên môn để tránh những hậu quả không mong muốn.

Từ khóa » Cây Rau đắng đất Như Thế Nào