Rau Mùi (Ngò Rí): Từ Gia Vị đến Vị Thuốc Chữa Sởi Hiệu Quả

Nội dung bài viết

  • 1. Đặc điểm, phân bố của cây Rau mùi
  • 2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản của Rau mùi
  • 3. Thành phần hóa học trong cây Rau mùi
  • 4. Công dụng của Rau mùi
  • 5. Một số lưu ý khi sử dụng rau Mùi

Trong nền ẩm thực dân tộc, có một loại gia vị đã trở nên vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người, hầu như có thể bắt gặp hàng ngày, đó chính là cây Rau mùi, hay còn gọi Rau ngò. Hành ngò đã trở nên một cặp gia vị không thể thiếu trong nhiều món ăn. Cả 2 loại cây ấy đều là những vị thuốc trong vườn nhà. Và ngày hôm nay, trong bài viết này, YouMed sẽ cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn cục về Rau mùi, một món gia vị – một vị thuốc đầy thú vị nhé.

1. Đặc điểm, phân bố của cây Rau mùi

1.1. Đặc điểm của cây

Rau mùi (Coriandrum sativum L.) thuộc họ Hoa tán, được biết đến với những cái tên khác như Rau ngò, Ngò rí, Mùi ta, Nguyên tuy, Hồ tuy…. Rễ cây là rễ cọc, thô, hơi sần, dài trung bình 10cm. Từ rễ chính mọc ra nhiều rễ nhỏ, các rễ rất dễ đứt. Rễ ăn cạn, chịu úng kém.

Cây thân thảo nhỏ, cao khoảng 30 – 60cm tùy chăm bón hoặc đất trồng. Thân cây tròn xốp, có nhiều đốt, ở mỗi đốt mang lá và cành. Tán rộng 20 – 40cm. Vỏ thân màu xanh, hơi tím. Phần gốc có màu sậm hơn phần ngọn, ruột thân màu trắng lốp.

Lá Rau mùi màu xanh, mọc ra từ gốc, có cuống dài. Các lá ở dưới khía thành phiến hình trái xoan, có răng, các lá ở trên xẻ tua. Hoa rau mùi nhỏ, hình tán, có 3 – 5 hoa nhỏ, màu hồng hơi tím,xanh nhạt, hay trắng tùy giống. Hoa có 5 cánh, không đều nhau, có 5 tiểu nhị, 5 lá dài và 2 vòi nhị, còn những tán hoa sau chỉ có hoa đực.

Quả của nó hình cầu, khi còn non màu xanh nhạt, bóng láng, khó ngửi. Khi chín màu vàng rơm hay nâu sáng tùy thứ và có mùi thơm, với một đầu hơi nhỏ còn đầu kia bằng phẳng (người ta hay gọi nhầm đây là hạt vì nó nhỏ, chỉ khoảng 3 – 5mm).

Rau mùi được trồng rất nhiều để làm gia vị
Đây là dược liệu được trồng rất nhiều để làm gia vị, tên gọi khác của nó là Ngò rí

1.2. Nguồn gốc, phân bố Rau mùi

Rau mùi mọc hoang dại ở vùng Địa Trung Hải, nó là một trong những loài cây trồng lâu đời nhất trên thế giới. Và thật ra không chỉ riêng ở nước ta, mà ở rất nhiều nước, nó cũng là một thứ gia vị phổ biến. Khoảng 1000 năm TCN, nó đã được dùng làm vật thờ cúng trong các ngôi mộ của người Hy Lạp.

Trên thế giới, Rau mùi với đặc tính dễ thích nghi, phân bố ở nhiều nơi từ vùng Nhiệt đới, Á nhiệt đới, tới vùng Địa Trung Hải, Trung Á. Ở những nơi khí hậu nhiệt đới, cây phát triển tốt, được người ta trồng với quy mô lớn để làm gia vị, chế biến món ăn, làm thuốc và cả lấy tinh dầu mùi.

Tại Việt Nam, cây trồng khắp từ Bắc vào Nam. Nó được trồng bằng quả vào mùa thu đông. Đây là loại cây ưa đất kiềm, mát, dễ hút nước. Đất phải được làm cho tơi xốp và có đủ ánh sáng. Những nơi đất sét dính và nhiều bóng râm không thích hợp cho cây phát triển.

Rau mùi là loại gia vị rất phổ biến và có nhiều công dụng chữa bệnh
Đây là loại gia vị rất phổ biến và có nhiều công dụng chữa bệnh

2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản của Rau mùi

Người ta dùng toàn bộ cây Rau mùi từ thân, lá, quả, rễ.

Cây có thể thu hái quanh năm, từ khi trổ bông đến khi quả chín khoảng 25 – 30 ngày. Quả chín tới đâu thu hái tới đó cho khỏi rụng quả. Khi hái thì hái toàn tán, phơi cho khô rồi đập lấy quả, tiếp tục phơi cho khô và bảo quản tránh ẩm. Khi khô, quả mùi mất mùi hôi và trở thành thơm dễ chịu. Phần thân, lá, rễ có thể dùng tươi, hoặc phơi khô để dùng lâu dài.

Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm, tránh ánh nắng trực tiếp.

3. Thành phần hóa học trong cây Rau mùi

Theo nghiên cứu, trong quả mùi chứa:

  • 0,3 đến 0,8 có khi tới 1% tinh dầu.
  • 13-20% chất béo
  • 16-18% chất protein
  • 38% xenluloza
  • 13% chất không nitơ.

Trong tinh dầu, người ta lại thấy có 70-90% linalola quay phải (còn gọi là coriandrola, 5% d.pinen, limonen, tecpinen, mycxen, phelandren, một ít geraniola và bocneola).

Ngoài ra, rau mùi chứa hàm lượng cao axit béo omega 3 và omega 6, nhiều chất chống oxy hóa, và các vitamin như A, B1, B2, C,…

Hạt mùi già rất thơm và cũng được sử dụng để làm thuốc
Hạt mùi già rất thơm và cũng được sử dụng để làm thuốc

4. Công dụng của Rau mùi

Rau mùi có vị cay, tính ấm, nó tác dụng mạnh vào vùng phổi, tiêu hóa. Nó được biết đến với những công dụng sau:

4.1. Làm cho sởi mọc

Đây là một trong những tác dụng nổi bật của Rau mùi, được ứng dụng trong dân gian từ ngày xưa. Sau đây là bài thuốc chữa trẻ lên sởi mà gặp gió lạnh, sởi không mọc được:

Sử dụng Rau mùi 1 nắm sắc cho trẻ uống lúc còn nóng, đắp chân cho ra mồ hôi, sởi sẽ mọc tiếp.

Ngoài ra có thể dùng 1 nắm lá mùi tươi giã nát, chưng nóng, hoặc một nắm quả Mùi khô giã dập, chế thêm ít rượu, chưng nóng, rồi lấy vải thưa gói lại. Đem xát cho trẻ từ đầu xuống thân mình, tay chân, sởi sẽ mọc đều.

4.2. Hỗ trợ tiêu hóa, chữa đầy bụng, khó tiêu

Sau khi ăn, bụng đau lâm râm, bí đầy không tiêu, buồn nôn. Khi đó người ta lấy Rau mùi 1 nắm, Vỏ quít 8 – 10gr, tất cả bỏ vào sắc lấy nước uống.

4.3. Rau mùi chữa hôi miệng, sâu răng, đau răng

Citronelol và một số chất trong Rau mùi có tác dụng kháng khuẩn mạnh, lá và hạt rau Mùi còn có tinh dầu giúp khử mùi hôi, chữa sâu răng, viêm nhiễm răng miệng. Có thể lấy lá rau Mùi đâm nát lấy nước súc miệng.

Rau mùi chữa hôi miệng
Ngò rí còn được dùng để chữa hôi miệng

4.4. Làm sáng mắt

Trong rau Mùi chứa vitamin A, C và các chất chống lão hóa sẽ giúp cải thiện thị lực, giảm tình trạng thoái hóa điểm vàng, làm dịu mắt cho những ai thường phải ngồi máy tính nhiều.

>> Xem thêm: Vitamin A: Đừng bỏ quên loại vitamin quan trọng này!

4.5. Chữa trĩ

Bài thuốc này đã có trong dân gian từ lâu. Người ta lấy quả Mùi, đem đốt và hun khói vào hậu môn, búi trĩ bị sa sẽ dần dần thu vào bên trong.

4.6. Chống viêm sưng, trị mụn

Nhờ đặc tính tiêu viêm, kháng khuẩn nên rau Mùi chống viêm sưng, trị mụn trứng cá, mụn bọc khá hiệu quả. Người ta sẽ lấy nước cốt Rau mùi chấm vào chỗ vết thương, sẽ thấy công hiệu khá rõ.

4.7. Giúp kiểm soát đường huyết

Thử nghiệm chiết xuất hạt rau ngò rí trên chuột có đường huyết cao với liều lượng 20mg/kg, sau 6 giờ lượng đường trong máu đã giảm xuống 4 mmol / L và lượng insulin được giải phóng cũng tăng lên. Hiệu quả này tương đương với tác dụng của thuốc điều trị bệnh tiểu đường Glibenclamide.

4.8. Giảm Cholesterol, giúp bảo vệ tim mạch

Thử nghiệm trên chuột cho thấy khi tiêu thụ rau Mùi, lượng Cholesterol LDL đã giảm, khi LDL tăng cao sẽ dẫn đến những nguy cơ bệnh tim mạch, xơ vữa mạch máu, đột quỵ,…

4.9. Ngăn ngừa ung thư

Trong rau Mùi chứa hàm lượng cao hợp chất flavonoid, đặc biệt là myricetin và apigenin. Những chất này có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi sự tấn công của các gốc tự do gây biến đổi gen.

4.10. Làm giảm căng thẳng

Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất rau ngò rí có tác dụng giảm lo âu, xoa dịu trạng thái căng thẳng ở thần kinh trung ương. Hiệu quả có được gần như thuốc an thần Diazepam.

Ngò rí có thể làm giảm căng thẳng, lo âu
Ngò rí có thể làm giảm căng thẳng, lo âu

4.11. Kích thích ham muốn tình dục

Từ ngày xưa, trong một số phương thuốc cổ truyền của Ấn Độ hay dân vùng Địa Trung Hải, đã có sự xuất hiện của rau Mùi để cải thiện ham muốn tình dục.

4.12. Trị rối loạn kinh nguyệt

Rau Mùi giúp cân bằng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ, điều này đưa đến tác dụng điều hòa kinh nguyệt cho các chị em.

4.13. Trị giun

Bài thuốc trị giun kim: Hạt mùi tán nhỏ, trộn với trứng gà luộc, chế thêm ít dầu mè, giã nhuyễn làm viên thỏi, đem nhét hậu môn vào lúc buổi tối và để suốt đêm. Làm liền 3 đêm sẽ thấy kết quả.

5. Một số lưu ý khi sử dụng rau Mùi

  • Rau Mùi có thể dùng ăn hằng ngày, sắc nước uống hoặc uống nước ép.
  • Khi dùng cho một số đối tượng đang dùng thuốc điều trị Tăng huyết áp, đái tháo đường nên cẩn trọng nếu không sẽ dẫn đến sự giảm đường huyết hay huyết áp quá mức. Những người huyết áp thấp, đường huyết thấp, phụ nữ có thai hay những người bị bệnh gan không nên dùng rau Mùi.
  • Rau Mùi nếu dùng quá nhiều có thể sẽ đưa đến những tác dụng phụ như đau bụng, chóng mặt, buồn nôn,… Một ngày chúng ta chỉ nên sử dụng khoảng 10 – 20gr thân lá không quá 4 – 10gr quả. Và cũng không nên sử dụng liên tục trong thời gian quá dài.

Rau Mùi có rất nhiều công dụng, rất phổ biến trong các món ăn hằng ngày. Đó cũng là điểm rất hay trong phong cách ẩm thực của người dân. Tuy nhiên để sử dụng điều trị hay dự phòng bệnh, cần có sự tham khảo ý kiến từ thầy thuốc. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Từ khóa » Cây Rau Mùi Bông Trắng