Rau Thuốc Quanh Ta: Rau đắng Biển

Bacopa monniera chính là rau đắng biển. Rau đắng biển có chứa hoạt chất saponin gồm bacosid A và B, có tác dụng gia tăng tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động ở hệ thần kinh, chống oxy hóa tế bào não, giúp tăng cường sự tỉnh táo và nhận thức của não bộ. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh trong cây rau đắng biển còn chứa một alkaloid tên gọi là brahmin (có tác dụng gần giống strychnin nhưng ít độc tính hơn), ngoài ra còn alkaloid khác như herpestin, bacosid A và B, monnierin, hersaponin, acid betulic, đường d–mannitol…

rau-dang-bien
Rau đắng biển là loại rau quen thuộc của người dân sông nước Nam bộ

Rau đắng biển là loài cây thân thảo, sống dai, mọc bò. Các cành mọc đứng, nhưng mảnh mai, thân nhẵn không lông, khi ăn thường cắt ngang thân, thân mang những lá dày, mọng nước, màu xanh đậm, tươi tốt quanh năm.

Vị thuốc chữa bệnh của cây rau đắng biển

Theo y học Vệ đà (Ayurveda) của Ấn Độ, loài cỏ này có tác dụng giúp tăng trí nhớ (phòng bệnh Alzheimer), giảm sự mệt mỏi về tinh thần (trầm cảm), chữa bệnh động kinh, hen suyễn, tắt tiếng, một số bệnh về đường ruột, trị rắn cắn… Ở Sri Lanca dùng làm thuốc xổ, nấu nước rửa chữa bệnh nhọt độc sưng ngoài da như bệnh da voi.

Nghiên cứu gần đây cho thấy chiết xuất của cây rau đắng biển giúp nâng cao năng lực bộ nhớ, cải thiện hoạt động trí tuệ, giảm đau, kháng viêm, ức chế tế bào ung thư, cho hội chứng ruột kích thích, cho bệnh nhân Alzheimer, những bệnh nhân sau khi bị đột quỵ…

Theo các tài liệu y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng biển có tính mát, vị đắng, có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu tiêu thũng, thường dùng trong các bệnh như kiết lỵ, đau mắt đỏ, viêm gan, hen suyễn, suy nhược thần kinh, động kinh, còn dùng khai vị kích thích, chống táo bón, dùng ngoài chữa ghẻ lở, mụn nhọt.

Y học chưa nhận thấy độc tính của rau đắng biển. Một số tác dụng phụ là gây khô miệng, khát nước, mệt mỏi và buồn nôn.

Cần lưu ý khi ăn rau đắng biển

rau-dang-bien
Ăn nhiều rau đắng có thể gây ra nhịp tim không đều

Người bị bệnh tim nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn nhiều rau này, vì có thể gây ra nhịp tim không đều, với bệnh tiểu đường, có thể ảnh hưởng đến đường huyết và nồng độ insulin trong máu. Người đang dùng thuốc chống đông máu không nên dùng rau đắng biển trước khi chuẩn bị phẫu thuật hoặc nhổ răng. Những người đang dùng thuốc chống trầm cảm sertralin (tên biệt dược Zoloft hoặc Lustral) cũng không nên dùng rau đắng biển. Người đang dùng thuốc trị bệnh tuyến giáp hoặc thuốc chẹn calci cũng không nên ăn rau đắng biển.

DS. Lê Kim Phụng (Trường đại học y dược TP.HCM)-khoahocphothong.com.vn

Thông tin khác

  • » Rau thuốc quanh ta: Rau má giải nhiệt cơ thể (27.05.2017)
  • » Rau thuốc quanh ta: Rau lá cách (18.05.2017)
  • » Các bài thuốc hữu dụng từ rau tía tô (16.05.2017)
  • » 4 bài thuốc hữu dụng của rau lá lốt (15.05.2017)
  • » Bạn nên quan tâm đến 8 loại rau củ hạt dưới đây (13.05.2017)
  • » Rau thuốc quanh ta: Rau tía tô chữa cảm cúm (12.05.2017)
  • » Rau thuốc quanh ta: Lá lốt trị phong hàn thấp (08.05.2017)
  • » Sâu bệnh thường gặp khi trồng rau: Bệnh khảm và xì mủ nứt thân hay gặp ở dưa leo (26.04.2017)

Từ khóa » Hạt Giống Cây Rau đắng Biển