Rêu Tóc Trong Bể Thủy Sinh
Có thể bạn quan tâm
Tên gọi của loại rêu này bắt nguồn từ hình dạng của chúng, có khá nhiều hình thái rêu tóc khác nhau: dài, ngắn, thô, mượt… nhưng chúng có nhiều điểm chung nên bouaqua xin phép được gọi bằng một cái tên chung là “rêu tóc”.
Rêu tóc hầu như không gây hại gì cho hệ động thực vật trong bể thủy sinh, mọi người không thích rêu tóc đơn giản vì chúng làm mất thẩm mỹ của bể. Rêu tóc một khi đã xuất hiện thì sẽ phát triển khá nhanh và có thể làm nản lòng người chơi vì sự dai dẳng của mình. Rêu tóc có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong bể, nhưng thường sẽ là khu vực nhiều sáng và có một chút dòng chảy.
Loài nào ăn rêu tóc?
- Tép yamato: Thiên địch số 1 của rêu tóc. Tép yamato có thể xử lý tất cả các loại rêu tóc một cách hiệu quả. Rất nhiều người không thể sử dụng tép yamato một cách hiệu quả do các yếu tố trong môi trường bể mà họ tạo ra.
- Cá otto: Có thể xử lý các loại rêu tóc mảnh, dạng sợi ngắn, không xử lý được các loại rêu tóc dài. Yếu điểm của loài này là cần môi trường nước sạch và ổn định một chút nên nó cũng ít được người chơi lựa chọn.
- Cá bút chì: Cũng như cá otto, loài này có thể xử lý tốt các loại rêu sợi ngắn. Điểm mạnh của bút chì là khả năng thích nghi và có thể chịu đựng được môi trường bất lợi, do đó bút chì thường là loài xuất hiện sớm nhất trong bể để phòng ngừa rêu hại. Khá nhiều người không thể sử dụng bút chì hiệu quả do các yếu tố trong môi trường bể mà họ tạo ra.
- Các loài tép khác: Cá tép trong môi trường tự nhiên đều có khả năng ăn các loài rêu hại để sống, tuy nhiên rêu tóc không phải là lựa chọn đầu tiên của chúng nên chúng chỉ được xếp hạng 2 mà thôi.
Thiên địch chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề
Đúng như vậy, các loài ăn rêu tóc “chuyên nghiệp” cũng chỉ giúp kiềm chế sự phát triển chứ không thể trị tận gốc vấn đề. Nếu hồ bạn bị rêu tóc nhẹ, thiên địch có thể giúp, trường hợp hồ đã bị nặng, tốc độ hoành hành của rêu tóc ở mức cao rồi thì các loài thiên địch cũng chịu “bó tay”, cho dù bạn có nâng số lượng chúng lên mức “nhung nhúc” đi chăng nữa. Lúc này bạn cần kiên cường lên, chúng ta phải trị tận gốc vấn đề thì mới có được “hòa bình” dài lâu. Bạn cần tìm hiểu nguyên nhân phát sinh của rêu tóc và xử lý các vấn đề này. Cho dù bạn không diệt được hoàn toàn thì cũng có thể hạn chế chúng tới mức thấp nhất và qua quá trình này bạn cũng thu thập được thêm rất nhiều kiến thức đấy.
Nguyên nhân phát sinh rêu tóc
Có 4 nguyên nhân chính, bouaqua sẽ đi từ những nguyên nhân phổ biến nhất và quan trọng nhất để các bạn có thể dễ dàng tìm ra nguyên nhân trong hồ của mình.
Ánh sáng: Đây là nguyên nhân cơ bản mà rất nhiều người mắc phải, trường hợp ánh sáng quá mạnh hoặc thời gian chiếu sáng quá dài là tác nhân cổ vũ cho rêu tóc phát triển mạnh mẽ trong hồ của bạn. Mức độ ánh sáng dồi dào sẽ kích thích cây trồng của bạn phát triển nhanh nhưng chỉ khi nó kết hợp với các yếu tố khác một cách hài hòa (mức độ dinh dưỡng và CO2). Nếu bạn không đáp ứng đủ dinh dưỡng và CO2 thì ánh sáng mạnh sẽ là thừa, không chỉ rêu tóc mà các loài rêu hại nói chung đều thích môi trường có nhiều ánh sáng. Hãy kiểm tra lại phần ánh sáng của hồ mình và tham khảo thêm từ những người chơi khác, bạn có thể phải giảm cường độ sáng hoặc bớt thời gian chiếu sáng.
Chiếu sáng ngắt quãng cũng là một phương pháp ức chế rêu hại hay nhưng nếu hồ bạn có trồng cây cắt cắm bouaqua khuyên các bạn chỉ nên ngắt quãng tối đa 02 giờ đồng hồ thôi nhé. Thiếu sáng đôi khi cũng làm phát sinh rêu tóc do cây trồng không đủ lượng ánh sáng để sinh trưởng và phát triển một cách mạnh mẽ.
(Nhiều người tắt đèn hoàn toàn trong vài ngày để diệt rêu tóc, đó không phải là cách khôn ngoan khi mà cây trồng thiếu sáng, tốc độ phát triển sẽ giảm sút và đó sẽ là nguy cơ làm phát sinh thêm nhiều loài rêu hại về sau)
Sắt (Fe): Khi hồ bạn có lượng ánh sáng dồi dào thì chỉ cần một lượng sắt rất nhỏ dư thừa trong nước cũng có thể khiến rêu tóc “không biết từ đâu chui ra” đầy hồ bạn. Sắt là thành phần giúp cây lên được màu đỏ, do đó trong các loại phân nước, phân nền ít nhiều đều có sắt. Cây lá xanh cũng hấp thụ sắt nhưng không nhiều.
Có thể hồ bạn thiếu vắng cây lá đỏ khiến sắt trở nên dư thừa trong nước hoặc có cây lá đỏ nhưng môi trường nước quá cứng để cây có thể hấp thụ được chất sắt một cách dễ dàng. Nếu hồ bạn có cây màu đỏ, hãy quan sát chúng, nếu màu đỏ không được “thắm” như bạn vẫn thấy thì khả năng cao là chúng không hấp thụ được hết sắt trong nước rồi, cần có sự điều chỉnh.
(Nhiều người diệt rêu tóc thành công chỉ nhờ thay nước, đó là do họ đã loại bỏ được lượng sắt thừa)
CO2: Thiếu CO2 hoặc CO2 hòa tan vào nước không hiệu quả cũng là nguyên nhân gây ra rêu tóc.
Cụ thể là cây trồng thiếu một nguồn cổ vũ lớn lao để có thể sinh trưởng, phát triển tốt, đồng thời hấp thụ các chất dinh dưỡng trong nước một cách triệt để (bao gồm cả chất sắt). Như phần trên đã nói, CO2 cũng giúp làm mềm nước, từ đó cây đỏ dễ dàng hấp thụ sắt hơn, giúp triệt tiêu nguồn sắt dư thừa trong môi trường.
(CO2 như một “lá bùa hộ mệnh” cho bể thủy sinh, nó sẽ giúp bạn giải quyết rất nhiều vấn đề mà bạn không ngờ tới)
Chất hữu cơ dư thừa: Nó bao gồm thức ăn thừa, phân cá và lá cây mục.
Lượng chất hữu cơ dồi dào này sẽ được xử lý nếu hệ vi sinh của hồ đủ mạnh mẽ, tuy nhiên, phương pháp nhẹ nhàng và đơn giản nhất vẫn là dọn dẹp hồ định kỳ. Thay vì phải xử lý lượng chất hữu cơ này thì vi sinh vật của bạn có thể tập trung vào việc xử lý chất lượng nước.
Đặc biệt với những hồ có thảm nền, rác thải có thể tích tụ sát mặt nền và bị vướng bởi lá cây khiến chúng rất khó bị hút vào lọc. Hãy chú ý hút cặn nền để có một hồ thủy sinh sạch sẽ và giảm nguy cơ rêu hại.
Ngoài ra bạn cũng nên bố trí lại dòng chảy cho hợp lý để lọc có thể hút được rác thải một cách hiệu quả nhất. Đối với những hồ có bố cục phức tạp thì điều này càng quan trọng. (Xem thêm: http://bouaqua.net/dong-chay-trong-be-thuy-sinh/)
Đôi khi rêu tóc ngắn lại là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại rêu hại khác
Rêu tóc dạng sợi ngắn khi xuất hiện trên lá cây sẽ khiến lá cây của bạn trông như một chiếc “bàn chải” vậy. Các tạp chất hữu cơ, rác trong nước khi trôi qua vô tình bị giữ lại. Sau một thời gian “bãi rác” này sẽ trở thành nguyên nhân phát sinh thêm các loài rêu hại khác nhau.
Tại sao các loài thiên địch của tôi không hiệu quả?
Có nhiều người phàn nàn rằng các loài thiên địch mà họ thả vào bể để xử lý rêu tóc đều không tỏ ra hiệu quả và thường họ sẽ sử dụng chất hóa học như một phương pháp kỳ diệu nhưng lại tiềm tàng nhiều nguy cơ trong tương lai. Có một số vấn đề với các loài thiên địch mà nguyên nhân xảy ra vấn đề chính là bạn nhưng bạn lại không nhận ra. “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, hãy khoan đổ lỗi.
Thiên địch không chịu ăn rêu, chỉ tranh thức ăn của cá. Đó là do thói quen cho ăn của bạn, các loài cá nhỏ trong bể thủy sinh đều có thể tồn tại với khẩu phần ăn ít ỏi, việc chúng ăn nhiều hay ăn ít đều do bạn. Nếu bạn cho chúng ăn hàng ngày (như một thú vui), chúng có thể ăn rất nhiều. Nếu bạn cho chúng ăn hàng tuần, chúng vẫn có thể sống khỏe mạnh (với điều kiện tiên quyết là hồ của bạn có một môi trường ổn định). Thậm chí 2 tuần cho ăn một lần chúng vẫn không hề hấn gì (yêu cầu nguồn cá khỏe mạnh).
Lý do đơn giản là trong tự nhiên không ai cho chúng ăn cả, chúng sẽ phải tự thỏa mãn bản thân với các loại rong rêu, sinh vật phù du hoặc đôi khi là quả chín rớt xuống nước. Bản năng sinh tồn của chúng rất mạnh mẽ và trong môi trường nhân tạo đôi khi bạn đã khiến chúng trở nên mềm yếu.
Thức ăn công nghiệp nói chung đều có mùi vị rất hấp dẫn, các loài thiên địch thật sự không thể làm ngơ và bản năng khiến chúng phải giành giật thức ăn của các loài cá cảnh trong hồ, đó là lẽ tự nhiên mà thôi. BOUaqua khuyên bạn hãy cho ăn ít lại, lý tưởng nhất là 02 lần một tuần và chỉ cho ăn một lượng vừa đủ, ưu tiên sử dụng các loại thức ăn nổi để hạn chế sự tranh cướp từ các loài chuyên diệt rêu hại.
Thiên địch nhát, không chịu thò mặt ra ăn rêu hại. Các loài cá thường có xu hướng sống bầy đàn, những cá thể lẻ loi thường cảm thấy bị stress khi đối diện với các loài cá khác có số lượng đông đảo hơn. Mặt khác, các loài ăn rêu hại khi đủ số lượng để tạo đàn thì khả năng “càn quét” của chúng cũng ấn tượng hơn rất nhiều.
Hạn chế nuôi các loài cá cảnh có kích thước quá lớn hoặc hung dữ trong hồ, chúng sẽ áp chế các loài diệt rêu hại nói riêng và các loài cá nhỏ khác nói chung. Những loài có tập tính phân chia lãnh thổ cũng cần được cân nhắc khi đưa vào hồ.
Thiên địch làm việc không hiệu quả, rêu hại vẫn còn nhiều. Có khả năng tốc độ lây lan của rêu hại đã nhanh hơn khả năng kiềm chế của các loài thiên địch. Như BOUaqua đã nói từ đầu, bạn cần xem xét tăng số lượng thiên địch hoặc tìm cách khác xử lý tận gốc nhé.
Các loài cá, tép diệt rêu hại nói chung đều rất chăm chỉ, trường hợp chúng trở nên lười biếng thì thật sự điều bạn cần xem lại là cách quản lý và chăm sóc bể của bản thân đã hợp lý hay chưa. Không có loài diệt rêu hại nào là vô dụng cả, có chăng chỉ là do bạn đã vô tình làm “hư” chúng mà thôi.
-BOUaqua-
4.6/5 - (5 bình chọn)Từ khóa » Các Loại Rêu Tóc
-
Cách Diệt Rêu Tóc Trong Bể Thủy Sinh - Nuôi Tép Cảnh
-
Rêu Tóc Và Cách Phòng Trị Rêu Tóc - Mayaqua
-
(Góc Người Mới) Rêu Hại Thủy Sinh Và Cách Phòng Chống Từ A đến Z
-
Diệt Rêu Tóc Trong Hồ Cá Thủy Sinh
-
Hướng Dẫn Nhận Biết Rêu Hại Và Xử Lý Rêu Hại Trong Hồ Cá Thủy Sinh
-
Các Loại Rêu Hại - Cách Phòng Và Diệt - Yêu Thủy Sinh
-
Các Loại Rêu Hại Thủy Sinh Và Cách Xử Lý
-
Rêu Tóc Xanh - Green Hair Algae - Hội Sinh Vật Cảnh Hà Nội
-
Top 12 động Vật Thủy Sinh Diệt Rêu Hại Tốt Nhất - Aquatips.Net
-
Diệt Rêu Tóc NUPHAR | Thủy Sinh Tím
-
Nguyên Nhân Các Loại Rêu Hại Và Cách Xử Lý
-
Dòng Cá Siêu Rẻ Diệt Rêu Hại Thần Tốc Trong Bể Thủy Sinh Mà ít Người ...
-
Diệt Rêu Tóc Cấp Tốc Bằng Thuốc Manga Clean, Hiệu Quả Vượt Sức ...