Review Cuốn Sách Những Người Vay Mượn Tí Hon - Mary Norton
Có thể bạn quan tâm
Biết bao câu chuyện về người tí hon đã từng làm say đắm cả thế giới. Nhưng chẳng phải ai cũng biết rằng họ thực sự tồn tại. Và trong câu chuyện này họ lại là những người vay mượn sinh sống bên dưới thế giới con người. Nếu bạn muốn đến với thần tiên mà lại gần gũi, hãy đến với thế giới của Những Người Vay Mượn Tí Hon
#1 Đôi nét về cuốn sách
Tác phẩm Những người vay mượn tí hon của nhà văn Mary Norton.
Ngôn từ giản dị cùng giọng kể đầy lôi cuốn đã đem lại cho người đọc một cảm giác đáng tin cậy và ngạc nhiên về thế giới những người vay mượn tí hon. Bạn sẽ phải "wow" nhiều lần trước những khung cảnh mà nhà văn Marry Norton tái hiện qua từng câu chữ.
"Bà Homily tự hào về phòng khách của mình: tường được dán mẩu vụn của những bức thư cũ gom được từ thùng rác và bà Homily đã sắp xếp sao cho những dòng chữ viết tay hàng ngang thành những đường kẻ dọc chạy từ sàn nhà đến trần nhà."
Bên dưới sàn nhà bếp, những người vay mượn tí hon có cả lò sửa, nước nóng để dùng vào mùa đông. Họ tắm trong cái liễn một thời đựng patê gan. Cái cổng chống chuột thì quả là kỳ công, xứng đáng được coi là tác phẩm nghệ thuật: "Ông Pod dùng đủ thứ để xây cái cổng này - một tấm của chiếc bàn nạo pho mát gập được, một cái nắp có bản lề của hộp đựng tiền nhỏ, những miếng kẽm vuông có lỗ của một chạm thức ăn cũ, một cái vỉ đập ruồi..."
Những khung cảnh thiên nhiên quá đỗi dịu dàng trong truyện sẽ kích thích trí tưởng tượng của những bạn trẻ. "Ánh sáng mặt trời, cỏ, gió nhẹ và nửa đường lên bờ cỏ, chỗ vòng ra ở góc nhà, một cây anh đào đang nở hoa! Trên lối đi là một thảm cách hoa màu hồng và, ngay dưới gốc cây nhạt màu như bơ là một bụi hoa anh thảo."
Tạp chí School Library Journal từng ngợi ca cuốn sách này: "Lối viết ma mị và lôi cuốn đã thuyết phục được cả trẻ con lẫn người lớn rằng người vay mượn có thật."
Dù nhà văn tài danh Marry Norton đã mất nhưng cuốn sách tuyệt vời này của bà đã thể hiện sức sống mạnh mẽ trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Tác phẩm đã bốn lần được dựng thành phim (vào các năm 1973, 1992, 1993, 1997).
Tiểu thuyết Những người vay mượn tí hon được hãng phim hoạt hình Nhật Bản nổi tiến Ghibli chuyển thể thành phim và được công chiếu vào năm 2010. Đến hiện tại, bộ phim vẫn nhận được sự yêu thích của công chúng.
Tác phẩm đã nhận được những giải thưởng danh giá như Winner of the Carnegie Medal, A Liews Carroll Shelf Award Book, An ALA Distinguished Book.
Marry Norton là nhà văn nổi tiếng người Anh. Bà lớn lên cùng gia đình trong một tòa nhà có từ thời Georgia. Nét cổ điển và bí ẩn của khung cảnh thời thơ ấu đã truyền cảm hứng cho bà viết series Những người vay mượn tí hon. Văn chương chỉ là nghề tay trái của bà nhưng lại chính là sự nghiệp ghi danh Marry Norton. Những người vay mượn tí hon là bộ tác phẩm lớn nhất của bà.
#2 Những người vay mượn tí hon
Bà May là người đầu tiên kể cho tôi nghe về họ. Không, không phải tôi. Sao có thể là tôi - một con bé ngông cuồng, bừa bộn, bướng bỉnh, lúc nào cũng nhìn chằm chằm với cặp mắt tức giận, lại còn bị nói là có thói nghiến răng? Kate, cô bé thực ra nên được gọi như vậy. Phải, đúng thế - Kate. Dù sao đi nữa thì cái tên đó cũng chẳng quan trọng lắm: cô bé gần như không xuất hiện trong câu chuyện.
Bà May sống tại hai căn phòng trong ngôi nhà của bố mẹ Kate ở London; bà ấy, theo tôi nghĩ, là họ hàng gì đó. Phòng ngủ của bà ở tầng hai, còn phòng khách của bà là cái nơi trong ngôi nhà được gọi là “phòng ăn sáng”. Thường thì các phòng ăn sáng đều khá ổn vào buổi sáng khi ánh mặt trời ùa vào trên bánh mì nướng và trên mứt, nhưng đến buổi chiều chúng lại có vẻ như tan biến đi đôi chút và chìm trong một thứ ánh sáng bạc kỳ lạ, buổi chạng vạng riêng của chúng; khi đó chúng chứa đựng một kiểu buồn riêng, nhưng hồi Kate còn nhỏ thì đó lại là kiểu buồn mà cô bé thích. Cô bé thường lẻn vào phòng bà May ngay trước giờ uống trà chiều và bà May thường dạy cô đan lát.
Bà May đã già, các khớp xương của bà đã bị tê cứng, và bà không hẳn nghiêm khắc mà thay vào đó bà có sự vững vàng bên trong. Kate không bao giờ “ngông cuồng” với bà May, cũng không bừa bộn, không bướng bỉnh; còn bà May thì dạy cho cô bé nhiều thứ ngoài đan lát: cách quấn len thành một trái bóng hình quả trứng; cách dọn dẹp ngăn kéo và cách phủ, như một lời ban phước, một tấm giấy lụa sột soạt lên trên đồ đạc để chống bụi.
“Sao im hơi lặng tiếng thế, cô bé?” một hôm bà May hỏi, trong khi Kate đang ngồi khom lưng im lặng trên chiếc gối quỳ. “Cháu sao vậy? Mất lưỡi rồi à?”
“Không ạ,” Kate vừa nói vừa kéo nút giày, “cháu bị mất que đan rồi.” Họ đang đan một chiếc chăn trải giường ghép bằng các ô vuông nhỏ bằng len: vẫn còn phải đan ba mươi ô vuông nữa. “Cháu biết mình để nó ở đâu,” cô bé hấp tấp nói tiếp, “cháu đã để nó ở ngăn dưới cùng trên giá sách ngay cạnh giường cháu.”
“Ở ngăn dưới cùng ư?” bà May nhắc lại, cây kim của bà vẫn vẩy đều trong ánh lửa. “Gần sàn nhà à?”
“Vâng,” Kate nói, “nhưng cháu tìm trên sàn nhà rồi. Dưới cái thảm. Khắp mọi nơi. Len thì vẫn còn đó. Đúng chỗ cháu đã để.”
“Ôi trời,” bà May khẽ thốt lên, “đừng nói là họ cũng ở trong ngôi nhà này đấy chứ!”
“Ai cơ ạ?” Kate hỏi.
“Những Người Vay Mượn,” bà May nói, và trong ánh sáng chập chờn bà trông như đang mỉm cười.
Kate nhìn chằm chằm hơi sợ hãi. “Có những thứ như thế ư?” cô bé hỏi sau giây lát.
“Như gì nào?”
“Như là người, loại người khác, sống trong một ngôi nhà và... mượn đồ đạc?”
Bà May đặt miếng đan xuống. “Cháu nghĩ sao?” bà hỏi.
“Cháu không biết,” Kate vừa nói vừa giật mạnh nút giày. “Không thể có những người như thế được. Nhưng vẫn có,” cô bé ngẩng đầu lên, “... vẫn có những lúc cháu nghĩ chắc chắn là có.”
“Tại sao cháu lại nghĩ chắc chắn là có?” bà May hỏi.
“Vì tất cả những thứ đã biến mất. Kim băng chẳng hạn. Các nhà máy cứ tiếp tục sản xuất kim băng, và hàng ngày người ta cứ tiếp tục mua kim băng ấy thế nhưng chẳng hiểu sao cứ đến lúc ta cần thì lại không có chiếc kim băng nào hết. Chúng đâu cả rồi? Bây giờ, ngay đúng phút này? Chúng đi đâu kia chứ? Chẳng hạn như những cái kim,” cô bé nói tiếp, “Tất cả những cái kim mẹ cháu từng mua - phải đến hàng trăm cái - không thể nào chỉ nằm lăn lóc trong ngôi nhà này.”
“Không nằm lăn lóc trong nhà, không,” bà May đồng ý.
“Và tất cả các đồ vật khác mà chúng ta vẫn mua hết lần này đến lần khác nữa. Nữa, nữa và nữa. Như bút chì rồi hộp diêm rồi xi gắn rồi kẹp tóc rồi đinh ghim rồi cái đê...”
“Và kim kẹp mũ,” bà May chen vào, “và giấy thấm.”
“Vâng, giấy thấm,” Kate đồng ý, “nhưng không có kim kẹp mũ.”
“Điều đó thì cháu nhầm rồi,” bà May nói, và bà lại tiếp tục đan. “Có một lý do cho kim kẹp mũ.”
Kate nhìn chằm chằm. “Có một lý do?” cô bé nhắc lại. “Ý cháu là... lý do kiểu gì?”
“Ừ, thực ra là có hai lý do. Kim kẹp mũ là một vũ khí cực kỳ hữu ích và” - bà May tự nhiên cười - “nhưng tất cả đều có vẻ như rất vô lý và” - bà ngập ngừng - “chuyện cũng lâu lắm rồi!”
“Nhưng bà kể cho cháu nghe đi,” Kate nói, “kể cho cháu nghe làm sao bà biết về kim kẹp mũ. Bà đã từng nhìn thấy cái nào chưa?”
Bà May giật mình liếc nhìn cô bé. “À có, có...” bà bắt đầu.
“Không phải kim kẹp mũ,” Kate kêu lên nôn nóng, “mà là một người-gì-gì-đó-như-bà-đã-gọi-họ, một Người Vay Mượn ấy ạ?”
Bà May hít một hơi thật mạnh. “Không,” bà nói nhanh, “ta chưa bao giờ nhìn thấy người nào cả.”
“Nhưng có người khác đã nhìn thấy,” Kate thét lên, “và bà biết điều đó. Cháu có thể thấy là bà biết!”
“Suỵt,” bà May nói, “không cần phải hét lên thế!” Bà nhìn xuống khuôn mặt đang ngẩng lên, rồi bà mỉm cười và ánh mắt bà trượt ra phía xa xăm. “Ta có một người em trai...” bà bắt đầu một cách lưỡng lự.
Kate quỳ trên chiếc gối. “Và ông ấy đã nhìn thấy họ!”
“Ta không biết,” bà May lắc đầu nói, “ta thật sự không biết!” Bà trải đều miếng len đan trên đầu gối. “Nó luôn đùa cợt. Nó kể cho chúng ta nhiều chuyện - em gái ta và ta - những chuyện không có thật. Nó chết rồi,” bà nhẹ nhàng nói thêm, “nhiều năm trước đây, ở tỉnh Biên giới Tây Bắc. Nó đã trở thành đại tá trung đoàn. Nó chết theo cách mà người ta gọi là ‘sự hy sinh của người anh hùng’...”
“Ông ấy là người anh em trai duy nhất của bà ư?”
“Phải, và nó là em út của chúng ta. Ta nghĩ đó là lý do vì sao” - bà suy nghĩ một lát, vẫn đang tự mỉm cười với mình - “phải, vì sao nó lại kể cho chúng ta những câu chuyện không có thật, những tưởng tượng kỳ lạ tới vậy. Nó ghen tị, ta nghĩ vậy, vì chúng ta lớn hơn nó - và đọc thạo hơn. Nó muốn gây ấn tượng với chúng ta; có thể nó muốn làm chúng ta sửng sốt. Ấy thế nhưng” - bà nhìn vào bếp lửa - “có cái gì đó ở nó - có thể bởi vì chúng ta đã lớn lên tại Ấn Độ với những bí ẩn, phép màu và huyền thoại quanh mình - cái gì đó đã làm chúng ta nghĩ rằng nó nhìn thấy những điều mà người khác không thể nhìn thấy được; có những lúc chúng ta biết rằng nó đang trêu đùa, nhưng còn những lúc khác - ừm, chúng ta cũng không chắc chắn lắm...” Bà cúi người về phía trước và gọn gàng quét tro vụn dưới ghi lò, rồi tay vẫn cầm chổi, bà lại nhìn chằm chằm vào đống lửa. “Nó không phải một cậu bé khỏe mạnh lắm: lần đầu tiên khi trở về từ Ấn Độ nó đã bị sốt do thấp khớp. Nó lỡ cả một học kỳ và bị đưa về nông thôn để hồi phục. Đến nhà một bà dì. Sau này ta cũng đã đến đó. Đó là một ngôi nhà cổ kỳ lạ...” Bà treo chổi lên cái móc bằng đồng, lau bụi trên tay bằng chiếc khăn mùi soa, rồi cầm miếng đan lên. “Phải châm đèn lên thôi,” bà nói.
“Khoan đã,” Kate nằn nì, cúi người về phía trước. “Xin bà tiếp tục đi. Xin bà kể cho cháu...”
“Nhưng ta đã kể cho cháu rồi mà.”
“Không, chưa. Ngôi nhà cổ ấy - có phải đó là chỗ ông ấy đã nhìn thấy - ông ấy đã nhìn thấy...?”
Bà May cười. “Chỗ nó đã nhìn thấy những Người Vay Mượn? Phải, đó là điều mà nó đã kể cho chúng ta... điều mà nó muốn chúng ta tin. Và hơn nữa, có vẻ như không chỉ nhìn thấy họ mà nó còn biết rất rõ về họ; nó đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ; thực ra ta gần như có thể nói chính nó đã trở thành một Người Vay Mượn...”
“Ôi, kể cho cháu đi, cháu xin bà. Bà cố gắng nhớ đi. Ngay từ đoạn đầu ấy!”
“Nhưng ta vẫn nhớ đấy chứ,” bà May nói. “Kỳ lạ ở chỗ ta nhớ nó rõ hơn nhiều chuyện thật đã xảy ra. Có thể đó là chuyện thật. Chỉ là ta không biết thôi. Cháu biết không, trên đường trở lại Ấn Độ em trai ta và ta ở chung một khoang tàu - em gái ta thường ngủ với cô gia sư - và, trong những đêm rất nóng nực đó, nhiều lúc chúng ta không ngủ được; vậy là em trai ta lại nói chuyện hàng tiếng hàng tiếng đồng hồ, nhắc lại những câu chuyện cũ, kể lại các cuộc nói chuyện, kể đi kể lại cho ta các chi tiết - tự hỏi họ có khỏe không, đang sống ra sao và...”
“Họ? Họ là ai - chính xác họ là ai?”
“Homily, Pod và Arrietty bé nhỏ.”
“Pod?”
“Phải, ngay cả cái tên của họ nghe cũng thật kỳ lạ. Họ tưởng tượng rằng họ có tên riêng của mình - khá khác biệt với tên của loài người - nhưng chỉ thoáng nghe ta cũng có thể thấy chúng đã được mượn. Ngay cả tên của bác Hendreary và Eggletina. Tất cả những gì họ có đều là vay mượn; họ không có bất cứ cái gì là của riêng họ cả. Chẳng có gì. Tuy nhiên, em trai ta nói họ rất dễ tự ái và kiêu ngạo, và họ nghĩ rằng họ sở hữu cả thế giới.”
“Ý bà là sao?”
“Họ nghĩ rằng loài người chỉ được tạo ra để làm công việc nặng nhọc - những kẻ nô lệ khổng lồ sinh ra để họ sử dụng. Ít ra đó là điều họ nói với nhau. Nhưng em trai ta nói rằng dưới vẻ bề ngoài đó, nó nghĩ họ sợ hãi. Là vì họ sợ hãi, nó nghĩ, cho nên họ mới trở nên bé như thế. Mỗi một thế hệ lại một bé hơn và ẩn khuất hơn. Ngày xửa ngày xưa, dường như vậy, và ở nhiều nơi trên nước Anh, tổ tiên chúng ta đã nói khá công khai về những ‘người tí hon’.”
“Vâng,” Kate nói, “cháu biết.”
“Ngày nay, ta cho rằng,” bà May chậm rãi nói tiếp, “nếu họ có còn tồn tại chăng nữa, thì ta cũng chỉ tìm thấy họ trong các ngôi nhà cũ kỹ và yên tĩnh ở vùng nông thôn hẻo lánh - và chỗ nào con người sống theo lệ thường. Lệ thường là cái bảo vệ họ. Họ phải biết được những phòng nào sẽ được sử dụng và sử dụng khi nào. Họ không ở lâu những chỗ có người cẩu thả hay có trẻ con ương ngạnh, hoặc có một số loại vật nuôi nhất định.
“Cái ngôi nhà đặc biệt ấy, tất nhiên, là lý tưởng - tuy rằng đối với một vài người trong số họ thì hơi lạnh lẽo và trống trải. Bà dì Sophy nằm liệt giường, do một tai nạn khi đi săn khoảng hai mươi năm trước, còn về những người khác thì chỉ có bà Driver đầu bếp, Crampfurl làm vườn, và thỉnh thoảng có một người hầu không thường xuyên hay gì đó. Em trai ta, khi nó đến đó sau hồi bị sốt do viêm khớp, cũng phải nằm hàng giờ trên giường, và trong những tuần đầu có vẻ như những Người Vay Mượn không biết tới sự tồn tại của nó.
“Nó ngủ trong căn phòng cũ dành cho trẻ con, phía sau phòng học. Phòng học hồi đó được phủ khăn, bọc vải và đầy đồ lặt vặt bỏ đi - những hòm những xiểng linh tinh, một cái máy khâu hỏng, một bàn viết, một con ma-nơ-canh của thợ may, một cái bàn, vài cái ghế, và một chiếc piano cơ không dùng nữa - vì những đứa trẻ từng sử dụng phòng này, con cái của bà dì Sophy, đã lớn từ lâu, đã kết hôn, đã qua đời hoặc chuyển đi chỗ khác. Căn phòng trẻ con mở ra phía phòng học và từ giường mình em trai ta có thể nhìn thấy bức tranh sơn dầu trận Waterloo treo trên lò sưởi phòng học và, ở trên tường, một chiếc tủ lắp kính, và bên trong tủ, treo trên móc và giá, là một bộ ấm tách trà của búp bê - rất dễ vỡ và cũ kỹ. Ban đêm, nếu cửa phòng học mở, nó có thể nhìn dọc hành lang sáng đèn dẫn đến đầu cầu thang, và nó cảm thấy được an ủi khi nhìn thấy, vào lúc hoàng hôn, bà Driver xuất hiện ở đầu cầu thang và đi ngang qua lang mang một khay đựng bánh bích quy Bath Oliver và bình pha lê cao đựng rượu vang Fine Old Pale Madeira cho bà dì Sophy. Khi đi ra, bà Driver dừng lại và vặn nhỏ đèn khí ga trong hành lang cho đến độ chỉ còn là ngọn lửa xanh mờ, và rồi nó nhìn theo khi bà đi cồm cộp xuống cầu thang, từ từ chìm xuống khuất khỏi tầm mắt giữa những con tiện cầu thang.
“Dưới lối đi này, trong hành lang tầng dưới, có một chiếc đồng hồ, và suốt đêm nó nghe đồng hồ đổ chuông điểm mỗi giờ qua. Đó là một chiếc đồng hồ quả lắc to và rất cũ. Ông Frith từ thị trấn Leighton Buzzard hàng tháng đến để lên giây, như bố ông ta và trước đó nữa là ông bác của ông vẫn làm. Trong tám mươi năm, họ nói (và đây là điều ông Frith biết chắc chắn) chiếc đồng hồ chưa từng dừng lại và, như tất cả mọi người được biết, cả nhiều năm trước đó nữa. Điều thú vị là - chiếc đồng hồ chưa bao giờ được phép di chuyển đi. Nó đứng sát ván ốp chân tường, và các phiến đá lát sàn xung quanh nó đã được lau nhiều đến nỗi có một cái bệ nhỏ, em trai ta kể, nhô lên ở bên trong.
“Và, dưới cái đồng hồ ấy, dưới cái ván ốp, có một cái lỗ...”
Tác giả: Wa.nK
Hình ảnh: Wa.nK
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Từ khóa » Phim Những Kẻ Vay Mượn Gia đình Tí Hon
-
NHỮNG NGƯỜI VAY MƯỢN TÍ HON - Phimhot
-
Review Phim Những Kẻ Vay Mượn - Gia Đình Tí Hon - Phim Nhanh
-
Xem Phim Những Người Vay Mượn Tí Hon FULL HD - Thuyết Minh
-
Phim Những Người Vay Mượn Tí Hon | The Borrower Arrietty
-
Xem Phim Những Người Vay Mượn Tí Hon Full HD
-
Healthy - Tóm Tắt Phim _ Những Kẻ Vay Mượn | Facebook
-
Cô Gái Tí Hon - The Secret World Of Arrietty | Full HD - Phim Chất
-
Review Sách Những Người Vay Mượn Tí Hon (Tái Bản 2015)
-
Cô Gái Tí Hon The Secret World Of Arrietty 2010 - Phim Mới
-
Arrietty: Thế Giới Tuyệt đẹp Và Triết Lý đáng Yêu Của Người Vay Mượn ...
-
“Những Người Vay Mượn Tí Hon”: Một Cuốn Sách Cần được Chia Sẻ