[Review] Được Học (Educated) – Tara Westover - Người Ham đọc

Đi vệ sinh xong thì phải rửa tay không?Tại sao phải rửa? “*Tôi có đái vào tay của mình đâu *!’’

**| Được học (Educated), Tara Westover, 2018 |

Cuốn sách mình đang sắp tiết lộ cho các bạn là một quyển Tự truyện kể về hành trình đấu tranh của một cô gái tên Tara ở vùng núi xa xôi của Idaho nước Mỹ, để được đến trường.

Tara Westover được sinh ra trong một gia đình có 6 anh chị em với người bố bị* chứng rối loạn lưỡng cực*, luôn sống trong nỗi sợ của ám ảnh về “Ngày tận thế”, là người quyền lực nhất trong gia đình cùng người mẹ có “mối tận tâm dành cho hôn nhân và thiên chức làm mẹ”.

Gia đình của Tara không có sổ khám bệnh vì họ không bao giờ đi bệnh viện, vì người bố tin rằng bác sĩ là lũ giết người, hay việc đi đến trường học không khác gì việc chấp nhận để nhà nước tẩy não . Tất cả các loại bệnh đều được chữa bằng thảo dược của người mẹ, cả những lần chân của Tara bị đâm thủng bởi thanh sắt khi làm việc ở bãi phế liệu, cẳng chân của người anh trai Luke bị cháy gần hết, hay là ngay cả lúc khuôn mặt người bố như không còn da vì vụ nổ bình xăng,…

Phi thường

Tara năm 17 tuổi đã đấu tranh với gia đình đến “trầy da tróc vẩy” để được đi học.

Mình năm 17 tuổi giận bố mẹ vì không được phép ăn vặt bên ngoài vì không tốt cho sức khoẻ.

Cuốn sách được xuất bản vào năm 2018, có tổng cộng 3 phần bao gồm 40 chương, là thước phim quay ngược lại tuổi thơ trên núi Buck của Tara, kể lại quá trình lột xác từ một cô gái bị ám ảnh bởi hình ảnh xấu xí của chính bản thân mình trong gương khi bị người anh trai tống đầu vào bồn cầu, không dám mặc váy ngắn trên đầu gối vì cô được giáo dục rằng đấy là cách ăn mặc của những ả điếm, luôn nghi ngờ về bản ngã của chính bản thân mình, và bây giờ trở thành một cô gái mà Bill Gates cũng ngưỡng mộ.

Đáng khâm phục

Tara đậu trường Đại học Brigham Young (BYU) sau hai lần thi. Một cô gái 17 tuổi không biết giấy thi trắc nghiệm là gì, bẽ mặt với bạn học đại học vì không biết nghĩa của từ “The Holocaust” (diệt chủng Do Thái), không biết học thi là phải học giáo trình, không biết cách đặt các dấu chấm câu, nhưng bằng nỗ lực và ý chí phi thường, sau 10 năm được học, cô đã vượt qua tất cả, trở thành tiến sĩ ngành Sử học của trường Đại học Cambridge lừng danh và tự viết nên cuốn sách “Educated”- với bản tiếng Việt là “Được học” gây tiếng vang trên toàn thế giới.

“Các bạn có thể gọi bản ngã này bằng nhiều cái tên. Biến hình. Lột xác. Dối trá. Phản bội. Tôi gọi nó là hành trình giáo dục.”

Mình tin rằng, mỗi người sẽ có một trải nghiệm rất riêng khi đọc quyển tự truyện tuyệt vời này. Với mình, cuốn sách đã dạy mình rất nhiều bài học tâm đắc và dấy lên nhiều câu hỏi:

  1. Nhà là nơi mà khi đi xa chúng ta luôn mong để quay trở về, bởi nó là khởi nguồn của đầy yêu thương và hạnh phúc. Nhưng sự yêu thương đó nếu được thể hiện không đúng cách thì theo mình, đó là *sự mất mát *rất lớn. Bố mẹ Tara yêu thương cô, cô cũng yêu gia đình mình, nhưng cuối cùng cô đã quyết định đi tiếp con đường đã chọn mà không có bóng dáng của họ. Mình sẽ ghi tâm điều này, và sẽ yêu thương bố mẹ nhiều hơn nữa, vì mình là một người may mắn hơn Tara.
  2. Đâu đấy trên thế giới còn nhức nhối vấn đề bình đẳng giới, không chỉ ở những nước đang phát triển mà còn cả những nước tiên tiến như Mỹ.  Mẹ của Tara thương yêu Tara, nhưng lại phục tùng người bố bị chứng hoang tưởng bởi quyền lực trụ cột trong gia đình. Josh – người bạn của Tara ở BYU cho rằng, một người phụ nữ có ước mơ học luật không nên học luật vì người phụ nữ được tạo ra nên chỉ có tham vọng với những đứa con, không phải địa vị xã hội hay kiến thức.

Các bạn có đang yêu thương những người phụ nữ xung quanh của mình không, khi mà họ sinh ra đã phải đối mặt với sự xung đột của nghĩa vụ “với gia đình, với xã hội, với bạn hữu, với bản thân”?

  1. Giáo dục, kiến thức không những giúp mình mà còn giúp người. Nếu như gia đình của Tara có nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc đến trường, thì cẳng chân bị cháy của người anh trai Luke sẽ không được sơ cứu trong thùng rác, người mẹ sẽ không phải chịu đau đớn khi bị vỡ sọ, Tara sẽ không phải tổn thương khi phải tự mình chia cắt quan hệ máu mủ với gia đình.
  2. Bạo lực gia đình là một thứ gì đấy như lưỡi dao lam mỏng vô cùng sắc bén, hữu hình nhưng lại vô hình. Được điều khiển bằng một bàn tay quyền lực bí ẩn, lưỡi dao nhẹ nhàng cứa một đường sâu thật sâu vào da thịt, vào tâm hồn chúng ta, vào những người xung quanh.

*Nỗi đau hiện hữu nhưng tại sao con người chúng ta lại khó ý thức được sự hiện diện của nó?

Ngoài đấy, xã hội đang nỗ lực đấu tranh đẩy lùi nạn bạo lực gia đình, nhưng hiệu quả sẽ đi đến đâu, khi mà chính nạn nhân không nhận ra mình chính là nạn nhân và cần phải đứng dậy đấu tranh?*

**“Không ai ngoài chúng ta có thể giải phóng tinh thần của chính mình.” **

Mặc dù cả trái tim và thể xác hằn nhiều vết sẹo chi chít, nhưng Tara – cô gái không được đến trường cho đến năm 17 tuổi, luôn hoài nghi về bản thân đã vượt lên và thay đổi số phận, tìm được bản ngã của chính mình và dũng cảm tiến bước trên con đường cô ấy chọn.

Từ khóa » Educated được Học