#review: Lệ Cơ Truyện – Vungnganh

Mình vừa hoàn thành bộ Lệ Cơ Truyện (2017) của Trương Bân Bân và Địch Lệ Nhiệt Ba, đây là lần đầu tiên mình viết một review phim tử tế (so với trước đây), mình chọn viết trên wordpress vì để trên Instagram hay Facebook cảm thấy không đủ chỗ viết (thực ra là mình không thích lắm).

Lý do mình chọn bộ Lệ Cơ Truyện để xem thay vì ngồi cày một loạt series của Netflix là bởi vì muốn luyện nghe tiếng Trung do bỏ bê lâu lắm rồi, tiếp đến là vì Địch Lệ Nhiệt Ba rất rất rất xinh cũng như Trương Bân Bân đẹp trai bộ đôi chemistry của Tam Sinh Tam Thế Thập Lý Đào Hoa (dù bộ này mình xem qua nhưng do không thể ngấm được diễn xuất của Dương Mịch nên đành bỏ xó).

1. Dàn diễn viên: Như đã đề cập ở trên thì mình xem phim vì có Địch Lệ Nhiệt Ba, mình cảm thấy trong bộ cổ trang mới này thì Địch Lệ Nhiệt Ba có tiến bộ trong diễn xuất hơn hẳn những bộ trước (đặc biệt là bộ Liệt Hoả Như Ca mình đã bỏ khi tập 10 vì không thể chịu được cách trang điểm cũng như diễn xuất quá cứng của Nhiệt Ba), nhưng bộ Lệ Cơ Truyện này thì có lời khen, mặc dù theo mặt bằng chung thì là chưa hẳn tốt lắm. Còn về phía Trương Bân Bân, mình thấy Trương Bân Bân luôn hợp đóng những vai cổ trang, mình chưa xem phim hiện đại của Bân Bân, nhưng phải thừa nhận thần thái của Bân Bân khi đóng cổ trang thì khí chất hơn người thật sự luôn, dù là đóng chính diện hay phản diện, thì Bân Bân đều truyền tải được hồn của nhân vật. Đặc biệt nhân vật của Bân Bân trong Lệ Cơ Truyện lại biến hoá: khi thì là vị vua yêu say đắm phu nhân của mình, khi thì là sự đau đớn tự tay giết người thân của mình, khi thì là sự tàn bạo của vị đế vương của Trung Hoa. Dàn diễn viên phụ thì mình hơi thất vọng, nhất là khi so với các bộ cổ trang khác, đường đường là những mỹ nữ phi tần trong cung Tần nhưng cô nào cô nấy trông cũng quê và không hợp mắt. Nhân vật nam phụ thì cũng không thể khá khẩm hơn được.. Tóm lại, về tổng thể dàn diễn viên thì chỉ có hai nam nữ chính là nổi bật nhất, nhưng dù là hai người có nổi bật đến mấy thì cũng không cứu được những diễn viên phụ còn lại, mình để phần này 6/10.

2. Trang phục và bối cảnh: Nhắc đến cổ trang, phim có thu hút được người xem ngoài dàn diễn viên và nội dung ra thì trang phục cũng là phần gỡ gạc lại một số ít người chấp nhận xem tiếp dù nội dung có đáng chán ra sao. Trang phục trong phim này mình đánh giá là rất đầu tư, đặc biệt những bộ hoàng bào của Tần Thuỷ Hoàng hay là những bộ đồ mặc bình thường của vua thôi cũng làm toả ra khí chất cao ngạo của vua. Dàn hậu cung phi tần của vua cũng được mặc đồ rất đẹp và sang, trang phục của Lệ Cơ thì khỏi nói rồi, đẹp đến mức mà dù Lệ Cơ có vấn tóc như Tổ thái hậu thì vẫn toả được một nét đẹp sang trọng và nhan sắc đỉnh cao mà lại không hề bị già. Những phi tần hậu cung khác cũng rất ổn, màu sắc tao nhã thanh lịch, mỗi một bộ trang phục lại có một màu phù hợp với tính cách của từng nhân vật trong hậu cung. Điểm trừ duy nhất là phi tần chỉ có mỗi một bộ đồ mặc quanh năm suốt tháng nên nhiều khi xem sẽ cảm thấy hơi chán, dù nhân vật chính được thay trên dưới năm bộ. Bối cảnh phim là thời chiến tranh 6 nước chư hầu trong đó nước Đại Tần là nước mạnh nhất lúc bấy giờ, mặc dù khi ấy chưa có Tử Cấm Thành nhưng mà Tần cung vẫn thực sự nguy nga tráng lệ, không thua kém bất cứ phim cổ trang nào. Mình để phần này 8/10.

3. Nội dung: 〰️ Lệ Cơ Truyện làm dựa theo tiểu thuyết “Tần thời minh nguyệt tiền truyện” nên cũng có kha khá yếu tố hư cấu trong đó, theo tìm hiểu của mình thì trong lịch sử Trung Hoa có tồn tại nhân vật Lệ Cơ, tuy nhiên có tồn tại thời Tần không thì mình không rõ, vì không có nguồn chính thống nào đề cập đến vấn đề này. Lệ Cơ là tôn nữ kiêm đệ tử của đại tướng Vệ quốc Công Tôn Vũ, Lệ Cơ cùng đại đệ tử của Công Tôn Vũ – Kinh Kha là thanh mai trúc mã. Đại quân Tần quốc đánh Vệ quốc, Công Tôn Vũ vì bảo vệ Lệ Cơ và Kinh Kha nên đã hi sinh. Kinh Kha mang Lệ Cơ chạy trốn đến Tề. Lệ Cơ có khuôn mặt xinh đẹp, kinh động thiên hạ, khiến Tần vương biết được , lệnh Tề Vương thiết lập quan hệ giao Lệ Cơ ra. Lệ Cơ sau khi bị bắt tới Tần cung, mới biết mình có thai với Kinh Kha, vì bảo vệ huyết mạch của Kinh Kha, Lệ Cơ ở lại Tần cung. Thực tế bộ phim này sai sử khá nhiều, đặc biệt trong việc khắc hoạ Tần Vương mưu mô xảo quyệt, đa nghi bậc nhất thiên hạ, thủ đoạn độc ác tàn nhẫn để đạt được mục đích thống nhất Trung Hoa đế quốc không rõ; thay vào đó lại biến Tần Vương thành một kẻ si tình chỉ biết theo đuổi tình yêu của cuộc đời. Không những vậy, ngay cả dàn phi tần hậu cung cũng không được đề cập về lai lịch cho nên khiến người xem cảm thấy khó hiểu khi xuất hiện những nhân vật này cùng với những yếu tố slow-motion được lạm dụng quá nhiều khiến mạch phim chậm rãi và lê thê lên gấp 10. 〰️ Mặc dù trong tiểu thuyết thì nhân vật chính ở đây là Khinh Kha, không hiểu sao lên phim thì nhân vật chính chuyển qua là Tần Thuỷ Hoàng. Nhưng không sao, vì phim tập trung vào tình yêu của Lệ Cơ và Tần Vương nên mình sẽ nói rõ hơn về phần này. 🔸 Từ ngày bé, Tần Doanh Chính đã phải sang nước khác để làm con tin, trong khoảng thời gian chạy trốn bất thành và suýt bị giết đã được Công Tôn Lệ khi ấy cứu giúp, vì mang ơn Công Tôn Lệ từ khi ấy nên Tần Doanh Chính luôn nhớ về cô và đem lòng ôm mối tình từ khi đó. Sau 9 năm đăng cơ từ khi 13 tuổi, gặp lại Công Tôn Lệ trong khi giả trang vi hành, Tần Doanh Chính đã bày mưu hạ độc Khinh Kha và dán lệnh truy nã để tìm được Công Tôn Lệ về Tần cung và chính thức phong Công Tôn Lệ làm Tứ phẩm lương nhân hiệu là Lệ Cơ. Mặc dù Lệ Cơ vào Tần cung khi ấy là do bất đắc dĩ đến gặp Tần Vương để đổi lấy thuốc giải cho nhị sư huynh của mình, Lệ Cơ yêu Khinh Kha sâu sắc, vào Tần cung rồi vẫn mang trong mình nỗi nhớ khôn nguôi vị nhị sư huynh kia. Nói đến tình yêu, cũng phải nói đến Tần Vương trong phim này, một người đàn ông ngay từ ngày bé đã không có hạnh phúc trọn vẹn, bị đem sang nước khác làm con tin, đăng cơ từ khi còn quá trẻ và bị quan thần coi là vị vua bù nhìn,.. dần dần sinh ra bản tính đa nghi quá độ, chính bản tính này cũng khiến cho Tần Vương sau này phải hối hận. Nhưng, một người đàn ông mang trong mình quá nhiều vết sẹo như vậy, vẫn bao dung Lệ Cơ khi biết tin Lệ Cơ có thai 3 tháng với Khinh Kha, vẫn chấp nhận để Lệ Cơ sinh con trong Tần cung và bảo vệ mẹ con Lệ Cơ nơi cung đấu đầy hiểm nguy chỉ trực chờ kẽ hở là hại nhau, luôn nhận Thiên Minh là con của mình và Lệ Cơ,.. Đường đường là một vị vua đứng đầu thiên hạ, trên cả vạn người, nhưng chỉ cần người đó là Lệ Cơ thì Tần Vương “ta thà phụ thiên hạ chứ không phụ nàng”, đến mức là Tần Vương phải thốt lên: “Ta hế cách với nàng rồi.” Tần Vương đắm say Lệ Cơ như vậy, dù chỉ là có những người động vào một sợi tóc của Lệ Cơ, Tần Vương sẵn sàng truy hỏi tội danh ngay lập tức. Một trong những phân cảnh thể hiện chân thật nhất tình yêu của Tần Vương dành cho Lệ Cơ là khi hai người sang nước Hàn và gặp nạn, phải giả trang thành người dân thuê nhà ở đợi quân Tần đến đón, lúc này Lệ Cơ đã cho Tần Vương biết chuyện mình có long chủng, ánh mắt của Tần Vương khi ấy thật sự là rất hạnh phúc, và cái ôm của Tần Vương dành cho Lệ Cơ sau bao tháng ngày tủi hờn rất ấm áp, là vua nhưng khăng khăng đẩy Lệ Cơ ra và nói: “Nàng đang mang long chủng, không thể nấu cơm được, để đó cho ta nấu, nàng vào nghỉ ngơi đi. Chỉ là nấu cơm thôi mà, ta nấu cho nàng ăn.” Thực ra, tình yêu của Tần Vương luôn ngập tràn trong mỗi câu mỗi từ dành cho Lệ Cơ, dù nhiều lúc mang tính sở hữu và tàn bạo quá nhiều, nhưng với một người độc đoán ngay từ tính cách, thì đây cũng là một điều dễ hiểu. Ngay cả chuyện hằng đêm Tần Vương chỉ ngủ một mình, không bao giờ qua đêm ở cung của phi tần (theo mình hiểu là vì do quá đa nghi, lo lắng sợ sẽ bị ám sát nên chỉ qua thị tẩm chứ không bao giờ ngủ lại), Lệ Cơ lại là một ngoại lệ, Tần Vương sẵn sàng đến ngủ lại, chải tóc cho nàng, đút từng miếng cháo cho nàng ăn hay cùng nàng chạy quanh phòng, những điều đó cho thấy tình cảm của Tần Vương sâu sắc đến nhường nào. 🔸 Về phía Lệ Cơ, tư thù Tân Vương vì cảnh chiến tranh bạo loạn không dứt, nhân dân lầm than, ông nội mất trong lần giao chiến với quân nhà Tần, tôn chỉ cuộc đời là phải ám sát Tần Vương theo di nguyện của ông nội; nên khi ban đầu vào Tần cung, Lệ Cơ vẫn mang trong mình sẽ lấy lòng Tần Vương để giết vua và đương nhiên là đều bị phát hiện khi vị vua này mang tính đa nghi. Nhưng rồi thời gian qua, Lệ Cơ cũng dần quên đi mối thù ấy, bằng chứng là khi cô nói với đại sư huynh của mình: “Chỉ trách kiếp này Lệ Nhi đã quá bất hiếu.” khi đại sư huynh hỏi cô phải lòng Doanh Chính phải không. Một phân cảnh cho thấy được tình cảm của Lệ Nhi nhen nhóm dành cho Doanh Chính là khi Doanh Chính giao trả lại cho Lệ Nhi chiếc đoản kiếm (Lệ Nhi bị thu đoản kiếm từ lúc nhập cung, đề phòng chuyện dùng kiếm ám sát vua) và cảnh cho thấy sự bùng phát trong tình cảm của Lệ Nhi dành cho Doanh Chính là trong lần lập kế hoạch giải cứu Yên thái tử Đan và bị bắt cóc, Lệ Nhi ngay khi thấy Doanh Chính đã sà vào lòng Doanh Chính và nói: “Đại vương, thiếp về rồi đây.” phải qua bao nhiêu biến cố, hiểu được tình cảm của chính bản thân mình dành cho kẻ thù của đất nước mình, luôn phải chọn giữ bên tình bên hiếu thì Lệ Nhi mới nói được ra câu nói đầy tình cảm đó. Không những vậy, ngay cả trong lúc nơi ngục tù tối tăm, bị nhục hình đau đớn vì Tần Vương nghi ngờ lòng trung thành của Lệ Cơ với nước Tần, Lệ Cơ vẫn nói với Thanh Nhi (hầu nữ thân cận của mình) rằng: “Nỗi đau của ta chỉ là bên ngoài da thịt, làm sao có thể sánh với nỗi đau trong lòng của Đại vương được.” dù thế nào, Lệ Nhi vẫn luôn sẵn lòng ở bên Đại vương giúp ngài trong chuyện triều chính cũng như cùng ngài ra chiến trường để hoàn thành mục đích hợp nhất 6 nước chư hầu, vậy là đủ hiểu được tấm lòng Lệ Cơ dành cho Doanh Chính là thật hay giả rồi. 🔸 Khinh Kha – người yêu Công Tôn Lệ và cũng là người đầu tiên Công Tôn Lệ yêu, tuy nhiên Khinh Kha không đủ bao dung vớ Công Tôn Lệ. Khinh Kha sẵn sàng đuổi Công Tôn Lệ đi khi Công Tôn Lệ nói đã sinh cho Doanh Chính một người con, Khinh Kha sẵn sàng lăng mạ và sỉ nhục người con gái dành đêm đầu tiên cho mình. Ngay cả sau này với Cái Lan, Khinh Kha vẫn phụ Cái Lan, dù Cái Lan là người bên cạnh Khinh Kha khi mà Khinh Kha uống rượu như uống nước, bỏ bê kiếm thuật,.. Cái Lan đã vực Khinh Kha dậy, thậm chí Cái Lan còn nói nếu Công Tôn Lệ đã ra được Tần cung để về bên Khinh Kha thì cô chấp nhận để hai người hạnh phúc và rút lui. Nhưng rồi Khinh Kha vẫn phụ Cái Lan, không bảo vệ được cô đến cuối cùng. Sau này, Khinh Kha cũng hiểu được bản thân mình và trở nên sống có mục tiêu hơn. 🔸 Đại sư huynh của Lệ Nhi, cũng là một người yêu đơn phương Lệ Nhi, biết tin Lệ Nhi vào Tần cung liền xin vào làm lính gác cổng để âm thầm bảo vệ Lệ Nhi. Huynh sẵn sàng không động lòng với bất cứ một nữ nhi nào, chỉ để có cơ hội bảo vệ Lệ Nhi cả đời là đủ mãn nguyện. Ngay khi biết Lệ Nhi đã yêu Doanh Chính rồi vẫn không phản đối vì hạnh phúc của Lệ Nhi, khi thấy Lệ Nhi đau khổ vì Doanh Chính liền sẵn sàng chỉ vào mặt vua và nói ngươi chẳng đủ tư cách để làm tổn thương Lệ Nhi. Tình yêu đơn phương đâu thể cứ đơn phương được mãi, khi con người ta đủ khổ đau sẽ tự khắc rút lui. Vị đại sư huynh này cũng vậy, xin phép rời cung trở về với một cuộc sống thường dân an nhàn. Nhưng đối với Lệ Nhi vẫn còn tình nghĩa huynh đệ, vẫn dặn Lệ Nhi nếu có tủi thân hãy tìm đến huynh. 🔸 Ngoài ra, yếu tố cung đấu trong phim cũng không thật sự là xuất sắc như những phim cung đấu khác, điều mình hơi thắc mắc là phim này để Tần Thuỷ Hoàng hơi lơ là việc triều chính và hay chạy sang và lo chuyện của hậu cung từ Tổ thái hậu đến thất phẩm lương nhân dù người đứng đầu hậu cung là Tổ thái hậu và không có Vương hậu.

Có thể nói, Doanh Chính yêu Lệ Nhi sâu sắc, nhưng lại không tin tưởng nàng, ngay từ khi vào cung đã gài người bên cạnh để theo dõi mọi động thái của nàng, suy cho cùng, Doanh Chính phải trả giá cho điều đó khi cuối cùng Lệ Nhi tự đâm bản thân mình thay vì đâm Doanh Chính, Lệ Nhi còn nói: “Thiếp làm vậy để Đại vương hiểu, mất đi một người mà bản thân mình yêu nhất cuộc đời sẽ đau đớn đến thế nào.” Mình có đôi phần ngưỡng mộ Doanh Chính, ngưỡng mộ tình cảm mà ngài dành cho Lệ Nhi nhưng không thể không trách được chính tình cảm ấy đã làm Lệ Nhi khổ quá nhiều, làm gì hay nói gì cũng bị nghi ngờ, tình cảm dù chân thật đến mấy cũng không thể cảm hoá được tính cách của Tần Thuỷ Hoàng. Thực ra theo mình thì cái kết này của bộ phim khá ổn, không thừa không thiếu, sad ending như vậy là để Tần Vương hiểu được chính sự kiểm soát trong tình cảm có thể đẩy người mình yêu vào ngục tù của tinh thần, nếu đã là yêu thì hãy nên tin tưởng vào nhau. Nếu để happy ending thì người xem không thể nhận ra được sự đau khổ của Lệ Cơ trong chính tình yêu của mình, người xem sẽ luôn mặc định việc có một tình yêu giống như Tần Doanh Chính và Công Tôn Lệ là hạnh phúc là lớn lao; người xem cũng không thực sự biết được tình cảm của Lệ Nhi khi ấy mấy phần là chân thật mấy phần là giả dối.

Tạm kết, bộ phim này khá thích hợp cho các bạn thích văn hoá và nghệ thuật Trung Quốc, có thể xem để giết thời gian và giải trí được, đừng quá chú trọng đến lịch sử vì phim không tập trung vào cuộc chiến để thống nhất thiên hạ của Tần Thuỷ Hoàng, tuy nhiên với sự biến tấu hư cấu quá đà khiến mình không đánh giá cao bộ này lắm vậy nên mình để phần này là 5.5/10.

Xét thì bộ này mình để 5.5/10 là cao ấy, nhưng mà ít nhất thì ngoài bộ Diên Hi công lược thì đây là bộ phim cổ trang thứ hai mình xem hết nên mình nghĩ với số điểm kia cũng là thoáng. Vậy nên mọi người có thể tham khảo review của này của mình và chúc các bạn có phim hay để xem trong Tết và mình cũng sẽ cố gắng để phát triển mảng review trên wordpress và mảng travel (chia sẻ kinh nghiệm, tâm tư tình cảm sau mỗi chuyến đi), mong các bạn ủng hộ nha ^^.

Share this:

  • Tweet
Like Loading...

Related

Từ khóa » Dàn Diễn Viên Phim Lệ Cơ Truyện