Review Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ - Đừng đùa Với Tình Yêu Của Phái đẹp

Cái kết đắng cho gã doanh nhân chỉ biết kết hôn để sinh con, coi phụ nữ giống như một công cụ sinh nở. Thông điệp lộ liễu của Higashino Keigo trong tác phẩm Sự cứu rỗi của thánh nữ, đó là Đừng có đùa với tình yêu của phái đẹp, vì cái giá mà họ phải trả không hề rẻ một chút nào!

Một vụ đầu độc xảy ra ngay tại nhà. Nạn nhân là người chồng và hung thủ được tác giả tiết lộ ngay không ai khác chính là bà vợ hiền. Ở ngay chương 1, cô vợ thông minh xinh đẹp sắc sảo đã khoe với khán giả động cơ của chính mình “em yêu anh như vậy, mà anh nỡ lòng nào đối xử với em như thế, vậy thì anh…hãy chết đi”!

  • Bí mật của Naoko
  • Bạch dạ hành
  • Tên của trò chơi là bắt cóc

Lúc đầu khi đọc hết một loạt series của ông, đôi lúc độc giả có thể sẽ tự hỏi, phải chăng Higashino Keigo quá tàn ác với phụ nữ khi liên tục biến họ thành nhân vật phản diện. Từ Naoko, Suri, Yuhiko, Mifuyu cho tới 2 nhân vật nữ trong tác phẩm này. Số phận của họ, nếu không là chủ mưu giết người thì cũng ngoại tình với người đã có gia đình, hoặc chán đời hơn là tự tử, uất hận dằn vặt…

Nhưng khi đọc xong Sự cứu rỗi của thánh nữ, rất có thể chúng ta sẽ lại phải có một cách nhìn khác về quan điểm của ông. Rốt cuộc thì cái gì đã biến họ – những phụ nữ thông minh, sắc sảo, quyết đoán lại trở thành người xấu xa đáng sợ như vậy?

Rồi chúng ta sẽ nhận ra, đích thực Higashino viết về sự phản diện của phụ nữ, là để tôn vinh phụ nữ. Không phải chê bai, như chúng ta đã lầm tưởng

Giống như chuyện người con gái Nam Xương, số phận các nhân vật chính luôn bị xã hội tàn ác giày vò. Họ, xinh đẹp & thông minh, nhưng chưa đủ để chống chọi với sự nghiệt ngã của cuộc đời, những định kiến của xã hội. Cô vợ Ayane trong câu chuyện này là một phụ nữ như vậy. Cô ấy yêu phải một người chồng coi cô như một công cụ để sinh nở, không hơn không kém. Khi biết cô bị vô sinh, gã chồng ngay lập tức ngoại tình. Và khi bí mật quá khứ được lộ ra, trước khi kết hôn với cô, đã có bao nhiêu phụ nữ phải uất hận thậm chí là tự sát, chỉ bởi gã khốn mà họ yêu phải!

Rõ ràng nếu ngay từ đầu, một cô gái thực sự sắc sảo, giỏi giang và xinh đẹp như vậy có thể dễ dàng tìm cho mình một đức lang quân như ý, thì bi kịch đã không bao giờ xảy ra. Hoặc khốn nạn hơn, những gã đàn ông xung quanh họ, đều chẳng ra gì, đến mức họ chẳng kiếm được ai vừa ý. Như trong câu chuyện này, ngoài ông chồng thì bà vợ chỉ còn lại vài lựa chọn hiếm hoi, anh cảnh sát cục mịch đóng vai trai tốt điển hình chẳng hạn (mà rõ ràng là không thể nào tương xứng với trình độ tài năng và nhan sắc của chị ta)

Nhìn rộng ra, trong trường hợp của Naoko là khao khát một giấc mơ được làm lại cuộc đời, với Yukiho là ao ước thoát khỏi quá khứ đen tối, với Mifuyu là bất chấp mọi thủ đoạn để làm đẹp…Ở những người phụ nữ ấy họ đều có sự thông minh, có sự xinh đẹp, có một sự nghiệp vững chắc, gần như có thể có tất cả mọi thứ, nhưng…Chỉ vì một chữ nhưng mà rồi kết cục của họ, đều cay đắng trong con mắt của những người chứng kiến

Review sách Sự cứu rỗi của thánh nữ Higashino Keigo
Ảnh: Hàn Băng Tử Nhi

Thủ pháp giết người – Đáp án ảo

Tạm quên đi nét nhân văn cũng như ẩn ý sâu xa của tác giả, cuốn sách này đặc sắc bởi nó che giấu & phô diễn tài tình thủ pháp gây án – theo như cái cách mà Higashino gọi thì đó là Đáp án ảo!

Không nhiều tác giả trinh thám dám tiết lộ hung thủ ngay từ đầu. Bởi nếu biết rõ thủ phạm là ai thì cuốn sách phần nào sẽ kém bất ngờ và hấp dẫn! Thế nhưng có nhiều tác giả đủ tự tin, đủ dũng cảm để đi ngược lại với quy tắc này. Keigo là một trong số đó

Mục đích ở một cuốn trinh thám là hành trình khám phá ra chân tướng sự việc, tìm ra kẻ thủ ác, càng bất ngờ càng đặc sắc thì càng tốt. Danh tính của thủ phạm nếu xuất hiện ngay từ đầu giống như một con dao hai lưỡi, nếu như thủ pháp quá hay, quá đặc sắc thì sẽ tạo hiệu ứng tốt, ngược lại thì giống như một trò hề. Bởi vậy, những cuốn sách của Tử Kim Trần (như Mưu sát) hay Higashino Keigo (tác phẩm Phía sau nghi can x) đều chứng tỏ được thực lực tuyệt vời của họ, dù đã biết danh tính kẻ sát nhân song hành trình của độc giả vẫn không kém đi sự thú vị và luôn có đủ sự hồi hộp để khám phá tới từng trang sách cuối cùng.

Lần này tác giả Keigo tạo ra một người vợ hiền đảm đang xinh đẹp vào một hiện trường của một tội ác hoàn mỹ. Bằng việc gây ra án mạng trong khi không trực tiếp xuất hiện, hung thủ tạo cho mình một vỏ bọc vô cùng vững chắc, trong khi ông chồng ngoại tình vui thú với tình nhân và …lăn đùng ra chết vì chất thạch tín có trong cà phê!

Sự cứu rỗi của thánh nữ
Ảnh: sam21

Cảnh sát bó tay vì không thể giải thích nổi vì sao cà phê lại được bỏ độc. Nhiều ý tưởng được đề ra nhưng đều bị bác bỏ bởi sự thiếu khả thi của nó. Chẳng hạn như bỏ độc vào nước khoáng trong tủ, hay bỏ thạch tín vào bột cà phê…

Nhân vật giáo sư vật lý thiên tài Yukawa sau nhiều lần suy nghĩ đã vẽ nên một ý tưởng táo bạo, là lời giải cho bài toán này, phương án rất ảo nhưng lại khả thi. Đúng là người bình thường thì không thể nào nghĩ ra nổi được cách thức giết người ghê gớm như thế, ấy vậy mà vị giáo sư này lại nghĩ ra được, có thể đây là điều hơi thiên vị từ chính tác giả!

Thủ pháp gây án của hung thủ có thể nói là độc đáo đến không thể tin nổi. Độc giả khi đọc xong sẽ không thể không cảm khái, cô vợ Ayane phải là người kiên trì như thế nào mới có thể tạo ra một cách thức ảo diệu vô lý đến thế, phải lạnh lùng như thế nào mới xuống tay được tàn nhẫn đến như thế

Nhưng quả là trên đời này chuyện gì cũng có thể xảy ra, đúng như Sherlock Holmes đã từng phát biểu “Khi đã loại bỏ những thứ không thể, thì cái còn lại dù vô lý đến đâu, cũng là sự thật!”

(Tái bút: Để tránh tiết lộ thủ pháp đặc sắc này, xin độc giả hãy tự mình khám phá!) Sau đây là một bài review khác của bạn Mọt Mọt

Sự cứu rỗi của thánh nữ – Không có tội ác nào là hoàn hảo

Một vụ án mạng xảy ra, nạn nhân là Mashiba Yoshitaka, giám đốc một công ty IT. Nghi phạm được khoanh vùng, là cô nhân tình Wakayama Hiromi và người vợ Mashiba Ayane. Nhưng cảnh sát lại không có đủ bằng chứng để kết tội bất cứ ai, bởi không thể lý giải được thủ pháp gây án. Cho đến khi, nhà vật lý học Yukawa Manabu chính thức nhập cuộc. Và sau hàng loạt những quan sát, thực nghiệm, Yukawa đưa đến một “nghiệm ảo” cho thủ pháp gây án: nếu thực sự tồn tại ở hiện thực, đó sẽ là một vụ án hoàn hảo. Nhưng, có thực sự tồn tại một tội ác hoàn hảo?

Nếu như trong series truyện trinh thám về thám tử Galileo  – nhà vật lý học Yukawa Manabu của Higashino Keigo, vụ án ở Phương trình hạ chí được xây dựng trên nền tảng một phương trình có vô số nghiệm mà nghiệm nào cũng đúng, và nhiệm vụ của con người, là lựa chọn nghiệm tối ưu cho cuộc đời mình. Thì vụ án ở Sự cứu rỗi của thánh nữ lại được tạo nên từ nền tảng một phương trình có “đáp số ảo”. Bởi đáp số ấy, có thể đúng về mặt lý thuyết nhưng lại quá phi lý về mặt thực tế; mà dẫu tồn tại trong thực tế, thì đây sẽ là một tội ác hoàn hảo. Nhưng thực sự có thứ mang tên “tội ác hoàn hảo” trong một tiểu thuyết trinh thám? Bằng cách dẫn truyện tài tình, hướng sự chú ý của độc giả về bí ẩn trong thủ pháp gây án của một vụ án người đọc vốn đã biết trước ai là thủ phạm; một lần nữa, Higashino Keigo không chỉ cho thấy cái duyên, cái tài trong cách thức trần thuật mà còn cho thấy cái tầm, cái tâm trong cái nhìn nhân sinh đầy nhân văn của ông.

Một cuốn tiểu thuyết trinh thám mà độc giả đã biết trước thủ phạm.

Với tác phẩm trinh thám, nhất là trinh thám cổ điển, bí ẩn về danh tính của thủ phạm và cách thức gây án của hung thủ trở thành điểm cốt tử đầu tiên, quyết định thành công của tác phẩm ấy. Và quá trình người điều tra viên, cảnh sát, thám tử vén bức màn bí ẩn ấy chính là quá trình người đọc được đồng suy luận với chính nhân vật, với người viết. 

Nhưng trong trinh thám hiện đại, cách thức triển khai câu chuyện đã có những điểm rất khác với trinh thám cổ điển khi xưa. Và Higashino Keigo là một trong các tác giả thể hiện rất rõ tính cách tân, hiện đại, trước hết trong sự linh hoạt ở việc xây dựng, triển khai cốt truyện; mà Sự cứu rỗi của thánh nữ là một điển hình.

Ngay chương truyện đầu tiên, Keigo-sensei đã tiết lộ cho độc giả biết, thủ phạm của vụ án là ai, chính là người vợ của nạn nhân – Mashiba Ayane: “Em đã yêu anh bằng cả trái tim. Nhưng những lời anh nói giờ lại xuyên vào tim em. Nên anh hãy chết đi…” Nhưng, biết được thủ phạm không có nghĩa Sự cứu rỗi của thánh nữ mất đi sự lôi cuốn. Bởi điều cốt yếu tác giả hướng đến, không phải tìm ra hung thủ mà là chứng minh được người đó là hung thủ thông qua việc xác lập các giả thiết, xây dựng lên những cách thức gây án khác nhau, thu thập chứng cứ, chứng minh được thủ pháp gây án của hung thủ… Cũng giống như giải một phương trình đã biết trước đáp án nhưng lại chưa có lời giải: nhiệm vụ điều tra viên, đồng thời của người đọc là bổ khuyết vào phần lời giải, phần kết luận còn thiếu.

Chính trong quá trình đi tìm chân lý, xác lập “nghiệm”, cuốn tiểu thuyết vốn tưởng nội dung hết sức đơn giản với động cơ gây án cũng đơn giản không kém: hành động giết người vì tình của một người vợ bị chồng phản bội lại chứa đựng những tình tiết vừa bất ngờ, vừa đau đớn đến khôn cùng. Bất ngờ trong cách thức gây án của Ayane: vừa sâu sắc, vừa tỉ mỉ, vừa “ngược đời” để tạo lên một “đáp số ảo” gần như không thể tồn tại trong thực tế. Về những góc khuất phía sau vụ án với những sự kiện, trước tưởng rằng rời rạc mà càng bóc tách, lại càng thấy rằng logic, liên kết mật thiết: câu chuyện tình yêu của nạn nhân Mashsiba Yoshitaka, hướng điều tra gần như trái ngược giữa hai cảnh sát KusanagiUtsumi, những “lấp lửng” trong các hé mở của nhà vật lý học Yukawa Manabu… 

Cùng với đó, kết cấu truyện lồng truyện: vụ án này lại mở lại những nhánh truyện khác nhau đan xen giữa quá khứ và hiện tại; cấu trúc đầu cuối tương ứng: sự kiện trong chương đầu, lần nữa được tái hiện ở những chương cuối cùng như cách thức khép lại vụ án, cũng là khép lại hành trình của một người phụ nữ đa đoan như Ayane. Tất cả, khiến cho độc giả, không thể rời mắt khỏi trang sách một cuốn trinh thám mà danh tính thủ phạm, đã được hé lộ ngay từ chương đầu cuốn truyện.

Những nhân vật vừa là nạn nhân, vừa là hung thủ

Trong một tác phẩm chứa đựng chiều sâu về nội dung cùng những bất ngờ về mặt tình tiết, thì tuyến nhân vật của Sự cứu rỗi của thánh nữ, không thể nói là quá mức đồ sộ nhưng lại chứa đựng đầy mâu thuẫn ở suy nghĩ, tâm lý lẫn hành động. Đó là những con người, vừa là hung thủ, cũng lại vừa là nạn nhân của tấn bi kịch tình yêu, chấp niệm, định kiến đầy máu và nước mắt. 

Người vốn là nạn nhân – Mashiba Yoshitaka, cuối cùng lại chính là cội nguồn của mọi thương đau, là kẻ gián tiếp và là nguyên cớ trực tiếp gây ra một vụ án mạng vào thời điểm cách lúc vụ án xảy ra hai năm. Kẻ vốn là hung thủ – Mashiba Ayane lại trở thành nạn nhân của một thứ hợp đồng hôn nhân mang đầy tính khinh miệt phụ nữ: “Tôi muốn một người sinh con cho mình chứ không cần quản gia hay đồ trang trí cao cấp.”, “Có vẻ cậu ấy cho rằng một người phụ nữ không sinh con được thì ngồi trên ghết cũng chỉ giống như một vật trang trí vướng víu”. Người tưởng chừng là thủ phạm, xen vào hạnh phúc của một gia đình, gây lên đổ vỡ và là một trong những động cơ thúc đẩy Ayane phạm tội, cuối cùng chỉ là một người phụ nữ đáng thương như những người phụ nữ bước vào cuộc đời Yoshitaka mà bị anh ta xem như một công cụ sinh nở… 

Vì thế, khi đối diện với những con người như vậy, độc giả, thật chẳng dễ dàng để yêu hay hoàn toàn ghét bỏ bất cứ ai. Yoshitaka có đáng căm hận? Một tên đàn ông coi phụ nữ gắn liền với nhiệm vụ sinh đẻ thì đáng căm hận chứ. Nhưng hắn cũng là một kẻ đáng thương, một gã đàn ông rất Nhật với những cô đơn, vụn vỡ trong tâm hồn, kí ức. Cho nên, khao khát có một mái ấm hoàn chỉnh với tiếng con cái nói cười của Yoshitaka có thể hiểu và cảm thông. Song cũng chỉ vậy thôi, bởi cách thức anh ta làm để đạt được mục đích quá đỗi sai lầm, tuyệt tình.

Một Ayane đã yêu rồi lấy người yêu của bạn thân có đáng trách? Thật sự là có chứ! Dẫu có nói rằng, Ayane làm vậy là bởi không biết mối quan hệ giữa Yoshitaka và bạn thân cô. Nhưng sự thật có phải thế? Trực giác của phụ nữ vốn rất nhạy bén, Ayane không biết hay cố tình thôi miên bản thân rằng cô không biết đến mối quan hệ ấy để sống với tiếng gọi tình yêu, con tim. Vì vậy, hành động của Ayane sau này, sau tất cả dàn xếp đầy tâm huyết, tỉ mỉ suốt một năm, vừa là sự phán xét cho Yoshitaka; song cũng là sự phán xét với chính bản thân cô. Song đó cũng là sự cứu rỗi: cứu rỗi cho những sai lầm của Yoshitaka, cứu rỗi cho tỉnh yêu đầy tội lỗi của cô, và cứu rỗi cho cả cô học trò Hiromi hiện đang mang cốt nhục của chồng cô trong bụng; cứu rỗi cho mọi tấn bi kịch, cho mọi sai lầm của cuộc đời. Chẳng thế mà, như một thanh tra giàu kinh nghiệm Kusanagi từng nhận định, ở Ayane tỏa ra một bầu không khí “kỳ lạ”, “cảm giác như họ không ham sống và đã thấy trước tất cả. Tuy nhiên, cũng có thể nói bầu không khí đó là lãnh địa cấm, chỉ cách sự điên rồ một khoảng như tờ giấy.” 

Một Hiromi, nói theo cách nói hiện đại, là Tuesday, tiểu tam, kẻ thứ ba xen vào cuộc sống gia đình người khác nhưng đến tận cùng, cô lại chỉ là kẻ thay thế. Thật sự, rất dễ nhìn thấy nỗi thất vọng, hụt hẫng nơi người phụ nữ đó khi cô dè dặt đề xuất với Yoshitaka về việc được ở trong phòng ngủ của vợ chồng anh ta nhưng bị thẳng thừng từ chối. Với phụ nữ, nhất là kẻ thứ ba những tưởng đã thành người chiến thắng trong trò chơi tình ái, giành được tình yêu của người đàn ông kia, thì việc bị từ chối ở trong phòng ngủ chẳng khác nào sự phủ nhận tồn tại của cô ta trong gia đình, với vai trò người vợ. Chưa kể, sau cái chết của Yoshitaka thì Hiromi phải đối diện với vấn đề lớn hơn: giữ hay bỏ đứa con đang dần thành hình trong bụng. 

Bên cạnh những nhân vật trong vòng xoáy nạn nhân – hung thủ, mẫu hình nhân vật với vô vàn mâu thuẫn trong Sự cứu rỗi của thánh nữ còn thể hiện cả ở phía những người tham gia điều tra. Với thanh tra Kusanagi là sự dùng dằng trong việc nghi ngờ hay không nghi ngờ nghi can Mashiba Ayane để rồi có những phút giây, tưởng chừng Kusanagi đã quên đi bản thân là một thanh tra cảnh sát. Với một người nghiên cứu khoa học như nhà vật lý Yukawa là mâu thuẫn giữa việc có hay không tham gia và điều tra phá án, đáp án trả về là nghiệm ảo thì có thực sự tồn tại một tội ác hoàn hảo? Đây chính là mâu thuẫn giữa lý thuyết, thực nghiệm khoa học với thực tế nghiệt ngã của cuộc sống… Cứ vậy, mỗi người có một xung đột nội tâm khác nhau nhưng tất cả vẫn nhằm hướng đến cái đích: chỉ ra thủ pháp gây án tinh vi của hung thủ ở vụ án này. 

Thực sự tồn tại một tội ác hoàn hảo?

Nếu xét riêng Sự cứu rỗi của thánh nữ, thì câu trả lời là không! Bởi nhóm của Yukawa Kusanagi vẫn tìm được chứng cứ để buộc Ayane nhận tội. Dù rằng cách thức gây án có khó tin, dẫu rằng “nghiệm ảo” đi chăng nữa thì thực tế vẫn chứng minh: nghiệm ấy đã tồn tại, thủ pháp ấy đã được sử dụng và để lại những “bằng chứng thép” không thể chối bỏ. 

Nhưng tới cuối cùng, điều tác giả Higashino Keigo muốn xây dựng trong Sự cứu rỗi của thánh nữ có đơn thuần chỉ là cách giải một phương trình tưởng rằng cho đáp số ảo, cách phá một vụ án tưởng chừng hoàn hảo? Có lẽ là không. Bởi tác phẩm của ông, dẫu trên mảng đề tài nào, dẫu cách triển khai cốt truyện có linh hoạt ra sao, vẫn là để hướng đến cuộc đời, con người. Những kiếp đời, kiếp người trước hết là mang đậm chất “Nhật Bản”.

Thật vậy, như đã nói từ trước, Mashiba Yoshitaka là một mẫu người Nhật Bản điển hình với vụn vỡ trong quá khứ về gia đình mà tạo lên ẩn ức trong tâm lý về nỗi cô đơn, tình yêu thương, tình cảm gia đình. Song về khía cạnh nhỏ hơn, Yoshitaka còn là mẫu người điển hình cho những người đàn ông của các nước chịu ảnh hưởng của đạo Khổng nói riêng, đàn ông trên thế giới nói chung: vẫn chẳng thể coi phụ nữ là những con người độc lập mà luôn gắn họ với một trách nhiệm, nhiệm vụ, ở đây là nhiệm vụ sinh con. Song hành với đó, Ayane, Junko, Hiromi chính là mẫu hình phụ nữ đặc trưng cho phụ nữ Nhật Bản: tỉ mỉ, dịu dàng, cam chịu. Hết lòng vì gia đình, vì người đàn ông mình thương yêu.

Tuy nhiên, qua cái chết của Yoshitaka như một hình thức trả giá, Keigo-sensei vừa phê phán, cũng vừa cảnh tỉnh hiện thực trên. Phê phán quan niệm gia trưởng, cổ hủ khi coi phụ nữ như một thứ công cụ sinh nở. Đồng thời cảnh tỉnh: phụ nữ cũng là con người, những người biết yêu, biết thương, biết hận, biết thù; họ chẳng thể mãi cam chịu hay an phận, phụ nữ, họ cũng có quyền đứng lên đấu tranh cho chính bản thân mình.

Trong series về thám thử Galileo nói chung, Sự cứu rỗi của thánh nữ nói riêng, cặp hình ảnh phương trình – nghiệm cứ trở đi trở lại như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Đấy là hình ảnh ẩn dụ cho vụ án – kết quả vụ án, nhưng ấy cũng là hình ảnh ẩn dụ cho cuộc đời và lựa chọn của con người giữa cuộc đời ấy. Cuộc đời con người là liên tiếp phải giải các phương trình với vô vàn biến số, từ đó mà con người nhận được những đáp án khác nhau: đó có thể là nghiệm duy nhất, đó có thể là phương trình vô nghiệm, cũng có thể là phương trình với vô số nghiệm, thậm chí nghiệm đạt được lại là nghiệm ảo. Và hành trình giải phương trình tìm nghiệm, từ đó lựa chọn nghiệm tối ưu chính là cách người ta lựa chọn cách sống, cách đối diện với đường đời. Mà mỗi người lại là một cá thể riêng biệt, phương trình cuộc đời cũng khác nhau; chẳng ai có thể giải hộ phương trình cuộc đời cho ai, cũng như chẳng ai sống thay được phần đời người khác. Như Kusanagi, chẳng thể sống thay cho Ayane hay Yukawa dẫu tài giỏi cũng chẳng thể giải giúp cho Kusanagi những khúc mắc trong lòng. 

Tạm kết

Sự cứu rỗi của thánh nữ, bi kịch của một gia đình, bi kịch tình yêu từ quá khứ kéo dài đến hiện tại và có lẽ còn tiếp diễn mãi đến tương lai, khi Hiromi quyết định sinh ra giọt máu của Yoshitaka. Và đến cuối cùng, hành động của Ayane là “cứu rỗi” hay “xét xử”, là “cứu vớt” hay “cực đoan”, hẳn câu hỏi ấy, vẫn sẽ còn khiến độc giả thấy mãi day dứt. Nhưng hơn cả, vấn đề Higashino Keigo đưa ra, đâu còn chỉ là câu chuyện của riêng một gia đình hay một cá nhân cụ thể? Bởi, mỗi người, ai chẳng phải tự giải, tự chọn nghiệm cho phương trình cuộc đời.

(Mọt Mọt.)

Từ khóa » Cách Cứu Rỗi Quá Khứ đen Tối Của Nữ Chính