Review Tiểu Thời đại – Tiny Times | Cỏ May

Trong những bài viết về các bộ phim thanh xuân, Tiểu thời đại (Tiny times – TTĐ) thường được nhắc đến như một cái tên sáng giá. Đó là lý do mình biết tới bộ phim này. Ban đầu tưởng TTĐ là phim truyền hình, nhưng thực ra có thể coi là một sequence 4 tập, tuy khả năng đứng độc lập hầu như không có.

Lúc coi hết tập 2 mình đã định dừng luôn, nhưng sau đó cũng đã tò mò mà coi hết. Kết cục là tự trách lẽ ra nên tin vào phán đoán của bản thân. Tổng hợp lại, thì đây là những lý do mà mình thấy phim này dở (dựa trên phim thôi, truyện chưa đọc và cũng sẽ không đọc):

  • Vốn là đứa tò mò, cũng không ngại spoiler nên mình có thói quen xem giữa chừng lại đi đọc trước một tí. Đọc kết phim này xong cảm thấy hoang mang ghê gớm. Mình có thể chấp nhận SE nếu hợp lý, HE nếu không bị màu hồng quá thì rất ổn. Mình sẽ hơi khó chịu với OE nhưng nếu nó là HE-leaning thì cũng được. Nói chung kết ra sao miễn hợp lý, thực tế và có điểm nhấn thì mình sẽ không phàn nàn. Nhưng cái kết thảm thiết của phim/truyện này làm mình tự hỏi: Ủa hành hạ con người ta qua đủ thứ bĩ cực từ vô tù cho tới ung thư, rồi tới lúc tưởng thái lai mỹ lai lại nhốt vô cái nhà cho cháy rụi như xiên một bầy heo. Để mà làm gì? Thông điệp là thôi đừng cố gắng nữa kiểu gì cũng chết hả? Vô nghĩa. Thực ra trên phim không hề thấy lửa hay chết chóc khóc than gì hết, và cách thể hiện đoạn kết cũng phải khen sự sáng tạo của đạo diễn. Nhưng thủ pháp cũng chỉ để tạo hiệu ứng tâm lý cho khán giả trong nhất thời, còn một cái gì đó nhân văn đọng lại thì mình không tìm thấy qua cái kết này.
  • Phim có quá nhiều thứ khiên cưỡng, phi lý và không thực. Kể chắc cả ngày cũng không hết. Tại sao mẹ Cố Nguyên không thích Cố Ly, khi nhà Cố Ly cũng giàu, Cố Ly cũng đẹp, thông minh, thần thái sang chảnh? Sau khi coi hết 4 phần cũng không trả lời được câu hỏi này. Căn phòng ký túc của 4 cô sinh viên mà mình cứ ngỡ penthouse của đại gia nào đó, mặc dù Cố Ly hoàn toàn có thể có penthouse như thế. Nhưng nó vẫn là ký túc, nơi 4 bọn họ sau những năm học phải chuyển ra. Lâm Tiêu vừa bắt đầu vào học Đại học đã kiếm được thực tập ở một chỗ tốt như thế có phải là hơi quá sức một cô gái tầm thường cỡ đó không? Mà thực ra mỗi chuyện cô cố gắng từ ngày đầu vào Đại học để đi thực tập đã không hợp lý rồi. Khung thời gian của phim cũng bị co kéo quá nhanh, cảm thấy họ vừa vào học đã ra trường. Để dựng nên Cung Minh đầu óc siêu phàm luôn có plan B mà bày ra thêm 1 cái sân khấu. Ôi trời đời thực có ai phê duyệt sân khấu ngoài trời không mái che vào mùa đông xứ sở có tuyết, lại còn đẻ thêm bà nhân viên không kiểm tra dự báo? Mà chả lẽ có mỗi bả có trách nhiệm kiểm tra dự báo cho cái show to thế? Xong rồi vụ quên phục trang của Nam Tương phải gọi là drama mà éo cần thiết. Chả mang lại ý nghĩa gì. Có nhà thiết kế nào tới giờ đó mới đi lo cho thùng đồ của mình không? Cạn não. Đó mới là một vài điểm nảy ra tức thời trong đầu sau khi xem xong phần 1 và 2 thôi, còn lại thì không đủ sức kể thêm. Nói chung, để xây dựng được cốt lõi mà sẵn sàng phá bỏ nhiều quy luật của vũ trụ, chính là cách mà đạo diễn sử dụng. Có thể mọi người chấp nhận, nhưng con người đầu óc thuộc về Trái đất nhỏ nhoi gần gũi như mình, tuyệt nhiên không cảm được.
  • Phim cố gắng hoành tráng quá mức, đến độ quá quá mệt mỏi. Phần nào cũng phải nhìn mấy bà cô mặc đồ dạ tiệc đóng phim hành động, mà lố lăng nhất là phần 3 trong cái đêm sinh nhật Cung Minh khi 4 nữ nhân phơi ngực phơi chân tay giữa bạt ngàn tuyết thật, chỉ với vài dải lông vắt hờ hững. Hàng hiệu ngập ngụa tới độ có một cảnh tình cảm giữa Lục Thiêu và Lâm Tiêu giữa một băng ghế đá, thì chung quanh cũng sắp vòng tròn một lô lốc túi của đủ các nhãn hàng xa xỉ.
  • Xây dựng nhân vật thái quá đậm và thái quá nhạt. Nhân vật Uyển Như nhạt tới mức khó nhớ nổi tên trong suốt 2 phần đầu, loé lên được tí ở phần 3 nhờ pha đả nữ và phần 4 nhờ khoé môi rách. Châu Sùng Quang cũng là một nhân vật nhạt nhẽo, hoặc do diễn viên đóng dở quá nên mình không cảm giác được con người này có gì hay ho ngoài kiểu lèo nhèo như mèo và hành động thì toàn do người khác sắp xếp hoặc thương tình bố thí cho. Cặp Lâm Tiêu – Châu Sùng Quang, tới lúc cuối phần 2 mình ngơ ngác không hiểu tại sao 2 bạn này tới với nhau luôn :))). Tình tiết dẫn dắt tới bao gồm vài lần tới nhà lấy bản thảo, dọn nhà, năn nỉ chàng, vài thoại chuối chuối, một lần thăm bệnh cắm chung tai nghe. Yêu nhau dễ ghê :))). Hay tại chàng đang bệnh nên dễ dãi, gặp nàng đang thất tình nữa? Soái ca phim này toàn hình tượng không mê được í :))). Hay trái tim thiếu nữ của tôi đã kịp héo úa 😕 Hai nhân vật em trai Neil và Cố Chuẩn thì đúng là thêm cho có thêm trai đẹp. Cung Minh thì được xây dựng kiểu ban đầu đi nét rõ chắc, sau này hối hận nên xoá đi bớt. Nghĩa là lúc đầu người xem sẽ có cảm giác con người này sẽ diễn một vai gì rất quan trọng, hoá ra tới cuối cũng không hiểu rút cuộc anh ta đại diện cho cái gì. Cặp đôi song Cố có lẽ là nhân vật được yêu thích nhất của khán giả lẫn của mình, thì lại bị rơi vào trạng thái quá xá đậm. Kha Chấn Đông (phải nói là mình rất thích bạn này nha) diễn Cố Nguyên dù thế nào vẫn không bỏ được cái kiểu rấtttt bột và con nít và coi trời bằng vung, nên mình thấy có gì đó mâu thuẫn giữa tính cách nhân vật nhân vật này và tình yêu dai dẳng với Cố Ly. Kiểu đào đâu ra được sự chín chắn và kiên định với loại tính cách trẻ con công tử như thế? Tính cách của Cố Ly và tình yêu của hai người họ Cố đều thuộc dạng không tì vết, mặc dù điểm làm mình hụt hẫng là cứ không trả lời được câu hỏi: Tại sao hai người này yêu nhau đến vậy? Có lẽ nếu thêm một vài cảnh sến súa, lý giải cho sự gắn bó và hiểu nhau tới từng đường tơ kẽ tóc của Cố Nguyên và Cố Ly, thì loại khán giả bánh bèo ngu dốt như mình mới cảm thấy thoả mãn hơn chăng?
  • Bộ phim về tình bạn sâu sắc gắn bó? Là khi tức giận người yêu Lâm Tiêu đòi đổi chỗ với Cố Ly, để rồi bao nhiêu năm gọi nhau là tỉ muội thân thiết tới điểm đó mới lần đầu được nghe bạn thân mình kể lể đau khổ? Là đọc một diễn văn sâu cay rồi đổ rượu lên đầu bạn thân? Cũng chả sao, đời có nhiều diễn biến, nhưng nói bộ phim này nói về tình bạn giữa con gái với nhau, mình thấy buồn cười quá. Giống mấy bitches diễn với nhau thì đúng hơn. Qua mỗi phần, mấy cô gái này, trừ Cố Ly vốn đã bao dung hơn người và Uyển Như đúng kiểu thú cưng vô hại, chẳng thèm lớn lên tí nào, tiếp tục mắc lại sai lầm cũ, tiếp tục có thể nói câu từ bỏ nhau thật dễ dàng, tiếp tục nổi nóng và nghe người này người nọ dựng chuyện. Với hai người còn lại, nếu phải so giữa Nam Tương và Lâm Tiêu thì mình còn ghét Lâm Tiêu hơn, vì Nam Tương dù sao cũng có lý do biện hộ rất to tát là tiền, là nghèo. Những thứ đó có thể đem ra để lý giải cho việc hết lần này tới lần nọ cô dính bùn lẫn vấy máu, dù việc một người năm lần bảy lượt sa ngã rồi lại “rũ bùn đứng dậy sáng loà” như thể chưa có gì xảy ra như thế, buồn cười vô cùng. Nhưng thôi dù sao Nam Tương cũng có câu chuyện của mình. Còn Lâm Tiêu, trừ phần 4 lúc cô kiên định ở bên Cố Ly ra, thì còn lại đều bắt Cố Ly gánh chịu những bánh bèo sướt mướt của đời mình, không biết rằng nỗi khổ của bạn thân còn lớn hơn gấp bội. Tỉ lệ giữa sự ích kỷ của Lâm Tiêu và hoàn cảnh đau khổ của cô là cao nhất so với những người còn lại. Tagline của truyện là “Bí mật bẩn thỉu làm nên những người bạn”, phản ánh rõ nét kiểu tư duy “cung đấu” đàn bà hẹp hòi xuyên suốt bộ puim này. Thật ngạc nhiên khi tác giả là nam.
  • Tương tự nếu gắn mác cho TTĐ là phim thanh xuân, mình cũng thấy khiên cưỡng. Cuối phần hai có đoạn ném tuyết đồ, đạo diễn gửi gắm thông điệp về thanh xuân và khoảnh khắc. Nói chứ già và cáo như Cung Minh, còn thanh xuân nỗi gì nữa. Nếu nêu ra những tính từ gắn liền với thanh xuân, mình cũng không thấy gì đúng với cốt truyện này hết, thấy toàn drama tột độ, yêu đương tùm lum tay, làm ăn lừa lọc mưu mô tầng tầng lớp lớp. Kiểu không hề cảm thấy bầu không khí thanh xuân hết mình gì ở đây cả. Mình đã bị lừa quá ngọt vì cái mác sai lè đó rồi.

Chê quá là chê, điểm khen được tất nhiên vẫn có. Ví dụ như diễn viên đẹp. Đẹp thôi nha, chớ diễn thì tuỳ :))). Mịch thì mình vốn ác cảm xưa giờ, thực ra phim này đỡ hơn tí vì vai Lâm Tiêu là cô gái ngu ngơ mơ màng, nhưng nhìn chung cũng không tạo cảm giác lớn hơn ba chữ: tạm tròn vai. Mà cũng kỳ, năm xưa say mê Mỹ nhân tâm kế, mình cũng thích bả lắm (Mỹ nhân tâm kế là phim duy nhất trong 10 năm trở lại đây mà mình chưa đợi ra hết đã coi và trải nghiệm cảm giác ngồi hóng từng tập). Mà chỉ duy lần đó thôi. Về sau chịu chết cũng không cảm được bả nữa. Quách Bính Đnh diễn Nam Tương đẹp, kiểu gái mà có thể rẽ ngôi giữa mà vẫn đẹp vậy là nhân gian khó kiếm rồi :)). Quách Thái Khiết diễn Cố Ly thể hiện được thần thái, mặc dù cũng phải cảm ơn trang phục và góc quay. Kha Chấn Đông tuy vẫn không rũ bỏ được Kha Cảnh Đằng để toàn tâm toàn ý đến với Cố Nguyên, nhưng mà mình vẫn thích nhìn ổng nhất phim.

Tiết tấu phim lạ (hợp lý thì không), làm người xem không bị chán vì nó diễn ra rất nhanh. Phim đậm đặc hàng hiệu, ngỡ như Devil wears Prada bản Tàu. Mà thực ra bối cảnh lẫn việc cô nhân viên không có thời gian quan tâm người yêu, chẳng phải cũng giống sao? Nói chung mình cũng là đứa con gái phù phiếm thích nhìn áo quần đẹp, nên thôi kệ lấy đó làm điểm cộng vậy :))).

Tổng hợp lại, coi phim này minh thích nhất là đầu óc mưu mô của tác giả, sáng tạo ra được nhiều tình tiết kịch tính rồi phép lại với nhau như vậy để lôi cuốn người xem, dù hơi rẻ tiền. Có điều nho còn xanh quá, phải ngâm đườngggg kỹ rồi nhắm mắt ăn đại thôi.

Từ khóa » Cố Ly Tiểu Thời đại