[Review-Trích Dẫn] Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo

Thể Loại Văn Học – Tiểu Thuyết
Tác Giả Higashino Keigo
NXB NXB Hội Nhà Văn
CTy Phát Hành Nhã Nam
Số Trang 358
Ngày Xuất Bản 07 – 2018
Xem Giá Bán Trên FAHASA T I K I SHOPEE

I. Giới thiệu sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya là một tiểu thuyết của Higashino Keigo. Tác phẩm được nhà xuất bản Kadokawa Shoten xuất bản lần đầu năm 2012.

Một đêm vội vã lẩn trốn sau phi vụ khoắng đồ nhà người, Atsuya, Shota và Kouhei đã rẽ vào lánh tạm trong một căn nhà hoang bên con dốc vắng người qua lại. Căn nhà có vẻ khi xưa là một tiệm tạp hóa với biển hiệu cũ kỹ bám đầy bồ hóng, khiến người ta khó lòng đọc được trên đó viết gì. Định bụng nghỉ tạm một đêm rồi sáng hôm sau chuồn sớm, cả ba không ngờ chờ đợi cả bọn sẽ là một đêm không ngủ, với bao điều kỳ bí bắt đầu từ một phong thư bất ngờ gửi đến…

Tài kể chuyện hơn người đã giúp Keigo khéo léo thay đổi các mốc dấu thời gian và không gian, chắp nối những câu chuyện tưởng chừng hoàn toàn riêng rẽ thành một kết cấu chặt chẽ, gây bất ngờ từ đầu tới cuối.

Cốt truyện Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Vào năm 1980, tiệm tạp hóa Namiya trở nên quen thuộc với cư dân quanh vùng sau khi chủ tiệm Namiya Yūji mở một dịch vụ tư vấn miễn phí cho tất cả mọi người. Khi cửa tiệm đóng cửa, khách hàng có thể nhét thư qua một khe trên cửa cuốn của tiệm, có vai trò như một hộp thư. Sáng hôm sau họ sẽ nhận được thư trả lời viết tay của chủ tiệm để ở thùng sữa bên ngoài tiệm.

Vào năm 2012, ba cậu trai Atsuya, Shota và Kohei sau khi đột nhập bất hợp pháp vào một ngôi nhà đã tình cờ chạy trốn vào cửa tiệm nay đã bỏ hoang. Trong thời gian ở tiệm đêm đó, ba cậu nhận được những bức thư nhờ tư vấn mặc dù không có ai ở bên ngoài. Những bức thư này theo truyền thống được người gửi hỏi ý kiến về những băn khoăn lo lắng của mình. Các cậu đọc thư và nhận ra chúng được viết vào thời điểm 32 năm trước đó là năm 1980. Khi Kohei quyết định trả lời, điều kỳ diệu đã xảy ra khi những lá thư trả lời của họ vượt thời gian và không gian để đến được người nhận, thay đổi cuộc đời của họ và trở thành những phép mầu đan xen cuộc đời của những nhân vật dường như không liên quan.

Năm chương truyện là năm câu chuyện khác nhau, xen kẽ giữa hiện tại và tương lai. Đầu tiên là câu chuyện về một vận động viên đấu kiếm không biết nên tiếp tục tập luyện để có thể tham gia thi đấu theo nguyện vọng của người yêu cũng như chính cô hay dừng lại để dành thời gian bên cạnh người mình yêu khi anh bệnh nặng sắp qua đời. Tiếp đó là chàng nghệ sĩ vô danh phải đứng giữa sự lựa chọn giữa việc nên tiếp quản cửa hàng của gia đình hay tiếp tục ước mơ âm nhạc với tương lai không rõ ràng đã khiến anh bỏ học để theo đuổi. Chương ba là câu chuyện một người tên Green River – người đang mang trong mình đứa con với một người đàn ông đã có vợ cùng với việc ông Namiya muốn quay lại tiệm tạp hóa yêu quý của mình để đọc những lá thư hồi đáp từ tương lai. Hai chương cuối kể về Kousuke – một cậu bé con nhà giàu nhưng phải trốn đi cùng bố mẹ vì gia đình phá sản và một cô gái đang phân vân giữa các ngã rẽ cuộc đời. Hai con người đều ở trại trẻ Marumitsu, đều được tiệm Namiya tư vấn chỉ khác là một người được ông Namiya tư vấn còn một người được ba cậu trai tư vấn.

Kết thúc tác phẩm, một cậu trai thử gửi một tờ giấy trắng để xem ông Namiya sẽ trả lời ra sao. Sau khi nhận được thư trả lời từ ông Namiya, khuyên nhủ nên trở thành người tốt, ba cậu đã quay lại ngôi nhà đột nhập để đầu thú với cảnh sát.

Giới thiệu tác giả Higashino Keigo

Tác giả Higashino Keigo

Higashino Keigo (東野 圭吾 Đông Dã Khuê Ngô) (4/2/1958) là một tác giả người Nhật Bản được biết tới rộng rãi qua các tiểu thuyết trinh thám của ông. Ông từng là Chủ tịch thứ 13 của Hội nhà văn Trinh thám Nhật Bản từ năm 2009 tới năm 2013. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo lần thứ 31 vào năm 1985 cho tiểu thuyết Hōkago.

Higashino Keigo sinh ra ở Osaka. Sau khi tốt nghiệp Đại học Osaka với bằng Cử nhân kỹ thuật ngành Kỹ thuật điện, ông bắt đầu sáng tác tiểu thuyết trong khi vẫn tiếp tục làm công việc kỹ sư lại Nippon Denso Co. (hiện là DENSO) từ năm 1981. Ông đã thắng giải Edogawa Rampo, giải thưởng hàng năm dành cho các tác phẩm trinh thám chưa được xuất bản vào năm 1985 với tiểu thuyết Hōkago ở tuổi 27. Ngay sau đó, ông bỏ việc và bắt đầu chuyên tâm vào nghiệp sáng tác tại Tokyo.

Vào năm 1999, ông đã thắng Giải thưởng Văn học Trinh thám Nhật Bản cho tiểu thuyết Bí mật của Naoko, bản dịch tiếng Việt do Nhã Nam thực hiện. Năm 2006, ông giành giải Naoki lần thứ 134 với tác phẩm Phía sau nghi can X (Yōgisha X no Kenshin), giải thưởng mà ông đã từng năm lần được đề cử. Tiểu thuyết này đồng thời cũng chiến thắng tại giải Honkaku lần thứ 6 và được xếp đầu tiên trong danh sách Kono Mystery ga Sugoi! 2006 và 2006 Honkaku Mystery Best 10, danh sách các tiểu thuyết trinh thám được xuất bản tại Nhật Bản hàng năm.

Bản dịch tiếng Anh của Phía sau nghi can X đã được đề cử giải Edgar năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết xuất sắc nhất và Barry Award năm 2012 ở hạng mục Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc nhất.

Không chỉ viết tiểu thuyết trinh thám mà Higashino Keigo còn viết cả các tiểu luận văn học cũng như tác phẩm dành cho thiếu nhi. Mỗi tác phẩm của ông đều có phong cách khác nhau, nhưng nhìn chung ông thường hiếm khi đưa quá nhiều nhân vật vào một tác phẩm mà thường đào sâu vào tâm lý nhân vật.

II. Review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Dưới đây là tổng hợp Review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya của tác giả Higashino Keigo. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.

Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.

1. PHUONG review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya xoay xoay 7 câu chuyện nhỏ, 5 lá thư và 2 “mảnh” đời. 5 lá thư : trăn trở của cô vận động viên về việc luyện tập hay ở cạnh ng yêu; chàng trai trẻ với ước vọng thành nghệ sĩ; cô gái mang bầu về việc sinh hay bỏ đứa bé; cậu bé đối diện với việc bố mẹ bỏ trốn vi nợ nần; cô gái trước băn khoăn cách kiếm tiền nhanh nhất. 2 “mảnh” đời : 1 của 3 người ăn trộm và 1 của bác chủ tiệm.

Những lời tư vấn có thể giúp ích cho họ hoặc tự vấn để hiểu rõ bản thân mình hơn, – trường hợp của 2 cô gái, hoặc có tia hi vọng để theo đến cùng ước mơ của mình dù là nó được đạt đến theo một cách khác họ mong đợi – trường hợp của anh nghệ sĩ, hoặc được nhận một lời khuyên khá hoàn chỉnh – trường hợp của cô gái tìm đường làm giàu, hoặc một tham khảo và người nhận chỉ hiểu ra điều đó sau nhiều năm – trường hợp của cậu bé có bố bị phá sản.

7 câu chuyện là 7 mảnh ghép cho một bức tranh hoàn chỉnh. Tự mỗi câu chuyện, mỗi trăn trở, lời khuyên, việc được thực hiện, hoàn cảnh diễn ra, không hẳn hoàn chỉnh nhưng gộp lại, rất “người” rất hoàn hảo theo cách của nó.

Cuốn sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya khiến mình nhớ đến cuốn truyện 5 người gặp trên thiên đường của Mitch Albom. Không hẳn giống nhưng cũng rất gần gũi và nhân văn.

Từng có những ngày ngơ ngẩn chẳng biết có thể hỏi ai về những vấn đề của mình, phải mà có tiệm tạp hóa như thế trong đời..

Cảm ơn bác về cuốn sách này, khi đã tình cờ đọc được trong một ngày lòng rất ngổn ngang.

2. HAEBARAGI UME review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Hơn cả một cuốn sách giả tưởng, tôi gọi “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là một cuốn sách về tình người đầy cảm động. Tôi sẽ miêu cả cuốn sách này bằng ba từ “tên trộm”, “lá thư” và “xuyên không”. Nghe đã thú vị chưa nào. “Tên trộm”, phải bạn không đọc nhầm đâu.

Mở đầu cuốn sách là tình huống truyện ba tên trộm đang cố gắng tẩu thoát sau một phi vụ bất thành và họ chọn dừng chân ở một tiệm tạp hóa cũ để trú lại một đêm. Nhưng sẽ chẳng bao giờ họ có thể ngờ, lựa chọn ấy đã đẩy họ vào tình huống dở khóc, dở cười. Vừa hài hước, vừa thú vị nhưng nghĩ lại cũng rất rùng mình. Một đêm dừng chân nghỉ tạm thôi mà họ có ngờ nó lại kéo dài lâu như vậy. Chính tiệm tạp hóa ấy đã đưa họ “xuyên không” đến những vùng đất, những mốc thời gian trong quá khứ, cả hiện tại, lẫn tương lai bằng những “lá thư” khẩn cầu sự giúp đỡ.

Mỗi lá thư lại có những băn khoăn, những khúc mắc, những tâm sự chẳng thể giãi bày và ba anh chàng ấy bất đắc dĩ trở thành những người gỡ rối tơ lòng, giải đáp băn khoăn, thắc mắc thay cho người chủ tiệm đã mất của tiệm. Mỗi khi đọc xong từng chương truyện tôi lại phải dừng lại mấy giây để ngỡ ngàng trước sự liên kết chặt chẽ giữa những mảnh ghép tưởng như đơn điệu, rời rạc trong những lá thư gửi từ những thời gian khác nhau. Ở đó ta thấy được tình người bao la, ấm áp sẵn sàng hi sinh bản thân để bảo vệ những gì bản thân theo đuổi, những gì bản thân cho là đúng đắn.

Và cuối cùng, tác giả Higashino Keigo đã khép lại cuốn sách bằng lời tư vấn thấm đượm tình người nhất của chính ông chủ tiệm trả lời cho lá thư “không có gì” của 3 anh chàng Atsuya, Shota , Kouhei. Tờ giấy trắng khiến ông chủ tiệm suy nghĩ nhiều nhất cuối cùng cũng đưa ra được câu trả lời thỏa đáng nhất. Hấp dẫn, bất ngờ, li kì, quả thật là một cuốn sách rất đáng đọc.

3. MAI THANH THẢO review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Mình mua cuốn “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” vì ấn tượng với bìa sách, thật sự mang vẻ rất huyền ảo, huyền ảo như điều kỳ diệu ở tiệm tạp hóa trong truyện vậy. Mình đã không hề hối hận khi đọc xong vì đây là một trong những cuốn sách phải nói là “vừa tốt gỗ lại vừa tốt nước sơn”. Tính đến bây giờ mình không nhớ là đã đọc lại lần thứ mấy rồi nữa.

Ban đầu lúc đọc sang chương hai mình còn tưởng là truyện ngắn tổng hợp cơ tại mỗi chương là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tuy chỉ có năm chương nhưng tất cả được liên kết rất chặt chẽ, đầy thú vị và bất ngờ khiến mình phải cảm phục trước tài kể chuyện của Keigo. Thế nên lúc đọc xong mình phải ngẫm nghĩ rất rất lâu để xâu chuỗi câu chuyện lại. Rồi một thời gian sau khi đọc lại lần nữa, mình đã phải ghi chú lại từng mốc thời gian, từng địa điểm, từng cái tên nhân vật, từng sự kiện để hiểu hơn về cuốn sách.

Cách xây dựng tình huống và giải quyết vấn đề cũng thật sự khiến mình ấn tượng, vì nó khác với những gì mình suy đoán. Mỗi nhân vật đều có một nỗi niềm riêng, một số phận riêng và một quyết định riêng. Nếu phải chọn câu chuyện mình ấn tượng nhất và nhớ nhất thì hẳn đó là người nhạc sĩ hàng cá. Đọc xong chương đó mình đã suýt bật khóc.

Truyện của Higashino Keigo là thế, luôn mang đến cho người đọc những khung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng nhiều nhất hẳn là bất ngờ và thán phục. Với nhiều tác phẩm khác, mình luôn sẵn sàng cho một cái kết đầy đau đớn thì với “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”, hẳn đây là một trong số ít sách có cái kết tuyệt đẹp.

Điểm (hết sức chủ quan) : 10/10

4. MAI TÂY review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Mai Tây review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

Đã ai từng nói với bạn một câu thế này chưa: “Khi đối mặt với hai sự lựa chọn, hãy tung đồng xu lên… không phải ta chọn sấp hay ngửa… mà là trong lúc nó rơi xuống, ta mới biết bản thân mình đang hi vọng điều gì”. Đó chính là ý nghĩa cuốn sách “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”

Cuốn sách kể về tiệm tạp hóa Namiya có một ông cụ chuyên tư vấn, gỡ rối tơ lòng. Mới đầu, những bức thư tưởng chừng chỉ là trò nghịch ngợm của đám trẻ con, nhưng ông cụ vẫn trả lời một cách nghiêm túc và nhiệt thành. Dần dần, nhờ sự nhiệt tình và chân thành của ông cụ, tiệm tạp hóa Namiya được rất nhiều người biết đến khi họ muốn tư vấn điều gì đó.Cho đến hàng chục năm sau Câu chuyện bắt đầu với ba tên trộm: Atsuya, Shota và Kouhei đang bỏ chạy sau một phi vụ trộm cắp. Ba tên trộm bất ngờ vào tiệm tạm hóa Namiya bỏ hoang để trú thân và rồi phát hiện ra điều kì lạ: Căn nhà đó như một cỗ máy thời gian, nhận thư từ quá khứ, và cũng có thể nhận thư từ tương lai. Những bức thư được gửi đến thùng đựng sữa trước cửa tiệm. Và mục đích là tư vấn những rắc rối đang xảy ra trong cuộc sống của họ.

Giọng kể của Higashino Keigo có sự hài hước, chân thành, giản dị song vẫn gay cấn, khéo léo kết nối không gian và thời gian trong câu chuyện thành một trật tự đầy logic, không làm người đọc cảm thấy khó hiểu mà vẫn rất lôi cuốn. Cách kết cấu truyện trong truyện, lớp lang, móc xích: 5 chương truyện là năm câu chuyện về số phận khác nhau, tác giả khéo léo lồng ghép các câu chuyện tưởng chừng không liên quan gì tới nhau lại liên kết một cách đầy logic, cho dù thời gian, không gian và mạch truyện hoàn toàn khác hẳn nhau. Tập hợp câu chuyện của những kiếp người khác nhau nhưng lại đầy duyên nợ, qua những hình ảnh trở đi trở lại: tiệm tạp hóa Namiya và trại trẻ mồ côi Marumitsu. Để rồi, khi lớp vỏ bí ẩn dần gỡ xuống, bao điều ngỡ rằng ngẫu nhiên, thực chất lại là mối lương duyên do tạo hóa an bài: tình yêu dở dang của hai con người, đã trở thành tình thương gửi tới những thế hệ về sau.

Và đặc biệt nhất là đọc đến những dòng văn cuối cùng của cuốn sách, bất cứ độc giả nào rồi cũng sẽ phải bất ngờ .Từ đó, mỗi cá nhân lại nhận ra, không có sự tồn tại nào là vô nghĩa. Về sự kỳ diệu của nhân duyên .Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa namiya đã giúp mình nhận ra được làm người tốt, được nhìn nhận như một người tốt là nhu cầu của mọi người. Mình cũng chẳng thể nào biết được rằng những năng lượng tích cực tiêu cực của mình sẽ được lan tỏa đến đâu và gây ảnh hưởng đến mức như nào.

Thế nhưng đây không phải là một cuốn sách hồi hộp kỳ ảo đọc xong rồi quên. Có rất nhiều điều khiến con người ta ngộ ra: Vốn dĩ những khúc mắc trong cuộc sống chỉ có chúng ta mới có thể gỡ rối, chứ không phải một ai khác. Như ông chủ tiệm Namiya đã nói. “Đa số các trường hợp người nhờ tư vấn đã có sẵn câu trả lời. Họ nhờ tư vấn chẳng qua chỉ muốn xác nhận điều đó là đúng mà thôi. Vì thế có những người sau khi đọc thư hồi âm thì lại gửi thư đến tiếp. Có lẽ vì nội dung thư hồi âm khác với những gì họ đang nghĩ “

“ Câu trả lời của bố có tác dụng là bởi ý chí của bản thân người đó chứ không phải vì thứ gì khác. Nếu bản thân họ không muốn sống tốt, sống hết mình thì dù có nhận được câu trả lời nào cũng thế thôi”

Khi gấp trang sách lại, là sự day dứt, về những câu hỏi mãi là trăn trở của cuộc đời: Ta là ai, ta sinh ra để làm gì, ta tồn tại trên đời vì mục đích gì và với những người xung quanh, ta có ý nghĩa với họ?

Đây thực sự là một cuốn sách rất đáng đọc cho những mọt sách chân chính.

Cảm ơn bạn đã đọc bài rw của mình. Nếu đã đọc cuốn sách bạn có thể chia sẻ cảm nhận của bạn ở dưới bài viết này chứ ?

5. DUYÊN ĐỖ review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Thật kì diệu, đó là tất cả những gì tôi đang nghĩ lúc này sau khi đọc xong: “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”, kì diệu cho tới phút cuối.

Truyện mở đầu bằng việc ba tên trộm trốn ở một tiệm tạp hóa bỏ hoang rồi bất ngờ có một lá thư rơi vào qua khe cửa, và từ đó, câu chuyện bắt đầu trở nên cuốn hút. Tiệm tạp hóa đó giống như một phép màu hiện ra giữa đời thường, càng đọc tôi càng thấy cuốn sách giống một câu chuyện cổ tích. Cũng vì thế, tôi chợt nhớ đến Doraemon, chú mèo máy thông minh đến từ tương lai, người bạn tuyệt vời đầy phép màu luôn giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, và bây giờ, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya cũng có phần giống vậy, một câu chuyện cổ tích dành cho người lớn.

Sau Bạch Dạ Hành của Hinashino Keigo, tôi đã nghĩ sẽ chẳng cuốn sách nào của ông có thể gây bất ngờ và thú vị cho tôi nữa, nhưng tôi đã lầm, vẫn cách kể chuyện và kết cấu như thế, ông đã đưa tôi vào một câu chuyện đầy lôi cuốn và hấp dẫn. Một lần nữa tôi bị bất ngờ trước tài năng của ông và tự hỏi: “Sao trên đời lại có một con người tài năng đến như vậy?”, thật sự bị khuất phục trước tài năng của một con người tài giỏi – Higashino Keigo.

P/s: Tiện đây cũng tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục tới Nhật Bản, đất nước của những con người đầy chăm chỉ, kỉ luật và đặc biệt sáng tạo.

6. NGUYỄN VIỆT HẢI review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Vẫn là câu chuyện về chủ đề du hành thời gian quen thuộc, nhưng bạn đã bao giờ thấy một cỗ máy thời gian dưới hình dạng một cửa tiệm chưa? Ngồi trong cỗ máy đó, ta được tham gia vào bao sự kiện trong quá khứ để rồi không hề biết tự ta đã vô tình thay đổi được hiện tại đầy trắc trở của chính mình. Đến với “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”, Higashino Keigo – cây bút trinh thám lẫy lừng của Nhật Bản – sẽ đưa ta cùng tham gia vào hành trình mới khám phá thế giới quá khứ, và cũng chính là tìm về sâu thẳm trong bản thân mỗi con người.

Câu chuyện bắt đầu từ buổi tối trốn chạy của ba cậu thanh niên lang thang sau khi thực hiện một phi vụ. Họ trốn vào một tiệm tạp hóa cũ để chờ trời sáng và tình cờ phát hiện ra: cửa tiệm ấy là điểm kết nối hiện tại và quá khứ. Họ đang ở một nơi mà thời gian ngừng trôi, và họ có thể làm chủ thời gian. Nhưng đó cũng là đêm duy nhất họ được trải qua hiện tượng màu nhiệm ấy.

Trong chuyến du hành xuyên thời gian này, độc giả sẽ không còn gặp lại những cỗ máy tối tân với công thức vận hành phức tạp hay những lỗ hổng sâu thẳm hút mọi thứ của hiện tại để đưa về quá khứ… Cánh cửa để các nhân vật chính của chúng ta trò chuyện với quá khứ chỉ là khe cửa nhận thư và những lá thư. Từng cuộc trò chuyện qua thư của quá khứ và tương lai kể cho chúng ta những câu chuyện cảm động về thân phận con người trước biến cố. Từng lá thư gửi về quá khứ là từng mạch nước ngầm tạo ra cội nguồn và hòa mình vào một dòng suối mà hiện tại cũng chính là trạm nghỉ của dòng suối đó.

Ba chàng thanh niên lang thang là Kouhei, Shota và Atsuya phát hiện ra một lá thư được bỏ qua khe nhận thư trên cánh cửa và người gửi dường như không thuộc về thời đại này. Bức thư gửi đến vì có vẻ chủ tiệm tạp hóa cũ này nhận tư vấn cho mọi người thông qua thư. Cả ba tò mò viết thư hồi âm, giải đáp cho cô gái “Thỏ Ngọc cung trăng” nào đó, và lá thư tiếp theo của Thỏ Ngọc được gửi đến chỉ sau giây lát. Từng sự kiện kỳ lạ bắt đầu xảy ra. Cả ba dần nhận ra: họ đang tác động vào quá khứ.

Tạm xa rời ba chàng “bad boys”, mạch truyện đưa chúng ta trở lại thế giới quá khứ. Đó là nước Nhật thập niên 60, 70 và 80. Từng thân phận con người xuất hiện với những trăn trở riêng, và tất cả cùng tìm đến với tiệm tạp hóa Namiya để mong có được kim chỉ nam cho con đường trước mặt. Ông chủ tiệm, một ông già đôn hậu và tỉ mỉ, mang hình bóng một vị phúc thần trong văn hóa Nhật Bản. Từng lá thư được đưa đến, có khi chỉ là một câu hỏi tầm phào của một cậu nhóc, cũng được tận tình hồi âm. Từng cảnh đời xuất hiện qua những lá thư, có khi là nỗi dằn vặt trên con đường sự nghiệp, đôi khi lại là ẩn ức của một cậu bé còn chưa đầy đủ nhận thức về cuộc đời, cũng có khi là một tờ giấy trắng được gửi đến. Trước khi từ biệt thế giới và cửa tiệm kỳ diệu, vị phúc thần ấy vẫn còn băn khoăn về tác động của từng lời khuyên ông viết trong thư đối với từng số phận, liệu rằng những ngã rẽ cuộc đời sau mỗi lá thư có đem đến hạnh phúc cho người hỏi hay không…

Cả ba cậu thanh niên ở đầu câu chuyện tưởng như sắp tiếp tục kiếp “sống mòn”, phó mặc cho mọi ngã rẽ… cũng vì họ không hiểu được chính cuộc đời mình vốn bắt đầu từ đâu, không thấu hiểu được từ tận sâu trong lòng mình có điều gì. Những câu hỏi của quá khứ gửi đến, những giây phút dồn tâm để viết thư hồi âm hồi âm gửi về quá khứ, những câu hỏi cả ba tự đặt ra mà chưa thể trả lời… chính là hành trình để họ tìm ra chính mình.

Cuốn “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya” là các mạch truyện đan xen với các mốc thời gian khác nhau. Độc giả sẽ cảm nhận được một thứ màu bàng bạc, ấm áp, hoài cổ của một thời xa xưa với nhạc Beatles, Thế Vận Hội Moscow năm 1980, và nhất là những lá thư tay nồng hậu. Cuốn sách đưa ta về cái thời người ta hồi hộp từng ngày từng giờ để được đón nhận tin tức của những người ở xa. Người đọc cũng không ngừng bồn chồn khi chờ để được biết số phận của từng nhân vật ở đoạn sau. Phải rồi, chỉ có 3 chàng trai ở hiện tại là không có cảm giác bồn chồn, vì những lá thư quay lại với họ chỉ sau chốc lát.

Ba chàng trai sử dụng đêm màu nhiệm duy nhất của cửa tiệm Namiya để trả lời khá nhiều thư. Nhưng họ lại quên mất chính mình cũng đang đứng trước những biến động và cần một câu trả lời. Và ông chủ tiệm tạp hóa Namiya đã giải đáp cho họ: “Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng… Vì còn là giấy trắng nên bạn có thể vẽ nên bất kỳ bản đồ nào.” Đó cũng là bức thư cuối cùng của ông chủ tiệm, bức thư khiến cho thời gian của ba chàng trai như ngừng lại để rồi họ có thêm can đảm khi mở tung cánh cửa vào lúc thời gian trở lại nhịp độ bình thường. Vị phúc thần ấy đã rời xa thế giới 32 năm nhưng vẫn đem về một thứ năng lượng tâm linh để gắn kết mọi trái tim. Hình ảnh cuối cùng trước khi gấp lại cuốn sách là ba đôi mắt ướt đẫm của ba chàng trai trước lá thư.

Cuốn sách cũng như 1 bức thư dài gửi đến những cõi lòng hay trăn trở, những trái tim ưa vội vã. Cầm cuốn sách lên, ta gần như mê mị với bầu không khí kì diệu, những con sóng dồn dập trong ta dần dịu lại sau những khoảnh khắc chờ đợi thực sự. Ta phát hiện ra chính mình cũng đang trở lại những ngày tháng xa xưa với những thổn thức. Phải chăng những con người ở quá khứ – có cả chúng ta ở quá khứ – cũng đã nhận được thông điệp từ tương lai? Chính những kiến tạo trong quá khứ, dựa trên niềm tin vào một tương lai đầy phép màu, đã cho chúng ta những tấm bản đồ tỉ mỉ ở hiện tại, để ta không còn sợ bị lạc đường

7. DIỄM TRANG review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Xuất sắc!

Lần đầu tiên đọc sách của Higashino Keigo và cảm thấy quá ấn tượng.

Những nhân vật với những câu chuyện tưởng như độc lập nhưng lại đc tác giả khéo léo kết nối theo những cách rất tự nhiên và được hé mở từ từ.

Ôi đọc thôi là biết tác giả quá thông minh rồi, ko uổng là người chuyên viết truyện trinh thám (quyển này thì ko phải nha).

Kết bác rồi đó nha! Vẫn còn 1 quyển của bác trên kệ, con sẽ đọc sau.

Hia hia ưng cái bụng quá đi mất.

8. LINH LEE review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Nếu ví một cách văn hoa, mĩ miều thì là thời gian thấm thoát thoi đưa, thô tục hơn một chút là thời gian như chó chạy ngoài đồng, nhưng tất cả đều chỉ thời gian một đi không trở lại. Cũng bởi vậy mà chúng ta thường khát vọng được đảo ngược thời gian, quay lại quá khứ để mong những kết quả tốt đẹp hơn ở hiện tại, và dù có mong mỏi tới đâu, thì mọi thứ đều không thể tiếp diễn lại lần nữa.

Nhưng Keigo quả thực là một người kể chuyện tài ba. Bằng ngòi bút của mình, ông đã bẻ cong thời gian, khiến cho quá khứ và tương lai gặp nhau ở một khoảng không gian xác đinh: Tiệm tạp hóa Namiya. Biến cái không tưởng trở thành có thể, sử dụng những điều huyền bí của tự nhiên, đó là đặc điểm của Keigo trong một số chuyện tôi đã đọc, khác với những tác giả người Mỹ, Anh, Pháp,… thường thiên về logic. Nhưng chính những điều thần bí này lại trở thành một thứ gì đó rất phương Đông trong văn chương của ông.

Tiệm tạp hóa của Namiya không hẳn là một cỗ máy thời gian, chỉ là bằng một cách nhiệm màu nào đó, thời gian trong cửa tiệm khác với thời gian ở bên ngoài kể từ 0h đến rạng sang ngày 13/9. Cũng vào ngày ấy, sau một phi vụ buổi tối, một nhóm bạn ba người tạm lánh vào tiệm tạp hóa này, và những hiện tượng bất ngờ đã xảy ra: họ nhận được những lá thư cầu được tư vấn cho những biến cố của cuộc đời, khi họ cùng được, lạc lối, và những lá thư này đều đến từ quá khứ.

Một cô nàng vận động viên Thế Vận Hội phân vân giữa hai lựa chọn tình yêu, hạnh phúc trong những giây phút cuối đời mình yêu, hay thực hiện nguyện vọng cuối của anh ấy, một chàng nhạc sĩ hàng cá đang mông lung với tương lai, bị hiện thực giằng xé, một cô nàng lạc lối giữa cuộc đời chông gai có ý định trở thành “tiếp viên”, họ là những người đã gửi thư đến cửa tiệm nhưng chẳng ngờ, những người trả lời thư cho họ cũng không kém phần lạc lối, chỉ có bản ngã trong lòng họ còn hướng đến cái thiện, sẵn lòng thử tìm cách giúp họ dù không có lợi lộc gì.

Nhân duyên cũng là một điều kỳ diệu trong câu chuyện này, các nhân vật dường như gặp nhau và xuất hiện cùng nhau. Những người xa lạ đều gặp nhau ở một vài điểm chung: tiệm tạp hóa hoặc trại trẻ mồ côi. Từng câu chuyện trong những lá thư đều gắn kết chặt chẽ qua sự xuất hiện lặp lại của nhân vật: nhân vật chính ở trong câu chuyện này lại là nhân vật phụ ở trong câu chuyện khác. Vòng lặp này khiến ta hình dung rõ hơn về từng nhân vật qua một vài khía cạnh, và một vùng nào đó của nước Nhật trong quá khứ đã được dựng lên như vậy.

Từng câu chữ của Keigo đều đáp trúng những điều chân thật trong lòng người, những hoàn cảnh oái ăm nhưng lại tương tự (gần giống) với một số cảnh trong đời sống hiện đại bởi vậy từng câu chuyện của ông đều dễ dàng khiến độc giả xúc động, rồi giật mình suy ngẫm.

Có lẽ, được khuyên gì không quan trọng, vì thực ra sâu trong ta đã có những câu trả lời cho chính mình, tiệm tạp hóa chỉ là nơi trút bỏ tâm sự để họ không bị dằn vặt, phân vân hơn mà thôi. Độc giả cũng không ngoại lệ, những lời khuyên, bài học ta đúc kết được từ cuốn sách thì rất nhiều, nhưng sự đồng điệu về tâm hồn với những cảnh đời trong truyện mới là thứ chạm đến đáy lòng chúng ta nhất.

9. DUONG DANG review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Duong Dang review sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo

Mình không hay đọc truyện chữ hay xem phim Nhật, chỉ đọc mấy truyện tranh với xem hoạt hình. Mua cuốn này vì thấy có rất rất nhiều người khen hay.

Mở đầu truyện kể về 3 tên đi trộm đồ, nhưng bị hỏng xe khi chạy trốn nên phải trú tạm vào một tiệm tạp hóa bị bỏ hoang từ lâu có tên là Namiya. Họ định ở lại một đêm, khi trời vừa sáng sẽ rời đi. Câu chuyện thực sự bắt đầu khi họ bỗng nhận được một lá thư xin tư vấn vừa được để vào hộp thư của tiệm. Cả 3 chỉ là những tên vô công rồi nghề, ít học. Ban đầu, chỉ vì tò mò và tức giận, họ trả lời bức thư của một người không liên quan gửi cho một tiệm tạp hóa đã đóng cửa từ 32 năm trước, đôi khi với những lời lẽ nặng nề, như tát thẳng vào mặt người nhận. Nhưng sau đó, họ thực sự quan tâm đến câu chuyện của người gửi và muốn làm gì đó để giúp người đó.

Tiệm tạp hóa Namiya vốn đã tồn tại từ mấy chục năm trước, với một ông chủ tận tâm trong từng bức thư hồi đáp. Ban đầu, dù chỉ là những câu hỏi vớ vẩn và ngây ngô của lũ trẻ trong trấn, ông cũng không hề trả lời qua loa. Sau này, khi tiếng lành đồn xa, những bức thư tâm sự và hỏi về những vấn đề nghiêm túc được gửi đến ngày càng nhiều, ông Namiya càng dành nhiều thời gian và công sức để trả lời một cách tâm huyết và thật lòng nhất có thể. Thậm chí ông còn lo nghĩ, không biết những bức thư của mình có giúp ích gì cho người nhận không. Và ông đã sắp xếp để biết được điều đó trước khi mất.

Truyện được chia thành nhiều phần, mỗi phần liên quan đến một nhân vật, từ cô gái thi đấu thể thao, chàng nhạc sĩ – ca sĩ theo đuổi ước mơ, cậu học sinh cấp 2, cô gái chọn nhầm người hay cô gái muốn kiếm tiền từ nghề tiếp viên. Mỗi người có một câu chuyện, một nỗi lo riêng. Thực ra họ gửi thư nhờ tư vấn cũng chỉ là muốn có người lắng nghe câu chuyện của mình, và đôi khi là để củng cố lại niềm tin, nhưng chính những bức thư của tiệm tạp hóa lại giúp họ tìm được lối đi cho mình. Mỗi nhân vật với một câu chuyện độc lập, riêng rẽ, tưởng chừng không liên quan đến nhau, nhưng cuối cùng lại có mối quan hệ mật thiết, cả về không gian và thời gian. Tất cả đã được Keigo kết nối và lồng ghép một cách khéo léo, tạo nên điều bất ngờ cho truyện.

Túm cái váy lại là mình highly recommend truyện này <3

Thời gian chụp ảnh còn lâu hơn thời gian viết review =)) nhà hẻm có đồ gì đẹp để chụp cùng sách

III. Trích dẫn sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Trích dẫn sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE

“Đây là lần đầu tiên tôi nhờ tiệm tư vấn. Tôi là Thỏ Ngọc cung trăng. Giới tính nữ. Mong tiệm thứ lỗi vì tôi không thể tiết lộ tên thật bởi có lý do riêng.”

“Gửi nghệ sĩ cửa hàng cá. Tôi đã đọc trăn trở của cậu. Cảm ơn cậu đã cho tôi nghe một trăn trở hết sức xa xỉ. Cậu sướng thật đấy. Là con trai duy nhất của cửa hàng cá có truyền thống ba đời à?”

“Đây là câu nhờ tư vấn của cháu: Cháu muốn đạt 100 điểm bài kiểm tra mà không phải học hay làm trò gian lận như quay cóp. Cháu phải làm thế nào?”

“Gửi tiệm tạp hóa Namiya. Tiệm sẽ mở cửa lại thật chứ? Tiệm thông báo sẽ chỉ mở lại một đêm duy nhất nghĩa là sao?”

“Gửi người vô danh.”

“Bản đồ của bạn vẫn còn là tờ giấy trắng. Bạn đang ở trong tình trạng dù rất muốn quyết định đích đến nhưng lại không biết đường đi nằm ở đâu. bản đồ là tờ giấy trắng dĩ nhiên là lúng túng rồi. Ai cũng sẽ thấy mất phương hướng. Nhưng bạn hãy thử thay đổi cách nhìn. Vì là tờ giấy trắng nên bạn có thể vẽ bất cứ bản đồ nào. Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đầu tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”

“Mối liên hệ giữa người và người bị cắt đứt không phải vì lý do gì cụ thể cả. Mà không, kể cả ngoài mặt có lý do đi nữa thì cũng chỉ là lời bào chữa được viện ra sau đó mà thôi, vì tâm trí đã xa lìa nhau nên mới thành ra chuyện như vậy. Bởi lẽ, nếu tâm trí chưa xa rời nhau thì khi xảy ra chuyện khiến mới liên hệ có nguy cơ đứt gãy, chắc chắn phải có ai đó cố gắng hàn gắn lại. Không ai làm vậy chứng tỏ sự gắn bó đã hết. Thế nên như thể đang đứng ngoài nhìn con thuyền chìm dần, cả bốn người ấy không ai tỏ ra muốn cứu Beatles.”

“Tất cả là tùy ở bạn. Mọi thứ đầu tự do, khả năng là vô tận. Điều này thật tuyệt. Tôi mong bạn hãy tin vào bản thân và cháy hết mình với cuộc đời.”

Trích đoạn sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya

Chương 1: Thư Hồi Âm Để Trong Hộp Nhận Sữa

Người đề xuất đến căn nhà hoang là Shota. Nó bảo có một căn nhà hoang cũng tàm tạm.

“Cái gì cơ? Nhà hoang tàm tạm là sao?” Atsuya quay lại nhìn Shota, cái thằng người đã bé loắt choắt mà mặt còn như trẻ con.

“Tao bảo tàm tạm thì nghĩa là tàm tạm chứ sao. Nghĩa là vừa đủ để náu thân. Lúc đi tiền trạm, tao tình cờ tìm được. Ai ngờ sẽ có lúc dùng đến thật.”

“Xin lỗi hai đứa mày nhé.” Kouhei co rúm tấm thân kềnh càng. Nó nhìn chiếc Crown đời cũ đỗ bên cạnh với ánh mắt tiếc nuối. “Có nằm mơ tao cũng không tưởng tượng được chiếc xe lại hết ắc quy ở một nơi thế này.”

Atsuya thở dài.

“Giờ nói thế cũng giải quyết được gì đâu.”

“Nhưng thế nghĩa là sao nhỉ? Trước lúc đến đây hoàn toàn không có vấn đề gì mà. Đèn cũng đâu có bật suốt.”

“Là tuổi thọ.” Shota thủng thẳng nói. “Mày cứ nhìn đồng hồ cây số xem. Trên một trăm nghìn cây rồi. Giống như lão suy ấy. Nó có tuổi rồi, chạy được đến đây thì gục luôn. Vì thế tao mới bảo có ăn trộm thì nên chọn xe mới.”

Kouhei khoanh tay, lầm bầm nói: “Ừm. Xe mới thì lại có thiết bị chống trộm.”

“Thôi được rồi.” Atsuya xua tay. “Shota, cái nhà hoang đó có gần đây không?”

Shota nghiêng đầu. “Đi nhanh cũng mất hai mươi phút.”

“Vậy cứ thử đến đó xem sao. Mày dẫn đường nhé.”

“Được thôi, nhưng cái xe này tính sao? Để đây có ổn không?”

Atsuya đưa mắt nhìn quanh. Cả bọn đang ở bãi giữ xe tháng của một khu dân cư. Thấy có chỗ trống, bọn nó bèn đỗ chiếc Crown vào nhưng nếu người thuê chỗ đó phát hiện ra thế nào cũng báo với cảnh sát.

“Không ổn lắm nhưng cái xe không chạy được nữa nên đành vậy. Mà bọn mày không chạm vào nó bằng tay trần đấy chứ. Không chạm thì cảnh sát sẽ không lần ra được bọn mình từ cái xe này.”

“Thôi thì đành phó mặc cho ông trời.”

“Tao đã bảo chỉ còn cách đó thôi.”

“Tao chỉ muốn xác nhận vậy thôi. OK. Nào, đi theo tao.”

Shota rảo bước, Atsuya đi theo sau. Chiếc cặp xách bên tay phải nặng trĩu.

Thằng Kouhei đi bên cạnh nó.

“Atsuya này, hay là bắt taxi. Đi thêm đoạn nữa là ra đường cái rồi. Tao nghĩ ở đó sẽ có taxi đấy.”

Atsuya khịt khịt mũi.

“Giờ này, ở một chỗ thế này, có ba thằng khả nghi bắt taxi thì tài xế sẽ nhớ mặt ngay. Ảnh nhận dạng giống hệt bọn mình được công bố thì coi như xong đời.”

“Nhưng không biết tài xế có nhìn chằm chằm vào mặt bọn mình không nhỉ?”

“Nếu là một gã thích nhìn chằm chằm thì sao? Hoặc một gã không nhìn chằm chằm nhưng chỉ cần nhìn thoáng qua là nhớ thì sao?”

Kouhei nín thinh, đi thêm vài bước nữa rồi lí nhí nói: “Tao xin lỗi.”

“Được rồi. Im lặng đi tiếp đi.”

Ba đứa đi bộ qua khu dân cư nằm trên đồi. Giờ đã là hơn hai giờ sáng. Những căn nhà với lối thiết kế na ná nhau nằm san sát, có rất ít cửa sổ sáng đèn. Song vẫn không được chủ quan. Nói chuyện to lỡ ai đó nghe được sẽ có nguy cơ bị mách với cảnh sát là “Nửa đêm có mấy kẻ tình nghi đi qua đây”, về phần Atsuya, nó muốn cảnh sát nghĩ rằng thủ phạm trốn khỏi hiện trường bằng ô tô. Đương nhiên với điều kiện là chiếc Crown ăn trộm không bị tìm thấy ngay.

Con đường dốc thoai thoải nhưng đi được một lúc, dốc bắt đầu cao dần lên. Nhà cửa cũng thưa thớt hơn.

“Này, đi đến bao giờ thế?” Kouhei hổn hển hỏi.

“Sắp tới rồi.” Shota đáp.

Thực tế thì ngay sau đó, Shota đứng lại. Cạnh đó có một căn nhà.

Một căn nhà kiêm cửa hàng không to lắm. Phần nhà ở có kiến trúc nhà gỗ kiểu Nhật, phần cửa hàng với mặt tiền rộng chừng 3,64 m đang đóng. Trên cánh cửa cuốn chỉ có một khe nhét thư, ngoài ra không thấy ghi gì khác. Cạnh đó là gian nhà nhỏ nom như nhà kho kiêm chỗ để xe.

“Đây hả?” Atsuya hỏi.

“Ừm…” Shota nhìn căn nhà, hơi nghiêng đầu. “Đúng là chỗ này nhưng mà…”

“Cái gì? Nhưng mà là sao? Bị nhầm hả?”

“Không, tao nghĩ là chỗ này. Nhưng lần trước đến tao có ấn tượng khác. Tao nghĩ lần trước trông nó mới hơn.”

“Lần trước mày đến là vào ban ngày. Thế nên mới thấy vậy.”

“Có lẽ thế.”

Atsuya lấy trong cặp ra chiếc đèn pin và rọi quanh chỗ cửa cuốn. Bên trên có biển hiệu, nhìn mãi mới đọc được chữ “tạp hóa”. Sau chữ “tạp hóa” hình như còn có tên nhưng nó không đọc được.

“Tiệm tạp hóa? Ở một nơi thế này? Ai mà đến chứ.” Atsuya buột miệng nói.

“Không ai đến thì mới phải đóng cửa.” Shota nói ra điều hiển nhiên.

“Ra vậy. Thế đi vào lối nào?”

“Có cửa sau. Khóa hỏng rồi.”

Shota bảo “Đằng này” rồi len qua lối đi hẹp giữa cửa hàng và nhà kho. Atsuya và Kouhei theo sau. Lối đi rộng chừng một mét. Vừa đi, chúng vừa ngước nhìn lên trời.

Trăng tròn vành vạnh ở ngay trên đầu.

Đúng là đằng sau có cửa thật. Cạnh cánh cửa có gắn một hộp gỗ nhỏ. Kouhei lẩm bẩm không biết đó là cái gì.

“Mày không biết hả? Hộp nhận sữa. Để đựng sữa người ta đưa tới.” Atsuya đáp.

“Ò.” Kouhei nhìn cái hộp với vẻ thán phục.

Ba đứa mở cánh cửa, bước vào trong. Bên trong có mùi bụi bặm nhưng không đến mức khó chịu. Trên nền đất rộng chừng hai chiếu có một chiếc máy giặt hoen gỉ trông như đã hỏng.

(Khoảng hơn 3,3 m2)

Bậc thềm có một đôi dép phủ đầy bụi. Ba đứa bước qua đôi dép rồi đi cả giày vào nhà.

Đầu tiên là phòng bếp. Sàn bếp lát ván gỗ, cạnh cửa sổ là bồn rửa và bàn bếp. Kế đó là chiếc tủ lạnh hai cửa. Bàn và ghế đặt ở giữa phòng.

Kouhei mở tủ lạnh. “Chẳng có gì cả.” Nó nói với vẻ chán chường.

“Đương nhiên rồi.” Shota bĩu môi. “Thế có thì sao. Mày định ăn hả?”

“Tao chỉ bảo là không có gì thôi.”

Cạnh đó là phòng kiểu Nhật, vẫn còn tủ và bàn thờ. Đệm ngồi chất ở góc phòng. Có tủ âm tường nhưng chẳng đứa nào muốn mở.

Phía trước phòng kiểu Nhật là cửa hàng. Atsuya dùng đèn pin soi thử. Trên kệ vẫn còn một ít hàng hóa. Mấy thứ như văn phòng phẩm, đồ bếp, dụng cụ vệ sinh.

“May quá!” Shota đang kiểm tra ngăn kéo bàn thờ bỗng kêu lên. “Có nến này. Đảm bảo được ánh sáng rồi.”

Nó dùng bật lửa châm vài ngọn nến rồi đặt rải rác mấy chỗ. Vậy thôi cũng đủ cho căn phòng sáng hơn. Atsuya tắt đèn pin.

“Ây da ây da.” Kouhei ngồi khoanh chân trên chiếu, nói: “Giờ chỉ còn đợi trời sáng thôi nhỉ.”

Atsuya lấy điện thoại di động ra để xem giờ. Đã hơn hai rưỡi sáng.

“Ồ, có cái này này.” Shota lôi từ ngăn kéo dưới cùng của bàn thờ ra một thứ trông như tạp chí. Có vẻ là một tờ tuần san cũ.

“Đưa tao xem nào.” Atsuya chìa tay ra.

Nó phủi bụi rồi nhìn lại trang bìa lần nữa. Trên bìa có ảnh một cô gái đang cười rạng rỡ. Có vẻ là diễn viên.

Hình như nó đã nhìn thấy người này ở đâu đó, nó ngắm thật kỹ và nhận ra. Đó là nữ diễn viên thường xuất hiện trên các phim truyền hình trong vai bà mẹ. Giờ có lẽ cũng đã ngoại lục tuần.

Atsuya lật bìa sau tờ tuần san để xem ngày phát hành. Ngày tháng in trên đó là khoảng bốn mươi năm trước. Khi nó nói ra điều này, hai thằng còn lại tròn mắt ngạc nhiên.

“Ghê chưa. Không biết hồi đó xảy ra những chuyện gì nhỉ.” Shota hỏi.

Atsuya giở các trang. Hình thức trình bày không khác mấy so với tuần san bây giờ.

“Siêu thị hỗn loạn vì mọi người đổ xô đi mua giấy vệ sinh và bột giặt… Hả, chúng mày nghe thấy bao giờ chưa?”

“À, cái đó thì tao biết.” Kouhei nói. “Khủng hoảng dầu mỏ ấy mà.”

Atsuya lướt qua phần mục lục, xem nốt trang ảnh rồi gập tờ tuần san lại. Không có ảnh thần tượng hay ảnh khỏa thân.

“Không biết nhà này có người sống đến lúc nào nhỉ.” Cất lại tờ tuần san vào ngăn kéo bàn thờ, Atsuya nhìn một lượt khắp căn phòng. “Ngoài tiệm vẫn còn một ít hàng, còn cả tủ lạnh và máy giặt nữa. Cảm giác như họ rời đi rất vội.”

“Chạy trốn trong đêm. Chắc là thế rồi.” Shota khẳng định. “Không có khách. Món nợ ngày càng phình ra. Thế là một đêm, thu dọn đồ đạc và a lê hấp. Kiểu kiểu như thế.”

“Cũng có thể.”

“Tao đói quá.” Kouhei cất giọng thiểu não. “Gần đây có cửa hàng tiện lợi không nhỉ.”

“Có tao cũng không để mày đi đâu.” Atsuya lườm Kouhei. “Phải ở yên đây đến sáng. Ngủ là thấy vèo một cái thôi.”

Kouhei rụt cổ, ôm lấy đầu gối. “Tao mà đói là không ngủ được.”

“Với cả chiếu đầy bụi thế này, nằm thế nào được.” Shota nói. “Giá mà có cái gì đó để lót.”

“Đợi tao một lát.” Atsuya đứng dậy. Nó cầm đèn pin, đi ra phía cửa hàng ở đằng trước. Nó đi quanh gian hàng, rọi đèn pin vào các kệ, đầu nghĩ biết đâu sẽ kiếm được tấm ni lông nào đó.

Có một cuộn giấy shoji, loại giấy dùng để dán cửa. Trải cái này ra chắc cũng ổn. Atsuya nghĩ vậy và với tay lấy. Đúng lúc ấy, nó nghe thấy tiếng động khe khẽ ở sau lưng.

Atsuya giật mình ngoảnh lại. Có thứ gì đó màu trắng vừa rơi xuống cái thùng các tông đặt ngay chỗ cửa cuốn. Nó rọi đèn vào trong thùng. Có vẻ là một phong bì.

Trong một giây, máu trong người nó sôi lên. Ai đó vừa nhét vào khe nhận thư. Không thể có chuyện đêm hôm tới một căn nhà hoang thế này để giao thư từ gì được. Vậy là có người phát hiện ra bọn nó đang ở căn nhà này và tới để thông báo điều gì đó.

Hít một hơi thật sâu, Atsuya lật nắp khe nhận thư lên, thăm dò tình hình phía trước cửa hàng. Nó nghĩ rất có thể cảnh sát đang bao vây căn nhà, nhưng trái với dự đoán, bên ngoài tối đen như mực. Không một bóng người.

Nó khẽ thở phào, nhặt chiếc phong bì lên. Mặt trước không ghi gì cả. Nó lật mặt sau thì thấy có dòng chữ tròn trịa: “Thỏ Ngọc cung trăng”.

Atsuya cầm phong bì quay trở lại phòng kiểu Nhật. Khi nó đưa cho hai thằng kia xem, cả hai đều nhăn mặt.

“Cái gì đấy? Chẳng phải có từ trước sao?” Shota nói.

“Vừa được ném vào đấy. Chính mắt tao nhìn thấy không nhầm đâu. Với lại mày nhìn xem, còn mới mà. Nếu có từ trước thì phải phủ đầy bụi chứ.”

Cơ thể kềnh càng của Kouhei co rúm lại. “Hay là cảnh sát…”

“Tao cũng nghĩ thế nhưng chắc không phải. Cảnh sát không vòng vo vậy đâu.”

“Ờ nhỉ.” Shota lẩm bẩm. “Cảnh sát thì không xưng là ‘Thỏ Ngọc cung trăng’ đâu.”

“Vậy thì là ai?” Con ngươi đen láy trong mắt Kouhei chuyển động với vẻ bất an.

Atsuya nhìn chằm chằm chiếc phong bì. Cảm giác bên trong khá dày. Nếu là thư thì sẽ là một bức thư dài. Rốt cuộc, kẻ nhét bức thư vào muốn nhắn nhủ gì với bọn nó đây.

“Không phải đâu.” Nó lẩm bẩm. “Đây không phải thư gửi cho bọn mình đâu.”

Hai đứa kia cùng nhìn Atsuya như muốn hỏi: Sao lại thế?

“Nghĩ mà xem. Bọn mình vào căn nhà này được bao lâu? Nếu là lời nhắn thì không nói làm gì, nhưng viết cả bức thư thế này thì ít nhất cũng phải mất nửa tiếng đấy.”

“Ra vậy. Mày nói cũng đúng.” Shota gật đầu. “Nhưng chắc gì đã là thư.”

“Ờ nhỉ.” Atsuya lại nhìn xuống chiếc phong bì. Phong bì được dán kín. Sau khi hạ quyết tâm, nó cầm chỗ dán bằng cả hai tay.

“Mày định làm gì thế?” Shota hỏi.

“Tao định mở ra. Kiểm tra bên trong là nhanh nhất.”

“Nhưng đâu phải thư gửi bọn mình.” Kouhei nói. “Tự tiện mở ra không hay đâu.”

“Thì biết làm sao. Không đề người nhận mà.”

Atsuya xé phong bì. Tay vẫn đi găng, nó thò ngón tay vào và rút tờ giấy bên trong ra. Trên tờ giấy chi chít chữ viết bằng mực xanh. Dòng đầu tiên là: “Đây là lần đầu tiên tôi nhờ tiệm tư vấn.”

“Cái gì thế này?” Atsuya buột miệng nói.

Kouhei và Shota đứng bên cạnh cũng nhòm vào.

Đó thực sự là một bức thư kỳ lạ.

“Đây là lần đầu tiên tôi nhờ tiệm tư vấn. Tôi là Thỏ Ngọc cung trăng. Giới tính nữ. Mong tiệm thứ lỗi vì tôi không thể tiết lộ tên thật hỏi có lý do riêng.

Chuyện là tôi đang chơi một môn thể thao. Thành thật xin lỗi vì tôi cũng không thể nói ra tên môn thể thao này. Nói thế này có vẻ tự phụ nhưng tôi có được một số thành tích nhất định và hiện là ứng cử viên tham dự Thế Vận Hội tổ chức vào năm sau. Nghĩa là, nếu tôi tiết lộ tên môn thể thao thì trong chừng mực nào đó, tiệm có thể xác định được nhân thân của tôi. Ngoài ra, nội dung tôi nhờ tư vấn buộc tôi phải giấu kín việc là ứng cử viên tham dự Thế Vận Hội. Mong tiệm hiểu cho.

Tôi đang yêu một người. Anh ấy là bạn tri kỷ, là người dìu dắt, là người cổ vũ lớn nhất của tôi. Anh ấy thiết tha mong tôi được tham dự Thế Vận Hội. Anh còn bảo sẵn sàng hy sinh bất cứ điều gì để tôi có thể tham dự. Trên thực tế, tôi đã được anh giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần, nhiều tới mức không thể đong đếm. Chính vì có hậu phương như vậy mà tôi đã cố gắng được đến ngày hôm nay, đã vượt qua được những đợt tập huấn hà khắc. Tôi nghĩ việc đứng trên vũ đài Thế Vận Hội chính là cách để trả ơn anh ấy.

Thế nhưng đã xảy ra một chuyện giống như cơn ác mộng với chúng tôi. Anh ấy đột ngột ngã bệnh. Khi nghe tên bệnh, tôi thấy trước mắt tối sầm lại. Đó là căn bệnh ung thư.

Bác sĩ ở bệnh viện nói riêng với tôi là bệnh của anh hầu như không có hy vọng chữa trị, chỉ sống được khoảng nửa năm nữa. Hình như anh cũng cảm nhận được điều này.

Nằm trên giường bệnh, anh bảo tôi hãy dồn hết sức cho thi đấu, đừng lo cho anh. Bởi đây là thời kỳ quan trọng. Thực tế thì đúng là như vậy, có rất nhiều kế hoạch tập huấn và du đấu nước ngoài. Để được vào đội tuyển quốc gia, tôi phải cố gắng từ bây giờ. Tôi hiểu rõ điều này.

Nhưng một con người khác trong tôi, con người không phải vận động viên, lại muốn ở cùng anh ấy. Muốn bỏ hết việc luyện tập, ở bên anh để chăm sóc cho anh. Thật ra, đã có lần tôi ngỏ ý với anh việc không tham dự Thế Vận Hội nữa. Giờ nhớ lại khuôn mặt rầu rĩ của anh khi nghe tôi nói vậy, tôi chỉ muốn khóc. Anh khẩn khoản xin tôi đừng bao giờ nghĩ thế, việc tôi có mặt tại Thế Vận Hội là ước mơ lớn nhất của anh, đừng tước bỏ của anh ước mơ ấy. Dù có xảy ra chuyện gì, anh sẽ không chết trước khi tôi có mặt ở vũ đài Thế Vận Hội. Anh bắt tôi hứa sẽ cố gắng.

Tôi vẫn giấu mọi người về bệnh tình thực sự của anh. Chúng tôi dự định sẽ làm đám cưới sau khi kết thúc Thế Vận Hội nên tôi không nói gì cho hai bên gia đình cả.

Hằng ngày tôi sống mà không biết phải làm gì. Tôi vẫn luyện tập nhưng không thể tập trung tâm trí, đương nhiên là thành tích không lên. Trong đầu tôi cũng từng xuất hiện ý nghĩ nếu cứ thế này thì thà bỏ thi đấu luôn cho xong, nhưng cứ nghĩ tới khuôn mặt rầu rĩ của anh ấy, tôi lại không quyết định được.

Trong lúc một mình đau khổ, tôi tình cờ nghe được lời đồn về tiệm tạp hóa Namiya. Với tia hy vọng mong manh rằng biết đâu sẽ nhận được ý kiến tuyệt vời nào đó, tôi quyết định viết bức thư này.

Tôi gửi kèm theo đây cả phong bì hồi âm. Xin hãy giúp tôi.

Thỏ Ngọc cung trăng.”

……

Trên đây là các trích dẫn, trích đoạn trong sách Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya – Higashino Keigo. Nếu các bạn thấy hay và hữu ích thì đừng quên mua sách giấy để ủng hộ Tác giả và Nhà xuất bản nhé!

Điều Kỳ Diệu Của Tiệm Tạp Hóa Namiya - Higashino Keigo

LINK GIẢM GIÁ FAHASA T I K I SHOPEE
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè!

Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!

5/5 - (9 bình chọn)

Từ khóa » Tiệm Tạp Hóa Namiya