[Review - Trích Dẫn] Giông Tố - Vũ Trọng Phụng
Có thể bạn quan tâm
Thể Loại | Văn Học – Tiểu Thuyết Tác Phẩm Kinh Điển |
Tác Giả | Vũ Trọng Phụng |
NXB | NXB Văn Học |
CTy Phát Hành | Đinh Tị |
Số Trang | 392 |
Ngày Xuất Bản | 04 – 2013 |
Xem Giá Bán Trên | FAHASA T I K I SHOPEE |
I. Giới thiệu sách Giông Tố (Tái bản)
Nếu đọc tiểu thuyết “Giông tố” trong vòng 50 năm trở lại đây, liệu bạn có biết rằng đó đã ít nhiều bị rơi rụng, sai lạc qua các lần truyền bản.
Cuốn sách này mang tính chất của một công trình văn bản học. Người ta biết rằng, văn bản học như một ngành của ngữ văn học, vốn thiên về thực hành; nó gắn với thực tiễn xuất bản, gắn với việc công bố các tác phẩm viết bằng chữ; vì vậy hầu hết các nhà chuyên môn về biên tập sách, ở mức nhất định, đều can dự đến công tác văn bản. Tuy vậy, cho đến nay, cả trong giới làm biên tập sách lẫn giới nghiên cứu văn học ở ta hầu như chỉ có rất ít chuyên gia về văn bản.
Nhận định
“Tiểu thuyết Giông tố dài 30 chương và thêm một đoạn kết: nhưng sự việc xảy ra trong một thời gian cũng ngắn vậy. Như lời Vũ Trọng Phụng ghi vào lòng truyện, sự việc mở ra vào tháng 10-1932 và kết thúc vào mùa hè 1933. Những niên hiệu này nói lại rất nhiều về hoàn cảnh chính trị và xã hội nước ta lúc bấy giờ.
(…) Tiểu thuyết Giông tố gồm nhiều thứ người: thôn quê, thành thị và cả những nhân vật từ quê ra tỉnh. Có người là thôn nữ bị bán làm lẽ thứ mười hai cho nhà giàu, có người là thư ký, có người là du thủ du thực, có người là gái tân thời, có người là đốc học, có người làm cách mạng. Nhưng trội lên hết để người đọc suy nghĩ, để người đọc nhớ lại mà đặt thành vấn đề thì có hai nhân vật Thị Mịch và Nghị Hách.
(…) Thấy rõ thực dân cai trị, một mặt đàn áp, bắn giết những người chống lại trật tự của chúng; một mặt khác, chúng tạo ra một bọn tay sai trâng tráo. Nhưng sự trâng tráo bẩn thỉu của những kẻ chỉ sống với đồng tiền, lấy đồng tiền ra mà bắt nạt, ăn hiếp cuộc sống, điều khiển cuộc sống, đặt cho cuộc sống một khuôn phép theo đồng tiền bóp nặn ăn cướp được, cái sự trâng tráo ấy (như đoạn văn trích trên đây của thiên truyện XXI), sự trâng tráo của cái xã hội lấy của đè người ấy lại còn lên tới cái mức mặt dạn mày dày vô liêm sỉ cao độ mà chỉ có ngòi bút Vũ Trọng Phụng mới phân tích nổi và tổng hợp được hết ở chương XXIX. Sau những tình tiết phức tạp của truyện (chính cuộc đời riêng của Nghị Hách là một sự phức tạp kinh rợn nhớp nhúa). Nghị Hách đã biết Long, cái người bị y cướp vợ kia, lại chính là con giai y mà y vẫn gả con gái của y cho Long như thường, và trâng tráo đến cái mức quảng cáo cho y bằng sự công nhận việc loạn luân đó giữa một bữa tiệc khoe mề đay, sau một cuộc phát chẩn giả nhân giả nghĩa cho 4.000 người, chính những người y đã bóc lột và đày đọa.
Chương này gần kết thúc Giông tố: đọc đến đây, thấy sợ Vũ Trọng Phụng. Trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Giông tố là một truyện dài đại diện rất nhiều cho tư tưởng tiến bộ và thái độ phê phán của nhà tiểu thuyết trước cuộc sống đảo điên của thời ấy. Nhưng trong Giông tố, chương này là cái đoạn mà thấy tác giả mạnh nhất và cao tay nhất về nghệ thuật. Tôi vừa nói là sợ Vũ Trọng Phụng. Sợ, hiểu theo cái nghĩa của những người trong nghề nghiệp văn chương biết kính phục trước một nhân tài, một chân tâm, một cái uy tín trong văn học cận đại nước ta. Trong dịp kỷ niệm Vũ Trọng Phụng này, sự kính phục ấy càng có nghĩa là sự thương yêu, kính trọng và nhớ tiếc không biết để đâu cho hết được.
Nói chung về tác phẩm Vũ Trọng Phụng và cả con người tác giả, lúc sinh thời và cả sau lúc nằm xuống để đường hoàng đi vào cõi bất diệt của văn xuôi Việt Nam, rất nhiều người đọc hay bận tâm về cái khía dâm trong bất cứ trứ tác nào của Vũ Trọng Phụng. Bận tâm đến cái mức độ ngộ nhận những văn phẩm có chân giá của hiện thực phê phán kia đều là những dâm thư. Những đoạn gọi là dâm ấy mà có vì sự cần thiết của cơ cấu một truyện dựng thì đấy cũng chỉ là những hiện tượng. Thực chất của văn phẩm Vũ Trọng Phụng là vượt lên những hiện tượng ấy để nói một cái gì rất lớn và nói lên cái hoài bão rất lành, rất đẹp của tác giả.
Riêng về Giông tố, truyện dài đã đóng bằng một việc tiêu cực tự hoại thân thể, và cũng mở đầu bằng một cuộc cưỡng dâm thô bạo có trả tiền. Rồi lại tiếp diễn những cuộc tiền dâm hậu thú và thông dâm, và vân vân. Nhưng cái chính không phải ở đây. Giông tố có nói đến nông dân, nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn chệch choạc. Giông tố có nói đến chiến sĩ cách mạng nhưng cái nhìn của Vũ Trọng Phụng còn viển vông, phiêu lưu. Cái mà Vũ Trọng Phụng đánh trúng nhất trong Giông tố tức là đánh vào cái sự trâng tráo tàn bạo của thế lực đồng tiền, của những thế lực phản bội đã dựa vào đế quốc và định cầm cân nảy mực cho sự sống và ngự trị lên trên cái giá trị thật của đời sống. Cái mà Vũ Trọng Phụng xưa kia đã dành cái phần tráng kiện trong nhỡn lực và bút lục để tấn công vào, vì hạnh phúc và công lý, thì ngày nay cuộc cách mạng của ta đã dồn nó vào chỗ Mỹ – Diệm. Vũ Trọng Phụng mà còn, còn đánh nhiều thêm bằng nhiều truyện nữa, còn đánh mạnh hơn bao giờ hết và đánh cho kỳ hết. Không những đánh, mà Vũ Trọng Phụng còn kiến thiết nữa….”
NGUYỄN TUÂN (In trong báo Nhân dân, số 966, ngày 27-10-1956)
******
“… Trong Giông tố, Vũ Trọng Phụng dẫn chúng ta từ thôn quê “xôi thịt” đến thành thị “bơ sữa”, từ những chốn ăn chơi truỵ lạc, gái đĩ, thuốc phiện đến những cảnh xa hoa – cũng không kém truỵ lạc – trong phòng Tịnh Tâm ở ấp Tiểu Vạn Trường Thành của Nghị Hách. Không kể những nhân vật chính, riêng những con người của xã hội cũ mà Vũ Trọng Phụng vẽ bằng một hai nét trong Giông tố cũng đã nhiều vô kể. Ở thôn quê thì đủ các mặt hào lý, gặp cơ hội nào cũng có thể tổ chức ăn uống, hút xách, đem lý sự cùn ra mà cãi vã nhau, rồi chửi bới nhau, nhưng lên đến cửa quan thì run sợ, hèn nhát. Ở thành thị, thôi thì đủ hạng người, thượng vàng hạ cám. Những tay doanh nghiệp sắc sảo, gian hùng, “coi đời như canh bạc lớn”, “làm việc thiện để quảng cáo cho mình” có chân trong các hội ái hữu, nhưng “kỳ chung không có ai là bạn trên đời”, đã từng chủ tọa những ban giải thưởng văn chương nhưng chưa hề đọc hết một cuốn tiểu thuyết; những tay cổ động cho Phật giáo mà lại đi xây hàng dãy nhà xâm; những anh làm chủ ba bốn tiệm khiêu vũ mà đánh con gái hộc máu về tội ăn mặc tân thời; những anh vừa là chủ hiệu xe đám ma, và là chủ dược phong, bán tem cho Hội Bài trừ bệnh lao, mà lại bán cả thuốc lào mốc, v.v… Tóm lại, tất cả những người tự xưng là “thượng lưu” nhưng kỳ thực chỉ biết có đồng tiền và danh hão, dùng mọi cách đầu cơ, mọi ngón bịp bợm. Theo tác giả thì đó là “những mẫu” hàng đặc biệt của công giới và thương giới”. Ai từng sống ở Hà Nội lâu năm, nhất là vào khoảng 1930-1939, chắc có thể tìm thấy ở những nét sơ sài trên, một con người có thật, bằng xương bằng thịt, đã làm giàu một cách trắng trợn như thế và cũng đã trở nên những tai to mặt lớn của xã hội đương thời….”
CHƯƠNG CHÍNH (In trong Tác phẩm văn học, tập I, 1930-1945, NXB Khoa học xã hội, H., 1990)
******
“… Trong chuỗi tác phẩm xuất sắc của Vũ Trọng Phụng ra đời liên tiếp năm 1936: Giông tố, Số Đỏ, Vỡ đê, Cơm thầy cơm cô, người ta thường đặt Số đỏ lên trên hết như một kiệt tác hoàn chỉnh nhất. Chúng ta không chối cãi giá trị nghệ thuật cao của Số đỏ, nhưng cần thấy Giông tố cũng là một tác phẩm lớn, một kiệt tác hiếm hoi trong nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.
So sánh với Số đỏ,, tác phẩm này phải giải quyết những nhiệm vụ nghệ thuật nặng nề hơn. Nó phải quản lý một thế giới nhân vật đông đúc hơn, phức tạp hơn, gồm nhiều thành phần xã hội và nghề nghiệp khác nhau, từ xã hội nông thôn đến đời sống thành thị, từ lâu đài của bọn triệu phú đến túp lều nát của người nông dân, hay một xó xỉnh bẩn thỉu của một tiệm hút mạt hạng, từ sinh hoạt Âu hóa với những cô gái tân thời lãng mạn nhất đến cuộc sống bình dị, chất phác, cần lao của cô gái quê sau luỹ tre xanh, từ xã hội quan lại Tây và ta cấp huyện, cấp tỉnh đến bọn cường hào ở làng xã, từ giới trí thức, giới báo chí đến các nhà hoạt động chính trị gồm đủ các xu hướng khác nhau: quốc gia, quốc tế, Đệ tam, Đệ nhị, v.v… Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng thường mô tả những số phận luôn biến đổi, nghĩa là chuyển từ cảnh ngộ này sang cảnh ngộ khác hoàn toàn xa lạ, giống như được đổi đời vậy. Nhưng ở Số đỏ, nếu xem xét kỹ sẽ thấy thằng Xuân từ cuộc sống ma cà bông bước vào thế giới của bà Phó Đoan hay của những Văn Minh, TYPN, cụ cố Hồng, thực chất vẫn là từ môi trường lưu manh này đi vào môi trường lưu manh khác mà thôi. Và tính cách Xuân không có gì thay đổi, không cần gì phải thay đổi. Nhưng những nhân vật trong Giông tố thì khác. Thị Mịch từ gia đình cụ đồ Uẩn ở làng Quỳnh Thôn bước vào dinh cơ Nghị Hách thì là sự thay đổi hoàn toàn về nguyên tắc sống, về đạo lý sống. Hoặc như Long, từ anh viên chức mạt hạng trở thành con trai nhà triệu phú cũng vậy. Ngoài ra, khác với Số đỏ, Giông Tố phải sử dụng nhiều bút pháp khác nhau: bút pháp tiểu thuyết, bút pháp phóng sự điều tra, bút pháp tả thực, bút pháp lãng mạn, cả bút pháp truyện trinh thám nữa, rồi dựng đối thoại, độc thoại, nhất là độc thoại, v.v… Tác phẩm, vì thế, xét ở bộ phận, ở cấp độ chi tiết, quả là khó tránh khỏi những tỳ vết này, tỳ vết khác….”
NGUYỄN ĐĂNG MẠNH (In trong Tạp chí Văn học, số 2-1990, tr. 31-36)
Thông tin nhà văn Vũ Trọng Phụng
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Tuy thời gian cầm bút rất ngắn ngủi, với tác phẩm đầu tay là truyện ngắn Chống nạng lên đường đăng trên Ngọ báo vào năm 1930, ông đã để lại một kho tác phẩm đáng kinh ngạc: hơn 30 truyện ngắn, 9 tập tiểu thuyết, 9 tập phóng sự, 7 vở kịch, cùng một bản dịch vở kịch từ tiếng Pháp, một số bài viết phê bình, tranh luận văn học và hàng trăm bài báo viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa. Một số trích đoạn tác phẩm của ông trong các tác phẩm Số đỏ và Giông Tố đã được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn của Việt Nam.
Nổi tiếng với giọng văn trào phúng châm biếm xã hội của mình, một số người đã so sánh ông như Balzac của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng vì phong cách “tả chân” và yếu tố tình dục trong tác phẩm mà khi sinh thời ông đã bị chính quyền bảo hộ Pháp tại Hà Nội gọi ra tòa vì “tội tổn thương phong hóa” (outrage aux bonnes moeurs). Về sau này, tác phẩm của ông lại bị cấm xuất bản vì là “tác phẩm suy đồi” tại miền Bắc Việt Nam từ năm 1954 và cả nước từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 cho đến tận cuối những năm 1980 mới được chính quyền cho lưu hành
Năm 1930, Vũ Trọng Phụng đã có truyện ngắn đầu tay Chống nạng lên đường đăng trên tờ Ngọ Báo. Bắt đầu ông viết một số truyện ngắn, nhưng không được chú ý nhiều.
Năm 1931, ông viết vở kịch Không một tiếng vang, thì bắt đầu thu hút được sự quan tâm của độc giả.
Năm 1934, Vũ Trọng Phụng mới cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay Dứt tình đăng trên tờ Hải Phòng tuần báo.
Năm 1936, ngòi bút tiểu thuyết của ông nở rộ, chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, thu hút sự chú ý của công chúng. Cả bốn tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ, Vỡ đê và Làm đĩ đều hiện thực, đi sâu vào các vấn đề xã hội. Trong đó Số đỏ xuất sắc hơn cả, được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong Số đỏ đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày.
II. Review sách Giông Tố
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Dưới đây là tổng hợp Review sách Giông Tố của nhà văn nhà báo Vũ Trọng Phụng. Giúp bạn có cái nhìn tổng quan nhất về cuốn sách mà không cần mất thời gian tìm kiếm.
Hãy truy cập Những Cuốn Sách Hay thường xuyên hoặc lưu lại để tiện theo dõi & cập nhật thông tin mới nhất nhé.
1. NGUYỄN CHÍ THANH review sách Giông Tố
Cuốn sách 480 trang, đọc đến trang 416, chỗ Long gào:
“Tôi? Tôi mà lại là con ông nghị Hách! Ồ! Thế thì quá lắm! Thế thì ra bố hiếp vợ của con, con thông dâm với vợ lẽ của bố… rồi thì anh em ruột… anh em ruột”, cái mình nghĩ “dẹp dẹp, kịch gì mà kịch dữ, đời đâu mà trùng hợp ngon dậy, chán gì đâu, đọc nhanh nhanh giùm cho hết vở kịch cái coi.”
Đọc tiếp đến chỗ Hải Vân là lãnh tụ cách mạng, mình cứ gật gù “uhm, uhm, không khổ công cả tuần thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, dù thi làm được có 2 mặt giấy rưỡi…”
Đọc đến đoạn cuối Long rạch tay tự tử, cái tui nghĩ “Long ơi Long, sao mày ngu dữ vậy Long! Tao biết mày cô đơn dằn vặt dữ lắm, hoặc là sống sình cái mặt ra cho nó sướng cái đời, hoặc còn đã muốn tự tử thì kiếm góc nào mà rạch chứ chình ình trước trước mặt con gái nhà người ta rồi sao mà chết hả con? Nó mà hét lên thì khỏi chết nhé, sống không được mà chết cũng không xong con à! Chết mà cũng làm màu nữa, sau mà muốn chết nữa thì chuẩn bị kỹ càng hơn một chút giùm cái.”
Xét về tổng thể thì mình chẳng ưa gì cuốn này nhưng cái “tội tổn thương phong hóa” là mình thích. Đọc Mịch mà cứ nhớ tới Bà Bovary.
2. LYDIA review sách Giông Tố
vào một ngày lòng đầy giông bão, mình cuối cùng cũng đọc hết cuốn “Giông Tố” này:
“Cả một đời người, có khi kết thúc bằng một cú chịch sai người, sai thời điểm!”
Thật là một câu chuyện kì lạ, khi ngay lời giới thiệu; NXB đã thuật lại tóm tắt nội dung câu chuyện cho toàn bộ độc giả. Lúc ấy, mình đã nghĩ, biết hết cốt truyện rồi, ai mà còn thèm đọc?
Thế mà mình vẫn từ từ, đi qua hết gần 500 trang của Giông Tố, để mà hỉ nộ ái ố với cuốn sách của ông vua phóng sự đất bắc.
Đọc liền Nam Cao, lại qua Vũ Trọng Phụng, mình thắc mắc sao văn học Việt Nam xưa hay thế; không lẽ vì thời cuộc bây giờ thiếu chất liệu để phóng tác ra những tác phẩm nhức nhối như xưa? Thế nhưng đọc Giông Tố, lại thấy rằng cái sự nhiễu nhương của quan lại, cái sự thối nát lươn lẹo của vài ông tư bản có tiền, cái sự trác táng của những mảnh đời k còn thấy ý nghĩa, thời nào không có?
Thật sự nể phục cái tài viết của Vũ Trọng Phụng, truyện mang yếu tố 18+ nên đâm chọt đâu đó vài ba cảnh nóng, tác giả chẳng nói nhiều, chỉ khơi gợi 2-3 dòng mà thiếu điều rạo rực hơn pỏn á 🙂
Thôi tôi đùa đấy, các bác đừng có nghĩ là dâm thư rồi tìm đọc xong lại chửi t xl.
3. PHUC HIEU review sách Giông Tố
Tác phẩm “Giông Tố” không biết có gọi là trinh thám hay không, nhưng nó mở đầu bằng một vụ án, và kết thúc với một plot twist khá hay. Mình post bài vì hy vọng văn học Việt Nam sẽ được biết đến nhiều hơn nữa.
Mọi người biết đến tác giả Vũ Trọng Phụng nhiều nhất qua tác phẩm Số đỏ, và trước đây tôi cũng vậy. Tôi chỉ biết đến tác phẩm này một cách tình cờ, qua một bài review phim, trong đó bộ phim chuyển thể từ tác phẩm này được đánh giá khá cao với kịch bản chặt chẽ, nội dung hấp dẫn và một plot twist bất ngờ ở cuối phim. Tôi vốn dĩ không kỳ vọng cao lắm, và cuốn sách này thật sự đã vượt quá kỳ vọng của tôi rất nhiều. Nó là một tác phẩm xứng đáng được biết đến nhiều hơn nữa của Vũ Trọng Phụng nói riêng, và của văn học Việt Nam trước 1945 nói chung.
Nội dung truyện mở ra khá hấp dẫn từ đầu. Trong một đêm sáng trăng, Thị Mịch – cô gái quê với nội tâm vô cùng đơn giản, đã bị nghị Hách giúi cho năm đồng bạc lẻ mua một bó rạ, sau đó cưỡng bức cô ngay trong xe hơi, với hai anh tài xế bên ngoài giả đò như không biết. Sau khi no xôi chán chè, chiếc xe của lão lao đi, để lại cuộc đời một cô gái bị phá nát và một chốn làng quê không còn yên bình. Những người dân thấp cổ bé họng ấy, họ suy nghĩ đơn giản, họ chưa biết đến những cái ghê gớm của quyền lực, đã muốn kiện nghị Hách. Trong xã hội cũ, một con người như nghị Hách có thể ghê gớm đến thế nào, hắn một tay che trời, gián tiếp gây khó dễ cho vị quan huyện chính trực vì vụ rải truyền đơn ở làng Quỳnh Thôn, gây áp lực cho lão đồ cha cô Mịch vì tội dạy 6 đứa trẻ ở trường tư mà không xin phép, làm bọn dân đen suốt ngày phải lên lên xuống xuống lấy lời khai mà dở dang công việc. Họ bẻ cong sự thật, với lý lẽ cô Mịch đã nhận tiền thì sao cấu thành tội hiếp dâm, đó chính là cô tự nguyện, cô đi bán dâm mới đúng! Hỡi ôi, một đám dân đen thì làm sao cãi lý lại được ai. Đến cuối cùng, ai cũng hiểu rằng “vô phúc đáo tụng đình”, và họ rút đơn kiện.
Trong gia đình nghị Hách, vẫn tồn tại một điểm sáng chính là Tú Anh, con trai trưởng của lão. Và trớ trêu thay, Long – chồng chưa cưới của cô Mịch, lại chính là người thư ký thân tín của Tú Anh. Sự vụ bê bối của nghị Hách đến tai Tú Anh, vì muốn tránh mọi sự rắc rối cho gia đình, và cũng muốn cứu cuộc đời cô gái, Tú Anh sai Long đi điều đình với bên gia đình ông đồ, và xin cưới cô Mịch về làm lẽ cho cha mình. Từ đây, mọi khổ đau bắt đầu, những người dân đen trong xã hội cũ như những quân tốt trên bàn cờ, số phận của mình cũng chẳng thể tự định đoạt được, và một khi đã tiến, họ không thể lùi nữa. Cuộc đời đơn thuần của Mịch, của Long, dần dần rẽ sang hướng khác… Một bí mật khủng khiếp chôn vùi suốt mấy chục năm, nguồn gốc của tấn bi kịch trong tiểu thuyết này, sẽ làm bạn bất ngờ ở đoạn gần cuối truyện.
Hình ảnh xã hội trước 1945 hiện lên rõ nét qua ngòi bút của Vũ Trọng Phụng. Dân đen lầm than, giai cấp cầm quyền nắm trong tay quyền lực, ngập chìm trong thuốc phiện và những buổi ăn chơi sa đọa. Mịch và cả Long, họ đáng thương hơn là đáng giận. Hình ảnh Tú Anh đáng ra phải khiến tôi cảm tình, nhưng cách mà anh ta vì bảo vệ thứ mà anh ta cho là “lẽ phải”, lại vô tình đẩy những con người kia vào bi kịch, khiến tôi cũng không thể cảm thông cho anh ta. Cốt truyện nhanh, hấp dẫn, nội tâm nhân vật miêu tả rất nhất quán và hợp lý, một bí mật ở gần cuối truyện, tất cả làm nên một cuốn sách làm tôi bất ngờ và vượt quá kỳ vọng. Hãy thử đọc nó, thử tìm hiểu về văn học Việt Nam trước 45, và có thể bạn cũng sẽ bất ngờ như tôi đã từng.
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
4. HỒNG LUÂN review sách Giông Tố
Nhắc đến văn học Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám không thể không nhắc đến Vũ Trọng Phụng. Mà đã nhắc đến Vũ Trọng Phụng không thể không nhắc đến Giông tố. Mặc dù Giông tố không phải là sáng tác nổi bật nhất trong sự nghiệp của ông nhưng là một trong những tác phẩm mang giá trị tinh thần và nhân đạo cao hơn cả.
Giông tố là bức tranh thu nhỏ về hiện thực xã hội tàn khốc những năm 30 của thế kỷ trước. Giông tố là một xã hội thối nát, thối nát theo đúng nghĩa đen, trên là bọn quan lại cường quyền áp bức dân lành đại điện là Nghị Hách, giữa thì có những người vì tiền mà sẵn sàng đẩy người vô tội rơi vào vòng xoáy tiếng tài, dưới cùng thì có những người phụ nữ là nạn nhân bị đẩy vào đường làm đĩ như Thị Mịnh. Một màu sắc đen tối bao trùm lên cả cuốn sách.
Phải công nhận Vũ Trọng Phụng có một cái tài vô cùng xuất sắc trong cách kể chuyện, từ những trang đầu tiên ông đã hấp dẫn người đọc. Nội dung mới lạ, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật vô cùng đặc sắc, rồi cách xây dựng cao trào truyện về chi tiết loạn luân của nhân vật Long. Tất cả đều rất thật, như hiện ra trước mắt người đọc thời kỳ đen tối của xã hội nước ta nửa thực dân nửa phong kiến.
Giọng văn châm biếm sâu sắc, Giông tố của Vũ Trọng Phụng là một trong những tác phẩm mang giá trị phê phán hiện thực sâu sắc, đồng thời cũng là sự cảm thông cho những nhân vật không may mắn. Một cuốn sách hay.
5. ĐỖ HÀ MI review sách Giông Tố
Xuất bản cùng năm với Số Đỏ (tạm nói xuất bản vì không rõ quyển nào ra trước) nhưng Giông tố không châm biếm, hài hước mà là một tấn dài bi kịch bạo tàn, được mở đầu bằng một cuộc cưỡng dâm có trả tiền và kết thúc khi nạn nhân một lần nữa nằm trong tay kẻ thống trị.
Mình hay cân nhắc khi mua quyển thứ 2 của cùng tác giả, do lần đầu luôn chọn quyển hay nhất. Nhưng Giông tố thì đúng là hay kiểu khác, qua một đoạn cứ muốn gập sách lại rồi thở hắt vài hồi.
Nhân vật quyển này có đủ kiểu: gái tân thời, ông đồ, nông dân, bọn cai trị trâng tráo,…, bối cảnh rộng dài từ thôn làng quê mùa nghèo mạt kiếp tới thành thị no phưỡn truỵ lạc, hút thuốc rồi thông dâm ngày qua ngày. Tựu chung lại thành một bức tranh chẳng lành về những trò gian trá, lố bịch của xã hội cũ. Với Giông tố, người hiền hoà rồi cũng có lúc đánh rơi bản chất, một bi kịch kiểu “thay đổi để thích nghi” tới giờ vẫn tồn tại trong xã hội hiện đại, nhưng mà với nhiều hình thức khác.
Trong đây nhìn thấy nhân quả xung đột với thực tế éo le, thấy nén bạc đâm toạc tờ giấy rồi cũng có ngày rơi nước mắt, thấy nội tâm giằng xé tìm hạ sách để tự giải thoát.
Nói chung là một cảnh láo nháo điên cuồng, con người khốn khổ, dẫm đạp lên nhau, xoay sở, hy vọng qua cơn Giông tố.
6. TRÂM BUI review sách Giông Tố
Mình đã hơi kỳ vọng rằng Giông Tố cũng sẽ đanh đá hài hước như Số Đỏ, nhưng có chút nhầm. Trong khi Số Đỏ là một vở hài kịch giữa một xã hội bi kịch, thì Giông Tố chỉ đơn giản là một bi kịch.
Giông Tố xoay quanh vụ hiếp dâm của Nghị Hách giàu có đối với Mịch, cô con gái ông đồ ở nhà quê. Nghe là đã thấy bi kịch rồi. Một bên thì cứ dùng tiền để che đậy cái việc dâm dục của mình, còn một bên nửa muốn kiện tụng lấy lại thanh danh, nửa muốn thôi đi cho xong chuyện đỡ mua thêm tủi nhục vào người.
Nhưng nếu kẻ xấu người tốt đều rõ rành rành ra thế thì có gì hot đâu. Giữa vụ việc ầm ĩ này lại có hai nhân vật không biết là lương thiện hay sở khanh: Tú Anh con trai Nghị Hách và Long, thư ký của Tú Anh.
Nếu như các nhân vật trong Số Đỏ đều có vai trò rõ ràng đáng yêu ra đáng yêu mà đáng ghét ra đáng ghét, thì Long và Tú Anh lại như trêu ngươi người đọc khi cứ lờn vờn qua lại cái ranh giới tốt và xấu, tình và lý.
Cho nên Giông Tố đâm ra nghiêm túc hơn Số Đỏ. Với Giông Tố, Vũ Trọng Phụng vẫn còn nhìn nhận những điều lương thiện của xã hội thời đó, điều đã biến mất hẳn trong Số Đỏ sau này.
III. Trích dẫn sách Giông Tố – Vũ Trọng Phụng
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Trích đoạn tiểu thuyết Giông Tố – Chương 1
Mặt trăng rất to và rất tròn, chiếu vằng vặc… cánh đồng lúa chín như một tấm thảm vàng. Con đường quan lộ rải nhựa, như một con rắn bóng nhễ nhại, nằm uốn khúc trên tấm thảm ấy. Những làng mạc xa xa hiện ra những nét vẽ thẳng đen sì.
Đó là vào tháng mười, năm 1932.
Giữa lúc đêm khuya tịch mịch ấy, trên con đường quan lộ, mà thỉnh thoảng mới có một vài cây xoan không lá khẳng khiu và tiều tụy như thứ cây trong những bức họa về “cảnh chết”, một chiếc xe hòm phăng phăng chạy hết tốc lực, thân xe chỉ là một cái chấm đen bóng, còn hai ngọn đèn sáng quắc chiếu dài hàng nửa cây số thì như hai cái tên vun vút bay dưới ánh trăng.
Xe đương phăng phăng chạy thì đến gần một chỗ ngoặt mà bên đường có một lớp quán gạch và một cây đa cổ thụ, bỗng dần dần chậm lại, rồi đứng hẳn.
Khi xe đã đứng dừng lại lâu rồi, người ta còn thấy sự cố sức của người tài xế mở máy sình sịch mấy lần nữa mà xe vẫn không nhúc nhích được một ly. Rồi thì từ xe bước xuống, hai người tài xế hấp tấp ra mũi xe, lật miếng sắt che máy ra, loay hoay kiểm điểm bộ máy. Trong khi hai người chưa tìm được cỗ xe chết vì lẽ gì, thì từ trong hòm kính thấy đưa ra một câu hỏi gắt rất ngắn, nhưng cũng đủ làm cho cả hai run lập cập.
– Thế nào?
Vài phút im lặng, rồi người tài xế chính ấp úng đáp:
– Bẩm quan, con đã thấy rồi. Cái ống cao su dẫn ét xăng có một đoạn nát nhủn, đến nỗi xăng chảy cả ra ngoài nhưng mà xuống không thoát.
-…! Sao không liệu mà thay vào cái chuyến chữa hôm nọ đi?…
Dứt lời “chửi”, “quan” bước xuống xe và sập cửa xe rất mạnh để tỏ ý giận dữ. Đó là một người gần 50 thân thể vạm vỡ, hơi lùn, trước mặt có một cặp kính trắng gọng vàng, trên môi có một ít râu lún phún kiểu tây, cái mũ dạ đen hình quả dưa, cái áo đen bóng một khuy, cái quần đen, rọc trắng, đôi giày láng mũi nhọn và bóng lộn, làm cho lão có cái vẻ sang trọng mà quê kệch, cái vẻ rất khó tả của những anh trọc phú học làm người văn minh…
Tài xế chính và phụ, cả hai đều sợ hãi lắm, cứ việc châu đầu vào cái hòm máy, lúc đánh diêm soi, lúc sờ soạng như
xẩm tìm gậy, chứ không dám quay lại nhìn đến ông chủ, lúc ấy đứng dạng háng giữa đường, hai tay khoanh trước ngực, đầu hơi cúi xuống phía trước mặt, cặp mắt gườm gườm hứa một sự trừng trị đáng sợ. Bị chủ mắng tài xế chính khẽ quát người phụ:
– Cầm lấy cái mùi xoa này, buộc nối vào hai đầu dây cao su! Mau lên! Mà quấn rõ chặt cho nó thật kín chứ!
Rồi người tài xế chính lại lên ngồi mở máy thử. Cái xe kêu sình sịch một lúc lâu rồi lại thôi. Mấy bận đều thế cả, hai người càng hấp tấp bao nhiêu, càng gia công vất vả bao nhiêu thì cái xe càng bướng bỉnh, càng ỳ ra bấy nhiêu. Lão chủ cười nhạt mà rằng:
– Tội chúng mày đáng chết cả đó, các con ạ!
Hai anh làm công đưa mắt nhìn nhau lo sợ, chứ không dám nói gì. Lão chủ lại tiếp:
– Chúng mày để ông ngủ đường thì khốn cả đó!
– Lạy quan, chẳng may như thế này, quan thương cho.
Tài xế chính van lơn như vậy rồi lại ra hiệu ngầm cho người phụ mình cứ việc vờ vịt loay hoay chữa một cách vô hiệu cái bộ máy hầu như không thể chữa được ấy.
Lão chủ hỏi:
– Thế còn bao nhiêu cây nữa đến Hà Nội?
Anh phụ lái nhanh nhảu thưa:
– Bẩm chỉ còn độ bốn mươi cây.
– Hừ!
Lão chủ hừ một cái đi đi lại lại trên đường bực tức cực điểm.
Nguyên lão ta là một ông đồn điền giàu có đã khét tiếng miền trung thổ, bữa nay đương đêm khuya về thủ đô, là vì muốn để sáng sớm hôm sau có đủ thời giờ đến một cửa hiệu kim hoàn, mua một thứ hàng quý giá, để mừng một ông tổng đốc được đệ nhị đẳng Bắc đầu bội tinh. Cho nên khi thấy xe bị liệt máy như thế ở giữa đường, đương đêm khuya, không còn biết cầu cứu vào đâu nữa thì lão băn khoăn và bực tức, băn khoăn về nỗi sợ đến mừng chậm hơn những người khác thì mất vẻ long trọng, và bực tức về nỗi từ khi lão ta giàu có đến phú gia địch quốc, từ một anh cai phu mỏ lên đến bậc nhân dân đại biểu, thì chưa hề có một sự gì trái ý lão mà lão lại phải chịu. Lần này là lần đầu, lão phải chịu thua cái máy xe hơi.
Lão đi đi lại lại như cuồng chân, như con hổ trong cũi sắt, nghĩ đến những cái má hồng mơn mởn, những cánh tay trắng như ngà ngọc của mấy cô đào ở Hà Nội… nếu tài xế của lão đã biết lo liệu từ trước cho cái xe lúc nào cũng lành lặn hoàn toàn. Vậy mà bây giờ lão phải thơ thẩn giữa nơi đồng không mông quạnh ngắm trăng suông, nhìn sương tỏa, nghe giun kêu dế khóc, bên cạnh những
tiếng búa gõ vào sắt cành cạch, những tiếng sình sịch của một cái xe hơi khó tính cứ muốn chạy lại thôi…
– Tao cho chúng mày nửa giờ sau nữa đấy!
Nói rồi, lão nhằm phía cây đa mà đi thẳng trên một con đường nhỏ, qua cánh đồng, đi dạo chơi cho tiêu diệt thì giờ, cũng không có mục đích gì khác…
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Mặt trăng lúc này thì mảng mây to lướt qua che đi thành thử trời đất tối sầm hẳn lại. Sương xuống dầy quá, làm ướt cả áo của lão. Giữa cánh đồng thấy tản mạn những cục lửa xanh, lửa đỏ trên mặt đất lúc cháy lúc tắt, như ma trơi. Tiếng côn trùng tỉ tê, ri rỉ, làm cho lão ta bắt đầu cảm thấy sự im lặng, hiểu rõ được ý nghĩa sự vắng tanh và thôi cũng không nện mạnh gót giầy xuống đường lộp cộp nữa. Hai tay đút túi quần, lão cúi đầu xuống mà đi, có vẻ ngẫm nghĩ như một nhà triết học… Chợt thấy về phía trước mặt có tiếng cười khúc khích… Lão ngẩng lên, thấy bốn năm đống rạ lù lù tiến đến. Thì ra một bọn thợ cấy đi gánh rạ đêm. Ngần ấy người cười nói chuyện trò vui vẻ lắm.
Lão đứng tránh ra một bên.
Những đống rạ cũng lù lù tiến đến.
Đám mây to đã buông tha mặt trăng ra rồi. Trời đất lại sáng quang vì cái ánh trăng lạnh lẽo.
Bọn thợ cấy thấy có một người ăn mặc tây đứng đấy thì thôi không chuyện trò gì với nhau nữa, chỉ len lén rón rén đi qua. Bà lão già đi đầu khẽ thưa.
– Quan lớn làm ơn nánh cho chúng con đi một thị.
Lão bèn làm ra cái bộ thương người mà hỏi cả lũ:
– Các người đi làm đồng khuya nhỉ? Mùa màng có khá không?
Một người trong bọn đáp một câu oán hận:
– Bẩm quan, lúa bị sâu cắn ráo cả, không đủ tiền thuê ạ.
Bà lão già đi đầu qua rồi thì đến một mụ trông bẩn thỉu. Mụ thứ ba trông cũng xấu xí. Người gánh cái gánh rạ thứ tư là một ông lão râu đã bạc, cái đầu trọc quấn trong miếng vải nâu trông như một cái mõ nhà chùa, gánh thứ năm thì do một cô ả mà quần áo trông gọn ghẽ hơn hết thảy.
Lão trố mắt nhìn… Cô ả gánh rạ hơi cúi nghiêng mặt để đưa mắt nhìn trộm. Ánh sáng trăng tuy leo lét, song cũng đủ khiến cho hai con mắt rất tinh tường của nhà điền chủ nom thấy rõ hai cái má phúng phính, một cặp môi nhỏ và dầy, cái cằm tròn trĩnh và hơi lẹm trong cái vành khăn mỏ quạ bằng láng thâm. Khi cô ả gánh rạ đi qua, nghĩa là cái mặt đã khuất sau đống rạ tròn, nhà điền chủ lại trông theo cái váy nâu cũn cỡn, do một đường lạt khíu giữa, cho nó chẽn đến nửa đùi, một bộ đùi phốp pháp
trắng nõn, trông rất đáng yêu, mặc lòng từ bụng đến bàn chân đều có một lớp bùn trắng, mỏng, khô, đông lại, đã nứt ra thành từng miếng nhỏ, sắp rơi xuống…
Nhà tư bản đứng trông cái bộ đùi thôn nữ ấy một cách tần ngần trong đến vài phút, đoạn như định thần lại, thoăn thoắt bước theo mà nói bằng một giọng rất ân cần:
– Này chị gánh cái gánh lại chỗ xe ô tô kia, tôi mua một ít cho.
Thấy lời nói lạ tai ấy, chị nhà quê đứng lại, nửa tin, nửa ngờ.
Lão này nhanh nhảu dùng đến cái giọng hách dịch:
– Xe nổ lốp, người ta phải mua rạ để nhồi vào bánh, mà có sẵn rạ lại không bán hay sao? Alê mau lên gánh lại, quan lớn trả cho tiền một nửa gánh! Còn các bà già kia có muốn chờ thì cứ đi đủng đỉnh lại một tí, chị ấy đem lại chỗ xe đây kia thôi.
Nói xong, lão khôn ngoan bước nhanh về chỗ cái xe. Bọn thợ gặt cũng đủng đỉnh lên đến đường cái quan thì đặt gánh, ngồi phệt xuống đất, cẳng xoạc ra và hai tay bó làm một. Còn chị nhà quê ngây thơ thì thoăn thoắt gánh gánh rạ thẳng tiến đến cái xe hơi, trong đó quan đã chễm chệ lên ngồi và bật đèn sáng quắc lên rồi.
Hai anh tài xế quay lại, ngừng tay, nhìn ông chủ như có ý đợi lệnh gì thì lão chủ quát:
– Chúng mày ngẩn người ra làm gì thế? Chúng mày định để ông ngủ đêm trên xe này phải không?
Thế là cả hai lại quay đầu vào bộ máy. Một anh vẫn còn có gan khẽ nói:
– Bẩm quan, con đã cắt được một đoạn dây ở chỗ khác để thay vào đây rồi. Chậm lắm thì cũng chỉ nửa giờ nữa là xe chạy được.
Lời ông chủ:
– Ông cho chúng mày một giờ nữa!
Nói xong, lão chủ quay lại sau lưng nhìn qua miếng kính hậu ở hòm xe thì thấy bọn thợ gặt đặt gánh ngồi chờ ở chỗ cách xa ô tô những ba mươi thước còn cô bán rạ thì đã đến đứng bên cửa xe.
– Thưa quan, quan dùng hết cả gánh, hay độ bao nhiêu con tháo…
– À, con bán cho quan lớn một bên nhé! Tháo đi rồi quan cho tiền.
Trong lúc cô ả lúi húi tháo một bên quang thì nhà điền chủ ló đầu ra, đôi mắt phong tình ngắm nghía không chớp…
– Bẩm con gạt rạ ở bên đường đó ạ.
– Ừ, để rồi quan cho tiền.
Vờ tìm ví da trong túi áo, nhà điền chủ mắt vẫn lẳng lơ nhìn chị nhà quê cho mãi đến khi cầm trong tay cái ví rồi mà vẫn không lấy tiền ra vội, lại hỏi:
– Con tính bao nhiêu?
– Bẩm quan chả mấy tí, quan cho mấy xu cũng được ạ.
– Được lắm! Con ngoan ngoãn lắm, để ta thưởng cho nhiều tiền! Con hãy lên xe này để quan đóng cửa không rét quan… Ta đang đến tiềm đây…
LINK GIẢM GIÁ → | FAHASA T I K I SHOPEE |
Nội dung trên đây được sưu tầm từ nhiều nguồn trên internet. Hãy bấm nút Chia sẻ để giới thiệu sách đến bạn bè! |
Những Cuốn Sách Hay trân trọng giới thiệu!
5/5 - (11 bình chọn)Từ khóa » đọc Giông Tố Vũ Trọng Phụng
-
Giông Tố | Vũ Trọng Phụng
-
Đọc Sách Truyện Giông Tố - Vũ Trọng Phụng Online | Full Văn Học ...
-
Giông Tố - Vũ Trọng Phụng - YouTube
-
Giông Tố - Đọc Truyện Online
-
Giông Tố - Tác Giả: Vũ Trọng Phụng - Đọc Truyện Hay Full
-
Giông Tố - Vũ Trọng Phụng - Radio Truyện Online
-
Review Sách Giông Tố - Vũ Trọng Phụng
-
Giông Tố By Vũ Trọng Phụng - Goodreads
-
Giông Tố: Tấn Bi Hài Kịch Về Nhân Cách Con Người - Revelogue
-
Giông Tố - Vũ Trọng Phụng
-
EBook Giông Tố - Vũ Trọng Phụng Full Prc, Pdf, Epub [Tiểu Thuyết]
-
[Review Sách] Tiểu Thuyết Giông Tố – Vũ Trọng Phụng – Câu Chuyện ...
-
Giông Tố - Thảm Kịch Về Sự Bất Tín Của Con Người - Review Sách
-
Đọc: Giông Tố - Waka Ebook