Review Trường Đại Học Kinh Tế – Luật (UEL): Cứ đi Học Là Có “bồ”

Là một trường thành viên của trường Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế – Luật mặc dù có tuổi đời khá trẻ (thành lập năm 2010) nhưng uy tín và chất lượng đào tạo đã được khẳng định và là sự lựa chọn lý tưởng của nhiều bạn trẻ muốn theo học khối ngành Kinh tế, Quản lý và Luật. Bài viết dưới đây sẽ review chi tiết trường Đại học Kinh tế – Luật, bạn hãy theo dõi nhé!

Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Xem thêm: Review Đại học Luật Hà Nội (HLU): Học phí siêu rẻ – sinh viên cực chất

Mục lục

  • 1. Giới thiệu “sương sương” về Trường Đại học Kinh tế – Luật
  • 2. Khám phá cơ sở vật chất “sang – xịn – mịn” của UEL
  • 3. Các ngành đào tạo của UEL
  • 4. Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên UEL trước và sau khi tốt nghiệp
  • 5. Mức học phí tại UEL
  • 6. Gương mặt tiêu biểu

1. Giới thiệu “sương sương” về Trường Đại học Kinh tế – Luật

Trường Đại học Kinh tế – Luật có tên tiếng Anh là University of Economics and Law (gọi tắt là UEL), là một trường thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

UEL được thành lập vào ngày 24/03/2010 và có tiền thân là Khoa Kinh tế trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, được thành lập vào ngày 06/11/2000.

Khi tìm hiểu về UEL, rất nhiều bạn thắc mắc trường có mấy cơ sở đào tạo? Câu trả lời là “chỉ có một và một mà thôi”, cơ sở đào tạo của trường tọa lạc tại số 669 Quốc lộ 1, Khu phố 3, Phường Linh Xuân, Quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.

Địa chỉ website: https://www.uel.edu.vn/

Thế mạnh của UEL là các chương trình đào tạo về các lĩnh vực kinh tế, quản lý, luật với rất nhiều thành tựu nổi bật cả trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Khi nói về UEL, các bạn sinh viên của trường vẫn gọi vui là “con ghẻ” của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hay “xăng pha nhớt” vì trường đào tạo xen kẽ cả về kinh tế và luật. Tuy nhiên trên thực tế, UEL không hề “xăng pha nhớt” tẹo nào đâu nhé, chất lượng đào tạo của trường cực kỳ “xịn sò” đó! Chính vì vậy mà có rất nhiều bạn trẻ yêu thích học kinh tế và luật lựa chọn UEL là nơi đầu tư “lý tưởng” cho tương lai của mình.

2. Khám phá cơ sở vật chất “sang – xịn – mịn” của UEL

Mặc dù chỉ mới được thành lập chưa lâu nhưng cơ sở vật chất của UEL được đầu tư xây dựng vô cùng xịn sò và sang chảnh. Tòa nhà điều hành và học tập của trường có tổng diện tích lên đến 13.000 m2, bao gồm 70 phòng học, 11 phòng học ngoại ngữ, 6 phòng máy tính, 3 phòng thực hành, 2 thư viện và các văn phòng làm việc khác. Hội trường lớn có diện tích 2.100 m2 với sức chứa lên đến 500 chỗ ngồi.

Tòa nhà điều hành và học tập của trường Đại học Kinh tế – Luật

Toàn bộ các phòng học lý thuyết đều được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để phục vụ việc học tập và giảng dạy như hệ thống máy chiếu, âm thanh và bảng trượt. Tất cả các phòng học chuyên đề, phòng học chương trình Chất lượng cao và Cử nhân tài năng đều được trang bị điều hòa không khí. Ngoài ra, trường còn đầu tư xây dựng 6 phòng máy tính với tổng 412 máy tính có cấu hình và phần mềm phù hợp và được kết nối mạng để phục vụ việc học chuyên đề.

Hình ảnh một lớp học tại Đại học Kinh tế – Luật

Đặc biệt, UEL là trường đại học đầu tiên và duy nhất ở nước ta hiện nay có Phòng mô phỏng thị trường tài chính (với mức kinh phí đầu tư hơn 20 tỷ) phục vụ cho việc giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực kinh doanh, kinh tế – tài chính và quản lý. Chưa hết, UEL cũng tự hào là trường đầu tiên tại Việt Nam chính thức có phòng BI Lab – là Phòng nghiên cứu hỗ trợ các nghiên cứu về Business Intelligence Solutions thuộc lĩnh vực Management Information Systems và E-Commerce.

Phòng mô phỏng tài chính đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam hiện nay

Thư viện UEL có tổng diện tích là 940 m2, với sức chứa lên đến 550 chỗ ngồi, được trang bị 20 máy tính kết nối mạng internet phục vụ các UEL-er tra cứu miễn phí. Thư viện UEL cũng là nơi mang đến cho các bạn sinh viên nguồn tài liệu vô cùng phong phú, đa dạng: gần 22.000 bản sách chuyên ngành, hơn 2.000 khóa luận tốt nghiệp, hơn 1.000 luận án – luận văn, gần 500 báo cáo, đề tài nghiên cứu khoa học, và khoảng 50 đầu báo và tạp chí thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Thư viện còn bố trí riêng một khu vực có màn hình chiếu để các bạn sinh viên có thể thực hành làm việc nhóm, thuyết trình, phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập của các UEL-er.

“Choáng ngợp” với không gian thư viện Đại học Kinh tế – Luật

Chuyện kể rằng, ngày nảy ngày nay, ở UEL có nuôi một đàn bồ câu con nào con nấy béo tốt “size XL” to như con gà. Ngày ngày, các “UEL-pigeon” sẽ có nhiệm vụ giúp các UEL-er trở nên yêu đời hơn và giảm bớt căng thẳng sau mỗi lần… học lại Mác-Lênin, Luật Thương mại hay Toán Cao cấp. Chắc hẳn nhiều bạn khi tìm hiểu về UEL sẽ được các anh chị khóa trước review là “cứ đi học là có bồ” thì “bồ” ở đây là chim bồ câu đó mấy bạn.

Đàn bồ câu “size XL” tại UEL

Ngoài các chú chim bồ câu “bé nhỏ”, có một hình thức xả xì trét khác cũng được rất nhiều UEL-er ưa chuộng đó chính là việc “thả hồn” vào những phím đàn piano được đặt ở sảnh. Các UEL-er sẽ được tự do chơi chơi đàn để thư giãn sau những giờ học căng thẳng và đây cũng là nơi để các bạn sinh viên có niềm đam mê âm nhạc nhưng bố mẹ bắt đi học Đại học Kinh tế – Luật có cơ hội được thể hiện tài năng của mình.

Thả hồn cùng những tiếng đàn piano tại UEL

3. Các ngành đào tạo của UEL

Tính đến năm học 2020-2021, UEL có 9 khoa, phụ trách 16 chương trình đào tạo Đại học chính quy, 19 chương trình đào tạo chất lượng cao, 4 chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng Anh và 16 chương trình cử nhân tài năng.

Review chi tiết các ngành đào tạo đại học chính quy của UEL:

STT Ngành đào tạo
1 Kinh tế học
2 Kinh tế và Quản lý công
3 Kinh tế đối ngoại
4 Toán kinh tế
5 Quản trị kinh doanh
6 Quản trị du lịch và lữ hành
7 Marketing
8 Kinh doanh quốc tế
9 Thương mại điện tử
10 Tài chính – Ngân hàng
11 Công nghệ tài chính
12 Kế toán
13 Kiểm toán
14 Hệ thống thông tin quản lý
15 Kinh doanh số và Trí tuệ nhân tạo (thuộc ngành Hệ thống thông tin quản lý)
16 Luật dân sự
17 Luật Tài chính – Ngân hàng
18 Luật kinh doanh
19 Luật thương mại quốc tế

4. Cơ hội nghề nghiệp của sinh viên UEL trước và sau khi tốt nghiệp

Khi học UEL, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên đã có rất nhiều cơ hội tiếp cận với các công việc khác nhau, và sau khi tốt nghiệp, cơ hội thăng tiến trong công việc cũng rất tốt. Cụ thể như sau:

Cơ hội việc làm của sinh viên khi chưa tốt nghiệp: Sinh viên học tại UEL được nhà trường cũng như các đối với của Trường tạo điều kiện vừa học vừa làm bán thời gian để vừa có thu nhập trang trải cho sinh hoạt và học tập, vừa có thể rèn luyện các kỹ năng và trải nghiệm các môi trường làm việc khác nhau để trưởng thành và thành công hơn trong tương lai. Một số công việc part-time mà bạn có thể vừa làm vừa đi học như:

  • – Làm cộng tác viên cho các Trung tâm ngoại ngữ và đào tạo ngắn hạn; làm việc làm tại Thư quán sinh viên, Canteen… của trường;
  • – Bạn cũng có thể làm việc tại các đơn vị đối tác của Trường với các vị trí công việc như: Làm cộng tác viên tại các văn phòng thừa phát lại hoặc các văn phòng luật sư; đi thực tập sinh có hưởng lương tại các công ty kiểm toán; làm nhân viên part-time tại các công ty, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp:

  • – Làm quản lý hoặc giảng viên giảng dạy tại Trường.
  • – Làm việc tại các đơn vị là đối tác của Trường như: Sacombank, Techcombank, Agribank, KienlongBank, ACB, Tập đoàn Hoa Sen, Viettel, HSBC, SCG, Unilever, Ernst & Young, PVFCCo,Bia Sài Gòn, Golf Long Thành, HSC,…

5. Mức học phí tại UEL

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 chưa thể kiểm soát nên nhà trường UEL đã đề ra nhiều phương pháp để hỗ trợ học phí và tạo điều kiện cho sinh viên có thể theo học. Mức học phí dự kiến năm 2022 của trường đối với chương trình đại trà trung bình khoảng 19.000.000 đồng/năm học. Đôi với những chương trình đào tạo chất lượng cao là khoảng 30.000.000 đồng/năm học và lên đến hơn 46.000.000 đồng/năm học đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao bằng tiếng anh.

Cụ thể, bạn có thể tham khảo mức học phí năm học 2021 – 2022 của trường Đại học Kinh tế – Luật như sau:

Chương trình đại trà (4 năm):

  • – 18.500.000 đồng/năm học cho năm đầu tiên, mỗi năm tăng không quá 10% đối với các ngành còn lại. .
  • – 20.500.000 đồng/năm học cho năm đầu tiên, mỗi năm tăng không quá 10% đối với các ngành Kinh tế quốc tế (Kinh tế đối ngoại); Kinh doanh quốc tế; Marketing; Thương mại điện tử.

Chương trình chất lượng cao (4 năm): 29.800.000đ/năm học cho năm đầu tiên, mỗi năm tăng không quá 10%.

Chương trình chất lượng cao bằng tiếng Anh (4 năm): 46.300.000đ/năm học, mỗi năm tăng không quá 10%.

Bên cạnh đó, UEL cũng hỗ trợ phụ huynh và sinh viên có thể lựa chọn thời điểm đóng học phí linh hoạt và tiết kiệm hơn:

  • – Đóng học phí từng năm học sẽ giữ nguyên theo quy định;
  • – Đóng học phí trọn gói 1 lần cho 4 năm, trường hỗ trợ giảm học phí lên đến 30 triệu đồng (tùy theo chương trình đào tạo);
  • – Đóng học phí trong 2 năm đầu, trường hỗ trợ giảm học phí lên đến ~21 triệu đồng (tùy theo chương trình đào tạo)
  • – Đóng học phí 2 lần xen kẽ trong 4 năm, trường hỗ trợ giảm học phí lên đến ~10 triệu đồng (tùy theo chương trình đào tạo).

6. Gương mặt tiêu biểu

Trần Đặng Đăng Khoa – Cựu sinh viên Khoa Kinh tế đối ngoại khóa 5 của UEL – với hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy trong 1111 ngày. Câu chuyện “điên rồ” của chàng cựu sinh viên UEL đã truyền cảm hứng mãnh liệt, dám mơ, dám đi, dám khám phá cho rất nhiều bạn trẻ Việt.

Trần Đặng Đăng Khoa với hành trình vòng quanh thế giới bằng xe máy trong 1111 ngày

Thạc sĩ Lưu Minh Sang – Cựu sinh viên khóa 8 hiện đang là giảng viên Khoa Luật tại UEL. Chàng giảng viên từng coi điểm số, thành tích và năng lực là tất cả để làm mọi thứ, không cần ai khác, giờ đây đang tiếp tục sứ mệnh “mang ánh sáng pháp lý đến với cộng đồng” và dạy người trẻ cách sống cùng với người khác.

Thạc sĩ Lưu Minh Sang, Giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế – Luật

Mai Thị Thu Tiến và Trần Thị Diệu Linh – 2 cựu sinh viên Trường ĐH Kinh tế – Luật là 2 trong số 4 học viên Việt Nam được ICAEW (Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales – tổ chức nghề nghiệp hàng đầu thế giới về tài chính – kế toán) vinh danh trong Lễ trao giải cho 278 học viên xuất sắc nhất được tổ chức trực tuyến vào ngày 26/5/2019.

Mai Thị Thu Tiến – cựu sinh UEL được vinh danh tại lễ trao giải khu vực Đông Nam Á của ICAEW năm 2019.

Trần Thị Diệu Linh từng đạt điểm 97/100 môn Kế toán Tài chính.

Hy vọng với những thông tin được cung cấp trong bài viết “Review trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL): Cứ đi học là có “bồ”, bạn đã hiểu rõ hơn về Đại học Kinh tế – Luật và có thêm cơ sở để lựa chọn ngôi trường phù hợp gửi gắm tương lai của mình.

Tags
Chọn trường

Từ khóa » Học Phí Trường Uel