Review Và Giải Thích Phim The Platform – Hố Sâu đói ... - Ghiền Review
Có thể bạn quan tâm
Thời lượng: 94 phút
Đạo diễn: Galder Gaztelu-Urrutia
Diễn viên: Ivan Massagué, Zorion Eguileor, Antonia San Juan
Quốc gia: Tây Ban Nha
Thể loại: Kinh dị, Giả tưởng, Bạo lực
Khởi chiếu: 20/03/2020
Bộ phim của điện ảnh Tây Ban Nha này đã được công chiếu tại liên hoan phim Toronto 2019 với những lời tán dương có cánh và mới đây phim đã được Netflix mua lại bản quyền để phát hành trực tuyến vào ngày 20/3/2020. Thực sự khi xem xong phim chắc chắn nhiều người sẽ há hốc miệng không biết tại sao cái kết của phim nó lửng lơ như vậy phải không nào? Vậy thì hãy cùng Ghiền review và giải thích phim The Platform – Hố sâu đói khát nhé.
I. REVIEW PHIM (phần này không tiết lộ nội dung phim đâu nhé)
Cốt truyện: Hố sâu đói khát là một câu chuyện giả tưởng với nhân vật chính là Goreng đến với một nhà tù đặc biệt. Ở đó, đồ ăn sẽ được chuyển từ tầng trên xuống tầng dưới và ở mỗi tầng chỉ được ăn trong vòng 2 phút. Hết thời gian đó, đồ ăn sẽ chuyển xuống tầng thấp hơn và những người ở càng thấp thì phải ăn đồ thừa, thậm chí là không có đồ ăn luôn. Đáng chú ý là cứ mỗi tháng, nhà tù sẽ đổi vị trí tầng một cách ngẫu nhiên cho các tù nhân, vì vậy họ phải học cách sinh tồn và thích nghi.
Ý tưởng của phim tương đối thú vị và nhiều bạn sẽ cảm thấy có nét gì đó tương đồng với bộ phim Snowpiercer – Chuyến tàu băng giá (2013) của đạo diễn vừa mới đạt giải Oscar Bong –Joon ho, chỉ khác biệt một xíu là câu chuyện phim thay vì là chiều ngang của đoàn tàu thì Hố sâu đói khát được kể theo chiều dọc của nhà tù.
Điểm hấp dẫn của phim là sự kỳ lạ về mô hình nhà tù và cách tù nhân sống sót bên trong khiến khán giả cứ muốn xem tiếp điều gì sẽ xảy ra. Những tình tiết và biến cố trong phim được sắp đặt hợp lý và tuần tự bóc mở giúp người xem từng bước hiểu rõ về cơ chế vận hành của nhà tù. Tuy nhiên, đoạn kết của Hố sâu đói khát lại quá mơ hồ và ngắt quãng, mang đến cảm giác hụt hẫng và hoang mang tự hỏi không biết mình đã xem gì và câu chuyện phim sẽ đi về đâu.
The Platform tương đối rùng rợn khi có những tình tiết đâm chém khá máu me và kinh dị, thậm chí có những cảnh ăn thịt người hoặc những cảnh phóng uế khá tục tĩu. Tuy nhiên những cảnh này thực sự rất cần thiết để lột tả được sự đáng sợ của Hố sâu đói khát. Bên cạnh đó, phim còn ám ảnh người xem bằng những tình tiết ẩn ý về bản chất của loài người và xã hội ngày nay. Chi tiết những ẩn ý này, Ghiền review sẽ đề cập ở phần giải thích phim nhé.
Phải thừa nhận rằng Hố sâu đói khát không phải là phim phù hợp cho mọi lứa tuổi. Phim khá nặng về tâm lý và có nhiều thuật ngữ khá chuyên sâu về xã hội. Mạch phim không có cao trào đỉnh điểm khiến cho câu chuyện dù hấp dẫn, lôi cuốn nhưng lại thiếu đi yếu tố kịch tính cần thiết để người xem không bị nhàm chán khi theo dõi. Cái kết phim quá trừu tượng, vô hình chung khiến phim mất điểm trong lòng người xem. Ghiền review chấm 7/10 cho phần này nhé.
Hình ảnh – âm thanh: Màu phim của Hố sâu đói khát chủ yếu là màu xám và đỏ, đại diện cho sự u tối và đẫm máu của nhà tù đặc biệt này. Hai màu này luân phiên thay đổi, giúp người xem cảm nhận được sự bức bối, chật hẹp, bí bách của nhà tù vừa giúp phân biệt được thời khắc thay đổi tầng giam sau mỗi tháng trong phim. Những cảnh đâm chém, máu me được dàn dựng tốt và kỹ xảo của phim giúp người xem như thể được ở trong chính nhà tù này vậy.
Âm thanh của phim tương đối đặc biệt với những thanh âm lạ tai như thể được tạo ra bởi việc gõ vào những lon nước, xô chậu vậy á các bạn ạ. Sự kết hợp giữa những tiếng động này với bối cảnh phim thực sự mang đến cho người xem cảm giác sợ hãi và ám ảnh, lo lắng. Vì vậy, Ghiền review chấm phần này 7.5/10.
Diễn xuất: Hố sâu đói khát sở hữu một dàn diễn viên khá lạ mặt với khán giả Việt Nam tuy nhiên họ đã thể hiện vai diễn của mình hết sức thành công với sự tự nhiên và chân thật trong diễn xuất và biểu cảm. Phim không có diễn viên nào trẻ trung, xinh đẹp nhưng bù lại họ rất chịu khó hy sinh cho các cảnh quay. Ghiền review chấm phần diễn xuất 7.5/10 luôn nhé.
Thang điểm đánh giá:
- IMDB: 7.1/10 (7.047 đánh giá)
- Metascore: 73/100
- Rotten Tomatoes: 83/100 (Cà chua tươi)
Tóm lại, The Platform – Hố sâu đói khát là một câu chuyện mang nhiều tầng ý nghĩa về xã hội và bản chất con người. Phim tương đối khó xem với đại đa số khán giả và cái kết của phim chưa thực sự làm hài lòng người xem. Tính giải trí của phim không cao kèm theo sự kịch tính và hack não tương đối thấp nhưng bù lại phim có một sự lôi cuốn riêng đối với những bạn đam mê thể loại kinh dị triết lý. Hãy cân nhắc trước khi xem phim nhé.
II. GIẢI THÍCH PHIM
Phần này Ghiền review sẽ đưa ra một số nhận định và lý giải riêng cho các tình tiết của phim giúp bạn cảm thấy Hố sâu đói khát mang nhiều ý nghĩa hơn so với bề ngoài của nó. Chắc hẳn nội dung phim không có gì khó hiểu nên mình sẽ bỏ qua phần tóm tắt cốt truyện mà đi thẳng vào phần giải thích luôn nhé. (Phần này có tiết lộ nội dung phim nha).
– Ý nghĩa biểu tượng của nhà tù:
Hố sâu đói khát không giải thích cho người xem hiểu mục đích ra đời của nhà tù này là gì? Goreng tình nguyện vào đây trong vòng 6 tháng để đổi lấy một chứng chỉ cao đẳng; Trimagasi vào hố sâu vì vô tình ném cái TV trúng người đi đường còn Imoguiri (cựu phỏng vấn viên) lại xin vào nhà tù để có cơ hội được điều trị căn bệnh ung thư quái ác của cô. Như vậy đây có thực sự là nhà tù hay là một thí nghiệm xã hội mà “những con chuột bạch” phải chịu khổ cực để đổi lấy một cơ hội đổi đời hoặc đạt được những điều mà họ mong cầu. Việc hàng tháng nhà tù trên sẽ đổi tầng cho tù nhân một cách ngẫu nhiên càng cho thấy “Ban điều hành” đang kiểm tra các tù nhân của mình với những tình huống và bối cảnh khác nhau. Bỏ qua cách hiểu thực dụng đó, chúng ta hãy tìm hiểu hình ảnh Hố sâu đói khát qua ý nghĩa về mặt xã hội học và tôn giáo nhé.
+ Về mặt xã hội học:
Trong phim The Platform, chúng ta thường bắt gặp những thuật ngữ nghe nặng tính xã hội như “tầng”, “công bằng” hay “tính đoàn kết tự phát”. Điều này là vì Nhà tù trong Hố sâu đói khát chính là mô phỏng cho một xã hội thu nhỏ mà chính xác hơn là xã hội tư bản thu nhỏ.
Tổng cộng xã hội đó có 333 tầng (chính xác hơn là 334 tầng) và những người ở tầng trên đại diện cho giới nhà giàu và các doanh nghiệp lớn, trong khi đó người ở tầng thấp hơn đại diện cho những người lao động nghèo khổ. Giới thượng lưu ăn uống xa hoa, ăn toàn đồ ngon, đồ bổ, còn những người nghèo thì không có gì ăn và thậm chí họ phải làm mọi cách (cho dù việc đó trái với lương tâm) để có thể sinh tồn.
Mô hình phân tầng giai cấp trong xã hội tư bản được khắc họa rõ nét qua việc người ở trên sẽ cố gắng “ăn” nhiều nhất có thể, chứ không hề muốn sẽ chia cho những tầng lớp thấp hơn. Điều này tương tự như việc họ sẽ bóc lột tối đa để nhận lấy thặng dư cao nhất cho mình và bởi vậy những người ở tầng càng thấp thì nghèo sẽ càng thêm nghèo.
Bạn có nhớ chi tiết Baharat muốn leo lên những tầng cao hơn nhưng bị chính những người ở tầng trên lật lọng và tặng một bãi mìn vào mặt không? Tình tiết này cho thấy giới nhà giàu không hề muốn cho người nghèo vươn lên nghịch cảnh để đứng chung hàng với họ. Những kẻ trịch thượng ấy sẵn sàng “phóng uế” hoặc hiểu thực tế hơn là có thể dùng ngôn từ để xúc phạm lăng mạ người ở giai cấp thấp hơn. Điều này tồn tại rất nhiều ở các nước tư bản và thậm chí ở Việt Nam chúng ta trong mùa dịch Covid-19 này, vẫn có những cá nhân mang tư tưởng của giới nhà giàu thượng đẳng như vậy.
Nhân việc nhắc đến dịch Covid-19, Ghiền review thấy rằng The Platform cực kỳ thích hợp để theo dõi trong mùa dịch này vì phim chỉ ra được cái xấu của con người khi mà các nguồn lực trở nên khan hiếm. Các bạn có để ý trên báo đài những ngày qua, nhan nhản những tin tức về việc ở Phương Tây, Hàn hay Nhật, người ta tranh nhau vét sạch siêu thị, tạp hóa để rồi những người già và những người thiếu điều kiện hơn đến mua thì chỉ biết ngậm ngùi nhìn những gian hàng trống trơn. Đó chẳng phải là hình ảnh thực tế của xã hội được Hố sâu đói khát phản ánh ư?
Ngoài ra, trong phim còn có tình tiết Goreng muốn phân chia bình đẳng cho mọi người nhưng ông bác Trimagasi đã phản biện cho rằng tư tưởng ấy là tư tưởng của cộng sản và những người ở đây ghét chủ nghĩa cộng sản. Bên cạnh đó khi Goreng và anh bạn tù gia đen đi xuống các tầng chia đồ ăn theo khẩu phần thì ít nhiều cũng gấp phải sự kháng cự của những tầng lớp trung lưu và kể cả những người nghèo. Quả thật quá khó để đòi hỏi sự công bằng trong một xã hội mà người ta đề cao giá trị của vật chất vượt lên trên nhiều thứ khác cấu thành nên giá trị một con người.
Như vậy, xét về mặt xã hội học, cái hay của Hố sâu đói khát là mượn cái nhu cầu cơ bản nhất của con người để nói lên bản chất của xã hội nói chung và của mỗi người nói riêng. Cho dù là tư bản hay xã hội chủ nghĩa, khi đã lâm vào nghịch cảnh thì sẽ khó có thể tạo dựng được sự công bằng và đoàn kết giữa người với người nữa.
+ Về mặt tôn giáo:
Nếu các bạn để ý, Hố sâu đói khát còn mang ý nghĩa biểu tượng về mặt tôn giáo rất sâu sắc. Tầng 0 chính là tầng ban phát đồ ăn đến cho những tầng thấp hơn, rất giống hình tượng của Chúa ban phát thức ăn cho con người. Bên cạnh đó, tầng đáy của nhà tù này là tầng 333, nghĩa là có 666 người. Con số 666 là con số tượng trưng cho quỷ Satan aka Lucifer – người cai quản địa ngục. Như vậy tầng thấp nhất của Hố sâu đói khát chính là đại diện cho địa phủ.
Mặt khác, hình ảnh của Goreng đi từ tầng 6 xuống các tầng khác để phân chia thức ăn, đặc biệt giúp đỡ cho những tầng thấp hơn có đồ ăn để duy trì cuộc sống, khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh của một đấng cứu thế, đi đến những vùng khó khăn để phổ độ chúng sinh. Đặc biệt chi tiết Goreng bị đánh cho bê bết máu ở gần cuối phim trông rất giống hình ảnh của Chúa Giê -su phải không các bạn?
Như vậy, ngoài ý nghĩa về mặt xã hội, Hố sâu đói khát còn khoác lên mình những ẩn ý về tôn giáo. Điều này có thể thấy rõ qua kiến trúc theo chiều dọc của nhà tù cũng như những hình ảnh và câu thoại ở cuối phim. Từ “thông điệp” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần cũng là một trong những ẩn ý liên quan đến tôn giáo.
– Ý nghĩa biểu tượng của các nhân vật
Có thể thấy trong nhà tù này có 3 loại người: Người an phận (Trimagasi); Người muốn thay đổi nhưng không hành động (Imoguiri) và Người hành động để thay đổi (Goreng và Baharat). Vì vậy ở phần này chúng ta hãy cùng điểm qua và phân tích những điều thú vị về các nhân vật của phim nhé.
+ Goreng: Nhân vật chính của chúng ta là một người đặc biệt bởi vì anh tự nguyện vào đây để được nhận chứng chỉ và cai nghiện thuốc lá. Thay vì người khác mang vũ khí tự về vào nhà tù, Goreng lại chọn mang quyển tiểu thuyết Đôn Kihôtê – Một trong những tuyệt tác văn học nổi tiếng nhất của đất nước Tây Ban Nha.
Tại sao lại là Đôn Kihôtê? Nếu các bạn để ý thì tạo hình của Goreng khá là giống hình ảnh minh họa của vị quý tộc nghèo xứ Mantra. Bên cạnh đó, anh cũng rất hay tưởng tưởng ra nhiều thứ và một tấm lòng thích làm việc thiện, cứu giúp mọi người như chính Đôn Kihôtê. Anh xin vào nhà tù này với những mộng tưởng rất đẹp nhưng cuối cùng anh vỡ mộng, tương tự như kết cục của vị quý tộc trong truyện. Ngoài ra, phân cảnh Goreng và Baharat cầm gậy sắt đi xuống các tầng phân phát đồ ăn và đánh nhau với lũ người xấu trông rất giống thầy trọ Đôn Kihôtê và Sancho Panza đi trừ gian diệt bạo.
Từ phân tích trên có thể thấy, ngoài hình tượng của đấng cứu thế, các nhà làm phim còn xây dựng hình ảnh Goreng dựa trên hình ảnh của nhân vật chính trong tiểu thuyết đáng tự hào nhất của Tây Ban Nha. Một số nguồn thông tin còn cho rằng từ Goreng trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa “thiêu cháy” hàm ý cho việc anh sẽ là người phá vỡ cái hệ thống này và cũng sẽ bị thiêu cháy tại đáy của địa ngục. Tuy nhiên, mình đã tra Google dịch thì từ Goreng chỉ có nghĩa trong tiếng Indonesia (một loại Mì nổi tiếng của đất nước này) chứ tiếng Tây Ban Nha thì nó chỉ là một cái tên mà thôi.
Mặt khác, Goreng còn được gọi là ốc sên vì món ăn khoái khẩu của anh là ốc sên (nghe tởm vật vờ). Một điều các bạn cần lưu ý là trước khi vào tù thì các tù nhân sẽ được làm một bài khảo sát, trong đó có câu hỏi về món ăn ưa thích của họ. Căn cứ vào đó nhà tù này sẽ chuẩn bị các món ăn trên bàn tiệc. Ôi nếu vậy thì Hố sâu đói khát cũng tâm lý quá phải không các bạn?
Trở lại với hình tượng con ốc sên. Ở Phương Tây, người ta quan niệm ốc sên là biểu tượng của sự lười biếng và đây là tội lỗi lớn cũng như căn bản nhất của loài người. Goreng vào tù cũng vì sự lười biếng của anh. Hầu hết thời gian trong tù anh cũng khá lười biếng, không muốn thay đổi cái hệ thống này. Mãi cho đến khi thấy Baharat bị phóng uế lên mặt khi đang cố gắng trèo lên tầng cao hơn, anh mới thức tỉnh và bắt đầu hành động. Sự hi sinh của Goreng ở cuối phim đã giúp anh cảm thấy mình không còn lười biếng, không còn tội lỗi nữa nên anh đã yêu cầu Trimagasi (trong tưởng tượng) hãy thôi gọi mình là ốc sên.
+ Trimagasi: Trong những người mà Goreng gặp, có lẽ đây là người có “kinh nghiệm” ở trong Hố sâu đói khát nhất. Trimagasi vào tù vì quảng cáo trên tivi không đúng như thực tế nên ông bực mình ném chiếc tivi ra ngoài cửa sổ và làm chết người. Lý do vào tù nực cười này là một cách để các nhà làm phim châm biếm về xã hội đầy bất công và bất ngờ ngoài kia.
Nhân vật Trimagasi rất thích dùng từ “hiển nhiên” và ông xem đó là tài sản riêng của mình. Ở trong nhà tù quá lâu, có lẽ ông đã trải nghiệm rất nhiều thứ và vì vậy những thứ xảy ra trong hố sâu này là những gì theo ông là hiển nhiên nhất, là tất yếu và là bản chất của nó. Ông an phận với cuộc sống trong nhà tù và với ông dường như chỉ cần sinh tồn là đủ, chứ ông chẳng cần phải lo nghĩ điều gì, đặc biệt là lương tâm của con người.
Trong một lần bị chuyển xuống tầng 171, ông đã trói Goreng lại trước khi anh này tỉnh giấc. Ông đợi cho anh từ từ chết để thịt thà ngon hơn và ảnh cũng bớt đau đớn hơn. Ông biết chính xác nên ăn chỗ nào trên cơ thể người, cho thấy nhà tù này đã tôi luyện một kẻ vô tình giết người trở thành một tay sát nhân thực thụ khi bị dồn vào nghịch cảnh. Tuy nhiên cuối cùng ông lại bị Miharu đánh úp và Goreng sát lại rồi ăn thịt ông.
Chính vì Trimagasi là người đầu tiên mà Goreng ăn thịt nên anh ta luôn bị ông ám ảnh. Rõ ràng Goreng rất khâm phục về thế giới quan của Trimagasi nên dường như vào những giây phút mà Goreng phải đấu tranh nội tâm, anh đều tưởng tượng ra Trimagasi đang hội thoại với mình. Trimagasi chính là hình ảnh tương phản của Goreng, là những tư tưởng già dặn, an phận không thích mạo hiểm và đưa yếu tố thực dụng là mối quan tâm hàng đầu, trái ngược với những suy nghĩ bồng bột nhưng mang tính thay đổi của Goreng.
+ Cô gái Miharu: Hố sâu đói khát không đề cập đến việc Miharu đến từ nước nào và tại sao lại vào nhà tù nhưng qua lời kể của Nữ phỏng vấn viên Imoguiri, có thể đoán được cô gái câm này đến từ Nhật Bản và là một diễn viên. Cô vào tù này và có thể bị hãm hiếp tại đây, vì vậy nữ phỏng vấn viên không tin chuyện cô gái này có con. Phim không lý giải việc Miharu đi tìm con như thế nào nhưng theo Ghiền review cô gái này đã đưa con giấu ở tầng 333 và mỗi tháng cô ngồi theo bệ đồ ăn để bảo đảm rằng có đồ ăn xuống cho con mình.
Hình tượng của Miharu cho thấy được sức mạnh của tình mẫu tử vượt lên trên lòng tham và cái tôi ích kỷ của xã hội phân tầng giai cấp này. Người mẹ có thể bị đánh, có thể không có ăn và thậm chí bị giết hại nhưng cô vẫn bất chấp tất cả để có thức ăn cho con mình. Cô không quan tâm đến việc thay đổi hệ thống mà chỉ toàn tâm lo cho con mình, thậm chí cô có thể giết cả chó của người đã cứu mình để có thức ăn cho con. Ngoài ra, Miharu cũng có một ưu điểm khác đó là biết đối xử tốt với những người đã từng giúp đỡ mình.
+ Nữ phỏng vấn viên Imoguiri: Nhân vật này đóng một vai trò tương đối quan trọng trong phim khi giúp người xem hiểu rõ hơn về nhà tù kỳ quái này. Cô là nhân viên của nhà tù, đảm nhận vị trí phỏng vấn các tù nhân trước khi vào trại. Cô bị ung thư và tự nguyện vào đây để có cơ hội được chữa trị căn bệnh quái ác trong mình. Khi mà người ta tranh dành đồ ăn từng chút một thì Imoguiri lại có thể nhìn thấu vấn đề. Cô muốn những người ở tầng dưới ăn đúng khẩu phần ăn của mình và tiếp tục truyền thông điệp đó cho những người thấp hơn. Nếu như việc này thành công, cô có thể thay đổi cả hệ thống này.
Tuy nhiên cách mà Imoguiri thực hiện chỉ là ý tưởng và lời nói. Trong bối cảnh khan hiếm nguồn lực thì lời nói của cô trở nên vô tác dụng trong mắt của người khác. Rõ ràng Imoguiri muốn thay đổi nhưng cô chưa sẵn sàng hành động và chính vì vậy không mang lại hiệu quả (bằng chứng là khi Goreng thấy những người ở dưới phớt lờ lời kêu gọi của Imoguiri, anh đã dọa sẽ ị lên đồ ăn thì họ mới nghe theo).
Một điểm khác cần chú ý thêm đó là việc Imoguiri thực sự là một người tốt khi mà cô rất yêu quý động vật. Khi con chó cưng của mình bị giết hại, cô đã rất đau khổ. Chính vì vậy, lúc cô và Goreng bị chuyển đến tầng 202, cô đã quyết định tự tử vì thứ cô yêu quý nhất đã ra đi, căn bệnh quái ác khó có thể chữa lành và thân xác cô có thể là nguồn duy trì sự sống cho Goreng ở tầng thấp này.
+ Baharat: Như đã phân tích ở trên, hình tượng Baharat rất giống với Sancho Panza – người tùy tùng đi cùng với Đôn Kihôtê, mặc dù khuôn mặt của anh lại trông giống Vua Ramses II hơn (Ramses II là ai, các bạn đọc phần dưới sẽ rõ nha). Khi anh này lên bệ đồ ăn đi phân phát thức ăn cùng với Goreng, có người đã nói anh chịu làm nô lệ cho gã da trắng. Đây chính là tình tiết phê phán nạn phân biệt chủng tộc của Hố sâu đói khát nè các bạn.
Baharat cũng là một người hào hiệp và mong muốn thoát khỏi cái nhà tù này. Anh chọn cách hành động chứ không chỉ sử dụng lời nói như Imoguiri. Tuy nhiên phương pháp làm của anh không hợp lý dẫn đến việc không thành công và còn mang nhục vào mình nữa. Sau đó, được Goreng thuyết phục, anh đã toàn tâm toàn ý đi theo để hy vọng về một sự tự do cho bản thân mình. Đáng tiếc cuối cùng anh phải bỏ mạng vì cái lý tưởng ấy trong một xã hội đầy rối ren nơi đây.
+ Đứa bé: Bé gái chính là con của Miharu và theo Ghiền review thì từ khi sinh ra cô bé này cứ lẩn trốn ở tầng 333 mà không ai hay biết, trừ mẹ của em. Theo luật của nhà tù, người trên 16 tuổi mới được vào đây chính vì vậy việc để lọt một đứa bé trong hệ thống này là một chuyện tày đình của những người quản lý Hố sâu đói khát.
Đó là lý do mà Goreng coi cô bé là chìa khóa của sự thay đổi, là thông điệp mà anh muốn gửi lên “Ban điều hành”. Chắc chắn với sự xuất hiện của cô bé ở tầng 0, những người ở đây sẽ đặt dấu hỏi về sự tồn tại của cô bé, đặt câu hỏi cho trách nhiệm của những người quản lý và tính hợp lý của việc vận hành nhà tù này. Điều này có thể tạo nên nhiều thay đổi và thậm chí là việc đóng cửa nhà tù. Chính vì vậy, đứa bé là hy vọng mà cả Goreng và Baharat đều mong cầu.
– Giải thích cái kết
Chắc chắn nhiều bạn xem đến đoạn cuối sẽ hụt hẫng không biết mình đang xem điều gì phải không nào? Vậy thì hãy cùng Ghiền review cái kết các bạn nhé. Cảnh kết phim bắt đầu từ việc Goreng và Baharat xuống đến tầng 333 và phát hiện ra bé gái – con của Miharu đang trốn dưới chiếc giường. Baharat vẫn giữ khư khư chiếc bánh tráng miệng của Ý vào người vì anh tin rằng đó là thông điệp để gửi đến “Ban điều hành” mặc cho luật lệ ai giữ đồ ăn sẽ bị “nướng chín” hoặc “đông lạnh”. Tuy nhiên ở tầng 333 này, khi mà những người quản lý ở trên cao tin rằng không ai có thể sống sót ở đây nữa thì luật giữ đồ ăn không còn được áp dụng nữa. Điều này là một trong những nguyên nhân lý giải cho việc bé gái vẫn sống sót được tại đây.
Hai người thấy bé gái này thật tội nghiệp nên đã đưa chiếc bánh cho bé ăn, sau đó họ ngủ thiếp đi vì đã quá mệt mỏi. Trong cơn mơ, Goreng thấy mình đang trò chuyện với Trimagasi và họ thảo luận về nhiều thứ, trong đó quan trọng nhất là nói về việc Goreng sẽ ăn thịt ai tiếp theo để tồn tại. Lão già đặt câu hỏi rằng liệu rằng Goreng sẽ ăn thịt anh bạn da đen – người đã cùng Goreng vào sinh ra tử những ngày qua? Goreng hỏi lại vậy tại sao anh không ăn thịt con bé? Trimagasi nói rằng con bé chính là thông điệp. Lúc này từ Ramses vang lên liên tục trong đầu Goreng và anh tưởng tượng ra Baharat cũng nói với mình con bé chính là thông điệp.
Đoạn phim trên thực tế chính là những suy nghĩ trong đầu của Goreng. Từ khi gặp con bé, anh đã thôi không nghĩ về nó. Ở đâu đó trong tiềm thức mách bảo anh rằng con bé chính là chìa khóa để anh thoát khỏi nhà tù này. Chính vì vậy con bé là thông điệp, là nhân chứng sống có giá trị hơn nhiều lần so với chiếc bánh tráng miệng kia. Việc tại sao đứa bé lại là chìa khóa của Goreng thì Ghiền review đã giải thích ở phần trên rồi nên ở đây mình sẽ phân tích về từ Ramses vang trong đầu của Goreng.
Nếu như bạn nào tìm hiểu về đất nước Ai Cập, sẽ biết về Vua Ramses II (hay còn được gọi là Rameses II) – Vua của những vị vua – Vị Pharaong nổi tiếng bậc nhất của đất nước này. Có một truyền thuyết nói rằng Ramses II từng giam giữ người Do Thái làm nô lệ và chính điều này đã khiến đất nước Ai Cập của ông phải chịu thiên tai dịch bệnh liên tiếp trong vòng 10 năm. Vì thế, Ramses II đã phải thả tự do cho những người nô lệ trên. Xuất phát từ câu chuyện trên có thể hiểu được, từ Ramses vang lên trong đầu Goreng chính là sự thôi thúc của lí trí cho rằng anh hãy thả tự do cho đứa bé có dòng máu Châu Á này.
Trở lại với mạch phim, sau khi tỉnh dậy từ giấc mơ, Goreng thấy Baharat đã nằm chết trên vũng máu. Sau cuộc chiến với những tù nhân khác để cứu Miharu, Baharat đã ăn 1 nhát kiếm Nhật và mất rất nhiều máu. Xuống đến tầng 333, không có thức ăn và nước uống, Baharat ngất lịm đi và chết vì mất máu mà không hề biết. Bản thân của Goreng cũng đã rất yếu vì bị đánh trọng thương cũng như đói và khát.
Lúc này, bệ thức ăn đã dừng tại tầng 333. Goreng nhanh chóng đưa đứa bé lên trên với mục đích sẽ cùng bé đi lên trên tầng 0. Hai người được đưa xuống một tầng thấp hơn để chuẩn bị phóng lên cao. Lúc bệ đồ ăn đã chạm đáy, lý trí của Goreng xuất hiện mâu thuẫn và anh lại tưởng tượng ra Trimagasi (thực tế thì chính anh đang trò chuyện với thâm tâm mình).
Goreng cảm thấy để đứa bé đi lên một mình sẽ hiệu quả hơn vì điều này sẽ làm những người ở tầng 0 bị shock và sẽ tạo ra thay đổi đối với cách quản lý nhà tù. Nếu có anh theo nữa, họ sẽ thấy việc anh làm giống như là vượt ngục, là cố tình phá hủy cái hệ thống mà họ đang xây dựng và vì vậy có thể sẽ chẳng thay đổi được gì, thậm chí còn khiến các luật lệ trở nên hà khắc hơn. Lúc ấy anh nhận ra rằng thông điệp không cần phải có người chuyển nên anh đã tự động bước xuống từ bệ thức ăn, để đứa bé ở lại một mình trên đó.
Một lý do nữa khiến Goreng ở lại tầng đáy này là vì anh cảm thấy mặc cảm tội lỗi. Đầu tiên anh nhận thấy đã có quá nhiều người phải chết vì anh và thứ 2 là anh đã ăn thịt của đồng loại. Anh cảm thấy mình có lỗi và thực sự anh nên ở lại địa ngục thay vì lên thiên đàng. Hành động này của anh thật là cao cả nên sau khi Goreng bước xuống từ bệ thức ăn, anh đã nói với người mà anh tưởng tượng ra là hãy thôi gọi anh là ốc sên nữa bởi vì những điều anh đang làm cho thấy anh không còn tội lỗi nữa.
Goreng tin tưởng rằng đứa bé sẽ lên được tầng cao nhất nhưng cũng đồng nghĩa rằng anh sẽ chết tại nơi đây vì giờ anh đã rất yếu và chẳng có gì để nạp vào cơ thể nữa. Bộ phim khép lại với một sự hi sinh để đổi lại một hy vọng, dù rằng hy vọng ấy rất mong manh và mơ hồ, không biết trước điều gì. Đó chính là lý do mà phim được kết lại ngay khúc đứa bé được kéo lên và mang đến sự hoang mang, vô định cho người xem.
Trên đây là toàn bộ lý giải của Ghiền review về những ẩn ý và những điều thú vị của phim. Bạn nào phát hiện ra nhiều thứ hay ho hơn nữa thì hãy cùng mình thảo luận bằng cách bình luận ở dưới bài viết này nhé.
-BatmanHCM-
Còn bạn, bạn đánh giá phim này như thế nào?
4.8/5 - (56 bình chọn) Post Views: 41.009Bài viết liên quan:
Từ khóa » Giải Thích ý Nghĩa Phim The Platform
-
Phim The Platform: 5 Chi Tiết Hack Não Gây Xôn Xao - Kenh14
-
Review ý Nghĩa Phim The Platform: Con Người Trần Trụi - CHI BLOG
-
Giải Mã đoạn Kết Và Những Chi Tiết ẩn Dụ Trong 'The Platform - Saostar
-
Đạo Diễn "The Platform" đích Thân Giải Thích đoạn Kết "hại Não" Của ...
-
Giải Thích Cái Kết "hại Não" Của "The Platform": Đạo Diễn Có "đùa Cợt ...
-
Review Phim The Platform | Hố Sâu Đói Khát Bản Chất Con Người
-
Review Và Giải Thích Phim The Platform – Hố Sâu đói Khát
-
Giải Thích Kết Thúc Phim The Platform - Hố Sâu Đói Khát (2019)
-
Giải Thích Cái Kết Của The Platform – Đứa Trẻ đại Diện Cho điều Gì?
-
Phân Tích Phim The Platform (2019) - Hố Sâu Đói Khát
-
[Review Phim] The Platform: Chủ Nghĩa Tư Bản Và Mối Liên Hệ Với Xã ...
-
Review Và Giải Thích Phim The Platform - Đại Tướng Quân
-
Giải Thích Kết Thúc Phim The Platform
-
Nguyễn Hữu Trí - Đạo Diễn “The Platform” đích Thân Giải Thích đoạn ...