Review Và Giải Thích Phim Us – Chúng Ta (2019) - Ghiền Review

Thời lượng: 116 phút

Đạo diễn:  Jordan Peele

Diễn viên: Lupita Nyong’o, Winston Duke, Elisabeth Moss

Quốc gia: Mỹ

Thể loại: Kinh dị, viễn tưởng, giật gân

Khởi chiếu: 20/03/2019

Ghiền review thấy có một điều rất lạ đó là 90% các bài đánh giá về phim Us – Chúng ta (2019) dù là trong hay ngoài nước đều khen phim lên tận mây xanh, trong khi cảm nhận của mình về phim như kiểu bị mông lung giữa sự pha trộn nhiều thứ và cố tỏ ra nguy hiểm trong tình tiết vậy. Khách quan mà nói, đặt vào tiêu chí giải trí, phim sẽ được mình chấm điểm rất thấp, nhưng nhìn tổng quan, Ghiền review cũng sẽ có một số giải thích thú vị cho bộ phim gây tranh cãi này. Nào, hãy cùng Ghiền review và giải thích Us nhé.

Cốt truyện: Phim theo chân gia đình Wilson đến với vùng biển Santa Cruz – nơi mà người vợ Adelaide từng bị lạc lúc nhỏ và bị sang chấn tâm lý khiến cho cô khá khó khăn trong việc giao tiếp. Một đêm nọ, gia đình Wilson bỗng phát hiện ra có 4 kẻ lạ mặt đang đứng nắm tay nhau trước cửa nhà mình trong trang phục màu đỏ, và kỳ quái hơn chúng lại có bộ mặt y hệt các thành viên trong gia đình. Liệu mục đích của những kẻ quái dị kia là gì và điều gì sẽ xảy đến với gia đình Wilson? Hãy ra rạp xem phim để tìm hiểu các bạn nhé.

Nghe mình kể tóm tắt câu chuyện như vậy, nhiều bạn sẽ cảm thấy cốt truyện phim cũng hay và thú vị đấy chứ. Đúng, Us sở hữu một kịch bản khá tiềm năng và nếu phát triển tinh tế sẽ khiến người xem sợ vãi tè luôn. Tuy nhiên, mình không biết có phải do quá ôm đồm, một lúc nắm 3 khâu chính: Đạo diễn, nhà sản xuất và biên kịch mà Jordan Peele đã phí phạm ý tưởng độc đáo này và biến tác phẩm mới nhất của ông kinh dị không ra kinh dị, hài không ra hài và tâm lý chẳng ra tâm lý nữa.

30 phút đầu của phim, Us loay hoay thiết lập nền tảng câu chuyện và tạo chất liệu kinh dị cho người xem, tuy nhiên không thành công và tạo cảm giác lê thê, nhàm chán lắm. Mãi cho đến phân đoạn 4 người lạ nắm tay nhau trước của nhà như Ghiền review tóm tắt ở trên thì mạch phim mới bắt đầu hấp dẫn và độ kinh dị mới được khơi dậy chút ít. Tuy nhiên chỉ 15 phút sau, phim lại bị rơi vào lưng chừng và càng về cuối, yếu tố kinh dị hoàn toàn mất hút.

Chưa kể đến việc Us về Việt Nam còn bị cắt kha khá thời lượng cho các cảnh hành động máu me nên việc kết liễu những kẻ thủ ác trong phim quá đường đột và hững hờ nên đa phần khán giả Việt Nam xem phim này sẽ không hài lòng. Bên cạnh đó, tổng thể câu chuyện phim nhìn khách quan rất xàm, thiếu logic và không giải thích được nguyên do tại sao lại hành động như thế nên nhiều bạn sau khi ra khỏi rạp sẽ nói phim sao dở tệ và khó hiểu quá vậy. Theo mình, đây mới là những lời đánh giá khách quan nhất dành cho bộ phim hơn là những lời tâng bốc có cánh mà chúng ta thường thấy gần đây.

Có người cho rằng phim tạo ra một thể loại phim kinh dị mới, khác với thể loại hù dọa như của James Wan từng làm. Tuy nhiên, đối với bản thân mình, do câu chuyện phim thiếu thực tế và những kẻ lạ mặt trong phim cũng chẳng có gì nguy hiểm nên thành ra không mang chút gì sợ hãi hay ám ảnh cho người xem hết. Đã vậy, phim xoay quanh 4 nhân vật chính của nhà Wilson (có trẻ nhỏ) nên người xem từ lúc vào phim đã biết được rằng gia đình này sẽ auto sống sót thay vì bị chết hết như các gia đình khác nên cũng khiến phim bị thiếu kịch tính lắm.

Yếu tố cảm xúc phim mang lại cho người xem gần như không có. Thể loại hài hước được đưa vào phim quá nhiều khiến cho phim trở nên mất chất kinh dị, thậm chí có thể nói là giả tạo vì chẳng phù hợp với hoàn cảnh tí nào. Sự tương tác giữa các thành viên trong gia đình chưa đủ lớn và cảm xúc họ đem lại từ những sự tương tác đó rất ít nên rất khó để bạn rưng rưng nước mắt cảm động gì hết. Xem phim này, điểm chung duy nhất của người xem đó là đơ và tìm cách lý giải cho những gì đang xảy ra.

Us quá tập trung đến việc truyền tải nhiều thông điệp to lớn trong phim mà quên đi rằng cốt truyện phim mới là cái đầu tiên chạm đến khẩu vị của người xem, do đó phim thất bại ngay từ việc khiến người xem thích nó, chưa nói gì đến phân tích ý nghĩa ẩn sâu trong phim. Dù phim đề cập rất nhiều thứ liên quan đến quyền con người, phân biệt chủng tộc, chính trị hay tôn giáo nhưng ít ai có thể cảm được hết những điều trên. Chính vì vậy, ngay ở dưới phần review này, Ghiền review sẽ có một phần viết về việc giải thích phim Us để các bạn cùng thảo luận như kiểu mình phân tích văn học của các cụ ngày xưa nha. Ghiền review chấm phần này 5.5/10.

Hình ảnh: Jordan Peele vẫn tiếp tục sử dụng chất liệu người da đen trong bối cảnh khá đen và tối để tạo ra sự khiếp sợ cho người xem như trong Get Out. Us cũng có những hình ảnh tương tự nhìn khá là creepy, tuy nhiên chính cốt truyện lại phá tan đi màu sắc của những hình ảnh trên. Các pha hành động trong phim nhìn không thực lắm, nhất là đoạn cuối quýnh lộn bằng múa ba lê nữa, càng khiến người xem bị hụt hẫng rất nhiều.

Việt Nam mình cắt phim nhiều quá nên mấy cảnh máu me không được diễn tả trọn vẹn tới người xem, từ đó rất khó có thể đánh giá chính xác phần hình ảnh của phim. Điểm cộng lớn nhất trong phim có lẽ là sự pha trộn màu sắc hài hòa và đầy ý nghĩa trong phim. Bối cảnh phim những năm 80s của nước Mỹ cũng được phim tái hiện khá tốt và Us thực sự rất biết chọn lựa hình ảnh mang tính biểu tượng rất cao. Ghiền review chấm 6.5/10 cho phần hình ảnh phim nhé.

Âm thanh: Đấy có lẽ là phần Us làm tốt nhất. Nhạc của phim rất đa dạng và thực sự tăng được độ hay cho phim hơn hẳn những gì mà cốt truyện muốn truyền tải cho người xem. Tiếng huýt sáo, tiếng trống dồn đập hay tiếng violin vang lên lanh lảnh khiến người xem cảm thấy có điều gì đó thực sự bất an. Sự kết hợp giữa âm nhạc mang âm hưởng Phi Châu với những ca khúc thập niên trước khiến cho bộ phim có hồn hơn hẳn. Tuy nhiên do nội dung phim luẩn quẩn quá nên kéo hiệu quả của phần này xuống theo luôn. Ghiền review chấm 7.5/10 cho phần này nhé.

Diễn xuất: Nhiều reviewer cho rằng nữ diễn viên từng đạt giải Oscar Lupita Nyong’o đã có một màn diễn xuất xuất thần khi một mình đảm nhiệm 2 vai Adelaide Wilson và Red, thậm chí còn hay hơn cả James McAvoy trong phim Split hay Glass nữa. Tuy nhiên, Ghiền review không thấy điều đó, cảm giác cô diễn vẫn có gì đó cường điệu và kịch hóa quá, chưa thực sự tự nhiên hay lấy đi được nước mắt của người xem.

Các nhân vật khác trong gia đình Wilson cũng không để lại nhiều ấn tượng cho người xem do kịch bản xây dựng và phát triển tính cách các nhân vật này có phần mờ nhạt và chưa nhất quán. Kiểu như đang nguy hiểm, kịch tính như thế đáng lẽ phải lo lắng, sợ hãi không nói ra lời, ấy thế mà các nhân vật này cứ tửng tửng nói mấy câu bông đùa không có duyên chút nào nè. Ghiền review chấm 6/10 cho phần diễn xuất nhé.

Thang điểm đánh giá:

  • IMDB: 7.6/10 (22.000 đánh giá)
  • Metascores: 81/100
  • Rotten Tomatoes: 93/100 (Cà chua tươi)

Tóm lại, Us – Chúng ta (2019) làm mình tương đối thất vọng vì thấy rất nhiều nhà phê bình khen phim hay. Bạn nào thích các bộ phim có nhiều ẩn ý và có chút am hiểu về chính trị Mỹ cũng như tôn giáo thì hãy nên đi xe Us, còn nếu bạn thích một bộ phim giải trí hay kinh dị đúng chất kinh dị, chắc chắn bạn sẽ lắc đầu ngao ngán khi bước ra khỏi rạp chiếu bộ phim này. Cảm ơn các bạn đã đọc review này và nếu chưa hiểu rõ nội dung phim cũng như ẩn ý trong Us thì hãy nán lại tí xíu, đọc thêm phần tiếp theo của Ghiền review giải thích phim nhé.

Giải thích phim – Lưu ý tiết lộ nội dung phim.

Câu chuyện phim nói về việc chính phủ Mỹ tạo ra những bản sao của người dân bằng việc nhân giống vô tính. Thí nghiệm này đầu tiên được áp dụng cho thỏ sau đó phát triển lên loại người và họ bị nhốt trong các tầng hầm sâu dưới mặt đất. Những bản sao này có một liên kết đặc biệt với bản gốc của chúng trên mặt đất, có cùng ký ức và lặp lại vô thức những gì mà bản gốc đang thực hiện, chỉ khác là dưới những tầng hầm đó không có khu vui chơi, không có đồ ăn đa dạng mà chỉ có những căn phòng giam và những con thỏ để họ duy trì sự sống. Mục đích của chính phủ khi tạo ra dự án này là hướng đến việc kiểm soát người dân trên mặt đất thông qua việc tác động đến các bản sao nhân bản vô tính, tuy nhiên dự án này thất bại nên chính phủ đã để mặc các bản sao ấy bị nhốt dưới những tầng hầm tăm tối. Từ đó, khiến cho bản sao thù hận người trên mặt đất và mong muốn được lên trên vào một ngày nào đó.

Cho đến một ngày, cô bé Adelaide (bản gốc) bị lạc vào khu vui chơi tại bờ biển Santa Cruz. Đây là nơi dẫn thẳng xuống các căn hầm mà bản sao đang sinh sống, chính vì vậy việc Adelaide (bản gốc) đi lạc đã vô hình chung dẫn Red (Adelaide bản sao) cũng đi lên trên. Hai người gặp nhau và Red nhanh chóng hiểu ra vấn đề nên đã làm Adelaide bất tỉnh rồi kéo về dưới căn hầm. Tại đây Andelaide bị Red xích lại trên giường và đổi quần áo, sau đó Red nghiễm nhiên bước lên trên từ khu vui chơi và thế chỗ Adelaide (bản gốc).

Vì mới lên trên, Adelaide (bản sao) chưa thể nói chuyện và còn nhiều bỡ ngỡ. Ba mẹ cô nghĩ rằng việc đi lạc đã khiến cô bé bị sang chấn tâm lý và khó khăn trong việc giao tiếp. Adelaide (bản sao) nhanh chóng thích nghi, lớn lên vui vẻ, lập gia đình, sinh con và quên đi mình là một bản sao. Khi gia đình cô đến Santa Cruz để nghỉ dưỡng, cô bỗng chốc cám thấy bất an và những ký ức của Adelaide (bản gốc) lúc bé ùa về.

Trong những năm tháng ấy, dù dần bị đồng hóa như những người bản sao nhưng bằng khả năng của người bản gốc, Adelaide (bản gốc) đã trở thành thủ lĩnh của bầy người bản sao, cô lập kế hoạch để đưa người bản sao lên trên mặt đất từ nhiều năm và đúng lúc Adelaide (bản sao) đến Santa Cruz cùng gia đình nghỉ dưỡng thì Adelaide (bản gốc) đã biết được lối lên trên.

Vì đêm trước khi bị đi lạc lúc bé, Adelaide (bản gốc) đang xem trên TV chiếu quảng cáo chiến dịch Hands Across America – người nắm tay người dọc khắp nước Mỹ để thể hiện tinh thần đoàn kết và quyên góp quỹ cho những người nghèo khó, nên mục tiêu của Adelaide (bản gốc) khi lên trên là cho người bản sao thay thế hoàn toàn người bản gốc, đồng thời lặp lại chiến dịch người nắm tay người để nhân loại thừa nhận sự tồn tại và khát vọng của họ.

Riêng về phần Adelaide (bản gốc), cô muốn đối chất tại sao Adelaide (bản sao) lại làm điều đó với mình lúc xưa nên kéo gia đình bản sao của cô đến tìm gia đình Wilson. Tuy nhiên Adelaide (bản sao) và gia đình của mình thoát được và bỏ trốn. Thế nhưng, Adelaide (bản gốc) nhanh chóng tìm được nơi Adelaide (bản sao) sẽ đi, nên cho con mình chặn đường đe dọa, tiếc rằng chúng đều bị gia đình Wilson bản gốc tiêu diệt hết.

Trong lúc đó, Adelaide (bản gốc) lén bắt đứa con trai út Jason của Adelaide (bản sao) xuống tầng hầm theo lối vào ở khu vui chơi ngoài biển Santa Cruz. Adelaide (bản sao) dễ dàng biết được nơi bản gốc đang giữ còn mình và nhanh chóng tìm được đường xuống dưới những căn hầm  – nơi mà người bản sao sinh sống. Tại đây Adelaide (bản sao) đã quánh nhau với Adelaide (bản gốc) và giết chết được phiên bản gốc của mình trước sự chứng kiến của cậu bé Jason – đang bị nhốt trong tủ đồ gần đó. Adelaide (bản sao) đưa cả nhà mình lên xe sang Mexico và nhớ lại mọi thứ về lai lịch của mình. Cô mỉm cười thoải mái, trong khi cậu bé Jason đang kinh hãi, kéo vội mặt nạ xuống để phòng thủ.

Một số tình tiết thú vị trong phim

Dưới đây là một số tình tiết thú vị của phim Us – Chúng ta (2019) mà Ghiền review nhận ra cũng như tìm hiểu được từ các tranh luận của các “nhà phê bình” trên thế giới. Các bạn cùng điểm qua với Ghiền review nha.

  1. Nắm tay dọc nước Mỹ

Như đã nói trong phần giải thích, dựa trên chương trình Hands Across America năm 1986, Adelaide (bản gốc) đã lập kế hoạch cho người bản sao làm điều tương tự sau khi lên mặt đất. Từ đó tạo ra một hình ảnh người nắm tay người màu đỏ dọc nước Mỹ.

Người bản sao đầu tiên đứng vào đội hình nắm tay dọc nước Mỹ

Điều này là dụng ý của đạo diễn muốn đả kích bức tường mà Tổng thống Trump muốn xây dựng để ngăn cản người nhập cư dọc biên giới với Mexico. Màu đỏ trong trang phục của người bản sao là màu đặc trưng của Đảng cộng hòa – những người muốn tạo ra bức tường để chia rẽ con người với nhau, trái ngược lại với ý nghĩa nhân đạo tuyệt vời của việc xây tường người năm 1986 khi xưa.

  1. Hình ảnh Thỏ

Thỏ là sinh vật được sử dụng để làm thí nghiệm nhân bản vô tính, chính vì vậy trong đoạn Intro đầu tiên, chúng ta thấy được rất nhiều thỏ trong chuồng. Trong đoạn dạo đầu này, khi mà chữ Us hiện lên trên nền là bầy thỏ đằng sau, có thể hiểu ý của nhà sản xuất phim là người Mỹ hiện tại cũng như những chú thỏ, đến từ nhiều màu da khác nhau (thỏ trắng, thỏ đen, thỏ nâu, thỏ lai,…) nhưng tất cả chỉ là công cụ thí nghiệm, điều chỉnh của chính phủ mà thôi.

Bên cạnh đó, hình ảnh con thỏ đối với người Do Thái tượng trưng cho người di cư, những chú thỏ bị nhốt trong lồng giống như những người nhập cư vào nước Mỹ đang bị cô lập giống như sống trong một chiếc lồng mặc dù họ chẳng làm gì sai.

Một điểm đặc biệt nữa là cô bé Zora – con gái của Adelaide mặc một cái áo in chữ Thỏ bằng tiếng Việt, ngụ ý việc Mỹ từng coi Việt Nam là một con thỏ để thử nghiệm các chính sách và chiến lược chính trị của mình bằng chiến tranh Việt Nam.

  1. Cây kéo

Đây có thể coi là một trong những hình ảnh mang đến sự ám ảnh đáng sợ nhất trong phim. Cây kéo có 2 nửa đối xứng, tượng trưng cho sự tồn tại song song hiện hữu giữa người bản gốc và người bản sao trong thế giới của phim. Ngoài ra, nó còn thể hiến khao khát muốn chia tách, không còn liên kết với người bản gốc của người bản sao. Có một chi tiết trong phim khi mà Adelaide (bản gốc) dùng kéo để cắt đầu một chú thỏ nhồi bông, như thể muốn nói rằng người Mỹ rất ghét, kỳ thị và chỉ muốn tống cổ người nhập cư mà thôi.

  1. Đường hầm nhập cư

Hình ảnh căn hầm tối tăm trong phim được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là một hình ảnh minh họa cho các đường hầm nhập cư từ lãnh thổ Mexico kéo xuyên qua biên giới Mỹ (được chính phủ Mỹ phát hiện thời gian qua). Đây cũng là những đường hầm mà bọ tội phạm buôn bán ma túy sử dụng để tuồn hàng qua biên giới.

  1. Các vấn đề nữ quyền, phân biệt chủng tộc

Phim có rất nhiều tình tiết thể hiện yếu tố phân biệt chủng tộc và nữ quyền. Yếu tố phân biệt chủng tộc có lẽ không quá khó để nhận ra khi một số ánh mắt của các diễn viên trong phim hay sự kỳ thị dân nhập cư cũng đủ để cho người xem thấy người da đen ở Mỹ đang chịu đựng những gì.

Tranh chấp đất đai giữa người da đỏ bản xứ với người da trắng trên đất Mỹ cũng được đề cập đến trong nhiều tình tiết phim. Có thể thấy biển hiệu khu vui chơi mà Adelaide đi vào lúc nhỏ là hình người thổ dân da đỏ nhưng sau đó thì nó đã bị thay thế bởi hình ảnh pháp sư Merlin – pháp sư quyền năng của người Anh da trắng.

Yếu tố nữ quyền được phim thể hiện qua sự vùng dậy đấu tranh của Adelaide trước những nguy hiểm để bảo vệ gia đình trong khi người chồng của cô có vẻ nhút nhát với những quyết định sai lầm.

  1. Sự tác động của môi trường

Hồi trước học sinh học, các bạn có thể thấy được việc môi trường tác động đến tính cách và sinh lý của động vật như thế nào qua loạt phản xạ có điều kiện và không điều kiện. Us cũng minh chứng cho tác động đó khi mà Adelaide (bản gốc) khi sống cùng với người bản sao đã có những thay đổi rõ rệt khi mà cô khó có thể nói rành rọt như người bình thường hay cách đi đứng, biểu cảm đều như thể một loại sinh vật vô hồn.

Trong khi đó, Adelaide (bản sao) khi sống với người bản gốc, đã biết nói, sống vui vẻ, hạnh phúc như người bình thường và hoàn toàn quên hết đi lai lịch thực sự của mình.

  1. Người song trùng – Doppelganger

Hiện tượng các cá thể giống về ngoại hình và hiểu được tính cách của chủ thể được điện ảnh gọi tên là Dopperlganger. Trong các bộ phim khá, Dopperlganger vốn được xem là một thực thể song sinh độc ác và có phần láu cá của con người, sinh ra từ những ý nghĩ xấu xa hoặc do bị đưa đường dẫn lối. Các doppelganger này có thể là ma quỷ hoặc là một thực thể từ hoạt động xuất hồn, tách hồn của con người. Doppelganger có thể chỉ là một cái bóng hoặc có ảnh phản chiếu, nhưng gương mặt thì lúc nào cũng có phần kỳ dị.

Còn theo ý niệm của Jordan Peele, người song trùng lại được tạo ra bởi hình thức sinh sản vô tính, có một sự gắn kết và lặp lại đặc biệt về suy nghĩ và hành động của bản gốc. Trong một phân đoạn phim, bản sao của Kitty – người vợ của bạn thân gia đinh Wilson tự rạch mặt mình để tương xứng với việc phẫu thuật thẩm mỹ mặt của bản gốc và không rạch mặt của Adelaide (bản sao) khi bắt được cô này vì bản gốc của Kitty nghĩ rằng mặt của Adelaide đã quá hoàn hảo, không cần phải sửa gì nữa hết.

  1. Ý nghĩa của con số 11:11

Con số này được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong phim và mang khá nhiều ý nghĩa. 11:11 khá giống hình ảnh 4 người nhà Wilson bản sao đứng ngoài cửa nhà bản gốc như đã nói ở trên. 11:11 cũng thể hiện sự tương xứng, ngụ ý cho việc tồn tại song song của người bản gốc và người bản sao.

Xét về tôn giáo, con số 11:11 dẫn người xem đến một chi tiết thú vị. Theo đoạn 11, câu 11 ở cuốn Jeremiah trong Kinh Thánh, Jeremiah là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, có nhiệm vụ rao giảng những gì Ngài muốn nói cho Vua Judah, các tư tế và dân thành JerUsalem hãy sám hối tội lỗi của mình (do những người ở đây đã gây ra quá nhiều nghiệp xấu). Ban đầu, Jeremiah từ chối nhiệm vụ, sau đó ông thay đổi ý định và chấp nhận sứ mệnh dẫn truyền lời Chúa. Tuy nhiên, người dân JerUsalem nhất quyết không nghe và Chúa quyết định trừng phạt họ.

Trong Us (Us còn mang nghĩa là nước Mỹ), con số 11:11 xuất hiện nhiều như thể một điềm báo cho biết tai họa sắp ập đến với nước Mỹ vì những tội lỗi mà họ gây ra. Đó là việc nhân bản vô tính, kỳ thị chủng tộc, phân biệt giới tính và chính những người song trùng sẽ là người thực hiện sự trừng phạt đó.

  1. Liên hệ với nhiều hiện tượng văn hóa Mỹ và các phim kinh dị khác

Trong phim Us, chúng ta có thể thấy phim có sự tri ân rất nhiều hiện tượng văn hóa Mỹ cũng như các bộ phim kinh dị khác. Có thể kể đến việc tri ân đạo diễn Brian De Palma, tác phẩm Thiên nga đen của Darren Aronofsky, diễn viên Jack Nicholson – đều là những người đóng góp rất nhiều cho dòng phim kinh dị thế giới. Nhiều người nhận xét phim có các easter eggs liên quan đến phim A Man with two brains (1983), The Shinning (1980), BIG (1983) hàm cá mập Jaws (1975), A nightmare on Elm Steet (1984), C.H.U.D (1984), The Goonies (1985),  và thậm chí là cả ca khúc Thriller và The man in the Mirror của Michael Jackson nữa.

  1. Sốc – Lai lịch của cậu bé Jason

Một giả thuyết khá hay và hợp lý được đưa ra về cậu bé Jason – con trai út của Adelaide (bản sao) đó là cậu bé này cũng là một bản sao và đã bị đánh tráo vào kỳ nghỉ của gia đình Wilson từ mùa hè năm trước, còn Pluto – con trai của Adelaide (bản gốc) bị cháy mặt mới chính là Jason bản gốc.

Lý giải cho điều này có thể thấy Jason trong phim khá ít nói, thích đeo mặt nạ và học đâu ra những câu chửi khiến gia đình cảm thấy khó hiểu. Bên cạnh đó, cậu bé có ký ức về trò chơi ảo thuật tạo lửa của mình từ kì nghỉ năm trước nhưng lại không biết cách sử dụng nó. Có thể Jason (bản gốc) do chơi trò chơi với lửa này và bị bỏng hết nửa khuôn mặt dưới, sau đó bị tráo đổi để trở thành Pluto.

Tình tiết cuối phim, Jason (bản sao) khá hoảng sợ khi nhìn thấy mẹ mình có thể là do cậu hiểu ra được mọi chuyện, chính cậu và mẹ đều là người song trùng và chính thức từ đây, họ là bản gốc độc nhất của chính mình.

-BatmanHCM-

3.5/5 - (4 bình chọn) Post Views: 35.883

Bài viết liên quan:

Từ khóa » Giải Thích ý Nghĩa Phim Us