RGB Vs CMYK: Làm Thế Nào để Có Thành Phẩm In Chuẩn?

Trong ngành thiết kế in ấn, hệ màu CMYK và RGB là hai hệ màu không thể thiếu. Hãy cùng CustomCat phân biệt giữa hệ màu CMYK và hệ màu RGB trong in ấn như thế nào nhé.

Mặc dù đa số khách hàng đến mua sản phẩm với thiết kế độc đáo của bạn vì sự hấp dẫn về mặt cảm xúc, nhưng bạn cần phải đảm bảo sản phẩm họ nhận được tương đồng với mẫu họ nhìn thấy trên màn hình.

Đối với các bạn mới chập chững bước vào con đường thiết kế sản phẩm POD, việc phân biệt được 2 hệ màu CMYK và RGB là vô cùng khó, thậm chí đôi khi còn không biết nên sử dụng hệ màu nào. Bởi vậy, hãy cùng nhau tìm hiểu kĩ hơn về CMYK và RGB nhé!

Mục lục

Toggle
  • Hệ màu RGB: Màn hình máy tính
  • Hệ màu CMYK: Sản phẩm in ấn
  • Sự khác biệt trong hình in giữa 2 hệ màu
  • Chuyển đổi qua lại giữa các hệ màu
  • Các loại file và thông số kỹ thuật
    • 1. Định dạng .PNG
    • 2. Định dạng .JPEG
  • Lời kết

Hệ màu RGB: Màn hình máy tính

RGB là viết tắt của Red (Đỏ), Green (Xanh lá) và Blue (Xanh dương). Hệ màu RGB được dùng riêng cho thiết kế kỹ thuật số. Nguyên lý làm việc của hệ RGB là phát xạ ánh sáng, hay còn gọi là mô hình ánh sáng bổ sung (các màu được sinh ra từ 3 màu RGB sẽ sáng hơn các màu gốc).

Chúng đại diện cho màu sắc hiển thị trên màn hình máy tính, màn hình điện thoại thông minh hay TV. Mỗi màu được tạo ra nhờ vào sự phản chiếu ánh sáng trên màn hình thiết bị.

Tuy nhiên hệ màu này không phù hợp trong in ấn, đặc biệt là in lên chất liệu giấy và vải. Để tác phẩm của bạn đi từ màn hình máy tính sang bản giấy một cách hoàn mĩ nhất, bạn cần chuyển đổi màu RGB sang hệ màu tiếp theo mang tên: CMYK.

Hệ màu CMYK: Sản phẩm in ấn

CMYK thường được sử dụng cho các mục đích in ấn. Cyan (Xanh), Magenta (Hồng), Yellow (Vàng) và Key (Black) tạo thành bảng màu cho CMYK. Hệ màu này thường được gọi bằng cái tên thân thương là “four-color process” (tạm dịch: quy trình bốn màu) vì nó sử dụng 4 màu mực khác nhau để tạo ra sự đa dạng màu sắc.

Nguyên lý làm việc của CMYK là trên cơ sở hấp thụ ánh sáng. Màu mà người ta nhìn thấy là từ phần của ánh sáng không bị hấp thụ. Một điểm thú vị của hệ thống này đó chính là khi kết hợp 3 màu Cyan, Magenta và Yellow sẽ cho ra một màu đen.

Các sản phẩm in như áo thun, ly sứ, và canvas không phát ra mà chỉ phản chiếu ánh sáng. Do đó, chúng ta không thể sử dụng cùng hệ thống màu RGB để in.

Trong in ấn POD, chúng tôi khuyến khích bạn thiết lập chế độ màu CMYK để màu in trên các sản phẩm của mình chính xác nhất, tránh mất màu và nhạt hơn trong hình ảnh.

Sự khác biệt trong hình in giữa 2 hệ màu

Các file hệ màu RGB sẽ làm việc tốt hơn với các thiết bị phát quang sử dụng ánh sáng trắng. Vì vậy, hệ màu RGB được sử dụng cho các màn hình trên máy tính. Ngược lại CMYK lại là hệ màu ưa thích của máy in, nếu bạn sử dụng ảnh hệ màu RGB khi in ra sẽ bị lệch màu, nên cần sử dụng màu CMYK.

Nếu bạn sử dụng hệ màu RGB để tạo file thiết kế, dưới đây là ví dụ về một tình trạng phổ biến trong cách máy tính hiển thị file thiết kế của bạn và sản phẩm sẽ trông như thế nào sau khi in.

Bạn có thể thấy nếu gửi file in theo hệ màu RGB, thành phẩm ở bên phải sẽ trông kém tươi hơn khi được in bằng màu CMYK. Chính vì vậy, người bán của CustomCat nên đảm bảo bạn đã chuyển sang hệ màu CMYK để phù hợp với các loại máy in hiện tại, và bảo đảm thành phẩm sau khi in ra không quá khác quá xa so với file thiết kế.

Chuyển đổi qua lại giữa các hệ màu

Trong hầu hết các phần mềm đồ họa đều có chức năng cho bạn chuyển đổi qua lại giữa các hệ màu. Dưới đây là cách làm ở 2 phần mềm thông dụng nhất – Photoshop và Illustrator để các bạn tham khảo.

  • Trong Illustrator: Trước khi tạo thiết kế, nhấp vào File -> Document Color Mode -> CMYK Color.

  • Trong Photoshop: Trước khi tạo thiết kế, nhấp vào Image -> Mode -> CMYK Color.

Tuy nhiên, do CMYK là hệ màu trừ và RGB là hệ màu cộng nên khi chuyển đổi qua lại sẽ không tránh khỏi tình trạng bị lệch màu. Sau khi chuyển đổi, các thông số của từng màu sẽ không phải số nguyên chẵn mà là các số thập phân lẻ, tùy theo mode màu mà kết quả các bạn nhận được sẽ sáng hơn hoặc tối hơn màu ban đầu.

Các loại file và thông số kỹ thuật

1. Định dạng .PNG

  • Hỗ trợ chế độ màu RGB và sRGB.

  • Hỗ trợ nền trong suốt.

  • Phù hợp cho các sản phẩm DTG và tất cả các sản phẩm khác.

Đối với tất cả sản phẩm mà bạn muốn hình in có nền trong suốt, chẳng hạn như sản phẩm DTG (áo thun, áo hoodie,…), bạn cần phải dùng định dạng file .PNG. Tuy nhiên, định dạng .PNG không hỗ trợ in theo hệ màu CMYK. Đừng lo lắng! Trước khi in, mọi file in đều sẽ trải qua quy trình raster ảnh gốc (RIP) trong máy in để chuyển đổi file PNG có cấu hình màu RGB thành CMYK.

Ngoài ra, nếu bạn muốn lưu file thiết kế với hệ màu CMYK dưới dạng PNG, bạn sẽ phải chuyển đổi lại hệ màu từ CMYK sang RGB, sau đó bạn có thể lưu file in dưới dạng PNG.

2. Định dạng .JPEG

  • Hỗ trợ các chế độ màu RGB, sRGB và CMYK.

  • Không hỗ trợ nền trong suốt.

Đối với các sản phẩm không cần nền trong suốt (canvas, poster, ly sứ…), chúng tôi khuyến khích bạn nên dùng định dạng JPEG với hệ màu CMYK. Việc này sẽ giúp tạo ra thành phẩm có màu in chính xác nhất so với hình mẫu trên máy tính.

Lời kết

Để hạn chế việc sản phẩm sau khi in bị sai màu so với file thiết kế, đặc biệt là những dải màu không có trong hệ màu CMYK, CustomCat khuyến khích bạn nên sử dụng hệ màu CMYK khi thiết kế và gửi file để giúp tối ưu màu in, không gây chênh lệch giữa mockup và thực tế. CustomCat sẽ không chịu trách nhiệm cho các thành phẩm bị nhạt màu so với file thiết kế gốc vì sử dụng hệ màu RGB.

Chúc các bạn luôn thuận lợi và gặt hái được nhiều thành công!

Từ khóa » Chuyển Hệ Màu Từ Rgb Sang Cmyk Trong Photoshop