Rối Loạn Ăn Uống Vô Độ: Nguyên Nhân Và Cách Kiềm Chế

Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder) là thuật ngữ đề cập đến tình trạng ăn uống quá mức không thể kiểm soát nhưng KHÔNG đi kèm với hành vi đào thải thức ăn (tự gây nôn mửa, dùng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu,…). Bệnh lý này gặp nhiều ở nữ giới trong độ tuổi vị thành niên và giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành.

Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder) là gì
Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder) là một dạng rối loạn tâm thần thường gặp ở nữ giới trẻ tuổi

Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder) là gì?

Rối loạn ăn uống vô độ còn được gọi là chứng cuồng ăn, chứng ăn uống vô độ tâm thần hay bệnh ăn uống vô độ (Tiếng Anh: Binge Eating Disorder/ BED). Thuật ngữ này cập đến một dạng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, đặc trưng bởi tình trạng ăn uống quá mức lặp đi lặp lại trong một thời dài.

Sau các cơn cuồng ăn, bệnh nhân hình thành tâm trạng xấu hổ, tội lỗi vì đã ăn quá nhiều nhưng KHÔNG “bù đắp” bằng các hành vi đào thải thức ăn (tự gây nôn ói, sử dụng thuốc lợi tiểu, nhuận tràng), nhịn ăn, tập thể dục quá độ,… như chứng ăn ói.

Khác với tình trạng ăn uống quá độ thông thường, rối loạn ăn uống vô độ thường đi kèm với các rối loạn tâm lý, tâm thần phức tạp. Các triệu chứng của chứng cuồng ăn thường xảy ra ít nhất 1 lần/ tuần, liên tục trong vòng 3 tháng. Phần lớn những người mắc chứng ăn uống vô độ tâm thần đều có tính chất nghề nghiệp coi trọng ngoại hình như diễn viên múa, diễn viên, ca sĩ, MC,… Chế độ ăn kiêng khem quá mức cùng với ám ảnh về hình thể đẹp chính là yếu tố dẫn đến việc ăn uống vô độ.

Ước tính, khoảng 2% dân số thế giới mắc bệnh ăn uống vô độ, trong đó gặp nhiều hơn ở nữ giới (thường là phụ nữ trẻ tuổi hoặc nữ giới ở tuổi vị thành niên). Đa phần bệnh nhân mắc chứng bệnh này đều có cân nặng cao hơn bình thường và thường mắc phải các vấn đề sức khỏe thể chất do thói quen ăn uống không lành mạnh.

Nguyên nhân gây rối loạn ăn uống vô độ

Các chuyên gia vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân gây rối loạn ăn uống vô độ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã thực hiện cho thấy, cơ chế bệnh sinh và căn nguyên bệnh có thể liên quan đến những yếu tố sau:

1. Di truyền

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, bệnh ăn uống vô độ cũng có khả năng di truyền nếu có bố mẹ hoặc anh chị em ruột được chẩn đoán mắc chứng bệnh này. Hiện tại, loại gen và cách thức di truyền của gen ở các bệnh nhân mắc chứng ăn uống vô độ tâm thần vẫn chưa được xác định.

hội chứng rối loạn ăn uống vô độ do di truyền
Hội chứng ăn uống vô độ thường có liên quan đến gen di truyền

Nhưng các chuyên gia nhận thấy, đa phần bệnh nhân đều có hiện tượng tăng độ nhạy cảm với dopamin khi ăn uống. Điều này tạo ra cảm giác vô cùng phấn khích và thoải mái, từ đó thúc đẩy dung nạp một lượng lớn thức ăn mà không thể nào kiềm chế.

2. Giải phẫu não bất thường

Ở bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ, các chuyên gia nhận thấy cấu trúc não có sự khác biệt đôi chút với người bình thường. Do đó, bệnh nhân có phản ứng cao với thức ăn dẫn đến hiện tượng ăn uống vô độ không thể kiềm chế. Giải phẫu não bất thường cũng khiến bệnh nhân giảm khả năng tự chủ và kiềm chế.

3. Ám ảnh về hình thể

Người mắc chứng ăn uống vô độ tâm thần thường bị ám ảnh quá mức về hình thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó thường gặp nhất là do tính chất công việc phải giữ hình thể thanh mảnh, cân đối như diễn viên, diễn viên múa, ca sĩ, MC,… Ngoài ra, người từng bị tẩy chay và body shaming về ngoại hình cũng dễ hình thành sự ám ảnh quá mức về hình thể.

nguyên nhân gây rối loạn ăn uống vô độ
Người bị ám ảnh quá mức về ngoại hình, cân nặng thường có nguy cơ cao mắc chứng cuồng ăn vô độ

Thông thường, trẻ nhỏ ít khi quan tâm đến ngoại hình cho đến độ tuổi dậy thì. Ở giai đoạn này, sự chú ý quá mức về ngoại hình cộng với tác động của hormone khiến trẻ trở nên nhạy cảm với những lời chê bai. Vì vậy, đa phần những trường hợp mắc chứng bệnh này đều khởi phát ở tuổi vị thành niên và giai đoạn trưởng thành. Ngoài ra, người theo chủ nghĩa hoàn hảo bị ám ảnh quá mức về cân nặng và hình thể cũng có nguy cơ mắc chứng ăn uống vô độ tâm thần cao hơn bình thường.

4. Bị béo phì, thừa cân

Hầu hết những người bị thừa cân, béo phì đều có biểu hiện rối loạn ăn uống vô độ. Trên thực tế, việc giảm cân với những người bị béo phì lâu năm rất khắc nghiệt và khó khăn. Hầu hết họ đều nỗ lực ăn kiêng, tập thể dục quá độ để cải thiện ngoại hình nhưng sau một thời gian, cảm giác thèm ăn lại thôi thúc họ ăn uống quá mức.

Khi dung nạp một lượng thức ăn lớn, bản thân người bệnh sẽ hình thành tâm lý xấu hổ, tội lỗi, cảm thấy bản thân vô dụng vì không thể kiềm chế hành vi. Tình trạng này lặp đi lặp lại tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến cân nặng của người bệnh không được cải thiện, đồng thời gia tăng các vấn đề về thể chất và tâm thần.

5. Sang chấn tâm lý

Tương tự như các rối loạn tâm thần khác, một số người bùng phát các triệu chứng rối loạn ăn uống vô độ sau khi trải qua sang chấn tâm lý. Thường gặp nhất là bố mẹ, người thân thiết qua đời, tai nạn xe hơi, bị ngược đãi, bị bắt nạt hoặc bỏ rơi.

Khi trải qua những sự kiện có tính chất sang chấn, tâm lý chung là buồn bã, tự thu mình và cô lập bản thân. Để tránh suy nghĩ về những chuyện đã xảy ra, không ít người lựa chọn ăn uống liên tục. Tuy nhiên sau khi ăn uống, bản thân người bệnh lại xuất hiện cảm giác xấu hổ, vô dụng và đau khổ. Tuy nhiên, càng đau khổ thì cảm giác cuồng ăn lại càng trở nên mạnh mẽ hơn.

6. Mắc các bệnh tâm thần khác

Thống kê cho thấy, khoảng 80% bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ mắc đồng thời với các bệnh tâm thần khác như rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm hoặc ám ảnh sợ đặc hiệu. Các bệnh lý này khiến cho tâm lý của bệnh nhân trở nên bất ổn và thường ăn uống quá mức hoặc chán ăn tâm thần.

Chứng cuồng ăn vô độ liên quan đến các bệnh tâm thần
Đa phần bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ đều có biểu hiện trầm cảm, rối loạn lo âu,…

Thông thường, chứng ăn uống vô độ tâm thần hiếm khi xảy ra do một nguyên nhân cụ thể mà là kết quả của nhiều yếu tố tác động lẫn nhau.

Triệu chứng nhận biết rối loạn ăn uống vô độ

Rối loạn ăn uống vô độ đặc trưng bởi hành vi cuồng ăn có tính chất lặp đi lặp lại. Các triệu chứng xảy ra ít nhất 1 lần/ tuần và kéo dài từ 3 tháng trở lên.

triệu chứng rối loạn ăn uống vô độ
Người bị rối loạn ăn uống vô độ thường ăn uống quá nhiều, tốc độ ăn nhanh và không thể kiểm soát hành vi ăn uống của bản thân

Các dấu hiệu nhận biết chứng ăn uống vô độ tâm thần (Binge Eating Disorder):

  • Bệnh nhân có xu hướng ăn uống quá mức, tốc độ ăn rất nhanh kèm theo cảm giác mất kiểm soát. Lượng thức ăn thường nhiều hơn so với người bình thường ở hoàn cảnh tương tự (bao gồm bữa ăn hằng ngày hoặc bữa ăn trong những bữa tiệc lớn).
  • Đặc điểm thường thấy ở bệnh nhân là yêu thích các món ăn dễ gây tăng cân như thức ăn nhiều chất béo và đồ ngọt. Tuy nhiên trong các cơn cuồng ăn, bệnh nhân thường dung nạp đầy đủ các loại thức ăn với tổng calo có thể lên đến vài ngàn (nhu cầu trung bình chỉ khoảng 2000 calo mỗi ngày).
  • Các cơn cuồng ăn thường khởi phát khi bị stress hoặc trải qua sang chấn tâm lý. Trong các giai đoạn này, bệnh nhân có thể lặp đi lặp lại các hành vi cuồng ăn vài lần trong ngày.
  • Bệnh nhân thường giấu giếm cơn cuồng ăn không cho người khác biết
  • Bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ thường có dấu hiệu thừa cân hoặc béo phì.
  • Bệnh nhân thể hiện rõ sự quan tâm đến ngoại hình thông qua lời nói hoặc ánh mắt, đặc biệt luôn có tâm lý không hài lòng về hình thể của bản thân.
  • Việc ám ảnh quá mức về cân nặng, hình thể có thể khiến bệnh nhân trở nên căng thẳng, hay buồn bã, xấu hổ, thậm chí dễ gắt gỏng và nổi giận với người khác ngay cả khi không có nguyên do.

Ngoài những triệu chứng trên, bệnh nhân mắc chứng ăn uống vô độ tâm thần cũng có một số triệu chứng cơ thể như mòn men răng, răng xỉn màu, ố vàng, tuyến nước bọt bị sưng, béo phì, khó tiêu, táo bón,…

Ảnh hưởng của chứng rối loạn ăn uống vô độ

Rối loạn ăn uống vô độ là chứng bệnh tâm thần ít gặp với tỷ lệ chỉ khoảng 2% dân số. Ảnh hưởng đầu tiên của bệnh lý này là các vấn đề sức khỏe thể chất. Việc dung nạp một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn gây rối loạn nghiêm trọng về điện giải, làm rối loạn chức năng tiêu hóa, gia tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ,… Ngoài ra, bệnh nhân cũng phải đối mặt với nguy cơ béo phì, tiểu đường, rối loạn lipid máu và các bệnh mãn tính khác.

rối loạn ăn uống vô độ có nguy hiểm không
Người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe như béo phì, tiểu đường, cao huyết áp,…

Người bị rối loạn ăn uống vô độ chỉ có hành vi ăn uống bất thường và thường che giấu, không thể hiện ra bên ngoài nên bị ít cô lập về mặt xã hội. Tuy nhiên, trong trường hợp mắc đồng thời với trầm cảm, rối loạn lo âu,… bệnh nhân có thể tự cách ly bản thân với những người xung quanh.

Nếu không được điều trị sớm, tình trạng lặp đi lặp lại của các cơn cuồng ăn khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái tuyệt vọng, bi quan, luôn có cảm giác tội lỗi và xấu hổ. Để giải thoát bản thân khỏi tội lỗi và chán nản, không ít bệnh nhân lựa chọn sử dụng rượu bia và chất gây nghiện. Tình trạng này khiến cho chất lượng cuộc sống suy giảm, hiệu suất học tập – lao động kém, thu nhập không ổn định và gia tăng thêm nhiều vấn đề khác.

Chẩn đoán rối loạn ăn uống vô độ

Bệnh nhân rối loạn ăn uống vô độ thường đến thăm khám khi người thân, bạn bè phát hiện ra các cơn cuồng ăn. Ngoài ra, một số bệnh nhân có thể đến gặp bác sĩ do các vấn đề thể chất như trào ngược dạ dày, gan nhiễm mỡ, béo phì nghiêm trọng,…

Chẩn đoán bệnh lý này chủ yếu dựa trên triệu chứng lâm sàng. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc rối loạn ăn uống vô độ khi tình trạng cuồng ăn lặp đi lặp lại với tần suất ít nhất 1 lần/ tuần trong vòng từ 3 tháng trở lên. Ngoài ra, người mắc chứng bệnh này cũng có sự quan tâm và ám ảnh quá mức về hình thể, cân nặng.

Như đã đề cập, hơn 80% bệnh nhân bị chứng ăn uống vô độ mắc đồng thời với nhiều rối loạn tâm thần khác. Do đó, một số bệnh nhân có thể phải thực hiện thêm một số xét nghiệm thường quy để phục vụ cho quá trình chẩn đoán. Với những trường hợp có biểu hiện rối loạn ăn uống vô độ trong thời gian dài, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm máu, nước tiểu và khám sức khỏe tổng quát để phát hiện các vấn đề thể chất do chứng cuồng ăn gây ra.

Các phương pháp điều trị rối loạn ăn uống vô độ

Chứng cuồng ăn gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe thể chất và tinh thần. Mục tiêu chính khi điều trị bệnh lý này là giảm các cơn cuồng ăn nhằm duy trì trọng lượng cân đối. Ngoài ra, điều trị còn giúp bệnh nhân cải thiện tâm trạng và xây dựng thói quen ăn uống khoa học hơn.

Các phương pháp điều trị được áp dụng cho bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn:

1. Tâm lý trị liệu

Tâm lý trị liệu là phương pháp chính khi điều trị các rối loạn ăn uống, bao gồm cả chứng cuồng ăn. Phương pháp này có thể thay đổi nhận thức sai lệch của bệnh nhân, từ đó giúp người bệnh xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh và khoa học. Trị liệu tâm lý có khá nhiều phương pháp nhưng chỉ có một số phương pháp mang lại hiệu quả khi điều trị rối loạn ăn uống vô độ, bao gồm:

cách chữa rối loạn ăn uống vô độ
Tâm lý trị liệu là phương pháp chính trong điều trị hội chứng rối loạn ăn uống vô độ

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT):

CBT là phương pháp trị liệu tâm lý mang lại hiệu quả cao khi điều trị chứng ăn uống vô độ tâm thần. Phương pháp này bao gồm 16 – 20 buổi trị liệu kéo dài trong 4 – 5 tháng tùy theo từng trường hợp. Mục tiêu của liệu pháp nhận thức hành vi là giúp bệnh nhân điều chỉnh những quan niệm sai lầm, giảm sự quan tâm thái quá đến ngoại hình, từ đó xây dựng chế độ ăn uống khoa học và linh hoạt theo từng hoàn cảnh.

Theo số liệu thống kê, CBT mang lại hiệu quả với 30 – 50% bệnh nhân. Những trường hợp còn lại thường không nhận thấy hiệu quả khi trị liệu hoặc bỏ dở quá trình điều trị. Nếu áp dụng lâu dài, liệu pháp nhận thức hành vi còn có thể làm giảm nguy cơ tái phát.

Liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (IPT):

Liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân được đánh giá là phương pháp mang lại hiệu quả cao trong điều trị chứng cuồng ăn. Liệu pháp này được thực hiện dựa trên quan niệm, thói quen ăn uống vô độ là cơ chế đối phó với một số vấn đề cá nhân. Do đó, trong IPT, nhà trị liệu sẽ giúp bệnh nhân xác định và giải quyết những vấn đề dẫn đến chứng ăn uống vô độ tâm thần.

Khi những vấn đề này được giải quyết, tình trạng cuồng ăn sẽ giảm đi đáng kể. Hiện nay, IPT được áp dụng trong những trường hợp không có đáp ứng hoặc không thể thực hiện liệu pháp hành vi nhận thức. Mặc dù ban đầu là liệu pháp thay thế cho CBT nhưng hiện nay, IPT đã được công nhận là liệu pháp mang lại hiệu quả cao, nhất là với những trường hợp nặng.

Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT):

Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) cho rằng ăn uống vô độ là phản ứng thường thấy sau khi trải qua những trải nghiệm tiêu cực mà bản thân không có cách nào để giải quyết hay đối phó. Liệu pháp này thường được áp dụng cho bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn sau khi trải qua các sự kiện có tính chất sang chấn.

Trong liệu pháp DBT, các chuyên gia/ nhà trị liệu sẽ giúp bệnh nhân điều chỉnh cảm xúc, từ đó có thể đối phó với những trải nghiệm tiêu cực trong cuộc sống và làm giảm các hành vi rối loạn ăn uống. Liệu pháp này bao gồm nhiều phương pháp như thiền định, điều chỉnh cảm xúc, tăng khả năng chịu đựng,…

Liệu pháp hành vi biện chứng mang lại hiệu quả rất rõ rệt. Khoảng 89% bệnh nhân ngừng các cơn cuồng ăn sau khi kết thúc liệu pháp nhưng tỷ lệ tái phát tương đối cao. Mặc dù vậy, liệu pháp này vẫn được xem là phương pháp đầy hứa hẹn đối với bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ.

Ngoài các liệu pháp trên, bệnh nhân cũng có thể được trị liệu bằng một số phương pháp khác. Tuy nhiên, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) và liệu pháp tâm lý tương tác cá nhân (IPT) vẫn được đánh giá là 2 phương pháp mang lại hiệu quả cao nhất.

2. Sử dụng thuốc

Bên cạnh tâm lý trị liệu, bệnh nhân rối loạn ăn uống vô độ cũng có thể phải sử dụng thuốc. Loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). Loại thuốc này làm giảm đáng kể tần suất của các cơn cuồng ăn và giúp cải thiện tâm trạng rõ rệt.

Đặc biệt, SSRIs thường được sử dụng cho bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn có biểu hiện trầm cảm và rối loạn lo âu. Ngoài ra, thuốc có thể được sử dụng song song với trị liệu tâm lý để nâng đỡ cảm xúc và giúp bệnh nhân hợp tác hơn trong quá trình trị liệu.

3. Các biện pháp hỗ trợ

Ngoài sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu, bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn cũng có thể thực hiện thêm một số biện pháp hỗ trợ. Các biện pháp này giúp người bệnh quản lý tốt cảm xúc, cải thiện chất lượng giấc ngủ và dần hình thành thói quen ăn uống khoa học hơn.

tự chữa chứng cuồng ăn vô độ tâm thần
Viết nhật ký là cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực, hỗ trợ giảm căng thẳng và phiền muộn ở bệnh nhân mắc chứng cuồng ăn vô độ tâm thần

Các biện pháp hỗ trợ cải thiện rối loạn ăn uống vô độ:

  • Viết lại những cảm xúc tiêu cực, suy nghĩ và cách nhìn nhận của bản thân về những trải nghiệm tồi tệ trong cuộc sống. Việc viết ra cảm xúc, suy nghĩ dồn nén là một cách giải tỏa tâm trạng và giúp người bệnh hiểu rõ hơn về tâm lý của bản thân. Từ đó biết cách kiểm soát các cơn bốc đồng, sự nóng nảy và giận dữ.
  • Chia sẻ cảm xúc và những vấn đề khó khăn trong cuộc sống với bạn bè, gia đình hoặc đồng nghiệp. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể tham gia các hội nhóm của những người mắc chứng cuồng ăn để được chia sẻ, thấu hiểu và có thêm kinh nghiệm để vượt qua chứng bệnh này.
  • Nên tập ngồi thiền để giải tỏa cảm xúc và học cách kiểm soát sự giận dữ. Thiền định còn giúp tăng khả năng tự kiểm soát, từ đó hạn chế hành vi ăn uống quá mức. Đồng thời cải thiện sức khỏe thể chất và chất lượng giấc ngủ rõ rệt.
  • Hoạt động thể chất mỗi ngày giúp bệnh nhân duy trì hình thể cân đối, giải tỏa stress và phiền muộn, lo âu. Tuy nhiên, bệnh nhân nên chọn các bộ môn và bài tập có cường độ phù hợp với thể trạng. Tránh tình trạng tập thể dục quá độ dẫn đến suy nhược và tổn thương cơ xương khớp.
  • Giấc ngủ là liều thuốc tự nhiên giúp xoa dịu tâm trạng và giảm các phản ứng gay gắt, tiêu cực với những tình huống không mong đợi trong cuộc sống. Do đó, bệnh nhân bị rối loạn ăn uống vô độ cần đảm bảo ngủ đủ 7 – 8 giờ mỗi ngày. Để ngủ ngon và sâu giấc, nên thiền định, tắm nước ấm, dùng trà thảo mộc hoặc ngửi tinh dầu thơm vào buổi tối.
  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý giúp giảm cảm giác thèm ăn quá độ và cải thiện sức khỏe thể chất. Vì vậy, bệnh nhân cần đảm bảo ăn đủ bữa, thực đơn ăn uống phải cân đối giữa đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, chuyên gia dinh dưỡng sẽ lên kế hoạch ăn uống thích hợp nhằm cải thiện thể trạng một cách toàn diện.

Rối loạn ăn uống vô độ (Binge Eating Disorder) là một trong những dạng rối loạn ăn uống nghiêm trọng. Nếu không được điều trị, phần lớn bệnh nhân đều phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần. Để phòng ngừa biến chứng nặng nề, bệnh nhân cần chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ khi nhận thấy bản thân có biểu hiện mất kiểm soát khi ăn uống, luôn cảm thấy xấu hổ và ám ảnh về ngoại hình.

Có thể bạn quan tâm:

  • Hội chứng tự ngược đãi bản thân: Biểu hiện và cách điều trị
  • Hội chứng ám ảnh cân nặng – Nguy cơ rối loạn ăn uống
  • Rối loạn tâm lý là gì? Các dạng rối loạn tâm lý thường gặp
  • Bị Căng Thẳng Nên Ăn Gì Để Nhanh Khỏi?

Từ khóa » Cuồng ăn Vô độ