RỐI LOẠN CẢM GIÁC VÀ TRI GIÁC
Có thể bạn quan tâm
RỐI LOẠN CẢM GIÁC VÀ TRI GIÁC
Cảm giác (sensation): Là quá trình tâm lý nhằm phản ánh những thuộc tính riêng lẻ của các sự vật, hiện tượng tác động trực tiếp vào các cơ quan cảm giác của ta. Cảm giác còn phản ánh những trạng thái bên trong cơ thể như nóng ruột, cồn cào khó thở…Tuy là một quá trình tâm lý đơn giản nhất nhưng cảm giác có vai trò rất quan trọng vì nếu không có nó ta không nhận thức được thế giới bên ngoài.
Tri giác (perception): Là quá trình nhận thức cao hơn cảm giác. Nếu cảm giác chỉ phản ảnh những thuộc tính riêng lẻ thì tri giác phản ánh sự vật, hiện tượng một cách toàn vẹn do trong quá trình tri giác ta thường sử dụng nhiều giác quan cùng một lúc. Tri giác là cơ sở để hình thành các biểu tượng, thành phần cần thiết cho các quá trình tâm lý phức tạp khác như trí nhớ và tư duy.
- Các rối loạn cảm giác và tri giác gồm :
1. Tăng cảm giác (hyperesthesia) : Là tăng tính thụ cảm với các kích thích bên ngoài. Ví dụ, ánh sáng thông thường cũng làm người bệnh chóa mắt, màu sắc trở nên rực rỡ, các mùi trở nên nồng nặc, tiếng ồn ào trở nên không thể chịu nỗi… Gặp trong các trạng thái hưng cảm, lo âu, cai các thuốc nhóm benzodiazepine, ngộ độc các chất gây ảo giác, đôi khi trong cơn thoáng của bệnh động kinh.
2. Giảm cảm giác (hypoesthesia): Là giảm tính thụ cảm với các kích thích bên ngoài, người bệnh tiếp thu mọi sự vật một cách lờ mờ, không rõ rệt, xa xăm. Ví dụ, mọi tiếng động nghe như ở xa xôi, tiếng nói xung quanh không nhận ra của ai, thức ăn cảm thấy nhạt nhẽo… Gặp trong trạng thái trầm cảm.
3. Ảo tưởng (illusions): Là tri giác sai lầm về các sự vật có thật trong thực tế khách quan. Ví dụ nhìn dây thừng tưởng con rắn. Ảo tưởng có thể xảy ra trong các trường hợp sau :
+ Khi mức độ kích thích giác quan bị giảm. Ví dụ, vào lúc trời sẫm tối, nhìn bụi cây tưởng người ngồi.
+ Khi không tập trung chú ý vào giác quan có liên quan. Ví dụ một người đang chăm chú đọc sách nghe tiếng gió xào xạc tưởng có tiếng người nói.
+ Khi mức độ ý thức bị giảm như trong sảng.
+ Khi đang trong trạng thái cảm xúc mạnh như sợ hãi.
+ Các ảo tưởng cũng có thể gặp ở những người khỏe mạnh, đặc biệt khi có sự kết hợp của các tình huống trên, ví dụ khi một người trong trạng thái sợ hãi và đang ở một nơi lờ mờ tối.
4. Ảo giác (hallucinations) : Là tri giác như có thật về một sự vật, hiện tượng không hề có trong thực tế khách quan. Ảo giác xuất hiện và mất đi không phụ thuộc vào ý muốn của người bệnh, có thể kèm theo rối loạn ý thức như sảng hoặc rối loạn tư duy như hoang tưởng.
Người bệnh có ảo giác luôn tin chắc những gì mình tri giác được là có thật trong thực tế và hoàn toàn không có khả năng phê phán. Ngay cả khi biết rằng những người xung quanh không chia sẻ những gì mà họ tri giác được thì điều này cũng không làm lay chuyển sự tin chắc của người bệnh.
Mặc dù ảo giác thường được xem là một biểu hiện của rối loạn tâm thần nhưng đôi khi cũng gặp ở người bình thường, xảy ra khi mới vào ngủ hoặc khi mới thức giấc (ảo giác lúc giở thức, giở ngủ). Loại ảo giác này chủ yếu là ảo thị và cũng hay gặp trong bệnh ngủ rũ. Một số người có người thân vừa mới qua đời có thể thấy hoặc nghe tiếng nói của người đã chết. Ảo giác cũng có thể xảy ra ở người bị thiếu sót giác quan như bị mù hoặc điếc do nguyên nhân ngoại biên, trong động kinh thuỳ thái dương… Có nhiều cách phân loại ảo giác:
+ Ảo giác thô sơ và ảo giác phức tạp :
- Ảo giác thô sơ (elementary hallucination) : Là ảo giác chưa hình thành, không có hình thái và kết cấu rõ rệt như nghe tiếng còi, tiếng gõ cửa, thấy một ánh hào quang…
- Ảo giác phức tạp (complex hallucination): Là ảo giác có hình tượng rõ ràng và sinh động, có vị trí nhất định trong không gian như thấy một đàn thú dữ đang lao đến tấn công mình, nghe tiếng nói bảo mình ra vườn tìm nơi ẩn nấp…
+ Ảo giác thật và ảo giác giả :
- Ảo giác thật hoặc ảo giác tâm lý giác quan (hallucinations psychosensorielles) : Là ảo giác có nguồn gốc từ bên ngoài, người bệnh tiếp nhận ảo giác như một sự vật có thật trong thực tế, không phân biệt được ảo giác với sự vật thật.
- Ảo giác giả hoặc ảo giác tâm lý (hallucinations psychiques): Là ảo giác có nguồn gốc từ bên trong cơ thể của người bệnh như nghe tiếng nói phát ra từ trong đầu, trong ngực hoặc trong bụng. Người bệnh tiếp nhận được ảo giác không phải bằng các giác quan mà là trong ý nghĩ. Ảo giác giả kết hợp với hoang tưởng bị chi phối để hình thành hội chứng tâm thần tự động Kandinski-Clérambault, gặp trong tâm thần phân liệt và một số bệnh loạn thần khác.
+ Ảo giác chia theo giác quan :
- Ảo thanh (auditory hallucinations) : Gồm ảo thanh thô sơ và ảo thanh phức tạp. Nội dung của ảo thanh có thể là chế nhạo, cảnh cáo, đe dọa, phê bình, chưởi rủa… Có loại ảo thanh bình phẩm khen, chê bệnh nhân và ảo thanh mệnh lệnh bảo bệnh nhân lao vào ô tô, nhảy xuống sông, tấn công người xung quanh…Tiếng nói có thể là của một hoặc nhiều người, trẻ em hoặc người già, xa lạ hoặc quen thuộc. Tiếng nói có thể là nói với bệnh nhân hoặc ra lệnh cho bệnh nhân (ảo giác ngôi thứ hai) hoặc có nhiều tiếng nói bình phẩm hoặc bàn tán về bệnh nhân (ảo giác ngôi thứ ba). Ảo thanh có thể xảy ra liên tục hoặc từng thời gian, ảnh hưởng đến cảm xúc làm cho người bệnh vui vẻ, phấn khởi hoặc lo lắng, buồn rầu, giận dữ. Ngoài ra, tuỳ theo nội dung của ảo thanh mà người bệnh có thể có các hành vi như bịt tai, lắng nghe, trả lời với ảo thanh, chạy trốn, tự sát hoặc tấn công người khác. Ảo thanh gặp trong tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác, trong các rối loạn khí sắc, các bệnh tâm thần thực thể, các rối loạn liên quan đến chất…
- Ảo thị (visual hallucinations): Cũng hay gặp nhưng ít hơn ảo thanh và đôi khi kết hợp với ảo thanh. Nội dung của ảo thị rất đa dạng như thấy một ánh lửa, một khuôn mặt, một bầy sâu bọ, một đàn thú dữ…hoặc ảo thị tự thấy mình (autoscopic hallucinations). Kích thước của ảo thị có thể giống như tự nhiên, có thể lớn lên (ảo thị khổng lồ) hoặc nhỏ đi (ảo thị tí hon); có thể là ảo thị câm hoặc kèm theo tiếng nói, không màu hoặc có màu sắc sặc sỡ, bất động hoặc sinh động. Nội dung của ảo thị có thể làm người bệnh say mê, nhìn ngắm một cách thích thú hoặc ngơ ngác, bàng hoàng sợ hãi…Ảo thị hay gặp trong các bệnh loạn tâm thần do nhiễm trùng, nhiễm độc, trong hội chứng cai rượu hoặc ma tuý, trong tâm thần phân liệt, đau đầu migraine, ở người mù… Mặc dù ảo thị thường được xem là đặc trưng của các rối loạn tâm thần thực thể, chúng cũng được gặp ở ¼ đến ½ bệnh nhân tâm thần phân liệt, nhưng không phải lúc nào cũng kết hợp với ảo thanh.
- Ảo xúc (tactile or haptic hallucinations): Người bệnh có cảm giác sờ mó, châm chích, tê lạnh, nóng bỏng, côn trùng hoặc sâu bọ bò dưới da, cảm giác tình dục… Ảo xúc gặp trong các trạng thái nhiễm độc như suy gan, các hội chứng cai rượu hoặc ma tuý, tâm thần phân liệt, ở những người bị cắt cụt chi (hội chứng chi ma). Ảo xúc như có sâu bọ bò trên hoặc dưới da hay gặp trong sảng run và ngộ độc cocaine, còn cảm giác tình dục hay gặp trong tâm thần phân liệt, đặc biệt khi được bệnh nhân giải thích một cách khác thường.
- Ảo khứu và ảo vị (olfactory and gustatory hallucinations): Ít gặp, thường đi đôi với nhau. Trong ảo khứu, người bệnh ngửi thấy nhiều mùi khác nhau, thường là các mùi khó chịu như mùi trứng thối, mùi cao su cháy; trong ảo vị, người bệnh cảm thấy một vị vốn không có trong thức ăn như đắng, chua, cay… Ảo khứu và ảo vị thường kết hợp với bệnh não thực thể, đặc biệt với các cơn móc của động kinh cục bộ phức tạp. Ảo khứu cũng có thể gặp trong trầm cảm loạn thần, điển hình là các mùi thối rữa, mục nát, chết chóc.
+ Ảo giác nội tạng (visceral hallucinations): Người bệnh cảm thấy trong người họ có những dị vật, những sinh vật nằm yên hay động đậy, ví dụ, rắn trong bụng, ếch trong dạ dày…
+ Ảo giác lúc giở thức, giở ngủ : Là các ảo giác, chủ yếu là ảo thị, xuất hiện ngay trước khi vào ngủ (hypnagogic hallucinations) hoặc khi mới vừa thức giấc (hypnopompic hallucinations). Ảo giác lúc giở thức, giở ngủ là các ảo giác sinh lý, gặp ở người bình thường, dưới dạng các ảo giác ngắn ngủi và thô sơ như nghe tiếng chuông reo hoặc tiếng gọi tên mình. Các ảo giác này cũng là triệu chứng đặc trưng của bệnh ngủ rũ, trong đó chúng thường kéo dài hơn và có nội dung đa dạng hơn.
+ Ao giác phản xạ(reflex hallucinations) : Được dùng để mô tả một tình trạng hiếm gặp trong đó một kích thích ở giác quan này đưa đến một ảo giác ở một giác quan khác. Ví dụ âm nhạc có thể gây ra các ảo thị. Các ảo giác phản xạ có thể xảy ra sau khi sử dụng các chất ma tuý như LSD hoặc hiếm hơn, trong bệnh tâm thần phân liệt.
5. Cảm giác biến hình (metamorphopsia): Là cảm giác sai lầm về độ lớn, hình dạng các vật, các khoảng cách trong không gian. Người bệnh thấy những vật xung quanh như thu nhỏ lại (micropsia) hoặc phóng to ra, đôi khi có kích thước khổng lồ (macropsia). Rối loạn này thường kèm theo loạn cảm giác về khoảng cách (porropsia), trong đó khoảng cách dường như ngắn lại hoặc dài ra. Cảm giác biến hình khác với ảo giác vì đây là sự phản ánh lệch lạc một sự vật có thật trong thực tế, cũng khác với ảo tưởng vì bản chất của sự vật không bị biến đổi hoàn toàn mà chỉ thay đổi ở một vài thuộc tính mà thôi.
6. Rối loạn sơ đồ thân thể (trouble of body schema): Là tri giác sai lầm về hình dạng và kích thước của thân thân thể mình. Người bệnh có cảm giác thân thể mình lớn lên và dài ra hoặc ngược lại, bé đi và ngắn lại. Người bệnh cũng có thể cảm thấy mình nhẹ như bấc hoặc nặng như chì, các chi xê dịch, tách rời khỏi thân thể hoặc thân thể mình bị chia làm đôi. Rối loạn sơ đồ thân thể thường kết hợp với cảm giác biến hình, có thể gặp trong các tổn thương thực thể não, tâm thần phân liệt cũng như trong các bệnh loạn thần thực nghiệm.
Từ khóa » Ví Dụ Về Tăng Cảm Giác
-
RỐI LOẠN CẢM GIÁC VÀ TRI GIÁC - Health Việt Nam
-
Cảm Giác Là Gì? Ví Dụ Về Cảm Giác - Luật Hoàng Phi
-
Các Rối Loạn Cảm Giác, Tri Giác - Bệnh Viện Tâm Thần Quảng Nam
-
Tâm Thần Học đại Cương - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Các Rối Loạn Cảm Giác Thường Gặp | Vinmec
-
Rối Loạn Giải Thể Nhân Cách/tri Giác Sai Thực Tại - MSD Manuals
-
Rối Loạn Tri Giác - BỆNH VIỆN TÂM THẦN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-
Các Loại Cảm Giác Và Quy Luật Của Cảm Giác. Giải Thích Và Cho Ví Dụ.
-
Rối Loạn Cảm Xúc Là Gì? Nguyên Nhân, Biểu Hiện Và điều Trị
-
Rối Loạn Lưỡng Cực: Nguyên Nhân Triệu Chứng Chẩn đoán Và điều Trị
-
[PDF] TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG TRONG KINH DOANH
-
5 Loại Nhiễm Trùng đường Hô Hấp Trên Và ảnh Hưởng Của Chúng
-
Dấu Hiệu Trầm Cảm Và Những Thông Tin Về Bệnh Lý | Medlatec