Rối Loạn Lo âu Là Gì, Cách Dùng Thuốc Chữa - Báo Sức Khỏe & Đời Sống

1. Rối loạn lo âu là gì?

Lo lắng là một phản ứng bình thường đối với căng thẳng và có thể có lợi trong một số tình huống nhất định. Nó có thể cảnh báo chúng ta về những nguy hiểm và giúp chúng ta chuẩn bị và chú ý. Rối loạn lo âu khác với cảm giác hồi hộp hoặc lo lắng bình thường và liên quan đến sự sợ hãi hoặc lo lắng quá mức.

Rối loạn lo âu có thuốc điều trị? - Ảnh 1.

Việc điều trị rối loạn lo âu giúp hầu hết người bệnh có được cuộc sống bình thường.

Rối loạn lo âu là chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất và ảnh hưởng đến gần 30% người trưởng thành vào một thời điểm nào đó trong đời. Rối loạn lo âu có thể điều trị được, việc điều trị giúp hầu hết người bệnh có được cuộc sống bình thường.

Có một số loại rối loạn lo âu, bao gồm rối loạn lo âu lan toả, rối loạn hoảng sợ, ám ảnh sợ hãi cụ thể, chứng sợ hãi, rối loạn lo âu xã hội và rối loạn lo âu phân ly...

2. Triệu chứng của rối loạn lo âu

Một số triệu chứng của rối loạn lo âu có thể giúp bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh bao gồm:

  • Bồn chồn, lo lắng hoặc sợ hãi quá mức
  • Tim đập mạnh
  • Suy nghĩ dai dẳng, phi lý trí
  • Khó tập trung
  • Lảng tránh những sự kiện gây lo lắng

3. Nguyên nhân của rối loạn lo âu

Nguyên nhân của rối loạn lo âu hiện chưa được biết rõ nhưng có thể liên quan đến sự kết hợp của nhiều yếu tố bao gồm di truyền, môi trường, tâm lý và sự phát triển. Rối loạn lo âu có thể xảy ra trong gia đình, cho thấy rằng sự kết hợp của gen và áp lực môi trường có thể tạo ra chứng rối loạn này.

4. Phương pháp điều trị rối loạn lo âu

Có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho chứng rối loạn lo âu, hai phương pháp điều trị phổ biến nhất là:

  • Tâm lý trị liệu
  • Sử dụng thuốc điều trị

Nhiều bệnh nhân có kết quả tốt khi sử dụng kết hợp cả hai. Bác sĩ cũng có thể đề nghị người bệnh thay đổi lối sống như giảm uống rượu, thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và thiền.

5. Thuốc điều trị rối loạn lo âu

Sau khi thăm khám và chẩn đoán, bác sĩ điều trị sẽ kê đơn dựa trên tiền sử bệnh, loại thuốc hiện tại đang dùng và loại rối loạn lo âu cụ thể mà người bệnh đang gặp phải. Đây là một số loại thuốc phổ biến nhất mà bác sĩ có thể kê đơn.

Rối loạn lo âu có thuốc điều trị? - Ảnh 2.

Nguyên nhân của rối loạn lo âu hiện chưa được biết rõ nhưng có thể liên quan đến di truyền, môi trường, tâm lý.

5.1 Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là loại thuốc chống trầm cảm được kê đơn phổ biến nhất và thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng lo lắng. Thuốc hoạt động bằng cách tăng serotonin (một chất dẫn truyền thần kinh) trong não, giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và mức năng lượng cơ thể.

Các thuốc SSRI phổ biến là escitalopram, sertraline, fluoxetine… Thuốc có thể mất từ 4 đến 6 tuần để đạt được hiệu quả đầy đủ và các tác dụng phụ có thể bao gồm buồn ngủ, buồn nôn, mất ngủ, rối loạn cương dương và chóng mặt.

5.2 Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Thuốc chống trầm cảm ba vòng là một nhóm thuốc chống trầm cảm khác mà các bác sĩ đôi khi kê đơn để điều trị các triệu chứng của rối loạn lo âu. Giống như SSRI, thuốc hoạt động bằng cách tái cân bằng mức độ dẫn truyền thần kinh trong não.

Một số nhược điểm của việc dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng là khởi phát chậm, có thể mất từ 4 đến 12 tuần để có hiệu lực. Giống như một số loại thuốc chống trầm cảm khác, các tác dụng phụ có thể bao gồm chóng mặt, khô miệng, táo bón, mất ngủ và tăng cân nhanh chóng.

Thuốc chống trầm cảm ba vòng cũng có một số hoạt tính kháng histamine tương tự như các thuốc kháng histamine được kê đơn khác (như hydroxyzine ). Hoạt động này có thể hữu ích vì tác dụng an thần của nó.

5.3 Benzodiazepines

Benzodiazepines là một nhóm thuốc thường được kê đơn với tác dụng chống lo âu và an thần. Thuốc gây ra trạng thái thư giãn bằng cách ảnh hưởng đến các thụ thể gamma-aminobutyric acid (GABA) của não, dẫn đến hệ thống thần kinh trung ương hoạt động chậm lại.

Do tác dụng nhanh và tác dụng an thần, thuốc benzodiazepine được kê đơn để điều trị chứng mất ngủ và co thắt cơ, cũng như các cơn hoảng sợ và lo lắng.

Giống như tất cả các loại thuốc, người bệnh chỉ nên dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này đặc biệt quan trọng với các thuốc benzodiazepines, vì liều lượng có thể khác nhau đáng kể giữa các cá nhân.

Thuốc có tác dụng làm chậm hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân, tác dụng phụ thường gặp nhất của nhóm thuốc này là buồn ngủ và suy giảm khả năng phối hợp. Thuốc cũng có thể gây nghiện.

Các thuốc benzodiazepin phổ biến nhất bao gồm alprazolam, chlordiazepoxide, diazepam, lorazepam…Không được phép uống thuốc benzodiazepine với rượu vì có thể gây ra tương tác nguy hiểm.

5.4 Thuốc chẹn Beta

Thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao, thuốc chẹn beta cũng có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng thể chất của lo âu cấp tính, như nhịp tim nhanh và tức ngực. Tuy nhiên, thuốc sẽ không cải thiện các yếu tố cảm xúc như lo lắng hoặc sợ hãi.

Thuốc chỉ điều trị các triệu chứng thể chất của các cơn lo âu và hoảng sợ, nên thuốc chẹn beta thường được kê đơn cho các trường hợp lo âu do sự kiện gây ra như rối loạn lo âu xã hội.

5.5 Chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs)

Thuốc chống trầm cảm, chất ức chế monoamine oxidase (MAOI), không còn được coi là phương pháp điều trị đầu tay cho chứng trầm cảm và lo lắng. Tuy nhiên, nếu các phương án khác không hiệu quả, thuốc có thể được kê đơn là phương án thứ hai.

Giống như hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm, MAOIs hoạt động bằng cách cân bằng chất dẫn truyền thần kinh não, do đó cải thiện mức độ tâm trạng. Một lý do khiến các loại thuốc chống trầm cảm khác phổ biến hơn là vì khi kết hợp với một số loại thực phẩm và thuốc, MAOI có thể gây ra huyết áp cao nguy hiểm. Thuốc và phương pháp điều trị rối loạn lo âu phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu. Bác sĩ sẽ chỉ định đơn thuốc dựa trên tiền sử bệnh, loại thuốc hoặc tình trạng bệnh lý khác đang mắc phải…

6. Có thể phòng ngừa rối loạn lo âu?

Không có biện pháp để ngăn ngừa chứng rối loạn lo âu, nhưng người bệnh có thể thực hiện các bước sau để kiểm soát hoặc giảm các triệu chứng của mình:

- Kiểm tra thuốc: Trao đổi với chuyên gia y tế trước khi dùng thuốc bất kỳ loại thuốc nào kể cả thuốc thảo dược. Vì một số loại thuốc có thể chứa các hóa chất có thể làm cho các triệu chứng lo lắng trở nên tồi tệ hơn.

- Hạn chế caffeine: Ngừng hoặc hạn chế lượng caffeine tiêu thụ, bao gồm cà phê, trà, cola và sô cô la.

- Xây dựng lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh, cân bằng.

- Tìm kiếm sự trợ giúp: Nhận tư vấn và hỗ trợ nếu trải qua một sự kiện đau buồn hoặc gây lo lắng.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Omicron vươn vòi bạch tuộc khiến Mỹ ra luật bỏ tù những ai tiêm phòng giả.

Từ khóa » điều Trị Tâm Lý Rối Loạn Lo âu