Rối Loạn Thần Kinh Thực Vật: Tìm Hiểu để Biết Cách điều Trị - Hello Bacsi

Rối loạn thần kinh thực vật tác động đến hoạt động của hầu hết các cơ quan, gây ra những triệu chứng ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Dưới đây bạn hãy cùng tìm hiểu về hệ thần kinh thực vật, rối loạn thần kinh thực vật là gì; và các thuốc điều trị rối loạn thần kinh thực vật nhé!

1. Rối loạn hệ thần kinh thực vật là gì?

Rối loạn thần kinh thực vật (autonomic nervous system disorders) là sự mất cân bằng giữa 2 hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Rối loạn này xảy ra khi các dây thần kinh bị tổn thương; gây ảnh hưởng đến chức năng tự động cơ thể bao gồm nhịp tim, huyết áp, mồ hôi và tiêu hóa…

Tình trạng này còn được gọi là bệnh lý thần kinh tự trị hay dysautonomia. Rối loạn thần kinh thực vật có thể dao động từ nhẹ đến đe dọa tính mạng; tuỳ theo mức độ ảnh hưởng đến một phần hoặc toàn bộ hệ thần kinh thực vật.

2. Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật

Nguyên nhân gây rối loạn thần kinh thực vật có thể tự khởi phát; hoặc do hệ quả của một số bệnh lý. Ví dụ bệnh tiểu đường và bệnh Parkinson là hai tình trạng mạn tính có thể dẫn đến rối loạn thần kinh thực vật.

Rối loạn thần kinh thực vật cũng có thể xuất hiện do tác dụng phụ của các phương pháp điều trị một số bệnh lý; chẳng hạn như ung thư.

Một số nguyên nhân phổ biến khác gây rối loạn thần kinh tự chủ:

  • Sự tích tụ protein bất thường trong các cơ quan (hội chứng amyloidosis) có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thần kinh.
  • Bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị hoặc điều trị không hiệu quả; có thể gây tổn thương dây thần kinh ở khắp cơ thể.
  • Các bệnh tự miễn: Khi mắc các bệnh tự miễn. Ví dụ như hội chứng Sjogren; lupus ban đỏ; viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh Celiac; hệ miễn dịch của bạn sẽ tấn công và làm tổn thương các bộ phận khác của cơ thể; bao gồm cả dây thần kinh.

Một số yếu tố cũng có thể khiến hệ miễn dịch tấn công vào các tế bào thần kinh, bao gồm:

  • Các rối loạn di truyền.
  • Một số virus và vi khuẩn, chẳng hạn như HIV.
  • Một số loại thuốc; ví dụ như thuốc điều trị ung thư.

3. Dấu hiệu nhận biết, triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Rối loạn thần kinh thực vật có thể ảnh hưởng đến một phần nhỏ hoặc toàn bộ hệ thần kinh tự chủ. Một số triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật có thể kể đến như:

  • Khó tiêu hóa: Cơ thể chán ăn, đầy hơi, tiêu chảy, táo bón hoặc khó nuốt.
  • Chóng mặt: Người bệnh có thể cảm thấy choáng váng, ngất xỉu khi đứng lên đột ngột; hoặc hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Vấn đề tiết niệu: Người bệnh khó bắt đầu đi tiểu, tiểu không tự chủ, khó cảm nhận được bàng quang đầy; không có khả năng làm rỗng bàng quang hoàn toàn; điều này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
  • Vấn đề về thị lực: Người bệnh nhìn mờ, gặp khó khăn trong việc điều chỉnh từ sáng sang tối và nhìn rõ khi lái xe vào ban đêm.
  • Đổ mồ hôi bất thường: Người bệnh đổ mồ hôi quá nhiều hoặc quá ít; ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
  • Vấn đề tình dục ở phụ nữ: Người bệnh bị khô âm đạo hoặc khó đạt cực khoái.
  • Không thể vận động mạnh: Cơ thể không có khả năng thay đổi nhịp tim khi tập thể dục hoặc không thể vận động gắng sức.
  • Vấn đề tình dục ở nam giới: Người bệnh khó xuất tinh hoặc duy trì sự cương dương.

Hạ huyết áp tư thế là một triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật

Hạ huyết áp tư thế là tình trạng phổ biến, nằm trong bộ 3 hội chứng mất dung nạp tư thế (hạ huyết áp tư thế, ngất phản xạ, hội chứng nhịp nhanh tư thế) xảy ra khi huyết áp giảm đáng kể trong lúc đang đứng. Những tổn thương dây thần kinh từ các tình trạng như bệnh tiểu đường và bệnh Parkinson có thể gây ra các đợt hạ huyết áp thế đứng do rối loạn thần kinh thực vật.

4. Cách chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật

Bệnh rối loạn thần kinh thực vật là biến chứng có thể xảy ra của nhiều bệnh lý. Vì vậy, xét nghiệm chẩn đoán rối loạn thần kinh thực vật sẽ tùy thuộc vào triệu chứng và các yếu tố nguy cơ của từng bệnh nhân.

4.1 Khi bạn đang mắc bệnh lý hoặc dùng thuốc điều trị

Nếu bạn mắc các bệnh lý có khả năng làm tăng nguy cơ mắc rối loạn thần kinh thực vật; chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và hỏi về triệu chứng của bạn.

Nếu bạn đang điều trị ung thư bằng một loại thuốc có khả năng gây tổn thương tế bào thần kinh; bác sĩ sẽ kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe của bạn thường xuyên.

4.2 Khi bạn không có các yếu tố nguy cơ

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh tự trị nhưng không có yếu tố nguy cơ; bác sĩ có thể xem xét bệnh sử của bạn, thảo luận về các triệu chứng mà bạn gặp phải và thăm khám lâm sàng.

Bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện thêm các xét nghiệm đánh giá chức năng, bao gồm:

  • Siêu âm.
  • Test mồ hôi điều nhiệt.
  • Nghiệm pháp bàn nghiêng.
  • Test phản xạ sợi trục tiết mồ hôi định tính.
  • Kiểm tra chức năng hệ thần kinh thực vật.
  • Xét nghiệm kiểm tra bất thường hệ tiêu hóa.
  • Xét nghiệm phân tích nước tiểu và chức năng bàng quang.

chẩn đoán rối loạn hệ thần kinh thực vật

5. Phương pháp điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Vậy rối loạn thần kinh thực vật có nguy hiểm không? Rối loạn thần kinh thực vật tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng có thể làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày do tác động đến nhiều chức năng khác nhau của cơ thể như nhịp tim, huyết áp, mồ hôi, tiêu hóa…

Bác sĩ sẽ điều trị rối loạn thần kinh thực vật bằng cách kiểm soát các triệu chứng. Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng này là do một căn bệnh tiềm ẩn nào đó, thì điều quan trọng là phải kiểm soát căn bệnh đó càng sớm càng tốt.

Ví dụ, nếu bị đái tháo đường, bạn sẽ cần kiểm soát lượng đường trong máu bằng chế độ ăn uống, tập thể dục và sử dụng thuốc. Đối với các bệnh tự miễn, như hội chứng Sjogren, bạn sẽ dùng thuốc để kiểm soát hệ thống miễn dịch và giảm viêm trong cơ thể.

Bác sĩ có thể tư vấn một số cách để kiểm soát triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật, bao gồm:

Vấn đề về tiêu hóa

  • Nâng đầu giường: Bạn hãy nâng đầu giường lên một chút khi ngủ để ngăn ngừa chứng ợ nóng.
  • Dùng thuốc: Thuốc nhuận tràng có thể giúp trị táo bón và các loại thuốc khác có thể điều trị tiêu chảy và đau bụng.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: Bạn nên chia thành những bữa nhỏ hơn để không bị căng bụng, đồng thời thêm chất lỏng và chất xơ vào chế độ ăn uống để ngăn ngừa đầy hơi và táo bón.

Vấn đề về tiết mồ hôi

Một vài loại thuốc có thể giúp bạn tiết ra ít mồ hôi hơn, bao gồm glycopyrrolate và botulinum toxin.

Vấn đề về tim và huyết áp

  • Đứng lên từ từ để không bị chóng mặt
  • Sử dụng thuốc để kiểm soát nhịp tim như thuốc chẹn beta
  • Sử dụng thuốc làm tăng huyết áp như fludrocortison hoặc midodrine và pyridostigmine để điều trị rối loạn thần thực vật.
  • Thêm muối và chất lỏng trong chế độ ăn uống để giúp tăng huyết áp, tuy nhiên bạn chỉ làm điều này nếu bác sĩ đề nghị thực hiện do có thể làm tăng huyết áp quá cao hoặc gây sưng.

Vấn đề về tình dục

Đối với nam giới, các loại thuốc như sildenafil, tadalafil và vardenafil có thể giúp duy trì cương dương. Phụ nữ có thể thử sử dụng chất bôi trơn gốc nước để làm cho quá trình quan hệ thoải mái hơn.

Điều quan trọng nhất trong điều trị rối loạn thần kinh thực vật

Một trong những điều quan trọng nhất khi điều trị rối loạn thần kinh thực vật là bạn nên có chế độ sinh hoạt nghỉ ngơi hợp lý. Bạn có thể thực hiện bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng ít nhất 30 phút/ngày và giữ tinh thần thoải mái, hạn chế áp lực căng thẳng.

5.3 Những biện pháp hỗ trợ tại nhà và cách phòng ngừa

Ngoài các phương pháp trên, bạn có thể thử áp dụng thêm một số phương pháp để kiểm soát tình trạng này tại nhà:

  • Thay đổi tư thế: Bạn nên đứng dậy hoặc ngồi dậy từ từ sau khi nằm lâu để giảm chóng mặt. Hãy co chân hoặc nắm tay lại trong vài giây trước khi đứng dậy để tăng lưu lượng máu.
  • Nâng đầu giường: Bạn có thể nâng đầu giường lên cao 10cm để giảm tình trạng huyết áp thấp.
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày để hạn chế các vấn đề tiêu hóa. Uống nhiều nước và chọn các loại thực phẩm ít chất béo, nhiều chất xơ để giúp cải thiện tiêu hóa.

Có thể bạn quan tâm: Viêm dây thần kinh ngoại biên uống thuốc gì thì hiệu quả?

6. Các loại rối loạn thần kinh thực vật thường gặp

Các loại rối loạn thần kinh thực vật có thể khác nhau về nguyên nhân hình thành, triệu chứng và mức độ nghiêm trọng. Các loại rối loạn chức năng tự chủ thường gặp, bao gồm:

6.1 Hội chứng nhịp đập nhanh tư thế

Hội chứng nhịp đập nhanh tư thế hay còn gọi là postural orthostatic tachycardia syndrome (POTS) có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai ở bất kỳ độ tuổi hoặc giới tính nào.

Đây là hội chứng xuất hiện do sự tổn thương hệ thống thần kinh tự chủ. Các triệu chứng của tình trạng này thường tăng lên khi ở tư thế đứng và giảm khi nằm xuống. Ví dụ, tư thế đứng thẳng có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi và ngất xỉu, nhưng khi nằm xuống sẽ giúp cải thiện các triệu chứng này.

6.2 Ngất do cường phế vị

Ngất vô cường phế vị hay còn gọi là vasovagal syncope, là trạng thái mất ý thức tạm thời do nhịp tim và huyết áp giảm đột ngột, từ đó làm giảm tuần hoàn máu não.

Đây là dạng ngất hay xảy ra nhất và thường không gây nhiều nguy hiểm. Ngất xỉu có thể xảy ra do mất nước, ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài, tác động bởi môi trường xung quanh và cảm xúc căng thẳng. Người bệnh thường bị buồn nôn, đổ mồ hôi, mệt mỏi quá mức và cảm giác đuối sức trước hoặc sau khi ngất.

6.3 Bệnh teo đa hệ thống

Bệnh teo đa hệ thống (multiple system atrophy – MSA) là một dạng rối loạn thần kinh thực vật. Ban đầu, bệnh có các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson. Tuy nhiên, những người mắc bệnh này thường có tuổi thọ chỉ dài khoảng 5 – 10 năm kể từ khi chẩn đoán.

Đây là một rối loạn hiếm gặp thường xảy ra ở người lớn trên 40 tuổi. Nguyên nhân của MSA hiện vẫn chưa rõ ràng và không có cách nào làm chậm tiến triển bệnh.

6.4 Bệnh rối loạn thần kinh tự quản cảm giác di truyền

Đây là một nhóm các rối loạn di truyền gây ra rối loạn chức năng thần kinh lan rộng ở trẻ em và người lớn. Tình trạng này có thể khiến bạn mất khả năng cảm giác đau, cảm nhận nhiệt độ và đồng thời ảnh hưởng đến một loạt các chức năng cơ thể.

Bệnh rối loạn được phân thành bốn nhóm khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, kiểu di truyền và triệu chứng.

6.5 Hội chứng Holmes-Adie

Hội chứng Holmes-Adie chủ yếu ảnh hưởng đến các dây thần kinh kiểm soát cơ mắt, gây ra các vấn đề về thị lực. Một bên đồng tử có thể sẽ lớn hơn bên còn lại, và co lại từ từ dưới ánh sáng mạnh.

Trong một số trường hợp khác, hội chứng này có thể gây thiếu các gân cơ phản xạ như gân gót Achilles. Hội chứng Holmes-Adie xảy ra do nhiễm virus cũng có thể gây viêm và tổn thương tế bào thần kinh, đồng thời gây mất phản xạ gân cơ sâu – tình trạng kéo dài vĩnh viễn nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng.

6.6 Một số dạng khác

Các loại rối loạn thần kinh thực vật khác liên quan đến những tổn thương dây thần kinh do một số loại thuốc, chấn thương hoặc bệnh tật. Một số tình trạng gây ra chứng rối loạn thần kinh này bao gồm:

  • Bệnh Parkinson.
  • Bệnh tiểu đường.
  • Rối loạn tự miễn dịch.
  • Uống nhiều rượu kéo dài.
  • Huyết áp cao không kiểm soát.

Hy vọng các thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật và cách điều trị bệnh lý này nhé!

[embed-health-tool-bmi]

Từ khóa » Thần Kinh Thực Vật Wikipedia