Rối Vì... Cúp điện - Tuổi Trẻ Online

RjGTeQJJ.jpgPhóng to

Cúp điện, bệnh nhân và người nhà ở Bệnh viện Đa khoa An Giang phải ra sân nằm cho đỡ nóng bức (ảnh chụp vào chiều tối một ngày cuối tháng 4-2008) - Ảnh: Đ.Vịnh

TT - Sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân ĐBSCL đã rối tung lên vì cúp điện. Điện cúp thường xuyên, cúp vô tội vạ khiến người dân nghĩ rằng có lẽ ngành điện đang xử lý việc thiếu điện bằng cách ưu tiên cho các đô thị lớn và mạnh tay cắt điện ở các vùng nông thôn...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đặt làm cái cửa sắt nửa tháng cũng không xong, nhiều nhà máy xay xát gạo đóng cửa, cá nuôi chết ngộp, rầy bùng phát nhanh... chỉ vì cúp điện.

Thoi thóp nhờ… máy phát điện

Anh Đặng Thành Đạt - làm dịch vụ photocopy trên đường Phan Đình Phùng, phường 2, TP Cà Mau - bức xúc: "Hơn hai tuần qua cúp điện luân phiên, ngày có ngày cúp làm cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Những hộ làm dịch vụ in ấn tài liệu, photo giấy tờ như tụi tôi nếu không trang bị máy phát điện thì chỉ làm được 15 ngày/tháng, mất doanh thu nhưng thuế lại không giảm. Cắn răng mua máy phát điện tốn 8,5 triệu đồng nhưng phải mua dầu hết 120.000-150.000 đồng/ngày trong khi xài điện chỉ tốn khoảng 10.000 đồng/ngày".

Ông Ba Thắng, chủ một cơ sở sản xuất nước đá ở chợ huyện Thới Bình (Cà Mau), cho biết đã nhận được thông báo cúp điện luân phiên ngày có ngày cúp từ nay đến 10-5. Ông Thắng than thở: "Hôm nào cúp điện, nhà máy không đủ hàng để giao, nước đá sản xuất ra không đạt yêu cầu. Hai tuần qua chúng tôi phải chạy bù vào giờ cao điểm nên tiền điện tăng thêm rất nhiều vì phải trả tiền điện theo hệ số lũy tiến".

Ngày 2-5, trên địa bàn TP Cà Mau có hàng chục tuyến đường... vang rền tiếng máy phát điện. Ngay cả khu vực gần Điện lực Cà Mau như đường Ngô Quyền, Đề Thám, Lý Bôn... cũng bị cúp điện. Không thể để trẻ em ăn ngủ, sinh hoạt trong cảnh thiếu ánh sáng, nóng bức, Trường mẫu giáo Sơn Ca (TP Cà Mau) buộc phải trang bị máy phát điện dù kinh phí nhà trường rất hạn chế. Bên kia cầu Cà Mau, ở phường 7, phường 8 cũng có rất nhiều khu vực bị mất điện nguyên ngày. Nhiều cơ quan nhân viên có công việc liên quan đến máy tính phải ngồi chơi xơi nước.

ZFUOzfmm.jpgPhóng to

Do cúp điện, một trạm xăng ở An Nhựt Tân, Tân Trụ, Long An phải nghỉ bán - Ảnh: DUY BẰNG

Sản xuất đình đốn, dân thiệt tiền tỉ

Tại An Giang, nhiều cơ sở sản xuất không thể hoạt động, công nhân phải nghỉ việc theo lịch cúp điện. Người dân cho biết mỗi tuần thường bị cúp tới 3-4 ngày, hôm nào có điện thì thỉnh thoảng lúc có lúc không...

"Tôi đi đặt làm cái cửa sắt cả nửa tháng nay tiệm làm vẫn chưa xong. Hỏi các tiệm cơ khí khác cũng chẳng ai dám nhận. Họ bảo cứ cúp điện thế này thì sao làm được" - ông Trương Thành Lễ, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên (An Giang), kể lể. Một chủ ghe ở chợ nổi cạnh đấy kể chuyến chở hàng vừa rồi ghe anh bỗng chết máy, lên tiệm sửa cần tiện lại cốt máy nhưng cúp điện đành chờ tới hôm sau. "Về không kịp buổi chợ, dưa hấu hư gần một nửa" - anh thở dài.

An Giang có gần 20 nhà máy đông lạnh thủy sản. Các nhà máy cho biết họ có sử dụng máy phát điện dự phòng. Tuy nhiên, do giá dầu 13.900 đồng/lít đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao. Còn những công nhân cho biết trong các phân xưởng vốn chật hẹp lại tập trung khá đông người. Công suất điện từ máy phát của nhà máy yếu, không đáp ứng đủ cho các thiết bị lạnh, điều hòa không khí nên môi trường làm việc trong phân xưởng mỗi khi cúp điện rất ngột ngạt, khó chịu. Do vậy năng suất làm việc giảm hẳn, khiến thu nhập của họ, vốn tính theo sản phẩm, giảm theo. "Tội nhất là cánh chị em vẫn hay ngất xỉu" - anh Nguyễn Tấn Thành, công nhân Nhà máy chế biến thủy sản AFA, cho biết.

Các cơ sở xay xát lúa gạo thường xuyên ngưng hoạt động. "Khách đặt hàng liên tục, trong khi máy chỉ chạy cầm chừng vào hôm nào có điện" - mấy chủ nhà máy xay xát ở Tân An, Tân Châu than. Các nhà máy, kho lương thực vốn sử dụng hệ thống băng chuyền đưa lúa gạo lên kho, xuống ghe tàu. Cúp điện không thể lên được hàng, cả chủ nhà máy lẫn chủ phương tiện đều kêu trời. Cơ quan chức năng ở An Giang, Đồng Tháp nhận định một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm "cơn sốt" giá gạo vừa qua là do cúp điện. Vì cúp điện, nhà máy xay xát ngưng hoạt động càng gây nên tâm lý hoang mang cho người dân...

Cúp điện cũng làm người nuôi cá khốn đốn. Mỗi lần cúp điện máy sủi khí ngưng bặt, người dân tại vùng chuyên sản xuất cá giống ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) tất tả đổ xô mua viên cung cấp oxy thả vào bồn ương cá con nhưng rồi đành bó tay nhìn cảnh cá chết. "Hễ cúp điện là… chết. Ai nấy đều lỗ nặng, có hộ không còn vốn để ương lại" - bà Nguyễn Thị Lợi, chủ trại cá giống ở Phú Thuận, nói. Mấy ngày qua nước trong ao nuôi cá bị cạn, các trạm bơm điện không thể hoạt động, người nuôi cá ở huyện này đang than trời như bộng. "Thiếu nước, cá bị nhiễm bệnh hao hụt ngày càng nhiều thêm, chết vớt không kịp" - bà con kêu khổ.

Người dân cho biết lúc này rầy nâu đang bùng phát mạnh, biện pháp phòng trừ rầy kết hợp với dùng thuốc có hiệu quả là bơm nước cho ngập sâu thân lúa. Thế nhưng cúp điện, trạm bơm không hoạt động nên họ đành nhìn cảnh rầy mặc sức hoành hành. Ở vài nơi bà con thường dùng máy bơm nước để cứu lúa. Phân bón, thuốc trừ sâu đều tăng cao. Nay tốn thêm khoản dầu bơm nước, chi phí sản xuất tăng lên.

Ngày cúp ngày có

HVhh7rl0.jpgPhóng to
Hai cháu Hạ và Hiển, con anh Bình (xã Bình Lăng, Tân Trụ, Long An) phải học dưới ánh sáng của đèn cầy - Ảnh: Duy Bằng
Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng bị cúp điện thường xuyên. Nếu như tỉnh Sóc Trăng thường cúp điện ở khu vực nông thôn để nhường điện cho TP Sóc Trăng và các thị trấn, thị tứ thì ở thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu), người dân "kêu trời" vì có lúc cúp điện liên tục hai ngày. Đã có một số cơ quan công việc bị tồn đọng rất nhiều do máy tính bị "trùm mền". Ông Trần Quyền Dự - phó giám đốc Điện lực Bạc Liêu - cho biết sang tháng năm sẽ không cúp điện hai ngày như thời điểm cuối tháng tư mà luân phiên ngày cúp ngày có và cố gắng điều tiết để ưu tiên cho khu vực thành thị.

Tại Cần Thơ, nhiều khu vực luân phiên hai ngày có điện, một ngày cúp, thông thường cúp từ 6 giờ đến gần 19 giờ mới có, nhưng có hôm cúp đến 22 giờ. Ở những khu vực cúp điện thì toàn bộ chìm trong bóng tối, kể cả đèn đường trên các tuyến quốc lộ cũng chịu chung tình cảnh này. Nhiều hộ kinh doanh vải trên đường 3-2, quận Ninh Kiều cho biết cúp điện giờ như cơm bữa, có bữa cúp điện từ sáng, theo thông báo đến 18 giờ có lại, nhưng tới 22 giờ điện mới có. Theo ông Nguyễn Mai Sơn - phó giám đốc Điện lực Cần Thơ, khoảng hai tuần gần đây do tình hình thiếu điện ngày càng nghiêm trọng nên lịch cúp điện tăng nhiều hơn, có khi đến 22g.

Theo phòng điều độ Điện lực Cần Thơ, tình trạng cúp điện luân phiên thường xuyên thời gian gần đây ngoài nguyên nhân do trạm biến áp 220kV Trà Nóc và đường dây 110kV 172 Trà Nóc - phát thanh Nam bộ - Thốt Nốt - Thới Thuận - Long Xuyên bị quá tải cục bộ còn do phụ tải trong những tháng đầu mùa khô vượt khá xa so với dự đoán; thêm vào đó các trạm biến áp trung gian hòa lưới chậm tiến độ nên khả năng chia tải cho trạm 220kV Trà Nóc trong thời điểm hiện tại hầu như không có. Do chưa có biện pháp khắc phục tức thời nên Điện lực Cần Thơ phải tiến hành tiết giảm theo chủ trương của Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam.

Tiết kiệm vẫn không đủ điện

NfxCxskD.jpgPhóng to

Nông dân Châu Đốc, An Giang phải dùng máy bơm chạy dầu để bơm nước chống hạn - Ảnh: Đ.Vịnh

Bất chấp các giải pháp cắt điện cùng với việc kêu gọi tiết kiệm điện được áp dụng triệt để trong thời gian qua, tình hình cung cấp điện không có gì sáng sủa hơn khi các thông tin cho biết nguồn điện sẽ tiếp tục thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo Bộ Công thương, có khoảng 1.100MW nguồn điện chậm đưa vào khai thác trong năm nay. Cụ thể, dự án tuôcbin khí hỗn hợp Cà Mau II công suất 750MW đến tháng mười một mới cung cấp điện cho hệ thống, chậm tám tháng so với kế hoạch; tổ máy số 1 tuôcbin khí hỗn hợp Nhơn Trạch 1 tới tháng sáu mới hoạt động và tổ máy số 2 hoạt động sau đó một tháng. Dự án thủy điện Buôn Kuốp công suất 280MW đến tháng mười một mới hoạt động tổ máy số 1 và tháng 2-2009 mới hoạt động tổ máy số 2. Dự án thủy điện Bản Vẽ công suất 150MW dự kiến phát điện tổ máy số 1 tháng 3-2009.

Trong khi đó, tháng tư vừa qua lưu lượng nước về hồ Hòa Bình không đủ để sản xuất điện khiến tình trạng cắt điện xảy ra trên diện rộng tại nhiều địa phương, mặc dù Tập đoàn Điện lực VN đã phải mua khoảng 3,5 tỉ kWh điện từ Trung Quốc. Ước tính trong tháng tư điện cung cấp cho công nghiệp và xây dựng tăng 21,8%, quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 14,4%.

-----------------

* Chạy tìm bệnh viện có… điện

Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc (An Giang) vốn đã quá tải, cúp điện, không khí trong các phòng bệnh càng ngột ngạt. Anh Trần Văn Đức (Mỹ Phú, Châu Phú, An Giang) bị tai nạn lao động gãy mấy xương sườn, giập ngực, phỏng lột da nặng được chuyển đến đây. Sau khi được phẫu thuật cấp cứu, Đức nằm ở phòng hồi sức cấp cứu ngoại. Từ 19g tối 21-4 do cúp điện, máy thở oxy và máy trợ giúp khác không thể hoạt động khiến Đức lên cơn giãy giụa liên tục. Thấy tính mạng con em mình nguy kịch, gia đình xin chuyển Đức xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

* Khổ cho học sinh

Tại An Giang, nhiều giáo viên cho biết những hôm cúp điện học sinh học hết sức uể oải, khả năng tiếp thu bài chậm, sau buổi học các em thường mệt phờ... Ban đêm cúp điện tới 22 giờ ảnh hưởng đến việc học hành, ôn tập, cả sức khỏe của những học sinh đang chuẩn bị vào kỳ thi học kỳ, nhất là số học sinh lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đại học.

* Cơ quan hành chính phải làm đêm

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết hai tuần qua sở đã chỉ đạo khoảng mười nhân viên hành chính thu xếp công việc nhà để làm việc ban đêm (18g-21g) trong những ngày cúp điện. Nếu công việc dồn quá nhiều thì sẽ tiếp tục làm bù vào thời gian ngoài giờ hành chính của ngày hôm sau.

Từ khóa » Hình ảnh Vui Về Cúp điện