Rơm Vàng Vào Tranh - Tuổi Trẻ Online

xpmzm3M1.jpgPhóng to
Anh Kỳ và bức tranh mẫu cảnh vật. Để có một bức tranh ghép từ những cọng rơm khô phải trải qua các công đoạn: lựa chọn vật liệu, xử lý vật liệu, thiết kế mẫu, dùng dao điện cắt ghép tranh và cuối cùng là đánh màu lên tranh.
TT - Tranh hiện đại ngoài những thủ pháp mới lạ còn là bước đột phá về vật liệu. VN đã xuất hiện những thể loại tranh mới như: tranh cánh bướm, tranh ghép bằng vỏ cây, tranh vỏ sò...

Gần đây, anh Nguyễn Minh Kỳ, chủ doanh nghiệp mộc mỹ nghệ Khánh Hà ở Thừa Thiên - Huế, đã trình làng sản phẩm độc đáo sau ba năm cùng đồng sự nghiên cứu, đó là tranh ghép từ những cọng rơm, rạ khô.

Anh Kỳ nhớ lại: “Thuở nhỏ, tôi thường mày mò xé nhỏ những cọng rơm khô và thấy sợi tơ của nó rất mượt. Thế là sau khi trao đổi và thử nghiệm cùng các nhân viên, mọi người nhất trí chọn rơm làm nguyên liệu chính ghép tranh”.

Thoạt nhìn, màu sắc tranh rơm phong phú và sắc nét như tranh thêu, nhưng nếu xem dưới góc độ ánh sáng ta sẽ thấy rõ những đường sứa và độ bóng phản quang của từng cọng rơm ép khô.

Để thực hiện tranh rơm hoàn chỉnh phải chọn gốc rạ vừa gặt xong. Với tranh khổ nhỏ (36x31), một người thợ trung bình mất 15 ngày để cắt ghép, còn đối với những bức phức tạp cỡ lớn phải mất hơn một tháng.

Nhược điểm của rơm rạ là do tiết diện nhỏ, muốn hoàn thành một bức tranh nghệ thuật phải lắp ghép tỉ mỉ, đó là nguyên nhân khiến giá thành của loại tranh này khá cao. Đặc biệt, màu nguyên thủy của rơm rạ không phải do dùng bút điện xử lý.

Tìm tòi, thử nghiệm, ông chủ Khánh Hà còn ứng dụng cách pha màu của hoa giấy làng Thanh Tiên (Phú Mậu, Phú Vang) tạo ra những bức tranh phong cảnh tươi màu, bắt mắt. Màu đỏ của hoa, xanh của lá và vàng của nắng, tất cả đều là những màu tự nhiên của riêng Huế.

Một số thể loại tranh còn kết hợp các loại cây, lá khô khác tạo nên vẻ đẹp mộc mạc và dung dị. Hiện nay, giá một bức tranh nhỏ khoảng 250.000 đồng, còn bộ tứ bình từ 6 - 8 triệu đồng.

Anh Kỳ cho biết: “Hiện tôi đang đầu tư công nghệ để hạ giá thành phù hợp với túi tiền của khách du lịch”. Ngoài tranh cảnh vật, Khánh Hà còn thực hiện một mảng lớn tranh phong cảnh Huế bởi theo anh Kỳ, đó là bản sắc của Khánh Hà.

Từ khóa » Cách Pha Màu Vàng Rơm