Rong Kinh Tiền Mãn Kinh: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu Và Cách điều Trị

Bước vào độ tuổi xế chiều, chị em phụ nữ phải đối mặt với nhiều thay đổi tâm sinh lý cũng như nguy cơ bệnh tật, trong đó, rong kinh tiền mãn kinh là một trong những triệu chứng khó chịu nhất khi đến độ tuổi này. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Điều trị như thế nào để tránh nguy hiểm?…

rong kinh tiền mãn kinh

Tổng quan về giai đoạn tiền mãn kinh

Tiền mãn kinh là giai đoạn kéo dài khoảng 2-5 năm trước khi chính thức bắt đầu vào giai đoạn mãn kinh. Đặc trưng của giai đoạn này là sự suy giảm hoặc thiếu hụt hormon sinh dục nữ đồng thời FSH và LH tăng trong cơ thể phụ nữ.

Những dấu hiệu giúp dễ nhận biết giai đoạn tiền mãn kinh gồm:

  • Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt: Chu kỳ có thể quá dài hoặc quá ngắn so với chu kỳ bình thường, đến sớm hoặc đến muộn hơn, đồng thời lượng máu kinh có thể ít đi hoặc nhiều, có thể bị mất kinh ở một số kỳ kinh;
  • Bốc hỏa: Cảm thấy bốc hỏa từ mặt, cổ rồi lan ra các bộ phận khác. Có thể thấy tim đập nhanh hơn, đổ mồ hôi hột, sau đó cảm thấy người ớn lạnh, mệt mỏi;
  • Giảm ham muốn tình dục: Khi hormon nội tiết nữ suy giảm hoặc thiếu hụt sẽ khiến âm đạo bị khô, co thắt, đàn hồi kém… dẫn đến đau đớn và khó chịu khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, việc suy giảm nội tiết tố sẽ khiến chị em khó đạt cực khoái, do đó không còn hứng thú;
  • Khó ngủ: Phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh dễ bị trằn trọc, khó ngủ hoặc mất ngủ. Nếu thức giấc giữa đêm sẽ khó ngủ trở lại;
  • Dễ cáu giận, không kiềm chế cảm xúc: Dễ nhạy cảm làm phức tạp hóa mọi chuyện, dễ nóng giận vô cớ, lo lắng thái quá và không kiểm soát được cảm xúc của mình;
  • Loãng xương: Hormon nội tiết tố nữ có tác động đến quá trình tạo xương, nếu thiếu hụt sẽ làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa canxi, hậu quả là dẫn đến tình trạng loãng xương;
  • Thay đổi ngoại hình, da, tóc: Da trở nên khô, nhiều nếp nhăn, xuất hiện tàn nhang và nám sạm. Tóc đổi màu, dễ rụng. Móng tay giòn, dễ gãy;
  • Suy giảm khả năng có thai: Chính bởi tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ khiến khó xác định được thời điểm rụng trứng nên việc thụ thai gặp khó khăn. Thêm vào đó, dự trữ buồng trứng thấp, chất lượng trứng kém cũng ảnh hưởng đến khả năng mang thai.
nhận biết dấu hiệu tiền mãn kinh
Da khô, nhiều nếp nhăn, tóc dễ rụng… là những dấu hiệu giúp nhận biết tuổi tiền mãn kinh

PGS.TS.BS Nguyễn Đức Hinh, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, giai đoạn tiền mãn kinh là một thời kỳ sinh lý bình thường, không phải là bệnh lý đối với đa số chị em, do đó chị em không nên quá lo lắng. Nếu nhận thấy tình trạng mất kinh hoặc rong kinh ở độ tuổi này xảy ra liên tục, chị em nên đến bệnh viện thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, hướng dẫn biện pháp xử trí phù hợp.

Rong kinh tiền mãn kinh là gì?

Rong kinh tiền mãn kinh là một hiện tượng rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, xảy ra khi buồng trứng không phóng noãn làm mất cân bằng nội tiết khiến chu kỳ kinh nguyệt thưa dần, nhưng mỗi lần có kinh thì lượng máu kinh lại ra nhiều và kéo dài. (1)banner tâm anh quận 7 content

Thông thường, thời gian hành kinh sẽ diễn ra trong khoảng 3-5 ngày, lượng máu kinh khoảng 50-80ml. Nếu thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày và lượng máu kinh ra nhiều hơn 80ml nghĩa là bạn đang bị rong kinh tuổi tiền mãn kinh.

hiện tượng rong kinh ở phụ nữ
Rong kinh là hiện tượng thời gian hành kinh trên 7 ngày và lượng máu kinh hơn 80ml

Một nghiên cứu trên nhóm phụ nữ từ 42 đến 52 tuổi cho kết quả, hơn 90% chị em có thời gian hành kinh kéo dài trên 10 ngày; hơn 78% cho biết lượng máu kinh ra nhiều hơn so với bình thường.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh khuyến cáo, nếu tình trạng rong kinh ở tuổi trung niên kéo dài liên tục trong nhiều tháng và cơ thể xuất hiện nhiều triệu chứng bất thường ở bộ phận sinh dục, chị em cần thăm khám và điều trị sớm để loại bỏ nguy cơ mắc các bệnh lý phụ khoa nguy hiểm, tránh những hệ lụy nặng nề sau này. Chưa kể đến, rong kinh có thể gây mất máu trầm trọng, khiến chị em mệt mỏi, xanh xao, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Dấu hiệu nhận biết

Chị em có thể nhận biết rong kinh tiền mãn kinh thông qua một số dấu hiệu thường gặp dưới đây:

  • Thời gian hành kinh kéo dài trên 7 ngày, thậm chí kéo dài trên 10 ngày;
  • Có những triệu chứng của thiếu máu như cơ thể mệt mỏi, da xanh xao, thiếu sức sống;
  • Lượng máu kinh ra nhiều, nhất là ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ;
  • Có thể đau dữ dội hoặc đau âm ỉ ở vùng bụng dưới.

Nguyên nhân bị rong kinh tiền mãn kinh

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh cho biết 8 nguyên nhân thường gặp gây rong kinh ở tuổi trung niên là: (2)

1. Yếu tố tuổi tác

Khi bước vào tuổi tiền mãn kinh, chức năng buồng trứng sẽ suy giảm, sự thiếu hụt hormone Estrogen có thể gây mất cân bằng nội tiết tố. Từ đó khiến buồng trứng không thể phóng thích trứng, hoàng thể kém hoặc không có sẽ làm số ngày hành kinh kéo dài, lượng ra máu kinh nhiều hơn.

2. Thói quen sống không lành mạnh

Người thường xuyên lạm dụng rượu, bia, các chất kích thích như cà phê, thuốc lá… hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài có thể bước sang tuổi mãn kinh sớm hơn bình thường, dễ xuất hiện tình trạng rong kinh.

Hoặc người có chế độ ăn uống không khoa học, kiêng khem quá mức làm cơ thể thiếu hụt dưỡng chất, dẫn đến rối loạn việc tổng hợp hormone Estrogen cần thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ kinh nguyệt.

3. Thay đổi cảm xúc

Phụ nữ bước vào tuổi tiền mãn kinh dễ căng thẳng, bốc hỏa, lo lắng thái quá dẫn tới stress kéo dài. Những triệu chứng này có thể khiến mất kinh đột ngột hoặc rong kinh. Một số trường hợp còn có thể bị đau bụng dữ dội trong thời gian hành kinh.

thay đổi cảm xúc
Thay đổi cảm xúc có thể khiến triệu chứng rong kinh nặng nề hơn

4. U xơ tử cung

U xơ tử cung là tình trạng khối u lành tính xuất hiện ở tử cung, thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 30-50 tuổi. Bệnh có thể gây nên tình trạng rong kinh kéo dài ở phụ nữ tiền mãn kinh.

5. Polyp tử cung

Polyp tử cung là hiện tượng khối u dính vào thành mặt trong của tử cung do sự phát triển quá mức của tế bào ở nội mạc tử cung. Và một trong những triệu chứng thường gặp của bệnh là rong kinh kéo dài.

6. Mắc bệnh phụ khoa khác

Phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa khác ở nội mạc tử cung, cổ tử cung, buồng trứng hoặc có viêm nhiễm phụ khoa trong giai đoạn này có nguy cơ bị rong kinh cao hơn.

7. Mắc bệnh ung thư

Một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư niêm mạc tử cung, ung thư buồng trứng… có thể khiến chị em gặp tình trạng rong kinh hoặc chảy máu âm đạo một cách bất thường. Do đó, khi gặp tình trạng này, chị em cần đến ngay bệnh viện để được thăm khám sớm, loại trừ trường hợp rong kinh do mắc bệnh ung thư nguy hiểm.

8. Các nguyên nhân khác

Tác dụng phụ của đặt vòng tránh thai, bị hội chứng rối loạn đông máu di truyền hoặc đang sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác cũng khiến phụ nữ tiền mãn kinh bị rong kinh cao hơn bình thường.

chẩn đoán rong kinh tiền mãn kinh
Bạn cần thông báo với bác sĩ các loại thuốc đang dùng để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân rong kinh

Rong kinh tiền mãn kinh có nguy hiểm không?

Tiền mãn kinh hay mãn kinh là một phần của quá trình trưởng thành về tình dục của phụ nữ và không phải là bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe nói chung của cơ thể. Trong đó, rong kinh là tình trạng rối loạn thường gặp ở chị em trong thời kỳ này, đồng thời cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. Do đó, chị em không nên chủ quan, cần theo dõi các triệu chứng khác và đi thăm khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Tình trạng rong kinh kéo dài có thể khiến chị em rơi vào trường hợp thiếu máu. Biểu hiện của thiếu máu là chị em có thể cảm thấy khó thở, mệt mỏi, da xanh xao, kém tập trung, năng suất làm việc giảm.

Rong kinh do mất cân bằng nội tiết tố có thể khiến chị em dễ mắc các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa, âm đạo khô rát, quan hệ đau đớn, giảm hứng thú tình dục… lâu ngày ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng và hạnh phúc gia đình.

Nguy hiểm hơn, rong kinh kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm như u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng… Do đó, chị em nên quan tâm đến cơ thể, phát hiện sớm những triệu chứng bất thường để thăm khám sớm, có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Đức Hinh nhấn mạnh, chị em cần lưu ý những triệu chứng dưới đây để thăm khám sớm, điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến nặng gây khó khăn và tốn kém trong điều trị. Bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội, đau đột ngột ở bụng dưới vào những ngày hành kinh;
  • Chảy máu âm đạo bất thường, không trong chu kỳ kinh;
  • Vùng kín ngứa ngáy gây khó chịu;
  • Ra nhiều khí hư, khí hư có màu sẫm hơn bình thường kèm mùi hôi khó chịu.

Cách điều trị rong kinh cho phụ nữ tiền mãn kinh

Sau bước thăm khám triệu chứng và thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng cần thiết, dựa vào kết quả chẩn đoán mà bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị rong kinh tiền mãn kinh bằng thuốc hoặc bằng phẫu thuật phù hợp. (3)

chỉ định điều trị
Dựa vào thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân, bác sĩ sẽ có chỉ định phương pháp điều trị phù hợp

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ có thể chỉ định chị em sử dụng một số loại thuốc giúp cải thiện tình trạng rong kinh, khắc phục triệu chứng khó chịu do rong kinh gây ra.

  • Thuốc sắt: Bổ sung chất sắt vào máu để ngăn ngừa trường hợp thiếu máu do rong kinh.
  • Thuốc tránh thai: Để ổn định chu kỳ kinh nguyệt, lượng máu kinh được ổn định hơn.
  • Thuốc Ibuprofen: Giảm đau, giảm hiện tượng chuột rút trong thời gian hành kinh.
  • Liệu pháp hormon chứa Estrogen hoặc Progesterone để giảm lượng máu kinh.
  • Thuốc xịt Desmopressin: Cầm máu ở những người bị rối loạn chảy máu như hội chứng Von Willebrand hoặc bệnh máu khó đông.
  • Thuốc chống tiêu sợi huyết: Giảm chảy máu bằng cách ngăn các cục máu đông vỡ ra.

Lưu ý, chị em chỉ sử dụng thuốc khi có sự chỉ định của bác sĩ. Tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn liều lượng và uống thuốc đúng giờ giấc. Không lạm dụng thuốc để tránh làm tình trạng rong kinh kéo dài và nặng nề hơn.

Điều trị phẫu thuật

Đối với những trường hợp không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, các triệu chứng ngày càng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng phẫu thuật.

Chỉ định đó có thể là:

  • Nạo niêm mạc tử cung: Loại bỏ lớp trên cùng của niêm mạc tử cung để giảm lượng máu kinh. Thủ thuật này có thể được yêu cầu thực hiện lặp lại theo thời gian.
  • Soi buồng tử cung: Sử dụng một dụng cụ đặc biệt để xem bên trong tử cung, giúp loại bỏ u xơ, polyp hoặc các bất thường có ở tử cung. Cuối cùng, loại bỏ lớp trên cùng của niêm mạc tử cung để kiểm soát chu kỳ kinh.
  • Cắt bỏ nội mạc tử cung: Thủ thuật này nhằm cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ nội mạc tử cung để giải quyết sự chảy máu kinh nguyệt.
  • Cắt tử cung: Được áp dụng cho những chị em không còn nguyện vọng mang thai và sinh con. Thủ thuật sẽ cắt bỏ toàn bộ tử cung, chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt.

Cách cải thiện triệu chứng khó chịu của rong kinh tiền mãn kinh

Để những triệu chứng rong kinh tiền mãn kinh không gây khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và chất lượng sống của chị em, bác sĩ Nguyễn Đức Hinh chia sẻ “bí quyết” chị em có thể tham khảo và áp dụng.

1. Chế độ dinh dưỡng khoa học

Để giảm thiểu những rắc rối “tuổi xế chiều” nói chung và triệu chứng của rong kinh nói riêng, chị em cần xây dựng một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ dưỡng chất, đặc biệt tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe như rau củ xanh, trái cây, hải sản, ngũ cốc, thực phẩm giàu canxi, các loại vitamin cần thiết cho phụ nữ tiền mãn kinh… Chị em có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn cách bổ sung thích hợp.

ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống khoa học, bổ sung rau củ quả xanh là cách giúp cải thiện triệu chứng rong kinh tiền mãn kinh

2. Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, tốt cho hệ thống xương khớp. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp tuần hoàn máu lưu thông tốt, giảm triệu chứng khó chịu của chu kỳ kinh nguyệt. Do đó, chị em nên tập những bộ môn nhẹ nhàng, phù hợp với độ tuổi và sức khỏe.

3. Nghỉ ngơi hợp lý

Bước sang giai đoạn này, chị em cần yêu thương bản thân hơn bằng cách dành ra nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Chị em nên ngủ trước 10 giờ tối, ngủ đủ 7-8 giờ mỗi ngày, có lịch làm việc và sinh hoạt hợp lý, tránh làm việc căng thẳng, stress kéo dài làm gia tăng sự khó chịu các triệu chứng rong kinh.

4. Vệ sinh vùng kín đúng cách

Vệ sinh vùng kín đúng cách giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm phụ khoa, giảm nguy cơ bị rong kinh. Chính vì thế, chị em nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp. Lâu khô vùng kín sau mỗi lần vệ sinh, tránh để vùng kín trong trạng thái ẩm ướt. Thay băng vệ sinh đều đặn sau mỗi 3-4 giờ sử dụng…

5. Khám phụ khoa định kỳ

Tất cả chị em phụ nữ nói chung và phụ nữ tiền mãn kinh nói riêng cần chú trọng khám phụ khoa định kỳ ít nhất 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định riêng của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe, tầm soát những rủi ro, phát hiện sớm bất thường để có điều trị kịp thời và hiệu quả.

Rong kinh tiền mãn kinh là hiện tượng sinh lý thường gặp ở phụ nữ trong giai đoạn này. Tuy nhiên, chị em không biết rằng hiện nay đã có nhiều phương pháp hiện đại giúp cải thiện hiệu quả những triệu chứng khó chịu do rong kinh “tuổi xế chiều”.

Trung tâm Sản Phụ khoa, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa có chuyên môn giỏi, nhiều năm kinh nghiệm đồng hành cùng chị em phụ nữ giải quyết nhiều “vấn đề khó nói”, giúp chị em sống vui khỏe, tự tin và hạnh phúc viên mãn hơn.

Để được tư vấn và đặt lịch hẹn với các chuyên gia Sản Phụ khoa tại Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, chị em vui lòng liên hệ đến:

HỆ THỐNG BỆNH VIỆN ĐA KHOA TÂM ANH

  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội:
    • 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội
    • Hotline: 024 3872 3872 – 024 7106 6858
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM:
    • 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Quận 8:
    • 316C Phạm Hùng, P.5, Q.8, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7:
    • 25 Nguyễn Hữu Thọ, P.Tân Hưng, Q.7, TPHCM
    • Hotline: 093 180 6858 – 0287 102 6789
  • Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh/
  • Website: https://tamanhhospital.vn

Rong kinh tiền mãn kinh kéo dài cần được điều trị sớm để tránh những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ. Nếu như chị em đang lo lắng về vấn đề rong kinh tuổi tiền mãn kinh hoặc có bất cứ thắc mắc nào, đừng ngần ngại hãy liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!

Từ khóa » điều Trị Rong Kinh Rong Huyết Tiền Mãn Kinh