Rong Nho Có Tác Dụng Gì? Hướng Dẫn Cách ăn & Bảo Quản ... - VinID

Rong nho là loại thực phẩm rất được ưa chuộng trong thời gian gần đây do độ tươi giòn, ngon miệng và những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Cùng VinID tìm hiểu rong nho có tác dụng gì, cách ăn và cách bảo quản đúng cách qua bài viết sau đây nhé!

Nội dung chính

  • 1. Giải đáp: Rong nho là gì?
  • 2. Tác dụng của rong nho
  • 3. Cách ăn rong nho tốt cho sức khỏe
  • 4. Cách bảo quản rong nho
    • 4.1. Cách bảo quản rong nho tươi
    • 4.2. Cách bảo quản rong nho tách nước
  • 5. Giải đáp thắc mắc khi ăn rong nho

1. Giải đáp: Rong nho là gì?

Rong nho vốn là một loại tảo biển phân bố ở vùng biển Nhật Bản và Đông Nam Á. Do có hình dạng giống chùm nho và những viên trứng cá muối nên nó được đặt cho cái tên là rong nho và mệnh danh là trứng cá muối xanh. Rong nho được dùng để ăn như một loại rau, có hương vị của nước muối và rong tươi. 

Hàm lượng dinh dưỡng trong rong nho cao hơn rất nhiều lần so với các loại rau khác và chứa nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Do đó, rong nho trở thành loại nguyên liệu ẩm thực rất được ưa chuộng. 

Điều này dẫn đến tình trạng ngày một khan hiếm loại “thực phẩm vàng” này trong môi trường tự nhiên và mở ra cơ hội nuôi trồng, thu hoạch rong nho ở Việt Nam. Hiện nay, rong nho giống Nhật đang được trồng tại Khánh Hòa, Hải Ninh, Đông Hà, Hòn Khói, là những vùng biển có điều kiện dinh dưỡng, độ mặn, ánh sáng và nhiệt độ thích hợp.

Rong nho
Hiện nay, rong nho giống Nhật đang được trồng tại Khánh Hòa, Hải Ninh, Đông Hà, Hòn Khói

2. Tác dụng của rong nho

Giúp xương chắc khỏe

Hàm lượng omega 3, canxi, protein phong phú trong rong nho giúp giảm đau nhức xương khớp, hỗ trợ xoa dịu bệnh viêm khớp, kháng viêm. Do đó, rong nho có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương, tăng cường độ chắc khỏe, dẻo dai của xương.

Cải thiện thị lực

Lượng vitamin A và chất sắt dồi dào trong rong nho có thể giúp phòng ngừa một số bệnh về mắt như khô mắt, quáng gà, cải thiện khả năng hoạt động của thần kinh thị giác, nâng cao thị lực.

Giảm nguy cơ tiểu đường

Rong nho rất giàu vitamin C, là loại thực phẩm cực kỳ tốt cho bệnh nhân tiểu đường và góp phần giảm nguy cơ mắc chứng bệnh này. Khi sử dụng rong nho, hoạt động của các gốc tự do được kiểm soát, lượng đường trong cơ thể được duy trì ổn định, giảm tích tụ sorbitol nội bào và glycosyl hóa – hai tác nhân khiến bệnh nhân tiểu đường gặp biến chứng thần kinh và mắt.

Tốt cho sức khỏe tim mạch

Các axit béo không bão hòa trong rong nho như ALA, EPA, DHA, AA, LA giúp tăng độ đàn hồi, co giãn của mạch máu, giảm cholesterol. Thành phần axit trong rong nho còn có tác dụng giữ gìn cấu trúc collagen động mạch, chống oxy hóa, từ đó phòng ngừa nhiều căn bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, đột quỵ…

Sức khỏe tim mạch
Rong nho rất tốt cho sức khỏe tim mạch

Làm đẹp da

Rong nho giúp tăng độ co giãn, đàn hồi của mạch máu, đảm bảo cho màng tế bào không bị tổn hại bởi các tác nhân bên ngoài, do đó giúp đẩy lùi hiện tượng khô da. Rong nho cũng là một chất chống oxy hóa hiệu quả, tăng cường sản xuất collagen, giúp cho tóc và da khỏe khoắn, ngăn ngừa lão hóa.

Hạn chế táo bón

Như các loại rau xanh khác, rong nho giàu chất xơ, có lượng đường thấp, lượng calo thấp. Điều đó rất có lợi cho đường ruột, tăng tốc độ bài tiết chất thải, tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho lợi khuẩn tiêu hóa. Do đó, rong nho có tác dụng tích cực trong điều trị táo bón ở cả người lớn và trẻ em.

Tránh béo phì, giữ vòng eo thon gọn

Rong nho là loại thực phẩm rất giàu dinh dưỡng như vitamin C, protein thực vật, axit béo không bão hòa, sắt, kẽm, canxi… nhưng lại ít đường, ít calo. Do đó, đây còn được xem là loại thực phẩm không gây béo phì, thích hợp đưa vào chế độ ăn giảm cân mà vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể.

Phòng ngừa ung thư

Fucoidan trong rong nho là một chất chống ung thư tự nhiên, tăng cường hệ miễn dịch, nâng cao đề kháng. Fucoidan có thể làm các tế bào ung thư tự hủy, đặc biệt là các tế bào ở dạ dày, hạch, bạch cầu, ruột kết.

Đánh bay ung thư
Rong nho có tác dụng chống ung thư

3. Cách ăn rong nho tốt cho sức khỏe

Hiện nay có 2 loại\ là rong nho tươi và rong nho tách nước (hay còn gọi là rong nho khô). Tùy vào loại rong nho mà sẽ có cách sơ chế và cách bảo quản khác nhau:

  • Cách ăn rong nho tươi: Rửa rong nho vài lượt với nước sạch rồi ngâm vào tô nước đá cho giòn hơn và bớt tanh là có thể thưởng thức.
  • Cách ăn rong nho tách nước: Ngâm rong nho khoảng thời gian 3 – 5 phút trong nước sạch. Khi rong đã nở và tươi xanh lại thì vớt ra, ngâm thêm 3 phút trong tô nước đá cho bớt tanh là có thể thưởng thức.

Lưu ý khi ăn rong nho:

  • Khi ngâm với nước lạnh, rong nho tươi hay rong nho tách nước đều sẽ bị teo lại. Vì vậy, khi ăn, bạn nên ngâm 1 lượng thích hợp với khẩu phần ăn.
  • Bạn có thể ăn rong nho trực tiếp với các loại nước chấm để gia tăng hương vị như nước tương, tương ớt, mù tạt… Ăn chung với hải sản như mực hay tôm cũng là một lựa chọn tuyệt vời.
  • Ngoài ra, bạn cũng có thể chế biến thành các món ăn hấp dẫn như: gỏi rong nho tôm tươi, nước ép rong nho, chè rong nho táo đỏ, đậu hũ sốt dầu hào rong nho, mực nướng cuộn rong nho, salad rong nho… 
  • Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên chế biến rong nho ở nhiệt độ cao mà chỉ nên ăn trực tiếp, dùng ăn kèm hoặc trang trí. Sau khi sơ chế, nên ăn ngay trong vòng 30 phút, không để quá lâu.
Rong nho
Món gỏi rong nho tôm tươi

4. Cách bảo quản rong nho

4.1. Cách bảo quản rong nho tươi

  • Khi mua rong nho tươi về, bạn cần cho vào túi kín hoặc hộp kín để bảo quản trong điều kiện không có không khí xâm nhập ở nhiệt độ phòng. Như vậy, bạn có thể giữ rong nho tươi xanh trong 3 – 5 ngày.
  • Nếu để rong nho tiếp xúc với không khí nhiều thì sau khoảng 2 – 3 ngày rong nho sẽ không còn tươi, bị mất nước, hư hỏng, mùi tanh nặng hơn và mất các chất dinh dưỡng.
  • Bạn không nên cho rong nho tươi vào tủ lạnh vì lúc này rong nho còn sống nên cần quang hợp mới có thể duy trì độ tươi xanh. Cho rong nho vào tủ lạnh sẽ làm rong nhanh hư, mau tách nước hơn.

4.2. Cách bảo quản rong nho tách nước

  • Rong nho tách nước hay rong nho khô có thể bảo quản được 8 tháng trong ngăn mát tủ lạnh và 6 tháng ở nhiệt độ phòng vì đã được tách nước bằng công nghệ ly tâm và hút chân không.
  • Khi bảo quản loại rong nho này, bạn chỉ cần lưu ý không để ở nơi có nhiệt độ cao hoặc có ánh nắng chiếu trực tiếp.
Rong nho
Rong nho tươi cần được bảo quản ở nhiệt độ thường để giữ độ tươi xanh

5. Giải đáp thắc mắc khi ăn rong nho

Nên ăn bao nhiêu rong nho một ngày?

Tùy vào độ tuổi và cơ địa mà lượng rong nho nên ăn trong ngày sẽ khác nhau đôi chút. Đối với người trưởng thành thì không nên ăn quá 10g rong nho 1 ngày. 

Lượng i ốt và natri trong rong nho rất cao, nếu ăn quá nhiều dễ dẫn đến các bệnh về tuyến giáp, tim mạch, cao huyết áp. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ dồi dào trong rong nho cũng dễ khiến cơ thể bị dư chất xơ, gây rối loạn tiêu hóa, đi phân lỏng, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy.

Cần lưu ý rằng, tuyệt đối không được dùng rong nho để thay thế hoàn toàn các loại rau xanh khác.

Nên ăn rong nho khi nào?

Bạn có thể ăn rong nho bất cứ khi nào trong ngày như những loại rau xanh thông thường khác. Tuy nhiên, không nên ăn thường xuyên mỗi ngày để tránh gây hại cho sức khỏe.

Rong nho
Bạn có thể ăn rong nho bất cứ khi nào trong ngày như những loại rau xanh thông thường khác

Nên ăn rong nho tươi hay khô?

  • Về hương vị: Cả rong nho tươi và tách nước đều có vị mặn nhẹ và độ tươi giòn sần sật. Tuy nhiên, rong nho tách nước sẽ mặn hơn 1 chút.
  • Về thời gian bảo quản: Rong nho khô để được lâu hơn rất nhiều, điều kiện bảo quản cũng đơn giản hơn.

Vì vậy, tùy vào khẩu vị cũng như nhu cầu sử dụng mà bạn có thể lựa chọn cho phù hợp. Rong nho tươi sẽ phù hợp với các bạn muốn ăn ngay, còn rong nho khô sẽ hợp với các bạn muốn dùng dần dần trong thời gian dài.

Những ai không nên ăn rong nho?

  • Các mẹ bầu có thể ăn rong nho để bổ sung dưỡng chất, cải thiện tình trạng táo bón trong thai kỳ nhưng nên chế biến chín trước khi thưởng thức.
  • Những người có cơ địa dị ứng với hải sản thì không nên ăn rong nho. Nếu sau khi ăn bạn bị ngứa ngáy, buồn nôn, nổi mề đay thì không nên tiếp tục sử dụng.
  • Rong nho không tốt cho người bị mụn nhọt vì chứa nhiều i ốt, chất khoáng sẽ làm cơ thể thải độc chậm hơn, khiến tình trạng mụn nhọt trở nên nghiêm trọng.
  • Trẻ em không nên ăn quá nhiều rong nho vì lượng i ốt cao có thể dẫn đến suy giáp, làm trẻ bị chậm phát triển, ảnh hưởng đến trí não còn non nớt.
  • Những người bị cao huyết áp hay các bệnh về tuyến giáp như phì đại tuyến giáp, suy giáp, cường giáp, ung thư tuyến giáp… cũng không nên sử dụng rong nho.
Rong nho
Những người bị cao huyết áp hay các bệnh về tuyến giáp không nên sử dụng rong nho

Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết rong nho có tác dụng gì và có thêm nhiều hiểu biết thú vị về loại thực phẩm cực tốt cho sức khỏe này. Đừng quên tải ngay app VinID để đặt mua rong nho tươi ngon, có xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng từ hệ thống siêu thị VinMart nhé!

Banner CTA Rau củ quả 750

>>> Cách làm salad rong nho giòn ngon <<<

Từ khóa » Có Nên ăn Rong Nho Thường Xuyên