Rong Suốt Cuộc đời Hoạt động Cách Mạng Của Mình, Chủ Tịch Hồ Chí ...

Hồ Chí Minh - Nhà báo cách mạng vĩ đại

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò của báo chí, coi đây là một vũ khí sắc bén trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Tính từ tác phẩm đầu tiên Quyền của các dân tộc thuộc địa đăng trên Báo Nhân đạo ngày 18-6-1919 đến tác phẩm cuối cùng Thư trả lời tổng thống Mỹ đăng trên Báo Nhân Dân ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 trang truyện ký với 174 bút danh khác nhau được đăng ở nhiều báo trong và ngoài nước bằng tiếng Việt, Pháp, Hoa, Nga, Anh: Ông Ké, Chí Minh, Thanh Lan, Chiến Sĩ, Chiến Đấu, Nói Thật, Việt Hồng, Lê Ba, La Lập, C.B, VK, HL, Đ.LĐ, Ph,KA, CK, C.H, N.A.K, N.A.Q, N.D, N.Ái Quốc, Nguyễn Ái Quốc, Nhân Dân,.... Cũng bởi thế mà Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) đã đánh giá Hồ Chí Minh là “Nhà báo cách mạng vĩ đại”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc.  Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Báo Nhân Dân tại Chiến khu Việt Bắc.

Ảnh: Tư liệu

Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng đã khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam, là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng nước ta. Người đã sáng lập và gắn bó với nhiều tờ báo lớn:

Là người sáng lập Báo Le Paria (Người cùng khổ). Đây là cơ quan của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, ra số đầu tiên vào ngày 1-4-1923 và số cuối cùng vào tháng 4-1926. Tờ báo là vũ khí chiến đấu với sứ mạng Giải phóng con người. Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút và quản lý tờ báo, viết xã luận, bình luận, truyện ngắn, tin tức, vẽ tranh đả kích, châm biếm; đồng thời Bác làm cả thủ quỹ, xuất bản, phát hành. Trong 4 năm tồn tại, Báo Le Paria  ra được 38 số, đã góp phần vô cùng quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Đông Dương và các nước thuộc địa khác, thúc đẩy phong trào đấu tranh chống Pháp, giải phóng dân tộc bước sang giai đoạn mới sôi nổi hơn.

Là cộng tác viên tích cực của Báo l’Humanité (Báo Nhân đạo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp). Trước hết, đây là tờ báo đã đem lại cho Nguyễn Ái Quốc điều quý giá nhất, đó là con đường cứu nước. Ngày 16-7-1920, Báo l’Humanité đã đăng bài Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-nin. Khi được đọc bài báo này, Bác đã xúc động: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lê-nin). Sau đó, Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài cho chuyên mục l’Humanité với các thuộc địa và trở thành cây bút xuất sắc của tờ báo này.

Là người sáng lập Báo Thanh niên. Ngày 21-6-1925, Báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên. Tờ báo này là cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Báo Thanh niên ra hàng tuần đến tháng 4-1927, tổng cộng được 88 số. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều tin, bài, làm thơ, vẽ tranh châm biếm cho báo. Đây là tờ báo bằng tiếng Việt in ở Quảng Châu (Trung Quốc), được bí mật chuyển về nước và các cơ sở Việt kiều yêu nước ở Thái Lan, Pháp. Ngày Báo Thanh niên ra số đầu 21-6 đã trở thành Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Với Báo Nhân Dân. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951) đã quyết định ra tờ báo của Đảng và Bác đặt tên là Báo Nhân Dân: “Đảng ta chỉ có một mục đích là phụng sự nhân dân thì tờ báo của Đảng lấy tên là Nhân Dân”. Kể từ ngày Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11-3- 1951), Bác đã có 28 năm gắn bó với báo Đảng. Người đã viết hàng trăm bài báo cho Báo Nhân Dân dưới các bút danh C.B, K.C, C.N, T.L… để chỉ đạo phương hướng, tuyên truyền đường lối cách mạng.

Sự vĩ đại của Nhà báo Hồ Chí Minh không chỉ được thể hiện ở những tác phẩm báo chí, mà còn ở tư tưởng về báo chí cách mạng, về nghệ thuật làm báo của Người. Tư tưởng ấy được thể hiện trên tất cả các mặt, từ sứ mệnh lịch sử của báo chí cách mạng; đạo đức nghề báo; vai trò, trách nhiệm của nhà báo trước Đảng, trước nhân dân; cho đến những vấn đề liên quan đến phong cách, nghệ thuật, kỹ thuật viết báo… 

Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, vị thế của báo chí và đội ngũ những người làm báo: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Trong điện gửi Hội Nhà báo Á - Phi (1965), Bác Hồ viết: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Người khẳng định, báo chí cách mạng là một mặt trận chiến đấu của cách mạng; vì vậy viết báo và làm báo là làm “công tác cách mạng” để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại”, và cán bộ báo chí là chiến sĩ trên mặt trận ấy, “bài báo là tờ hịch cách mạng”... Tại Đại hội lần thứ II của Hội Nhà báo Việt Nam (1959), Bác dạy: “Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình”. Đến Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam (1962), Bác lại nói: “Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Người tổng kết: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Hơn ai hết, nhà báo phải là người chí công vô tư, có hiểu biết rộng và nhất là có cái tâm trong sáng”… 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất đề cao nghệ thuật viết báo. Người đã từng chia sẻ về kinh nghiệm viết báo của mình trong những lần gặp gỡ đội ngũ những người làm báo trong cả nước. Trong buổi nói chuyện tại Trường Chỉnh Đảng Trung ương ở rừng Việt Bắc (ngày 17-8-1952), Bác nêu rõ 4 vấn đề cơ bản trước những cán bộ báo chí: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết như thế nào?” và đưa ra cách giải quyết cặn kẽ, phù hợp với các vấn đề đó: “Phải viết gọn, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi mà phải có đầu, có đuôi... Viết phải thiết thực, “nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào? Người nói: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện...”. Bác thường căn dặn những người làm báo rằng, viết báo là để cho nhân dân đọc, trong đó công nông chiếm đa số, trình độ học vấn chưa cao, nên bài viết phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu; không nên viết theo lối “bác học”, sính dùng chữ nghĩa cầu kỳ, sáo rỗng, vay mượn, lạm dụng từ ngữ nước ngoài:  “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng. Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”; “Muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem; viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều”. Đồng thời, Bác cũng khuyên người làm báo: “Chớ viết khô khan quá, phải viết cho văn chương, vì ngày trước khác, bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới đọc”…

Với lòng yêu nước nhiệt thành và nhãn quan chính trị mẫn tiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết báo để phục vụ cách mạng, nhằm góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới. Mục đích cao đẹp ấy giúp Bác tạo ra những bài báo phong phú về chủ đề, đa dạng về phong cách nhưng rất gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Hiện nay, việc học tập, vận dụng và phát triển tư tưởng của nhà báo cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh là nhân tố hàng đầu bảo đảm cho sự phát triển vững vàng của nền báo chí cách mạng Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo:

1.Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 441

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 625

3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H, 2000, tr. 625

4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập , 9, Nxb CTQG, H, 2000, tr.414

baonamdinh.com.vn

Từ khóa » Tờ Báo đó Là Cơ Quan Ngôn Luận Của Tổ Chức Cộng Sản Nào