Rốt Cuộc Yêu Là Gì?: Khi đã Yêu Một Người, Bạn Muốn Hôn Cả Thế Giới

Khi nói đến yêu, hầu hết chúng ta đều cho rằng “nó là cái duyên cái số”. Đến với nhau cũng là cái duyên cái số, đến lúc bi thảm chia tay than thân trách phận, cũng đổ tại “cái duyên cái số”

Duyên là khái niệm nhà Phật, nhằm lý giải nguyên nhân mọi sự trên đời. Tôi tình cờ gặp ai đó hôm nay, đó cũng là cái duyên. Tôi phóng xe ra đường va vào ai đó, cũng là cái duyên. Tôi mua được con thú hợp ý thích, đó cũng là cái duyên…

Như vậy, ta đến với cuộc đời này, cũng là cái duyên cái số thôi, nhưng rõ ràng, để sống được với cuộc đời, ta cần học hỏi và nỗ lực cả đời.

Tình yêu cũng vậy. Ta đến với tình yêu thoạt đầu là “cái duyên cái số”, nhưng để yêu được một cách hay ho, để biến nó thành hạnh phúc, chứ không phải nỗi đau khổ triền miên, thì ta phải học hỏi nỗ lực, chứ sao nữa!

Liệu có ai đó cả đời lười biếng, mặc kệ mọi sự cho chữ “duyên”, kiểu như có duyên thì tiền sẽ đến với ta, có duyên thì thành công sẽ đến với ta… vì mọi thứ có “duyên số” cả rồi, không cần gì phải học hỏi và cố gắng, và người đó vẫn sống hạnh phúc hay không?

Hạnh phúc, xét theo góc nhìn nhất định, nó còn là kết quả của nỗ lực. Ta phải nỗ lực hết mình, sống hết mình, thì thành công hay hạnh phúc sẽ đến.

Nhưng tình yêu hay hạnh phúc bắt đầu từ điều gì?

Khi bạn bắt đầu biết xúc động trước một điều gì đó. Bạn nghe bản nhạc hay, bạn xúc động và từ đó bạn yêu âm nhạc, bạn xem bức tranh đẹp bạn đắm đuối, từ đó bạn yêu hội họa.

Tương tự như vậy, bỗng dưng một ngày đẹp trời, bạn xốn xang trước một nụ cười, một ánh mắt… Chúc mừng bạn, bạn đã bắt đầu yêu.

Vậy thì, kẻ bất tri sẽ chẳng xúc động trước bất kỳ điều gì, và ta không thể bàn về tình yêu với kẻ bất tri. Kẻ bất tri cũng chẳng hiểu gì, mà kẻ chẳng hiểu gì sẽ là kẻ chẳng có giá trị gì!

Vậy ta rút ra kết luận: Tình yêu là thứ làm nên giá trị con người.

Cho nên, nếu bạn chưa yêu ai, ấy là vì bạn chưa yêu, chứ không phải không có khả năng yêu. Nếu bạn không có khả năng yêu nữa, bạn hoan hỷ khoe rằng “tôi sống một mình rất tốt, chả cần ông nào bà nào cả”, thì bạn phải dồn tình yêu của bạn sang thứ khác, như chó mèo, cây cỏ hay công việc.

Như vậy, khi bạn xúc động về điều gì đó hay về ai đó bạn sẽ có nhu cầu tìm hiểu. Hiểu sẽ yêu, chú ý sẽ thấy.

Càng hiểu biết cốt yếu về điều gì, thì tình yêu càng lớn.

Có bạn sẽ lại nói: “Yêu không cần hiểu!”.

Bạn có thể chăm sóc tốt một vườn dâu, khi bạn không hiểu về loài dâu?

Và bạn có thể yêu một người khi không có nhu cầu chăm sóc người đó?

Và bạn có thể chăm sóc mọi hoa trái khi cứ tin rằng, mọi loại hoa trái đều giống trái dâu? Nếu nghĩ vậy, làm sao bạn chăm sóc tốt vườn nho?

Khi yêu bất cứ thứ gì, bạn sẽ nảy sinh nhu cầu chăm sóc, và bạn chỉ chăm sóc tốt đối tượng yêu, nếu bạn hiểu đối tượng.

Nếu như vậy, yêu hẳn phải là một nghệ thuật, tương tự như sống là một nghệ thuật, nó cần sự sáng tạo không ngừng.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

*

Nhưng chúng ta sẽ không sáng tạo được gì hết nếu ta không hiểu rõ bản chất thứ mà ta cần sáng tạo.

Nói về tình yêu thì ai cũng khẳng định, rằng “tôi đã yêu, nên tôi biết rõ tình yêu là gì?”.

Điều này không sai, tình yêu là cảm nhận cá nhân cũng như cảm nhận về hạnh phúc vậy. Hạnh phúc của tôi không giống hạnh phúc của anh, bởi vậy tôi không thể nêu quy luật của tôi để áp đặt cho anh được. Nhưng chúng ta hầu hết vẫn thường nhầm lẫn. Chẳng hạn, ta thường nói, yêu thì ai chẳng biết yêu, chỉ cần gặp đúng đối tượng.

Hóa ra, khả năng yêu của ta là do đối tượng quyết định. Nói như vậy, khác gì bảo, ai chẳng thành họa sĩ được, nếu gặp đối tượng để vẽ.

Hoặc, trong nền kinh tế thị trường hàng hóa, mọi hành động đều dựa trên tiền đề mua sắm, hay là trao đổi ngang giá, thì tình yêu luôn là sự trao đổi giá trị, kiểu như ông đại gia phải yêu cô người mẫu.

Từ nguyên lý đó dẫn đến việc đàn ông cố làm tăng giá trị của mình bằng cách kiếm thật nhiều tiền, còn đàn bà thì cố tu bổ nhan sắc, để có thể đạt được sự trao đổi ngang giá trên thị trường mua sắm.

Hoặc, như thời phong kiến, những cuộc hôn nhân dựa trên sự sắp đặt của cha mẹ, cao hơn nữa là sự sắp đặt của dòng họ, của quốc gia, nghĩa là, cứ chọn một đối tượng tương xứng rồi thì tình yêu sẽ đến…

Tất cả những tình yêu đó, gặp may thì bền vững, không thì lụi tàn rất sớm, có sống được với nhau chỉ là sự cố gắng đến mức khổ hạnh…

Vậy rốt cuộc tình yêu đích thực là gì?

Rất nhiều người thường tâm sự rằng: Sau khi chia tay với người yêu, họ cảm thấy ghẻ lạnh với cả thế giới. Hoặc: “Cô ấy đã nhận lời yêu tôi, lúc này, tôi thấy cả thế giới thật đáng yêu”.

Trong một bộ phim tình cảm lãng mạn hài hước của điện ảnh Mỹ mà tôi quên tên, có cảnh một anh chàng sau khi tỏ tình với cô gái mà anh ta thầm yêu từ rất lâu, và cô gái đáp rằng cô cũng yêu anh trong ngần ấy thời gian...

Anh mừng đến mức chạy luôn ra giữa phố, dưới trời mưa, anh nhảy múa, mặc kệ mưa gió ướt đẫm. Anh chào hỏi tất cả những người qua lại, anh thậm chí vồ lấy cả một con cún rồi hôn nó tới tấp.

Giờ phút đó, anh ấy yêu cả thế giới.

Người ta thường nghĩ chính cô gái đó khiến anh ấy hạnh phúc và anh ấy muốn ôm hôn cả thế giới, nhưng thật ra, cái khả năng yêu cả thế giới đã có sẵn trong tâm hồn anh ta, và trong tâm hồn mỗi người rồi. Cô gái chỉ chạm vào công tắc làm cho tình cảm ấy trỗi dậy mà thôi...

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Và, từ đây, các nhà triết học đã rút ra quy luật:

Tình yêu đích thực là một thái độ, một định hướng của tính cách, nó quy định mối quan hệ thân thuộc giữa một người với thế giới, trong tư cách một thể trọn vẹn chứ không phải với một “đối tượng” của tình yêu.

Nếu một người chỉ yêu một người khác và thờ ơ với những đồng loại còn lại thì tình yêu của người đó chưa phải là tình yêu đích thực mà chỉ là một sự gắn bó có tính cộng sinh, hoặc là một thái độ duy ngã phình to ra mà thôi…

Tuy nhiên, trên thực tế, chúng ta hầu hết đều tin rằng tình yêu được tạo ra bởi đối tượng, cụ thể như trong phim là do cô gái, chứ không phải nhờ năng lực yêu thương trong tâm hồn chàng trai đó.

Và, người ta cũng tin chắc rằng sự mãnh liệt của tình yêu chỉ thể hiện khi ta chỉ yêu kẻ “được yêu” chứ không thể yêu ai khác…

Đây là sai lầm, như trên đã nói, rằng tình yêu không phải năng lực của tâm hồn mà do tìm được đối tượng, rằng cứ tìm đúng người hợp ý, còn lại mọi thứ sẽ tự phát triển. Thật ra, chẳng có gì phát triển nếu ta tin vào phát kiến “duy đối tượng” đó, bởi vì đối tượng làm ta yêu thì chính đối tượng cũng làm ta… chán!

Nhưng, nếu ta hiểu và học cách phát triển năng lực yêu trong chính tâm hồn ta, thì tình yêu đích thực sẽ tồn tại mãi…

Tương tự như anh họa sĩ học vẽ, anh sẽ vẽ mà không phụ thuộc vào đối tượng vẽ, nói cách khác, khi quyền năng vẽ thuộc về anh ta, thì với bất kỳ đối tượng nào anh ấy cũng sẽ làm nên bức tranh đẹp.

Nếu tôi thực sự yêu một người, tôi sẽ yêu tất cả mọi người, tôi yêu cả trần gian, yêu cuộc sống. Nếu tôi có thể nói với ai đó rằng “tôi yêu em” thì tôi cũng có thể nói “tôi yêu mọi người ở trong em, tôi yêu cả trần gian này, yêu cả chính tôi trong em nữa…”.

Như vậy, nghệ thuật yêu không gì khác hơn chính là nghệ thuật lắng nghe chính lòng mình, phát hiện ra những rung cảm, những tinh tế, những thổn thức trong chính trái tim mình, rồi bồi đắp nó, bạn sẽ trở thành một năng lực yêu đương và thu hút tình yêu của cả thế gian...

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

Từ khóa » Chúng Ta Rốt Cuộc Là Gì