Rủi Ro Trong Bảo Hiểm Là Gì? Có Các Loại Rủi Ro Nào? - YouMed

Nội dung bài viết

  • Rủi ro là gì?
  • Các nguyên nhân dẫn tới rủi ro
  • Mức độ rủi ro
  • Các dạng tổn thất
  • Các loại rủi ro trong bảo hiểm
  • Cách để hạn chế rủi ro trong cuộc sống

Những rủi ro khách quan như tai nạn, dịch bệnh là những điều khó có thể kiểm soát được. Vì vậy, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm bảo hiểm để phòng ngừa và hạn chế tổn thất do rủi ro đang ngày càng tăng cao. Và để lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp với mình nhất. Trước tiên, người tham gia nên biết về các loại rủi ro trong bảo hiểm. Cũng như những rủi ro nào sẽ được chấp nhận bồi thường. Mời bạn cùng đọc qua bài viết sau đây để tìm hiểu rõ hơn.

Rủi ro là gì?

Trước khi tìm hiểu về rủi ro trong bảo hiểm, hãy cùng tìm hiểu rủi ro là gì. Trong các lĩnh vực, người ta định nghĩa rủi ro theo những cách khác nhau như:

  • “Rủi ro là khả năng gặp nguy hiểm hoặc bị đau đớn thiệt hại” – theo từ điển tiếng Anh Oxford.
  • “Rủi ro là tính bất thường hoặc tính không chắc chắn của một sự kiện xuất hiện mà nó có thể gây ảnh hưởng đến việc đạt được các mục tiêu” – theo Viện kiểm toán nội bộ của Mỹ.

Còn trong cuộc sống thường ngày, nhiều người thường nghĩ rủi ro là những điều không may mắn, không tốt lành, không tốt đẹp.

Có nhiều cách để định nghĩa rủi ro nhưng nhìn chung rủi ro thường dùng để chỉ những điều không mắn và gây ra thiệt hại dù ít hay nhiều
Có nhiều cách để định nghĩa rủi ro nhưng nhìn chung rủi ro thường dùng để chỉ những điều không mắn và gây ra thiệt hại dù ít hay nhiều

Tổng hợp lại dựa trên những định nghĩa trên. Rủi ro có thể được hiểu theo một cách tổng quát và chính xác hơn là: Một sự việc mà con người không mong muốn xảy ra với mình. Đồng thời, không thể lường trước được về thời gian, không gian và khả năng xảy ra, cũng như mức độ nghiêm trọng và hậu quả mà nó đem lại.

Có thể lấy việc tham gia giao thông để làm ví dụ. Dù một người đã chấp hành rất tốt các quy định. Cũng như hoàn toàn tập trung cho việc điều khiển xe. Tuy nhiên, tỷ lệ người này bị tai hạn vẫn có khả năng xảy ra. Có thể là do sự bất cẩn của một cá nhân tham gia giao thông khác hay do thời tiết xấu, hệ thống làn đường có vấn đề nhưng không có cảnh báo,…

Như vậy, ví dụ trên chính là rủi ro mà con người không hề mong muốn gặp phải. Và họ không lường trước được về không gian, thời gian, khả năng xảy ra của nó.

Các nguyên nhân dẫn tới rủi ro

Thông thường, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến rủi ro trong bảo hiểm. Đó là:

  • Nguyên nhân chủ quan: Được định nghĩa là do chính chúng ta gây nên. Tuy nhiên, không phải do chúng ta cố ý. Chỉ là do bất cẩn, thiếu kiến thức hoặc không nhận thức được nên mới gây nên rủi ro.
  • Nguyên nhân khách quan: Là nguyên nhân dẫn đến rủi ro từ những yếu tố khách quan, bên ngoài. Đây là những nguyên nhân mà chúng ta không thể kiểm soát được như: Thiên tai, dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt, mất việc, tai nạn lao động, chiến tranh,….

Mức độ rủi ro

Người ta thường dùng bảng đánh giá dưới đây nhằm đánh giá mức độ rủi ro trong bảo hiểm:

Mức độ rủi ro Tần suất xuất hiện Mức độ nghiêm trọng
Rủi ro ở mức độ 1 Thường xuyên Ít nghiêm trọng
Rủi ro ở mức độ 2 Hiếm khi xảy ra Đặc biệt nghiêm trọng

Và để xây dựng được bảng đánh giá mức độ rủi ro như trên, bạn cần phân tích 2 yếu tố sau:

  • Tần suất xuất hiện rủi ro: Là số lần có thể xảy ra rủi ro trong một khoảng thời gian nhất định. Hoặc khoảng cách thời gian trung bình giữa các lần rủi ro xuất hiện. Thường có 4 mức đánh giá tần suất xuất hiện của rủi ro: Thường xuyên xảy ra, thỉnh thoảng xảy ra, hiếm khi xảy ra và không bao giờ xảy ra.
  • Mức độ nghiêm trọng của rủi ro: Hay còn được gọi là tính khốc liệt của tổn thất. Tổn thất là hậu quả của rủi ro. Thường có 5 mức để đánh giá mức độ nghiêm trọng của rủi ro: Mức độ đặc biệt nghiêm trọng, mức độ rất nghiêm trọng, mức độ nghiêm trọng, mức độ ít nghiêm trọng và mức độ không nghiêm trọng.

Các dạng tổn thất

Tuỳ vào từng mức độ mà rủi ro gây nên, nó sẽ để lại những tổn thất nhất định. Có 5 dạng tổn thất thường gặp đó là:

  • Tổn thất về vật chất và tài chính: Là dạng tổn thất có khả năng sửa chữa, phục hồi hoặc thay thế được. Các doanh nghiệp bảo hiểm thường có thể dễ dàng chấp nhận bồi thường cho dạng tổn thất này.
  • Tổn thất về tinh thần và tình cảm: Đây là loại tổn thất khó đo lường về tài chính, khó bù đắp hoặc sửa chữa được. Như việc mất đi người thân yêu hay kỷ vật. Vì vậy, các công ty bảo hiểm thường không bảo hiểm cho dạng tổn thất này.
  • Tổn thất về tính mạng và sức khoẻ: Với dạng tổn thất này, doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm có thể thương lượng số tiền bảo hiểm khi xảy ra tai nạn, thương tật, tử vong,… Mức độ tổn thất về tính mạng và sức khỏe có thể được lượng hoá dựa trên tỷ lệ phần trăm thương mất khả năng lao động để chuyển sang mức tài chính được hỗ trợ.
  • Tổn thất không đáng kể: Bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục mà không cần nhờ vào doanh nghiệp bảo hiểm nếu gặp dạng tổn thất này.
  • Tổn thất quá lớn: Dạng tổn thất này sẽ được xử lý bằng các biện pháp của Chính phủ, xã hội.

Các loại rủi ro trong bảo hiểm

Rủi ro tài chính

Rủi ro tài chính là rủi ro mà hậu quả có thể được đo lường được về mặt tài chính, tiền bạc. Như việc bị mất tiền hoặc tài sản cá nhân bị hư hỏng và cần phải bỏ ra một khoản chi phí để khôi phục, sửa chữa hoặc thay thế bộ phận đã bị hư hỏng.

Va chạm dẫn đến hư hỏng xe có thể xếp vào rủi ro tài chính
Va chạm dẫn đến hư hỏng xe có thể xếp vào rủi ro tài chính

Những tổn hại liên quan đến sức khoẻ con người cũng có thể được lượng hoá dựa theo hợp đồng đã ký kết trước đó. Ví dụ như chi phí điều trị, thu nhập bị giảm sút do mất khả năng lao động,…

Rủi ro phi tài chính

Rủi ro phi tài chính là rủi ro ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của con người. Nó có thể khiến họ cảm thấy không hài lòng và buồn phiền. Đồng thời, mức độ thiệt hại của rủi ro này không thể đo lường được bằng tài chính. Ví dụ như khi phải chia tay một ai đó hay khi không tìm được công việc yêu thích.

Rủi ro thuần túy

Rủi ro thuần túy là rủi ro không có chủ đích hoặc không có yếu tố lợi nhuận đứng trên góc độ của người bị tổn thất. Chúng có thể gây thiệt hại, mất mát dù ít hay nhiều. Và trong trường hợp may mắn hơn, những thiệt hại này có thể có thể khắc phục được trước khi rủi ro xảy ra hoặc sẽ không ảnh hưởng lớn. Ví dụ như cháy nhà, mất trộm tài sản, tai nạn xe máy, tai nạn lao động,…

Cháy nhà là một rủi ro thuần tuý vì nó không đem lại tài chính cho người bị tổn thất mà ngược lại còn làm hư hỏng nhiều tài sản của họ

Rủi ro đầu cơ

Rủi ro đầu cơ là rủi ro có mục đích hoặc có nhân tố kiếm lời bên trong. Một ví dụ điển hình là đầu tư vào cổ phiếu. Khoản đầu tư này có thể là lỗ hoặc hòa vốn, nhưng mục đích của nó là tạo ra lợi nhuận. Kinh doanh chứng khoán, đầu cơ nông sản thực phẩm và đầu cơ tích trữ các mặt hàng khác đều tiềm ẩn những rủi ro này.

Rủi ro riêng

Rủi ro riêng là những rủi ro chỉ gây thiệt hại cho một hoặc một số ít người. Những rủi ro này thường mang tính chất cá nhân cả về nguyên nhân và hậu quả như hỏa hoạn, trộm cắp, thương tật, tai nạn, chết người,…

Rủi ro chung

Rủi ro chung là những rủi ro ngoài tầm kiểm soát và phạm vi ảnh hưởng của nó không phải một người mà ảnh hưởng trên diện rộng.  Bao gồm các thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần, lũ lụt và núi lửa phun trào. Loại rủi ro này thường xảy ra trên diện rộng và gây ra thiệt hại về người và của cho nhiều người.

Có thể thấy, các công ty bảo hiểm không đủ sức gánh vác được loại rủi ro này. Để khắc phục hậu quả do rủi ro chung gây ra cần sự vào cuộc từ toàn xã hội, Nhà nước, Chính phủ và thậm chí cả quốc tế.

Rủi ro có thể được bảo hiểm

Rủi ro có thể được bảo hiểm phải hội tụ những điều kiện sau đây:

  • Tổn thất phải mang tính ngẫu nhiên, khách quan và không do chủ ý của người được bảo hiểm. Bởi nếu ngược lại, chắc chắn có nhiều người sẽ cố tình làm hại đến bản thân hay người khác để hưởng lợi từ bảo hiểm. Từ đó gây vi phạm đến chuẩn mực đạo đức. Tuy nhiên, rủi ro chết nằm ngoài quy tắc này. Vì rủi ro này chắc chắn sẽ đến dù sớm hay muộn, nhưng thời điểm xảy ra cái chết cũng phải bất ngờ.
  • Tổn thất phải định lượng được về tài chính hoặc lượng hoá được. Bảo hiểm có trách nhiệm lớn nhất là bảo vệ về mặt tài chính để đối phó với những hậu quả do rủi ro gây ra. Do đó, tổn thất do rủi ro được bảo hiểm gây ra cần phải đo lường hoặc quy đổi được về mặt tài chính.
  • Tần suất tổn thất phải đủ lớn và mức độ thiệt hại phải dự đoán được. Doanh nghiệp bảo hiểm chỉ chấp nhận bảo hiểm cho những rủi ro mà họ tính toán được hoặc dự đoán được mức độ thiệt hại. Hay cụ thể hơn là số tiền cần bảo hiểm khi rủi ro đó xảy ra. Trong trường hợp ngược lại, để đảm bảo an toàn, doanh nghiệp bảo hiểm thường sẽ thu mức phí cao hơn mức tổn thất.
  • Rủi ro xảy ra không đi ngược lại với các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội. Nguyên tắc chung được pháp luật ban hành là các hợp đồng bảo hiểm không được trái với những gì xã hội coi là tiêu chuẩn đạo đức và công bằng. Ví dụ, không chấp nhận rủi ro do phạm tội hoặc cố ý hủy hoại tài sản của người khác.

Rủi ro được bảo hiểm

Là những rủi ro về thiên tai, tai nạn, sự cố bất ngờ được doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận khắc phục hậu quả cho người được bảo hiểm.

Rủi ro này có thể bao gồm: Rủi ro tài chính, rủi ro thuần tuý, rủi ro riêng. Và thường không bao gồm: Rủi ro phi tài chính, rủi ro đầu cơ và rủi ro chung bị loại trừ.

Trong các điều khoản của hợp đồng bảo hiểm thường được quy định rõ các rủi ro được bảo hiểm này. Hoặc doạnh nghiệp bảo hiểm sẽ đưa ra các nguyên tắc mà họ không chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả. Nếu rủi ro của người tham gia không nằm trong các nguyên tắc này. Chúng sẽ được mặc nhiên được hiểu là rủi ro được bảo hiểm.

Các rủi ro được bảo hiểm sẽ được quy định và ký kết trong hợp đồng bảo hiểm
Các rủi ro được bảo hiểm sẽ được quy định và ký kết trong hợp đồng bảo hiểm

Rủi ro bị loại trừ

Là những rủi ro trong bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm không chấp nhận bảo hiểm. Cụ thể, họ sẽ không chấp nhận bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm nếu chúng xảy ra. Các rủi ro bị loại trừ được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm.

Đặc biệt, vì rủi ro càng lớn, phí bảo hiểm càng cao. Thế nên doanh nghiệp bảo hiểm có thể thêm các rủi ro bị loại trừ nhằm thu hẹp phạm vi bảo hiểm. Từ đó, giúp giảm bớt phí bảo hiểm cho người tham gia bảo hiểm. Hoặc để phù hợp hơn với điều kiện cụ thể của họ.

Ngược lại, nếu muốn các rủi ro loại trừ trở thành rủi ro được bảo hiểm. Người tham gia bảo hiểm cần trao đổi và ký kết với doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời phải trả thêm phí bảo hiểm.

Cách để hạn chế rủi ro trong cuộc sống

Như đã đề cập, có rất nhiều nguyên nhân khách quan dẫn tới rủi ro mà chúng ta không thể kiểm soát được. Vì vậy, việc đề phòng những rủi ro xảy ra trong cuộc sống không phải là một việc đơn giản.

Tuy nhiên, việc hiểu rằng chúng ta có thể gặp những “sóng gió” khó lường của cuộc sống bất kể lúc nào. Có thể giúp chúng ta có một tâm thế thật tốt để đối phó với mọi rủi ro. Trong đó, cách để hạn chế rủi ro hiệu quả nhất là bạn nên chủ động đưa ra những phương án khắc phục cho từng loại rủi ro khi xảy ra. Đồng thời, gia tăng các lớp bảo vệ từ các giải pháp như bảo hiểm, tích lũy ngay từ hôm nay.

Chủ động lên kế hoạch để giảm thiểu tối đa tổn thất do rủi ro gây ra là một trong những cách để hạn chế rủi ro
Chủ động lên kế hoạch để giảm thiểu tối đa tổn thất do rủi ro gây ra là một trong những cách để hạn chế rủi ro

Xem thêm: Bạn đã thực sự hiểu đúng về bản chất của bảo hiểm?

Hy vọng bài viết đã giải đáp cho bạn thắc mắc rủi ro trong bảo hiểm là gì. Cũng như cung cấp thông tin hữu ích về các loại rủi ro trong bảo hiểm. Có thể thấy, có những rủi ro bạn có thể tự mình khắc phục. Và cũng có các loại rủi ro có mức độ thiệt hại nghiêm trọng cần sự hỗ trợ về mặt tài chính. Do đó, việc trang bị cho mình “tấm lá chắn” trước những rủi ro trong tương lai nhưng vẫn phù hợp với tình hình tài chính hiện tại của mình là một việc rất đáng cân nhắc.

Từ khóa » Các Loại Rủi Ro Trong Cuộc Sống