Rủi Ro Trong Phương Thức Thanh Toán L/C - Lexology

Hiện nay, thư tín dụng (L/C) đang ngày càng là phương thức thanh toán phổ biến trong các giao dịch thương mại quốc tế bởi vì sự an toàn và uy tín thông qua việc ngân hàng cam kết sẽ thanh toán cho người bán nếu người bán cung cấp đủ bộ chứng từ đã quy định theo hợp đồng L/C và người mua cũng được ngân hàng đảm bảo hàng hóa sẽ được giao theo đúng những yêu cầu được quy định trong hợp đồng L/C. Tuy nhiên, phương thức thanh toán này cũng đem lại những rủi ro cho cả người bán và người mua được xem xét ở dưới đây.

1. Rủi ro cho người bán:

Thứ nhất, trong hợp đồng mua bán, sự thỏa thuận của các bên dựa trên sự thiện trí và sự bình đằng giữa người bán và người mua để đưa ra vào các điều khoản của hợp đồng. Tuy nhiên, mặc dù xuất phát từ sự bình đẳng, người bán vẫn thường là người yếu thế hơn so với người mua trong hợp đồng mà từ đó phải chấp nhận những thỏa thuận bất lợi về phía mình. Điều đó thể hiện thông qua việc bên bán chấp nhận sẽ những hồ sơ và giấy tờ vô cùng phức tạp mà bên mua yêu cầu, thậm chí bên bán chấp thuận những hồ sơ mà họ không thể lấy được nhưng họ không hề hay biết. Ví dụ như L/C yêu cầu ngoài vận đơn (Bill of Lading-B/L) người bán phải xuất trình thêm 1 giấy chứng nhận do hãng tầu ký và đóng dấu. Tuy nhiên sau khi giao hàng, hãng tầu chỉ cấp cho người bán giấy chứng nhận có chữ ký mà không đóng dấu của hãng tầu với lý do theo quy định của luật quốc tế áp dụng trong lĩnh vực vận tải biển.

Chính vì thành phần hồ sơ phức tạp này mà khi hàng đến nơi nhưng không thể thực hiện được hồ sơ giấy tờ. Theo đó, Ngân hàng sẽ không chấp nhận thanh toán cho người bán do thiếu hồ sơ giấy tờ và hàng tiếp tục phải để ở cảng mà không thể lấy về gây rất nhiều thiệt hại cho người bán. Có thể thấy đây là trường hợp người mua đã cài một số điều khoản không khả thi để bắt lỗi chứng từ, từ đó làm cơ sở để từ chối nhận hàng hoặc ép người bán giảm giá tiền hàng nếu không muốn chịu thêm chi phí.

Thứ hai, phương thức thanh toán L/C là một phương thức thanh toán an toàn và uy tín thông qua ngân hàng, nhưng chính vì lý do này mà khiến cho nhiều người quá tin tưởng vào vai trò của L/C mà không hiểu rằng phương thức thanh toán L/C là một phương thức thanh toán có điều kiện. Điều này dẫn đến việc người bán đã không kiểm tra kỹ càng các điều kiện và điều khoản của L/C dẫn đến một hậu quả không kiểm tra một cách cẩn thận các yêu cầu khó thực hiện của L/C. Vì vậy, người bán sẽ phải chịu các chi phí có thể rất là lớn và tốn rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện các yêu cầu của L/C.

Thêm nữa, cho dù đã thực hiện theo phương thức thanh toán L/C, nhưng việc thanh toán vẫn dựa trên sự thiện chí của người mua trong việc thực hiện hợp đồng. Như đã nói, hình thức thanh toán bằng L/C là dựa trên cơ sở giao dịch các chứng từ văn bản và ngân hàng phải kiểm tra rất kỹ càng tính chính xác của chứng từ từng chút một và thậm chí từ chỗi thanh toán cả những lỗi nhỏ nhất. Vì thế, mặc dù đã giao hàng đầy đủ, đúng số lượng và chất lượng nhưng vì những lỗi nhỏ trong chứng từ mà người bán chưa được chấp nhận thanh toán. Khi người nhập khẩu không thiện chí, cố ý không muốn thực hiện hợp đồng thì họ có thể dựa vào sai sót cho dù là rất nhỏ của bộ chứng từ để đòi giảm giá, kéo dài thời gian để chiếm dụng vốn của người xuất khẩu, thậm chí từ chối thanh toán. Vì vậy, mặc dù Ngân hàng mở L/C đã cam kết sẽ thực hiện việc thanh toán tín dụng chứng từ nhưng một yếu tố quan trọng để đảm bảo cho sự an toàn của thanh toán quốc tế đó là sự tin tưởng và thiện chí giữa người bán và người mua.

2. Rủi ro người mua

Thứ nhất, như đã nêu ở trên, mặc dù phương thức thanh toán bằng L/C rất an toàn và uy tín, nhưng nó vẫn phụ thuộc vào sự thiệt chí và sự trung thực của người bán và người mua. Vì vậy, khi người bán không có sự thiện chí và cố ý thực hiện những hành động gian lận trong thương mại gây ra thiệt hại cho người mua. Một ví dụ điển hình là một nhà xuất khẩu có chủ tâm gian lận thương mại có thể xuất trình bộ chứng từ giả mạo, có bề ngoài phù hợp với L/C cho Ngân hàng mà thực tế không có hàng giao, người nhập khẩu vẫn phải thanh toán cho ngân hàng ngay cả trong trường hợp không nhận được hàng hoặc nhận được hàng không đúng theo hợp đồng từ người xuất khẩu bởi vì ngân hàng đã thanh toán cho người xuất khẩu khi đã cung cấp đủ hồ sơ, chứng từ như yêu cầu trong L/C. Trên thực tế giải quyết tranh chấp cho khách hàng, chúng tôi cũng đã gặp những trường hợp người xuất khẩu đã …… với nhà sản xuất để làm những chứng từ giả là CO (Certificate of Origin) và CQ (Certificate of Quality) để đáp ứng yêu cầu trong L/C và buộc ngân hàng phải thanh toán. Tại thời điểm đó, người nhập khẩu dù nhận hàng không đúng chất lượng như đã cam kết trong hợp đồng, nhưng vẫn mất số tiền hàng cho người xuất khẩu.

Thứ hai, rủi ro tiếp theo cho người mua đó là việc người nhập khẩu chấp nhận chứng từ do người xuất khẩu lập ra dù chứng từ này không đúng với những chứng từ được yêu cầu trong L/C nhưng vẫn chấp nhận để thanh toán. Khi người bán không cung cấp đầy đủ chứng từ hoặc chứng từ còn rất nhiều thiếu xót, ngân hàng sẽ từ chối thanh toán cho người bán. Tuy nhiên, người bán có thể chèo kéo, dụ dỗ người mua chấp nhận với những lời cam kết về hàng tốt, những khuyến mãi và những lợi ích đi kèm cho người mua. Và khi người mua nhận hàng và chấp nhận thanh toán thì số hàng không đúng yêu cầu có thể là cả về chất lượng cũng như số lượng và làm ảnh hưởng hoạt động kinh doanh đặc biệt là làm mất uy tín trong kinh doanh của người nhập khẩu. Chính vì vậy, người mua cần chú ý đến việc đồng ý chấp nhận thanh toán dù người bán không cung cấp đầy đủ chứng từ hoặc chứng từ nhiều thiếu xót

Thứ ba, rủi ro nữa cho người mua đó là hợp đồng mua bán và LC có thể bị xem xét là hai hợp đồng riêng biệt và không bị ảnh hưởng đến hiệu lực của nhau. Ở Việt Nam, một trong những vụ tranh chấp thư tín dụng (L/C) đã trở thành án lệ số 13 về hiệu lực của thư tín dụng, qua đó công nhận rằng L/C là một giao dịch độc lập với nhau với hợp đồng mua bán được dẫn chiếu theo điều 4 của UCP 600. Và trên thực tế, ở một quốc gia khác, chúng tôi đã tham gia một phiên xử liên quan giữa hành vi vi phạm phương thức thanh toán L/C và việc nhận hàng và thanh toán cho người bán. Ở đây, phương thức thanh toán L/C được quy định thành một điều khoản của Hợp đồng mua bán và gắn liền với điều khoản thanh toán và người bán đã liên tục vi phạm nghiêm trọng về mặt cung cấp đầy đủ chứng từ dẫn tới việc người mua từ chối nhận hàng. Tuy nhiên, trong phiên xử, quyết định được đưa ra nhấn mạnh vào nghĩa vụ giao hàng, nhận hàng và thanh toán và xét L/C là một giao dịch độc lập. Theo đó, người mua phải chịu bồi thường thiệt hại cho người bán do không nhận hàng và thanh toán cho người bán.

3. Giải pháp phòng tránh các tranh chấp xảy ra

Thứ nhất, trước khi đưa LC trở thanh phương thức thanh của mình các bên cần có sự tham vấn bởi các cá nhân, tổ chức có chuyên môn về hồ sơ và chứng từ trong việc thanh toán LC để tránh những chứng từ không cần thiết hoặc không thể thực hiện được đối với người bán và đưa thêm những chứng từ cần thiết để bảo vệ quyền lợi đối với người mua.

Thứ hai, thỏa thuận chặn chẽ về hiệu lực giữa hợp đồng mua bán và L/C và có thể thỏa thuận rõ ràng nếu vi phạm điều khoản thanh toán thông qua phương thức L/C sẽ dẫn tới việc vi phạm hợp đồng và có thể chấm dứt hợp đồng nếu có sự vi phạm nghiêm trọng.

Thứ ba, các doanh nghiệp nên tự trang bị cho mình kiến thức về phương thức thanh toán bằng L/C và tránh việc ỷ lại vào các ngân hàng trong việc tìm hiểu luật pháp, thông lệ quốc tế về phương thức thanh toán này. Điều này là điều vô cùng cần thiết để hạn chế những rủi ro khi sử dụng phương thức thanh toán này.

Từ khóa » Thanh Toán L/c Nhập Khẩu