Rùng Mình Với Thuốc Súng, Phân Bón Làm “tươi” Thịt Thối

Không bao bì, không nhãn mác, không biết tên, chẳng biết tác dụng

Chiều ngày 15/9, khi đến chợ Kim Biên, phường 13, quận 5, TP HCM để tìm hiểu về các loại hóa chất làm tươi thịt cá, mặc dù chúng tôi đã cố tình ăn mặc kiểu dân quán xá, với quần soóc, áo thun, nhưng bà chủ cửa hàng hóa chất L. T. số 40 Kim Biên vẫn nhìn khách có vẻ dò xét, nghi ngại. Khi nghe hỏi mua chất ướp làm tươi thịt cá, bà hỏi: "Có biết tên là chất gì không?". Chúng tôi trả lời rằng chỉ nghe người chủ trước sang quán lại, mách ra đây chứ không biết tên. "Không có!", bà chủ cửa hiệu nói dứt khoát.

Chúng tôi năn nỉ rằng đã được chỉ ra đúng cửa hàng này. Bà chủ cửa hiệu nói: "Không nói tên chất gì không biết được. Chưa pha chế, chưa dùng nên không biết nó có công dụng gì. Hóa chất thì một thứ dùng được nhiều việc khác nhau. Ở đây chỉ biết bán cho khách, mua về làm gì thì làm, tùy".

Chúng tôi vờ đi mươi bước, và như chợt sực nhớ ra, quay lại và nói: "Chỉ nghe nói là bột mốc, chứ tên hóa học không biết". Lúc này gương mặt của bà bán hàng nở hẳn ra.

Cửa hàng của bà có 3 loại bột chống mốc tùy chất lượng. Chúng tôi mua mỗi thứ một lạng nhưng bà chủ cho biết, chỉ bán từ 1 kg trở lên.

Không cần chờ lâu. Người giúp việc xúc ngay trong hai bao chứa chất bột màu trắng đặt trên nền nhà cạnh đó. Không rõ là những thứ gì, vì bột đựng trong bao nilon lớn màu đen và cứ thế xúc bán cân ký như bán muối. Hoàn toàn không có bao bì, đóng gói, không ghi tên là chất gì.

Tương tự, khi chúng tôi hỏi mua NaHSO3, chủ cửa hàng cũng nói là không biết. Nhưng khi nói là để ngâm tẩy thịt cho trắng, bà "à" lên ngay. "Cứ nói mấy cái tên hóa học đó ai mà nhớ được!", bà nói giọng vui vẻ. Lát sau, một can nhỏ loại 1 lít được đưa ra, chỉ ghi một chữ "tẩy" bằng mực bút dạ. Lần nữa chúng tôi gặng hỏi đó là gì, nhưng người bán hàng nói chỉ biết đó là chất tẩy. Kế đến chúng tôi hỏi mua hóa chất làm mềm thịt thì bà chủ không biết. Nhưng nói "sôđa" thì lại có ngay, 40 nghìn đồng một cân.

Bà chủ cầm từng thứ và dặn chúng tôi thứ nào là của Mỹ, thứ nào của Trung Quốc. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi dùng liều lượng ở mức nào thì bà nói không biết!

Chúng tôi mang gói hàng sang cửa hàng Hạnh Xuân cách đó vài căn, chìa gói bột chống mốc và hỏi có loại nào tương tự. Người chủ cửa hàng nhìn thấy, nói: "Loại để giữ thịt tươi lâu này nhiều thứ lắm. Soọc-bíc, còn soọc-bát nữa". Bà chủ đưa ra một bì giấy bạc nửa ký giá 100 nghìn đồng. Hỏi liều dùng, được dặn là 50gr bột cho 100kg thịt. "Cứ bỏ vào nước hòa tan, cho thịt vô ngâm, để mấy ngày không hư".

Các hóa chất mua ở chợ Kim Biên.

Càng tìm hiểu, chúng tôi càng hoảng sợ. Trong gian hàng, trên tường và trên lối đi, trước vỉa hè là can thùng, chai lọ, bao, lon hộp ngổn ngang. Có thứ ghi tên hóa học, nhưng đa số chẳng ghi tên gì, hoặc chỉ viết tên tiếng Việt, kiểu: xả, bóng, chanh (không hiểu đó là chanh gì!), chống ẩm, bột sắt… Ghi rõ hơn tí là gia vel, cồn, hương cà phê, dầu bóng PU… Chúng tôi ớn lạnh bởi lẽ, có rất nhiều loại can bên trong đựng loại nước như nhau, nhiều loại bột đựng trong bao có màu sắc như nhau, không rõ có khi nào người ta xúc lộn, bán nhầm thứ nọ thành thứ kia? Và lo sợ bởi chính người bán cũng nói rõ nhiều thứ hóa chất không biết công dụng là gì, còn người mua sử dụng vào việc gì tùy ý!

Thuốc nổ, phân bón phù phép thịt thối thành thịt tươi!

Đã có lần trên các phương tiện truyền thông cho biết có chất bột làm "tươi" thịt trở lại, gọi là săm-pết hay săm-pét. Nhưng săm-pết là gì thì mãi đến giờ vẫn còn là một thứ bí hiểm, khó hiểu. Ở chợ Kim Biên, khi chúng tôi hỏi mua chất săm-pết, các cửa hiệu không ai biết.

Lần tìm trên các trang mạng và các tài liệu viết về hóa chất, chúng tôi tìm được một số thông tin về chất này. Trên trang web http://daitudien.net, ở mục "Hóa học", bài "Diêm tiêu", có tên ghi chú là "sanpet". Có lẽ chữ "săm-pết" là từ đây? Theo thông tin trên trang này, sanpet chính là chất có tên hóa học là Kali Nitrate (hoặc Nitrate Kali, công thức hóa học KNO3). "Kali Nitrate còn được sử dụng làm chất bảo quản thịt".

Còn trên trang http://hoachatthangloi.com của Công ty cổ phần Hóa chất Thắng Lợi, mục "Hóa chất công nghiệp" giới thiệu chất Kali Nitrate, ghi công thức hóa học của chất này là KNO3 và cũng gọi tên là "xanpet". Và đặc biệt, trang http://trangvangnongnghiep.com ghi rất rõ về chất này: "Kali Nitrate được sản xuất từ mỏ xanh-phết ở vùng Trung Đông".

Kali Nitrate chính là nguyên liệu chính làm phân bón.

Có lẽ không còn nghi ngờ gì nữa, các tên sanpet, xanpet, xanh-pết, sămpết chính là một. Đem điều này hỏi Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm, ông xác nhận chất có tên nôm na là săm-pết đúng là Kali Nitrate, có công thức là KNO3. Từ căn cứ này, chúng tôi tiếp tục lần tìm và phát hiện có rất nhiều trang web nói về Kali Nitrate và có những phát hiện đầy bất ngờ.

Trang http://vicongdong.vn cũng gọi Kali Nitrate là diêm tiêu. Trang này ghi rằng muối diêm hay diêm tiêu là tên gọi dân gian, chỉ hỗn hợp Kali Nitrate, Kali Nitrit. Chất này khi dùng ướp thịt, Nitrate chuyển thành Nitrit, rồi thành Oxit Nitric. Nitrit làm chậm phát triển của độc tố làm hỏng thịt giữ cho thịt chậm ôi, chậm trở mùi, mất mùi, làm cho thịt có màu đỏ tự nhiên, màu đỏ sậm chuyển thành màu hồng nhạt, làm gia tăng màu sắc, hương vị thịt. Trang http://tailieu.vn ghi: "Diêm tiêu là Kali Nitrate, nằm trong chất phụ gia bảo quản thực phẩm. Chất này có tính sát khuẩn nhẹ, đặc biệt là khả năng giữ màu đỏ hồng cho thịt".

Như vậy là đã rõ ràng, Kali Nitrate KNO3 còn gọi là diêm tiêu hay muối diêm, có công dụng bảo quản thịt cá. Và chính nhờ điều này, người ta biến thịt thối thành "tươi". Nhưng thực chất thịt đã ươn thối thì không thể nào tươi mà đó chỉ là màu sắc bên ngoài được thay đổi và người tiêu dùng đã bị đánh lừa. Người ăn phải loại thịt này sẽ bị ngộ độc kép, một là ngộ độc do chính chất hóa học này, và ngộ độc bởi thịt thối biến chất sinh ra nhiều độc tố khác.

Nhưng ở đây có điều đáng nói hơn, là KNO3 cũng chính là thành phần chính dùng trong công nghiệp bào chế phân bón và… thuốc nổ! Trên tất cả các trang mạng, tài liệu đều nói công dụng chính của KNO3 là để chế biến ra hai sản phẩm này. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt viết: "Trong quá khứ, con người đã sử dụng nó để làm một số loại chất nổ. KNO3 là chất nằm trong một phát minh lớn, đó là thuốc súng được người Trung Quốc tìm ra". Trang daitudien.net ghi: "Ở Việt Nam, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, loại này vẫn được điều chế từ đất ở hang dơi để làm thuốc nổ"! Trên nhiều website có nhiều bài viết hướng dẫn cách dùng KNO3 để chế tạo thủ pháo, bom khói. Đây chính là chất được dùng để sản xuất pháo giấy ngày trước.

Kali Nitrate cũng chính là phân bón Kali dùng trong nông nghiệp. Trang daitudien.net ghi: "Thành phần của Kali Nitrate có Kali và Nitơ, hai nguyên tố cần thiết cho cây". Trang trangvangnongnghiep.com ghi rõ: "Trước kia sản phẩm này chủ yếu dùng làm thuốc nổ và một số ít làm phụ gia trong thực phẩm. Mãi sau này người ta mới phát hiện ra những điều kỳ diệu của đạm và kali trong chúng. Đó là chúng rất tốt cho cây trồng nên sử dụng làm phân bón rất hiệu quả".

Vì là chất không cấm mua bán và lưu hành nên mua Kali Nitrate bất cứ đâu và bao nhiêu cũng có. Tại chợ Kim Biên, chúng tôi vào 3 cửa hàng Hạnh Xuân, Phan Yến và Thuận Trí đều có bán loại này. Tuy nhiên khi mua, nếu nói tên săm-pét thì không ai biết, mà hỏi muối diêm thì cửa hàng nào cũng có. Kali Nitrate đựng trong bao 25kg, lượng bán thấp nhất 1kg, giá 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Còn ở tất cả các cửa hàng phân bón đều có bán phân Kali, chất này chiếm thành phần chủ yếu trong phân bón. Tuy nhiên, phân bón Kali không có màu trắng tinh mà có màu đen sẫm, hoặc đỏ do được tạo màu.

Miếng thịt để qua 3 ngày đã ươn thối.

Để tận mục sở thị, chúng tôi đã mua 1kg chất này tại cửa hàng Thuận Trí tại chợ Kim Biên về làm thí nghiệm. Miếng thịt heo đùi để qua mấy ngày đã ươn thối, chảy nhớt, nhưng khi đưa vào hỗn hợp này hòa tan trong nước, chỉ một lát miếng thịt đã tươi hồng trở lại, cứ như vừa mới đem ra từ lò mổ!

Người lao động nghèo bị đầu độc!

Theo trang http://tailieu.vn, thì diêm tiêu hay Kali Nitrate có tính độc khá cao. Do thành phần có Nitrate nên diêm tiêu có ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với người lớn, lượng diêm tiêu ăn vào 1g/lần hay 4g/ngày dù chia làm nhiều lần, có thể gây ngộ độc. Hơn nữa trong Nitrate thường có Nitrit đi kèm, mà Nitrit là một chất rất độc, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành Nitrosamin, có khả năng gây ung thư. Chất này làm suy giảm khả năng vận chuyển oxy đến các tế bào, tăng nguy cơ gây ung thư và đặc biệt nó có thể gây ra triệu chứng xanh xao - hội chứng "blue baby" đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em.

PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm (Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho biết thêm, săm-pết chính là muối natri sunfit, là chất chống thiu, tạo màu, chỉ được phép dùng với liều lượng ít (trong công nghệ sản xuất lạp xường) và thường dùng kèm vitamin C. Nếu dùng săm-pết độc lập (không kèm vitamin C) hoặc dùng quá liều lượng, sẽ dễ tạo ra chất gây ung thư. Còn theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, khi ăn thực phẩm có KNO3 thường mắc ngộ độc trường diễn, hiếm trường hợp mắc ngộ độc cấp tính. Chính vì vậy mà người tiêu dùng càng mất cảnh giác với loại hóa chất tẩy thịt này.

Từ thực tế trên cho thấy, những lô thịt thối chuyển vào TP HCM thời gian qua, nhờ có sự trợ giúp của hóa chất này mà người ta không nghi ngờ gì. Ngày 28/8 vừa qua, Tổ kiểm tra Liên ngành Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức (TP HCM) đã bắt 6 trường hợp vận chuyển thịt gia súc gia cầm lậu và ươn thối. Ông Trần Gia Hinh là chủ nhân khai nhận toàn bộ lô thịt thối được cung cấp cho cơ sở chuyên cung cấp khẩu phần ăn cho công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương).

Trước đó cơ quan chức năng phát hiện cơ sở của ông Nguyễn Văn Tý ở xã Hố Nai 3 (Trảng Bom, Đồng Nai) 1 tấn nội tạng bò đã được tẩy trắng, cùng nhiều loại hóa chất như sô-đa, bột mốc, hàn the, phèn chua... Chủ nhân khai nhận, số lòng bò này được "xử lý" sẽ đưa đi tiêu thụ tại các quán nhậu. Hiện mỗi ngày, các trạm kiểm dịch động vật ở các cửa ngõ TP HCM vẫn bắt giữ hàng tấn thịt, phụ phẩm gia súc gia cầm lậu,đa phần đều có chứa hóa chất độc hại.

Tuy nhiên KNO3 có nhiều công dụng và không thể thiếu trong cuộc sống, nên chất này được mua bán tự do. Vì vậy những người mua bán thực phẩm, chế biến thực phẩm thành thức ăn đã lợi dụng để sử dụng vào mục đích khác có hại cho sức khỏe cộng đồng. Từ đây, những thứ thực phẩm đã hoàn toàn biến chất này đi vào các khu công nghiệp đầu độc công nhân, vào các quán cơm, quán nhậu bình dân đầu độc sức khỏe người lao động.

Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, thịt tươi khô ráo, màu tươi tự nhiên. Miếng thịt rắn chắc, đàn hồi, mềm, dẻo và dính. Khi ấn tay vào và bỏ ra miếng thịt trở về hình dáng cũ. Trong khi đó thịt ôi xử lý hóa chất vẫn có nhớt rỉ ra, cắt ra miếng thịt bị ướt. Thịt ươn chỉ cứng bề mặt, còn bên trong nhão. Do mất tính đàn hồi nên khi ấn tay vào và bỏ ra thì dấu lõm không trở lại bình thường ngay được.

Chi cục Thú y TP HCM hướng dẫn cách nhận biết: Thịt tươi mới da có màu trắng hơi hồng, mỡ trắng hồng, sớ thịt có màu hồng tự nhiên. Dùng tay ấn vào sẽ nhận thấy có độ đàn hồi, có độ rít. Thịt hư thối không còn đàn hồi, trơn, rỉ dịch nhớt, cắt bên trong có màu tái.

TS Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học Trường đại học Bách khoa TP HCM, phân biệt thịt đã chế biến trong các quán ăn: Thịt tươi nấu rồi vẫn có độ dẻo. Trong khi thịt ươn xử lý hóa chất khi nhai hoặc mủn nát, hoặc có độ dai, giòn cao bất thường. Tức là khi cắn, thực phẩm sẽ bị đứt ngay.

Từ khóa » Diêm Tiêu Natri Là Chất Nào Sau đây