Rung Nhĩ Là Gì, Triệu Chứng Và Lưu ý Khi điều Trị Bệnh | Medlatec

1. Rung nhĩ là gì?

Trước hết để hiểu về rung nhĩ - một loại rối loạn nhịp tim, chúng ta hãy tìm hiểu về cấu tạo và hoạt động của trái tim.

Rung nhĩ có thể gây đột quỵ và ngừng tim

Rung nhĩ có thể gây đột quỵ và ngừng tim

1.1. Cấu tạo và hoạt động của tim

Tim là cơ quan nội tạng quan trọng hàng đầu của con người, nó giữ vai trò bơm máu mang theo oxy, chất dinh dưỡng cho khắp các tế bào trong cơ thể, đồng thời tạo áp lực để hút máu từ tĩnh mạch về để thực hiện quá trình hô hấp. Để đảm nhiệm chức năng này, trái tim được cấu tạo đặc biệt như một khối cơ rỗng gồm 4 buồng. Tế bào tim có vai trò phát xung điện kích thích để cơ tim co bóp đều đặn.

Buồng trên của tim gọi là tâm nhĩ - nơi nhận máu tuần hoàn lại sau khi đi nuôi cơ thể và nhận máu từ phổi. Buồng dưới của tim gọi là tâm thất, nơi nhận máu từ tâm nhĩ. Sau đó, máu được đưa lên phổi để nhận oxy, rồi đi nuôi các cơ quan.

Bộ phận của tim có vai trò tạo ra xung động điện, điều khiển sự co bóp tuần hoàn máu của tim là nút xoang. Nút xoang được tạo nên từ những tế bào cơ tim biệt hóa, tạo và lan tỏa xung động điện đến khắp tế bào cơ tim. Xung điện đến tâm nhĩ giúp tâm nhĩ co bóp tống máu xuống tâm thất, đồng thời nhận máu nuôi trở về. Xung điện đến tâm thất giúp hai tâm thất cùng co bóp để đẩy máu lên phổi và đi nuôi cơ thể.

Tim co bóp liên tục giúp duy trì sự sống cho con người

Tim co bóp liên tục giúp duy trì sự sống cho con người

Quá trình tạo xung điện và co bóp này của tim diễn ra đều đặn suốt ngày đêm, từ khi thai nhi trong bụng mẹ cho đến khi sinh ra, lớn lên và chết đi. Trung bình, mỗi phút tim đập khoảng 60 - 100 lần, những khi gắng sức hoặc bệnh lý, tim có thể đập nhanh hơn.

1.2. Rung nhĩ là gì?

Bất cứ bất thường trong quá trình tạo và lan truyền xung điện của tim đều khiến việc co bóp của tim bị rối loạn. Có nhiều loại rối loạn nhịp tim, rung nhĩ là một trong số đó. Rung nhĩ xảy ra khi xung động điện không do nút xoang phát ra mà xuất phát từ nhiều vị trí của tâm nhĩ. Lúc này, cơ tim hoạt động liên tục theo xung điện chứ không đồng bộ và nhịp nhàng.

Thông thường ở bệnh nhân rung nhĩ, xung điện xuất hiện có thể hơn 400 lần mỗi phút. Tình trạng xung điện quá nhiều và không đều này khiến cơ tim co bóp và bơm máu không hiệu quả. Trường hợp bệnh nhẹ sẽ làm suy giảm chức năng tim, rối loạn năng có thể gây giảm bơm máu ra khỏi tim, làm tụt huyết áp đột ngột nguy hiểm đến tính mạng.

2. Triệu chứng và biến chứng của rung nhĩ

Rung nhĩ là chứng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, tùy vào mức độ bệnh mà chức năng tim bị ảnh hưởng nhẹ hay nghiêm trọng. Triệu chứng rung nhĩ thường không đặc trưng, nó khác nhau ở tùy bệnh nhân ở những độ tuổi, nguyên nhân và ảnh hưởng đến khả năng co bóp của tim như thế nào.

Rung nhĩ có thể âm thầm không gây triệu chứng gì

Rung nhĩ có thể âm thầm không gây triệu chứng gì

Đôi khi bệnh nhân bị rung nhĩ nhưng hoàn toàn không có triệu chứng gì, song ở một số khác triệu chứng rầm rộ xuất hiện ngay khi bệnh khởi phát. Cụ thể, người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng bao gồm:

Cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng

Đây là triệu chứng điển hình ở người bệnh rung nhĩ, nguyên nhân do chức năng tim suy giảm, máu co bóp đi nuôi cơ thể kém, tế bào không có đủ năng lượng hoạt động dẫn tới mệt mỏi, mất sức. Cảm giác mệt mỏi này có thể xuất hiện cả khi người bệnh nghỉ ngơi.

Nhịp tim bất thường

Xung động điện đến tim bất thường khiến tim co bóp bất thường, vì thế mà nhịp tim thể hiện có thể nhanh hoặc chậm hơn bình thường.

Cảm giác hồi hộp

Tim đập nhanh, rộn ràng có thể nhận thấy dễ dàng, tình trạng này thường đến bất chợt và không thường xuyên.

Giảm thể lực

Hoạt động của tim suy giảm dẫn đến khả năng đáp ứng của cơ thể với vận động thể lực cũng kém đi. Người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, mất sức khi hoạt động thể lực bình thường như: đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, thậm chí là làm việc bình thường.

Đau tức ngực

Triệu chứng này có thể xuất hiện do chứng rung nhĩ hoặc biến chứng của bệnh. Cần cẩn thận nếu cơn đau tức ngực nặng, kéo dài kèm theo khó thở.

Dựa trên triệu chứng bệnh, nếu nghi ngờ do rung nhĩ, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán xác định bằng các xét nghiệm cận lâm sàng, tiêu biểu là điện tâm đồ. Điện tâm đồ để chẩn đoán rung nhĩ gồm nhiều loại, cho phép theo dõi hoạt động của tim trong thời gian ngắn hoặc dài, liên tục hoặc theo triệu chứng.

Rung nhĩ có thể dẫn tới đột quỵ

Rung nhĩ có thể dẫn tới đột quỵ

Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể dẫn tới đột quỵ, mặc dù không phải tất cả trường hợp mắc bệnh đều gây ra biến chứng này. Nếu phát hiện bệnh, cần điều trị sớm và tích cực do rung nhĩ làm giảm cung lượng tim, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông - biến chứng tiềm ẩn nguy hiểm.

3. Lưu ý gì trong điều trị và theo dõi rung nhĩ?

Cần chẩn đoán chính xác bệnh và mức độ bệnh dựa trên triệu chứng, thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Việc điều trị cần được thực hiện ngay và tích cực để phòng ngừa biến chứng cũng như nhanh chóng kiểm soát được bệnh.

Ba mục tiêu chính mà điều trị rung nhĩ cần đạt được là:

  • Kiểm soát tần số thất.

  • Ngăn ngừa hình thành huyết khối bằng thuốc chống đông.

  • Chuyển rung nhĩ về nhịp xoang.

Theo đó, có nhiều phương pháp đang được y học sử dụng để điều trị rung nhĩ như: sốc điện chuyển nhịp, triệt đốt rung nhĩ, điều trị nội khoa bằng thuốc chống đông máu, sốc điện phục hồi nhịp tim,… Đặc biệt nếu rung nhĩ ở bệnh nhân mắc bệnh tim mạch, biến chứng có thể tới nhanh và nguy hiểm hơn, cần điều trị bệnh lý ưu tiên kết hợp phòng ngừa biến chứng rung nhĩ.

Bệnh nhân rung nhĩ cần dùng thuốc chống đông máu

Bệnh nhân rung nhĩ cần dùng thuốc chống đông máu

Như vậy, rung nhĩ là dạng rối loạn nhịp tim nguy hiểm, tiềm ẩn biến chứng cao như tắc mạch máu do huyết khối, đột quỵ, suy tim,… Tuy nhiên nếu phát hiện sớm và điều trị tích cực, hầu hết các trường hợp bệnh đều có thể kiểm soát được. Hãy đi thăm khám chuyên khoa nếu bạn có dấu hiệu bệnh nghi ngờ do rung nhĩ.

Từ khóa » Sốc điện Trong Rung Nhĩ