Rút Thẻ đầu Năm: Thẻ Xấu Không đáng Lo

Người đi lễ chùa rút quẻ thẻ với mong muốn sẽ gặp nhiều may mắn, tốt đẹp, an lành trong năm mới. Đây là phong tục được nhân dân lưu giữ từ lâu và trở thành nét đẹp văn hóa mỗi dịp tết đến, xuân về.

Rút thẻ là nét văn hóa lâu đời

Nhà sưu tầm văn hóa dân gian Đỗ Văn Giảng cho biết, từ xa xưa người Việt Nam đã biết đến rút quẻ thẻ. Vào ngày đầu năm mới, người dân đến chùa, miếu và thường rút thẻ xem vận may rủi trong năm. Trong các kỳ lễ hội lớn trong năm, người ta cũng tổ chức rút quẻ thẻ.

Theo tục cũ, người dân đi chùa sau khi dâng lễ xong sẽ lắc mạnh ống gỗ đựng các quẻ thẻ cho đến khi một chiếc thẻ rơi ra ngoài. Khi đó, người rút thẻ sẽ chọn lấy chiếc thẻ đó và nhờ thầy trong chùa giải thẻ. - 1Vào ngày đầu năm mới, người dân đến chùa, miếu và thường rút thẻ xem vận may rủi trong năm. Ảnh: Hòa Anh

Nội dung trong các quẻ thẻ nói về bản mệnh (bản thân người rút thẻ); gia trạch (nói về gia đình người rút quẻ thẻ); hành vân (nói về công việc đi làm ăn xa); cầu danh (nói về con đường công danh trong năm mới); thất vật (xem có bị mất mát gì không); hôn sự (nói về con đường tình duyên)…

Ở đình, chùa thường có khoảng 120 que thẻ được đánh số thứ từ 1 đến 120 để trong ống gỗ, trong đó mỗi một số tương ứng với nội dung. Quẻ thẻ làm bằng gỗ, viết bằng tiếng Hán hoặc tiếng Việt. Trên một số thẻ viết bằng chữ tiếng Việt, người dân được giải nghĩa sẵn trên giấy. - 2Nhà sưu tầm văn hóa dân gian Đỗ Văn Giảng

“Tuy nhiên hiện nay, phần lớn ở các đền, chùa, họ vẫn dùng thẻ quẻ có chữ Hán với mục đích để cho thẻ quẻ thêm linh thiêng, huyền bí. Người đi rút thẻ thấy thẻ này sẽ thấy tin tưởng vào nội dung thầy giải thẻ nói”, ông Giảng nói.

Thông thường trên quẻ thẻ viết bằng chữ Hán thường có 4 câu phú và một câu tổng quát về quẻ thẻ ấy xem ý nghĩa chung thế nào. Ví dụ, trên quẻ thẻ có 4 câu phú “Long vân tế hội” (Rồng mây gặp hội). Nếu ai bốc được thẻ quẻ này sẽ gặp nhiều may mắn, công việc suôn sẻ, thành đạt.

Hay như câu phú “Long đầu ý thủy” (Rồng vườn trên mặt nước). Hình tượng này báo cho người có thẻ thông điệp trong năm sẽ nhận nhiều niềm vui về duyên phận, đi làm ăn xa sẽ thuận lợi, danh vọng thăng tiến.

Theo ông Giảng, tất cả các quẻ thẻ ở đình, chùa, về nội dung cơ bản là giống nhau, chỉ có khác nhau về tên gọi hoặc số thứ tự các loại quẻ thẻ.

“Không quá tin tưởng vào nội dung quẻ thẻ”

Ông Giảng cho hay, có nhiều người rút được quẻ thẻ phản ánh đúng tâm trạng, hoàn cảnh hiện tại của mình thấy như được chia sẻ và an ủi phần nào. Tuy nhiên, nhiều quẻ thẻ xấu lại khiến người rút quẻ lo lắng, buồn phiền đến mất ăn mất ngủ.

Điều đó xuất phát từ tâm lý thiếu tự tin, khả năng làm chủ kém, dễ bị ảnh hưởng của tác động khách quan của người đi rút thẻ. Những người như vậy thường quá tin, dễ tin và dẫn đến mê tín. Thầy giải thẻ nói gì họ cũng nghe, nhất là khi bốc phải thẻ quẻ không tốt, dễ dẫn tới hoang mang… - 3Đền Sái,Thụy Lôi (Đông Anh, Hà Nội) vào những ngày lễ Tết nườm nượp người dân đến rút quẻ thẻ. Ảnh: Hòa Anh - 4Nhiều thầy giải quẻ ở Đền Sái hành nghề vào đầu năm. Ảnh: Hòa Anh

“Việc rút thẻ đầu năm là một nét văn hóa có từ lâu đời của người dân Việt Nam, nó cũng có một số điểm tích cực nhất định. Tuy nhiên, cũng có những quẻ thẻ không hoàn toàn đúng bởi ý nghĩa của các quẻ thẻ không phải rõ ràng, trong câu chữ diễn đạt không chuẩn. Do đó đã tạo tâm lý bi quan, chán nản cho người đi rút thẻ trong một thời gian dài”, ông Giảng chia sẻ.

Nhà sưu tầm văn hóa dân gian cho biết thêm, có rất nhiều người làm nghề giải thẻ nhưng không am hiểu sâu sắc quẻ thẻ đã có ý hiểu lệch, hiểu quá đi ý nghĩa của thẻ. Khi giải thẻ cho người dân, họ gieo cho người đi xin thẻ một hy vọng quá lớn vào điều nó không bao giờ xảy ra hoặc quá hoang mang về một điều xấu. - 5Tất cả các quẻ thẻ ở đình, chùa, về nội dung cơ bản là giống nhau, chỉ có khác nhau về tên gọi hoặc số thứ tự các loại quẻ thẻ. Ảnh: Hòa Anh

“Tôi thấy hình thức rút quẻ thẻ đầu năm cũng giống như việc người dân đi xin lộc đầu năm. Do đó, người dân không nên tin tưởng quá vào nội dung trong quẻ thẻ. Người dân rút được quẻ thẻ với nội dung tốt hay xấu thì cũng nên vui và coi đó giống như đi vui xuân đầu năm”, ông Giảng nêu quan điểm.

Cũng theo ông Giảng, có một số người đi rút thẻ đầu năm, gặp phải thẻ tốt, công việc trong năm ấy thuận lợi, con đường công danh thăng tiến thêm một bậc. Nhưng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, chứ không phải là thánh thần ban cho bản thân người rút thẻ điều ấy. Do vậy, người dân nên lạc quan, phấn chấn trong năm mới để làm việc hiệu quả hơn.

Từ khóa » Các Quẻ Trong Chùa