Sắc Vàng Cây Cơm Nguội - Tuổi Trẻ Online

L1tfRTb0.jpgPhóng to

Minh họa: Mặc Tuân

Chỉ bằng một câu hát như thế (trong ca khúc Nhớ mùa thu Hà Nội) mà Trịnh Công Sơn đã mặc định cho loài cây ấy một vị trí không thể thiếu được trong bức tranh thu nhiều thanh âm và màu sắc chốn Hà thành, trong nỗi nhớ lơ đãng dịu dàng mỗi độ thu sang từ một sắc lá vàng mang tên cơm nguội.

Và cũng chỉ là chút nhớ mơ hồ vậy thôi, chứ dường như rất ít người có thể hình dung, mường tượng được cụ thể hình dáng, đường nét của cây cơm nguội - khi mà chúng chỉ nằm rải rác trên một vài con phố, bị chìm khuất, lẫn đi giữa những vòm cao của nhiều loài cây khác nổi bật và dễ nhận diện hơn (như xà cừ, me, sấu, sao đen...), trầm lặng như một cô thôn nữ đẹp mà khép nép, tự ti với cái tên có phần thô mộc người đời đặt cho.

Tôi đã có những chiều đạp xe lang thang qua nhiều con phố chỉ để "xem mặt" loài cây mang một cái tên giản dị, quê mùa giữa lòng phố trong câu hát mùa thu của Trịnh như thế. Cuối tháng tám, lá cơm nguội bắt đầu bạc dần đi cái màu cốm xanh của mình, thân lá mỏng lại dần ngả vàng giữa tháng chín và buông mình xoay tròn trong gió, rụng vàng au trên những lối phố, vỉa hè của những chiều tháng mười nồng nàn hoa sữa. Cơm nguội kết quả, chín vào mùa hè và khô lại, rụng theo lá giữa mùa thu, và bởi thịt quả có vị giống hạt cơm nguội nên người ta mới gọi cây bằng tên từ mùi vị của quả.

Cơm nguội là loài cây gỗ duy nhất ở Hà Nội có lá vàng vào mùa thu, góp thêm chút tình cho phố dịu dàng những bâng khuâng. Chúng được trồng rải rác ở một vài trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Trần Khánh Dư...

Nhiều hơn cả là cuối đường Yên Phụ (đoạn tiếp giáp với đường Nghi Tàm), ước chừng có khoảng gần 50 cây cơm nguội vai kề vai bên nhau thầm lặng đếm thời gian, vui buồn qua sóng hồ Tây mơn man vọng lại, qua những hơi thở mang vị phù sa mặn nồng của gió sông Hồng đưa tới...

Trải dài bên bờ hồ Gươm - quãng từ Bưu điện Hà Nội cho đến tận Ủy ban nhân dân thành phố, lẫn giữa những vòm cao của lộc vừng, đa, gạo, sấu, xà cừ, phi lao, vông, mõ, bằng lăng... vẫn có thể nhận ra những vòm lá cơm nguội vàng lên trong nắng thu hiền lành.

Có đôi lần tôi ngồi chung ghế đá với một bà cụ tập thể dục buổi sáng dưới vòm cơm nguội, được nghe bà kể về những năm tháng tuổi thơ gắn với bờ hồ này, với những ngày đói kém trèo lên cây sếu (tên gọi khác của cây cơm nguội) hái lá bánh tẻ mang về thái nhỏ nấu canh ăn. Đám con trai ngày ấy thì thường dùng quả cơm nguội làm đạn chơi trong trò bắn súng phốc bằng ống trúc, cứ thập thò rình ai trèo lên cây hái lá là thổi quả bắn, tiếng cười giòn tan vỡ theo sóng loang đầy mặt hồ thu...

Hà Nội có những cây cơm nguội lớn, sống dài hơn cả một đời người. Người thì cuối đời như lá vàng phai, rụng xuống trong chiều về lòng đất mẹ. Chỉ cây là bền bỉ, dẫu thân cành khô héo giữa mùa đông, bén chút hơi xuân khi mùa về đến là lại cựa mình hồi sinh, lấm tấm những chấm li ti màu đồng bám đầy cành, tắm mình trong mưa xuân ngọt lành trổ thành lá non.

Cây lao xao đong đếm những vui buồn, những đổi thay của đất trời, của đời người, để giữa rất nhiều hình ảnh đặc trưng (như mùi hoa sữa, thơm cốm làng Vòng, hồ Tây bàng bạc sương khói...) thì cây cơm nguội vàng vẫn luôn được người đi xa Hà Nội nhắc nhớ; là niềm mong ngóng một lần đến thăm của những ai biết yêu Hà Nội từ một câu hát và giai điệu trữ tình của Trịnh mỗi độ Hà Nội vào thu...

D0HZ2O61.jpgPhóng to

Áo Trắng số 18 (ra ngày 1-10-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Từ khóa » Cây Cơm Nguội Vàng Là Gì