[Sách Giải] Thánh Gióng - Sách Giải
Có thể bạn quan tâm
Xem toàn bộ tài liệu Lớp 6: tại đây
Xem thêm các sách tham khảo liên quan:
- Giải Vở Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6
- Tác Giả – Tác Phẩm Văn Lớp 6
- Đề Kiểm Tra Ngữ Văn Lớp 6
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 1
- Sách giáo khoa ngữ văn lớp 6 tập 2
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 6 Tập 1
- Sách Giáo Viên Ngữ Văn Lớp 6 Tập 2
- Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6 Tập 1
- Bài Tập Ngữ Văn Lớp 6 Tập 2
Đề bài: Phân tích truyền thuyết Thánh Gióng
Bài làm
Trong kho tàng truyền thuyết Việt Nam, chủ đề đánh giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước là chủ đề phổ biến. Và trong chuỗi các truyền thuyết có cùng chủ đề ta không thể không nhắc đến truyền thuyết Thánh Gióng. Tác phẩm nằm trong hệ thống truyền thuyết về thời đại Hùng Vương dựng nước, qua câu chuyện này ta thấy ngay từ buổi đầu dựng nước, dân tộc ta đã phải đối mặt với nạn giặc xâm lược, công cuộc dựng nước luôn gắn liền với công cuộc giữ nước, đồng thời thấy được tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của ông cha.
Hình tượng Thánh Gióng là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, sức chiến đấu kiên cường, quật khởi của dân tộc ta. Thánh Gióng được sinh ra một cách thần kì, bà mẹ đi ra đồng ướm chân vào một bàn chân lớn, về nhà bà thụ thai, mười hai tháng sau sinh ra Thánh Gióng – một cậu bé khôi ngô tuấn tú, nhưng lên ba vẫn chưa biết nói, biết cười, đặt đâu nằm đấy. Và cậu bé ấy chỉ cất tiếng nói khi nghe sứ giả tìm người đi đánh giặc. Lời nói đầu tiên của cậu chính là lời xin đi đánh giặc cứu nước, điều đó cho thấy ý thức công dân của con người phi thường này.
Sau tiếng nói thần kì, Thánh Gióng ăn không biết no, quần áo không còn mặc vừa. Trước sự kì lạ của Gióng, dân làng mang gạo sang nuôi Gióng cùng bố mẹ. Chi tiết này cho thấy rõ lòng yêu nước và sức mạnh tình đoàn kết của dân tộc ta. Khi có giặc đến dân ta đồng lòng, giúp sức để đánh đuổi giặc xâm lược, hơn thế nữa sự trưởng thành của người anh hùng Thánh Gióng còn cho thấy, sự lớn mạnh của Gióng xuất phát từ nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng mà lớn lên. Gióng lớn nhanh như thổi, khi giặc đến chân núi Trâu cậu bé ba tuổi vươn vai trở thành một tráng sĩ, oai phong, lẫm liệt. Sự lớn lên của Gióng càng đậm tô hơn mối quan hệ giữa sự nghiệp cứu nước và người anh hùng: để đáp ứng yêu cầu lịch sử, Gióng phải lớn nhanh để phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, Gióng phải khổng lồ về vóc dáng, ý chí thì mới có thể đảm đương được trọng trách lúc bấy giờ.
Bằng sức mạnh phi thường, Gióng đánh tan hết lớp giặc này đến lớp giặc khác, khi roi sắt gãy, Tháng Gióng không hề nao núng, nhổ những bụi tre ven đường để tiếp tục chiến đấu với kẻ thù cho đến khi chúng hoàn toàn bị tiêu diệt. Để làm nên những chiến công thần kì, không chỉ có những thứ vũ khi hiện đại (roi sắt, áo giáp sắt) mà còn là cả những vũ khí thô sơ nhất (bụi tre). Sau khi đánh tan giặc xâm lược, Gióng đến chân núi Sóc rồi bỏ lại áo giáo một mình một ngựa bay về trời. Người anh hùng sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu nước không màng danh lợi, phần thưởng, trở về tiên giới. Gióng đến trần gian chỉ với một mục đích duy nhất đó là dẹp quân xâm lược để mang lại bình yên cho nhân dân, cho đất nước. Điều đó càng đậm tô hơn nữa phẩm chất anh hùng của Thánh Gióng. Đồng thời chi tiết này cũng thể hiện sự bất tử của Gióng trong lòng mọi người, Gióng về trời cũng là về cõi vô biên, bất tử mãi mãi trường tồn cùng đất nước, dân tộc.
Tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố thần kì (sinh nở thần kì, lớn nhanh như thổi, bay về trời) với hình tượng người anh hùng. Thánh Gióng là một hình ảnh đẹp đẽ biểu tượng cho lòng yêu nước và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm xâm lược. Thánh Gióng là hình tượng bất tử trong lòng dân tộc Việt Nam.
Đề bài: Phân tích nhân vật Thánh Gióng
Bài làm
Truyền thuyết Thánh Gióng nằm trong hệ thống các truyền thuyết thời kì Hùng Vương, nói về quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong truyền thuyết nổi bật lên là hình tượng người anh hùng Thánh Gióng với sức mạnh vô địch, kiên cường, anh dũng là đại diện tiêu biểu cho tinh thần đấu tranh quật khởi của dân tộc ta trước giặc ngoại xâm xâm lược.
Là một người anh hùng với sức mạnh phi thường bởi vậy sự ra đời của Thánh Gióng cũng thật khác thường, không phải được mẹ mang thai chín tháng mười ngày mà Gióng được mẹ sinh sau một lần ướm thử vào vết chân lạ, mang thai đến mươi hai tháng sau mới hạ sinh Gióng. Không dừng lại ở đó, Gióng sinh ra khôi ngôi, tuấn tú nhưng đã lên ba mà vẫn đặt đâu ngồi đó, không biết nói cũng chẳng biết cười. Có lẽ đây chính là dấu hiệu của một con người phi thường. Tiếng nói đầu tiên của Gióng cho thấy ý thức và trách nhiệm của một công dân trước vận mệnh dân tộc ấy là tiếng nói đòi đi đánh giặc. Qua tiếng nói của Gióng các tác giả dân gian đồng thời gửi gắm tinh thần ý thức đánh giặc, cứu nước của dân tộc ta.
Thánh Gióng ăn không biết no, quần áo vừa mặc xong đã chật, gia đình Gióng không còn đủ sức nuôi con, bởi vậy, bà con hàng xóm đã góp gạo cùng gia đình Gióng để nuôi lớn cậu bé. Gióng lớn lên bằng sức mạnh, bằng tình yêu thương và sự đoàn kết của dân làng. Đó cũng chính yếu tố làm nên sức mạnh phi thường của Gióng. Sức mạnh của Gióng là sự tổng hợp sức mạnh của dân tộc ta. Thế giặc ngày càng mạnh, khi giặc đến gần, Gióng vươn vai biến thành tráng sĩ oai phong, lẫm liệt, Gióng mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt và nhảy lên mình ngựa phi đến chỗ giặc. Với sức mạnh phi thường của mình Gióng đã đánh dẹp hết lớp này đến lớp khác. Dù roi sắt gãy cũng không làm Gióng nản chí, Gióng nhổ ngay những bụi tre bên đường để đánh đuổi giặc. Trước sức mạnh Gióng, giặc hồn tan phách lạc, chẳng mấy chốc đã bị dẹp hết.
Người anh hùng Thánh Gióng đã làm nên chiến công thần kì, đem lại tự do, hòa bình cho dân tộc. Nhưng người anh hùng đó còn sáng ngời về nhân cách, không tham lam danh vọng bổng lộc, sau khi dẹp giặc Gióng bay về trời. Đồng thời chi tiết này cũng thể hiện sự bất tử của Gióng trong lòng mọi người, Gióng về trời cũng là về cõi vô biên, bất tử mãi mãi trường tồn cùng đất nước, dân tộc.
Nhân vật được xây dựng bằng sự kết hợp giữa yếu tố thần kì và yếu tố anh hùng ca. Yếu tố thần kì được thể hiện ngay từ cách thụ thai, sự ra đời của Gióng, không chỉ vậy Gióng còn có sức mạnh kì diệu, lớn nhanh như thổi, vươn vai thành tráng sĩ để đánh đuổi giặc xâm lược. Gióng còn là hình tượng mang đậm dấu ấn anh hùng với vẻ đẹp kì vĩ (sinh ra từ vết chân lớn, vươn mình thành tráng sĩ,…). Sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố đó đã khái quát hóa, lí tưởng hóa hình tượng Gióng để Thánh Gióng trở thành biểu tượng bất tử cho lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Thánh Gióng là một hình tượng đẹp đẽ của dân tộc ta. Qua hình tượng Thánh Gióng các tác giả dân gian đề cao truyền thống yêu nước bất khuất và sức mạnh của dân tộc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.
Đề bài: Em hãy kể tóm tắt truyện Thánh Gióng
Bài làm
Vào đời vua Hùng Vương thứ sáu. Ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão tuy chăm chỉ làm ăn, lại có tiếng là phúc đức nhưng mãi không có con. Một hôm bà vợ ra đồng ướm chân vào một vết chân to, về thụ thai và mười hai tháng sau sinh ra một cậu con trai khôi ngô. Điều kì lạ là tuy đã lên ba tuổi, cậu bé chẳng biết đi mà cũng chẳng biết nói cười.
Giặc Ân xuất hiện ngoài bờ cõi, cậu bé bỗng cất tiếng nói xin được đi đánh giặc. Cậu lớn bổng lên. Cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa may xong đã chật, bà con phải góp cơm gạo nuôi cậu. Giặc đến, cậu bé vươn vai thành một tráng sĩ, mặc giáp sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt xông ra diệt giặc. Roi sắt gẫy, Gióng bèn nhổ cả những bụi tre bên đường đánh tan quân giặc.
Giặc tan, Gióng một mình một ngựa trèo lên đỉnh núi rồi bay thẳng lên trời. Nhân dân lập đền thờ, hàng năm mở hội làng để tưởng nhớ. Các ao hồ, những bụi tre đằng ngà vàng óng đều là những dấu tích về trận đánh của Gióng năm xưa.
Đề bài: Kể tóm tắt truyện Thánh Gióng
Bài làm
Tục truyền đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có một đôi vợ chồng già chăm chỉ, tốt bụng nhưng không có con. Một hôm, người vợ ra đồng thấy vết chân khổng lồ bén ướm chân thử, không ngờ ít lâu sau thụ thai. Mười hai tháng sau, bà sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô nhưng đến ba tuổi vẫn không biết nói cười, đặt đâu nằm đó.
Lúc bấy giờ giặc Ân đang lộng hành, vua sai xứ giả đi khắp nơi tìm người tài giúp nước. Nghe tiếng rao, đứa bé bỗng bật dậy, cất tiếng nói cho mời sứ giả vào, con căn dặn sứ giả về tâu vua rèn cho một con ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt. Kì lạ thay, sau hôm gặp sứ giả, đứa bé lớn nhanh như thổi, ăn mấy cũng không no. Hai vợ chồng ông lão làm bao nhiêu cũng không đủ nuôi bèn nhờ hàng xóm cùng góp công nuôi dưỡng. Thế giặc ngày càng mạnh, vừa lúc sứ giả đem đồ đến, cậu bé vùng dậy biến thành một tráng sĩ cao lớn, oai phong, lẫm liệt. Tráng sĩ mặc áo giáp sắt, cầm roi sắt, nhảy lên mình ngựa ra trận. Thánh Gióng đánh đâu thắng đó, roi sắt gãy người bèn nhổ bụi tre bên đường làm vũ khí đánh tan quân giặc.
Khi giặc rút lui, Gióng một mình một ngựa lên đỉnh núi Sóc rồi bay về trời. Từ đó nhân dân lập đền, mở hội hằng năm để tưởng nhớ công lao của thánh Gióng. Đến nay dấu tích của trận đánh xưa vẫn còn, đó là các ao hồ và những rặng tre đằng ngà vàng óng.
Đề bài: Kể diễn cảm truyện Thánh Gióng
Bài làm
Chuyện xưa kể rằng, vào đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng. Gióng thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, có hai vợ chồng ông lão chăm chỉ làm ăn và nổi tiếng là nhân hậu, phúc đức, nhưng họ buồn vì tuổi đã cao mà chưa có được mụn con nối dõi tông đường.
Một hôm, bà vợ ra đồng, bỗng nhìn thấy một vết chân to lạ thường. Tò mò, bà đặt chân mình vào ướm thử. Không ngờ bà thụ thai và sau mười hai tháng sinh hạ được một cậu con trai bụ bẫm, khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm, thầm cảm ơn Trời Phật đã ban phúc cho gia đình họ. Nhưng khổ thay ! Đứa bé đã lên ba mà vẫn không biết đi, không biết nói, không biết cười, cứ đặt đâu nằm đấy.
Lúc bấy giờ, giặc Ân lăm le xâm chiếm nước ta. Thế giặc rất mạnh. Nhà vua lo sợ bèn sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Nghe tiếng rao của sứ giả, cậu bé đang nằm ngửa trên chiếc chõng tre chợt cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây!“. Bà mẹ ngạc nhiên và vui mừng khôn xiết. Sứ giả vào, cậu bé bảo: “Ông về tâu với vua cấp cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này“.
Sứ giả vô cùng kinh ngạc và mừng rỡ vội về tâu vua. Nhà vua ra lệnh triệu tập những thợ rèn giỏi trong cả nước, ngày đêm làm gấp những thứ chú bé dặn.
Điều kỳ lạ nữa là sau khi gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không đủ no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Cha mẹ cậu làm lụng quần quật vẫn không kiếm đủ gạo để nuôi con. Thấy vậy, dân làng vui lòng xúm vào góp gạo nuôi cậu bé. Ai cũng mong cậu giết giặc, cứu nước.
Giặc Ân đã tràn đến núi Trâu. Thế nước rất nguy, người người lo lắng. Vừa lúc đó sứ giả mang giáp sắt, roi sắt và ngựa sắt tới. Cậu bé bỗng vùng dậy, vươn vai một cái biến thành tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ mặc giáp sắt, tay cầm roi sắt, cưỡi lên mình ngựa sắt. Chàng thúc vào mông ngựa, ngựa sắt hí vang, phun lửa và phi nhanh ra chiến trường. Với chiếc roi sắt trong tay, tráng sĩ vung lên, quật tơi bời vào quân giặc. Bỗng roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ cụm tre bên đường đánh tiếp. Giặc hoảng loạn giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết như ngả rạ. Đuổi giặc đến chân núi Sóc, tráng sĩ phi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Giặc tan, muôn dân được sống yên bình. Nhà vua ghi nhớ công lao của tráng sĩ, phong cho tước hiệu Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ.
Từ bấy đến nay, hằng năm cứ đến tháng tư là làng mở hội Gióng. Dân chúng khắp nơi nô nức kéo đến dự hội và tưởng niệm, tri ơn người anh hùng cứu nước. Dấu ấn trận đánh ác liệt năm xưa còn để lại trong màu vàng óng của những bụi tre đằng ngà, tục truyền là bị cháy do ngựa sắt phun lửa. Những dãy hồ ao liên tiếp chính là vết ngựa chiến thuở nào và tương truyền rằng, khi ngựa thét ra lửa đã thiêu rụi cả một làng, đó là làng Cháy.
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về hình tượng Thánh Gióng trong truyện Thánh Gióng
Bài làm
Truyền thuyết Thánh Gióng xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước và được nhân dân ta lưu truyền từ đời này sang đời khác cho đến tận ngày nay. Đây là một truyền thuyết hay vào bậc nhất trong những truyền thuyết nói về truyền thống giữ nước của dân tộc ta.
Hình tượng Thánh Gióng với nhiều yếu tố thần kì là biểu tượng rực rỡ của ý thức và sức mạnh bảo vệ đất nước, đồng thời thể hiện quan niệm và ước mơ của nhân dân ta về người anh hùng cứu nước chống ngoại xâm.
Người xưa cho rằng đã là anh hùng thì phải phi thường, phải có khả năng như thần thánh, do trời sai xuống giúp đời. Do đó mà cậu bé làng Gióng là một nhân vật kì lạ. Bà mẹ Gióng có thai cũng khác thường : Một hôm, bà ra đồng trông thấy một vết chân rất to, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai … Bà có thai không phải chín tháng mười ngày mà trọn mười hai tháng. Đây là sự tưởng tượng của dân gian về nhân vật phi thường của mình.
Điều kì lạ nữa là Gióng lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy. Những chi tiết kỳ ảo đó càng thu hút người nghe. Gióng không nói nhưng khi nghe sứ giả rao loa thì bỗng dưng cất tiếng nói. Tiếng nói đầu tiên của Gióng là tiếng nói tự nguyện đánh giặc. Lời nói yêu nước, cứu nước ấy cũng không phải là lời nói bình thường ở tuổi lên ba.
Chi tiết thần kì ấy ca ngợi ý thức đánh giặc, cứu nước của nhân dân ta được gửi gắm trong hình tượng Gióng. Ý thức trách nhiệm đối với đất nước được đặt lên hàng đầu với người anh hùng và tạo cho người anh hùng những khả năng hành động phi thường.
Còn nằm ngửa trên chõng tre mà Gióng đòi có ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để đánh tan quân giặc. Ba tuổi, Gióng vẫn chưa biết đi nhưng tới lúc giặc đến thì vươn vai hóa thành tráng sĩ, nhảy lên mình ngựa, phi thẳng ra chiến trường. Khi cần có sức lực, tầm vóc để cứu nước thì Gióng lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa may xong đã căng đứt chỉ.
Dân gian kể rằng : Gióng ăn một bữa bảy nong cơm, ba nong cà, uống một hớp nước cạn đà khúc sông. Đấy là cách nói cường điệu của dân gian để tô đậm tính chất phi thường cho nhân vật mà mình yêu mến. Mẹ Gióng nuôi không nổi, bà con trong làng nô nức gom góp gạo thóc nuôi cậu bé, vì ai cũng mong cậu lớn nhanh để giết giặc cứu nước. Gióng đã lớn lên bằng thức ăn, thức mặc, bằng sự yêu thương, đùm bọc của dân làng. Gióng đâu chỉ là con của một bà mẹ mà là con của mọi người, của nhân dân. Một người cứu nước sao đặng ? Phải toàn dân góp sức chuẩn bị cho sự nghiệp đánh giặc. Như vậy mới đủ sức mạnh để chiến thắng quân thù. Gióng lớn lên từ trong lòng nhân dân và do nhân dân nuôi dưỡng. Sức mạnh dũng sĩ của Gióng được nuôi bằng cơm gạo quê hương và tình thương vô hạn của bà con.
Vì sao Gióng lại lớn nhanh như vậy ? Gióng lớn lên từ khi nào và lớn lên để làm gì ? Trước khi có tiếng gọi cứu nước, Gióng chỉ nằm ngửa, không nói, không cười. Gióng mở miệng nói lời đầu tiên là để đáp lại lời kêu gọi cứu nước. Dường như việc cứu nước có sức mạnh làm cho Gióng vụt lớn lên. Việc cứu nước vô cùng to lớn và cấp bách, Gióng không lớn lên nhanh thì làm sao làm được nhiệm vụ cứu nước ? Cuộc chiến đấu đòi hỏi dân tộc ta phải vươn mình phi thường như vậy. Hình ảnh Gióng vươn vai là tượng đài bất hủ về sự trưởng thành vượt bậc, về hùng khí của một dân tộc trước nạn ngoại xâm. Khi lịch sử đặt vấn đề sống còn cấp bách, khi tình thế đòi hỏi dân tộc vươn lên một tầm vóc phi thường thì cả dân tộc vụt đứng dậy như Thánh Gióng, tự thay đổi tư thế, tầm vóc của mình. Hình tượng cậu bé làng Gióng tiêu biểu cho sức mạnh toàn dân trong cuộc chiến tranh cứu nước.
Gióng chính là hình ảnh của nhân dân. Nhân dân lúc bình thường thì âm thầm lặng lẽ, cũng như Gióng ba năm không nói, không cười. Nhưng khi nước nhà gặp cơn nguy biến thì họ rất mẫn cảm, tự nguyện đứng ra cứu nước cứu nhà. Cũng như Gióng, khi vua vừa phát lời kêu gọi, chú bé đã đáp lời cứu nước.
Giặc đến chân núi Trâu, thế nước rất nguy. Vừa lúc sứ giả đem ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt tới. Gióng vùng dậy vươn vai một cái, bỗng thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Chi tiết này có liên quan đến truyền thống của truyện cổ dân gian. Thời cổ, nhân dân quan niệm người anh hùng phải khổng lồ về thể xác, sức mạnh và chiến công. Thần trụ trời, Sơn Tinh … đều là những nhân vật khổng lồ. Cái vươn vai của Gióng là đạt đến độ phi thường ấy. Gióng nhảy lên mình ngựa, ngựa phun lửa, phi thẳng ra chiến trường. Ngọn roi của Gióng quật giặc chết như rạ. Roi sắt gãy, Gióng nhổ tre bên đường đánh tiếp. Gióng đánh giặc không chỉ bằng vũ khi vua ban mà còn bằng cả cây cối thân yêu của quê nhà.
Đánh tan giặc Ân, Gióng cưỡi ngựa lên đỉnh núi Soc, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời. Gióng ra đời đã khác thường thì ra đi cũng khác thường.
Nhân dân trân trọng muốn giữ mãi hình ảnh người anh hùng nên đã để Gióng đi vào cõi bất tử. Gióng không quay về triều để được vua ban cho bổng lộc, vinh quang. Gióng biến mất vào cõi hư không. Sinh ra từ cõi lặng im, nay Gióng trở về trong im lặng, không màng phú quý, công danh. Tuy Gióng đã trở về trời nhưng thật ra Gióng luôn luôn ở lại với đất nước, cây cỏ, với dân tộc Việt. Vua phong cho Gióng là Phù Đổng Thiên Vương. Gióng được nhân dân suy tôn là Thánh và lập đền thờ ngay tại quê hương để muôn đời ghi nhớ công ơn.
Gióng là hình tượng tiêu biểu, rực rỡ của người anh hùng đánh giặc cứu nước. Trong văn học dân gian Việt Nam, đây là hình tượng người anh hùng đánh giặc đầu tiên, tiêu biểu cho lòng yêu nước của nhân dân ta.
Gióng là người anh hùng mang trong mình sức mạnh của cả cộng đồng. Trong buổi đầu dựng nước, sức mạnh của thần thánh, tổ tiên thể hiện ở sự ra đời thần kì của chú bé làng Gióng. Sức mạnh của cộng đồng thể hiện ở việc bà con dân làng góp gạo nuôi Gióng.
Dân tộc Việt Nam anh hùng muốn có hình tượng khổng lồ, tuyệt đẹp và có ý nghĩa khái quát để phản ánh hết được lòng yêu nước, khả năng và sức mạnh quật khởi của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm suốt bốn ngàn năm lịch sử. Hình tượng Thánh Gióng với vẻ đẹp tuyệt vời rực sáng muôn đời đã đáp ứng được điều đó.
Bài giải này có hữu ích với bạn không?
Bấm vào một ngôi sao để đánh giá!
Action: Post ID: Post Nonce: ☆ ☆ ☆ ☆ ☆ Processing your rating... Đánh giá trung bình {{avgRating}} / 5. Số lượt đánh giá: {{voteCount}} {{successMsg}} {{#errorMsg}} {{.}} {{/errorMsg}} There was an error rating this post!Đánh giá trung bình 4 / 5. Số lượt đánh giá: 1072
Chưa có ai đánh giá! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài này.
Từ khóa » Trong Truyện Thánh Gióng Sau Khi Roi Sắt Bị Gãy Thánh Gióng đã Dùng Vật Gì để Tiếp Tục đánh Giặc
-
Trắc Nghiệm Bài Thánh Gióng
-
Trắc Nghiệm Ngữ Văn 6: Bài Thánh Gióng | Tech12h
-
Câu Hỏi Trắc Nghiệm Văn 6 Bài Thánh Gióng (Có đáp án)
-
Trong Truyện Thánh Gióng, Sau Khi Roi Sắt Bị Gãy, Thánh ... - HOC247
-
Câu 7. Khi Roi Sắt Gãy Thánh Gióng đã Dùng Vật Gì để Tiếp Tục đánh ...
-
Trắc Nghiệm Thánh Gióng Có đáp án - Ngữ Văn Lớp 6
-
Trong Truyện Thánh Gióng, Sau Khi Roi Sắt Bị Gãy, Thánh Gióng đã ...
-
Soạn Bài Thánh Gióng
-
Trắc Nghiệm Bài 1: Thánh Gióng
-
Thánh Gióng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Các Bạn Cho Mình Hỏi Vì Sao Thánh Gióng Lại đòi Con Ngựa Sắt, Cái ...
-
Phân Tích Nhân Vật Thánh Gióng - Văn 6 (10 Mẫu)
-
Câu 8: Trong Truyện Thánh Gióng, Sau Khi Roi Sắt Bị Gãy, Thánh ...
-
Đặc điểm Của Nhân Vật Thánh Gióng - TopLoigiai