Sách Lược đúng đắn Của Lê Lợi - Lãnh Tụ Kiệt Xuất Trong Cuộc Khởi ...
Có thể bạn quan tâm
Cách đây 600 năm, Lê Lợi - lãnh tụ kiệt xuất của nghĩa quân Lam Sơn, bằng những sách lược đúng đắn đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn, chấm dứt ách đô hộ của nhà Minh. Những kế sách đó vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Lê Lợi sinh ngày 06 tháng 8 năm Ất Sửu (tức ngày 10-9-1385) tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (sau là Thủy Chú, nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh nước Đại Việt trải qua nhiều biến động chính trị sâu sắc, vận mệnh của dân tộc đứng trước những thử thách hiểm nghèo, đã hun đúc trong Ông lòng yêu nước, chí căm thù giặc và quyết tâm vùng lên cởi ách nô lệ cho nước nhà.
Cuối năm 1406, viện cớ “Phù Trần diệt Hồ”, nhà Minh đã huy động 80 vạn quân tiến đánh nước ta. Mặc dù phán đoán đúng âm mưu xảo quyệt của quân Minh, song do những sai lầm về đường lối chính trị và quân sự, chính quyền nhà Hồ lúc đó đã không thu phục được nhân tâm, nên không đoàn kết được toàn dân đánh giặc, giữ nước. Vì thế, trước sức tiến công của quân Minh, đất nước ta lại rơi vào đêm trường đô hộ của phong kiến phương Bắc. Không cam chịu bị áp bức, bóc lột, ngọn lửa yêu nước bùng cháy và lan rộng khắp mọi miền đất nước và đã có hơn 60 cuộc khởi nghĩa nổ ra, gần như liên tục trong suốt thời Minh thuộc. Trong đó, Khởi nghĩa Lam Sơn (1418 - 1427) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, hội tụ đầy đủ các yếu tố: tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đập tan ách đô hộ tàn bạo của giặc Minh, giành lại độc lập cho đất nước. Một trong những nét nổi bật, tạo nên thành công của cuộc khởi nghĩa là vai trò quan trọng của chủ soái Lê Lợi, với những sách lược lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh đúng đắn, sáng tạo.
Lễ hội Lam Kinh năm 2018, kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn. Ảnh: TTXVN |
Một là, dựa vào dân để xây dựng, phát triển lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp để chiến thắng kẻ thù. Đây là sách lược đúng đắn, xuyên suốt và giữ vai trò quan trọng hàng đầu, nhằm xây dựng lực lượng nghĩa quân từ dân chúng để tiến hành cuộc chiến tranh toàn dân đánh giặc. Sách lược này xuất phát từ nhận thức của Lê Lợi về thời, thế; vai trò, khả năng to lớn của nhân dân đối với cuộc khởi nghĩa. Đồng thời, đó cũng là biểu hiện sự cảm thông sâu sắc của Ông trước những khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân. Hơn nữa, quy luật của chiến tranh là mạnh được, yếu thua. Trong khi quân Minh có tiềm lực quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần, muốn chiến thắng chúng, nghĩa quân cần phải tạo ra sức mạnh hơn hẳn địch. Chính vì thế, dựa vào lực lượng đông đảo của dân chúng để xây dựng, phát triển lực lượng từ không đến có, ít thành nhiều, có sức mạnh tổng hợp vượt trội đối phương là sách lược hoàn toàn đúng đắn. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc tư tưởng “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”, Lê Lợi đã trực tiếp chỉ đạo nghĩa quân tiến hành nhiều biện pháp phù hợp để huy động mọi lực lượng yêu nước tham gia khởi nghĩa; phát huy cao độ vị trí, vai trò, khả năng to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp đánh đuổi giặc Minh, giải phóng dân tộc. Đây là điểm khác căn bản về đường lối chỉ đạo kháng chiến của người đứng đầu Khởi nghĩa Lam Sơn với những cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh trước đó. Chính từ điểm khác biệt nhưng hết sức đúng đắn này, Lê Lợi đã xây dựng được khối đoàn kết toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp, đánh giặc, giành thắng lợi.
Thực tế cho thấy, sự kiện 19 người tham gia Hội thề Lũng Nhai, đặt cơ sở hình thành lực lượng nòng cốt lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sự tập hợp đông đủ mọi tầng lớp yêu nước trong xã hội1. Khi dựng cờ khởi nghĩa, Lê Lợi cho truyền hịch đi khắp nơi, kêu gọi nhân dân hưởng ứng, anh hùng hào kiệt dần quy tụ về Lam Sơn. Việc chọn Lam Sơn làm căn cứ cuộc khởi nghĩa cho thấy, Lê Lợi không những nhìn thấy ở đó sức mạnh vật chất to lớn (địa thế hiểm có thế công, thủ dễ dàng và rất phù hợp với chiến tranh du kích trong buổi đầu, khi tương quan lực lượng còn quá chênh lệch), mà còn quan trọng hơn, nghĩa quân có một cơ sở hậu cần chiến lược với sức người, sức của to lớn của miền Thanh - Nghệ, đặc biệt là sự tham gia, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc nơi đây. Thời kỳ đầu hoạt động, nghĩa quân phải liên tiếp chống lại ba lần quân địch vây quét ở núi Chí Linh. Trong gian khổ, khó khăn2, nghĩa quân đã luôn biết dựa vào dân để duy trì hoạt động, củng cố lực lượng. Chính vì luôn được nhân dân nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che, nghĩa quân đã vượt qua thời kỳ nguy hiểm, xây dựng lực lượng phát triển lên đến hàng vạn người. Đặc biệt, khi nghĩa quân tiến ra Bắc, thực hiện cuộc phản công chiến lược, đã được đông đảo nhân dân ủng hộ, tạo thế trận “thiên la địa võng”, đánh địch, giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang, các đội dân binh, thổ binh vừa ủng hộ hết mình, vừa trực tiếp tự vũ trang cùng nghĩa quân tiêu diệt viện binh giặc, giành chiến thắng quyết định, buộc Vương Thông phải đầu hàng, rút quân về nước.
Hai là, xây dựng căn cứ địa vững mạnh, làm chỗ dựa vững chắc, bảo đảm kháng chiến lâu dài. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, mặc dù được nhân dân hết lòng ủng hộ, nhưng do địch kìm kẹp, kiểm soát gắt gao và do địa bàn hoạt động của nghĩa quân còn nhỏ, hẹp nên chưa tập trung được sức mạnh to lớn để chiến thắng quân thù. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho chỉ huy cuộc khởi nghĩa là phải có vùng căn cứ địa làm nơi căn bản, vừa có thể giải quyết những khó khăn để phá thế bao vây, khống chế của giặc; vừa tạo chỗ dựa vững chắc, cung cấp sức người, sức của, bảo đảm kháng chiến lâu dài. Trước yêu cầu cấp bách đó và trên cơ sở bàn bạc cùng các tướng sĩ, Lê Lợi đã quyết định chuyển hướng chiến lược của cuộc kháng chiến vào Nghệ An, thực hiện sách lược xây dựng hậu phương, căn cứ địa vững mạnh, tạo thế và lực mới cho cuộc kháng chiến. Đây là sách lược hết sức đúng đắn, phù hợp, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược sắc sảo cùng sự phân tích khoa học của Lê Lợi từ thực tiễn 05 năm chiến đấu trong vòng vây quân giặc. Bởi trong thực tế, Nghệ An là nơi đất rộng nhưng lại là nơi hiểm yếu, xa các trung tâm sức mạnh của địch nên chúng khó có thể đưa lực lượng bao vây, tiến đánh ta được. Hơn thế, đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt, đông dân, nhiều của để nghĩa quân đứng chân, dựa vào, phát triển lực lượng, thực hiện càng đánh càng mạnh; khi thời cơ đến có thể tiến ra Đông Đô, quét sạch quân thù.
Thực hiện sách lược sáng suốt này, sau khi đập tan âm mưu ngăn chặn của quân Minh, nghĩa quân đã tiến công thành Trà Lân (Con Cuông, Nghệ An), phục kích địch ở ải Khả Lưu - Bồ Ải, giành thắng lợi, giải phóng toàn bộ các châu, huyện thuộc Nghệ An, vây hãm chặt thành Nghệ An, tạo ra vùng giải phóng rộng lớn, dồi dào sức người, sức của. Hàng nghìn trai tráng nô nức gia nhập nghĩa quân, nhiều danh tướng trong vùng xin đem hết lực lượng của mình tham gia khởi nghĩa. Nhân dân các vùng được giải phóng vui mừng khôn xiết, mang lương thực, thực phẩm đến ủng hộ. Đồng thời, tích cực tăng gia, sản xuất, cùng với tướng sĩ củng cố, xây dựng quê hương trở thành hậu phương, căn cứ địa vững mạnh, tạo nguồn bổ sung vô tận về nhân lực, vật lực, tài lực. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân không ngừng được tăng cường về mọi mặt, quân số lên đến hàng vạn người với các “binh chủng”: quân bộ, quân thủy, voi chiến, thuyền chiến; chất lượng kỹ thuật và kinh nghiệm chiến đấu ngày càng được nâng cao. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để nghĩa quân tạo ra bàn đạp vững chắc, tiến vào phía Nam, giải phóng Tân Bình, Thuận Hóa, phát triển ra phía Bắc, tiêu diệt thành Diễn Châu, Tây Đô, v.v.
Như vậy, với sách lược đúng đắn của Lê Lợi và bộ thống soái nghĩa quân trong xây dựng căn cứ địa, hậu phương kháng chiến đã tạo ra đột biến lớn trên chiến trường. Ta đã có được thế và lực đủ mạnh, dần giành quyền chủ động, đẩy địch vào thế bị động đối phó. Điều đó đã tạo ra thời cơ mới, đưa cuộc khởi nghĩa phát triển lên thành cuộc chiến tranh giải phóng, chủ động tiến công tiêu diệt địch, kết thúc chiến tranh.
Ba là, vây thành, diệt viện, buộc địch phải đầu hàng, hạn chế tổn thất cho tướng sĩ và dân chúng. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, với việc nghiên cứu, nắm chắc tình hình địch, ta và bằng tài nghệ xuất chúng trong chỉ đạo chiến tranh, Lê Lợi đã đề ra kế sách vây thành, diệt viện, đẩy địch vào thế cô lập và đứng trước sự thất bại hoàn toàn, buộc phải đầu hàng. Đây là kế sách rất phù hợp với điều kiện cụ thể lúc đó, bởi quân địch tuy bị thất bại ở nhiều nơi, song ở tại các thành trì, chúng vẫn còn đông và mạnh. Trong khi đó, quân và dân ta đã trải qua hơn 20 năm chịu sự đô hộ hà khắc của nhà Minh, lại phải dốc sức đánh giặc trong một thời gian dài. Không những thế, viện binh địch vốn rất mạnh, đang lăm le tiến quân để cứu nguy các thành trì bị ta vây hãm, nếu không xử lý đúng đắn vấn đề này, quân ta rất dễ rơi vào thế bị động, đầu đuôi không cứu được nhau. Vì thế, kế sách vây thành, diệt viện, buộc địch phải đầu hàng vô điều kiện là phương án tối ưu nhất, công chỉ dùng một nửa nhưng hiệu quả đạt gấp hai. Thực hiện thành công kế sách này, không những ta giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc chiến tranh, giải phóng đất nước, hạn chế tổn thất cho tướng sĩ và dân chúng, mà còn đánh bại ý chí xâm lược của địch, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước lâu dài. Theo đó, sau khi đã đánh chiếm những địa bàn cần thiết, nghĩa quân chủ trương vây chặt một số thành trì kiên cố của địch. Đúng như dự đoán của ta, trước sức ép mạnh mẽ của quân khởi nghĩa, tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), vua Minh vội vã sai Liễu Thăng mang 10 vạn viện binh từ Quảng Tây, Mộc Thạnh mang 05 vạn quân từ Vân Nam tiến vào nước ta, hòng cứu nguy cho Vương Thông đang bị vây khốn ở thành Đông Quan và đã rơi đúng vào kế sách của Lê Lợi. Kết quả là quân ta đã đánh tan hai đạo viện binh hùng hậu của địch, buộc Vương Thông phải mở cửa thành đầu hàng và rút quân về nước, đem lại thái bình cho nhân dân, kết thúc 21 năm rên xiết dưới ách thống trị tàn bạo của ngoại bang, cả nước bắt tay vào xây dựng đất nước.
Nhìn lại toàn bộ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có thể thấy rõ tài lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh của Lê Lợi. Ông và bộ thống soái nghĩa quân đã vạch ra những sách lược tài tình, phù hợp từng giai đoạn thăng trầm của cuộc khởi nghĩa. Để rồi từ đó, kết thúc chiến tranh đúng thời cơ, mở đường hòa hiếu lâu dài - “tắt muôn đời chiến tranh”. Mặc dù hơn 06 thế kỷ đã trôi qua, nhưng những sách lược đúng đắn của Lê Lợi - lãnh tụ kiệt xuất của nghĩa quân Lam Sơn - vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục nghiên cứu, phát triển và vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Đại tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_____________
1 - Gồm: địa chủ, quan lại cũ có tư tưởng tiến bộ; sĩ phu, nông dân, dân chài, nô tỳ yêu nước, v.v.
2 - Có thời điểm quân số chỉ còn trên 100 người, hết lương thực, giặc bao vây bốn phía.
Từ khóa » Thù Trần Diệt Hồ
-
Chiến Tranh Đại Ngu–Đại Minh – Wikipedia Tiếng Việt
-
Chiến Tranh Minh–Việt (1407–1414) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Hồ - Minh đại Chiến: Vì Sao Hồ Quý Ly Thất Bại? - BBC News Tiếng Việt
-
Đại Chiến Hồ-Minh Và Quyết định Sai Lầm Của Chu Đệ - BBC
-
Kế Sách Quy Tụ Lòng Dân Của Nguyễn Trãi
-
Phân Tích đoạn 2 Bình Ngô đại Cáo Của Nguyễn Trãi - THPT Sóc Trăng
-
Tại Sao Chúng Ta Phải Chịu Nhiều Cuộc Chiến Tranh?
-
Cuộc Kháng Chiến Chống Tống Thời Lý - Học Kì II- Năm Học 2018-2019
-
KHÁNG CHIẾN CHỐNG XÂM LƯỢC NGUYÊN- MÔNG
-
Nghệ Thuật Quân Sự Trong Ba Lần Chống Xâm Lược Nguyên - Mông
-
Nghệ Thuật Quân Sự Trong Hai Lần Kháng Chiến Chống Quân Tống
-
Yếu Tố Quyết định Thắng Lợi Trong Ba Cuộc Kháng Chiến Chống Mông ...
-
Nam Định Trong Kháng Chiến Chống Thực Dan Pháp Và đế Quốc Mỹ ...