Sách ơi, Mở Ra…! - Báo Công An Nhân Dân điện Tử
Có thể bạn quan tâm
- Phát động phong trào đọc sách trên cả nước
- Khơi dậy tình yêu đọc sách và khát vọng cống hiến phát triển đất nước
Khó có thể khẳng định được điều đó. Nhưng nếu đọc sách, hẳn là gần 80 triệu người kia sẽ bớt đi những băn khoăn, hoài nghi và rối lẫn. Họ sẽ được an ủi, sẽ bớt cô độc và rất có thể tâm hồn họ sẽ đẹp thêm, ấp áp thêm.
Sẽ hơi nhàm nếu nói rằng sách là kho tàng tri thức, là người thầy vĩ đại, bởi đương nhiên sách mang ý nghĩa đó. Chỉ khi nhìn thấy, nghe thấy những câu chuyện có thật về sách diễn ra ngoài đời sống thường nhật kia, ta mới thấy sách có sức mạnh không ngờ.
Đọc sách trong mỗi ngôi nhà
Buổi toạ đàm “Đọc thế nào và Xây dựng tủ sách gia đình” diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam sáng 19-4 vừa qua đã mang lại cho nhiều người chút ngỡ ngàng. Đó là bởi hai diễn giả tham gia không phải là hai bà mẹ, mà là hai ông bố Nguyễn Anh Đức và Nguyễn Quốc Vương chia sẻ về hành trình đọc sách cùng con trẻ. Đâu phải chỉ có những người mẹ mới đọc sách cho con nghe. Có cả những ông bố mang tình yêu đặc biệt với sách, mong muốn lan tỏa tình yêu ấy đến các con, đến cộng đồng.
Nhiều người quan niệm đọc sách là phải đọc ở thư viện mà không nghĩ rằng việc đọc sách hoàn toàn có thể diễn ra từ rất sớm trong mỗi ngôi nhà. Và mỗi gia đình hoàn toàn có thể dành thời gian đọc sách cùng nhau. “Tủ sách có liên quan đến hạnh phúc gia đình”, diễn giả Nguyễn Quốc Vương đã đưa ra quan điểm. Như thế có nghĩa, một đứa trẻ được đọc sách cùng bố mẹ tại gia đình, nhất định đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy hạnh phúc. Để tạo nên niềm hạnh phúc ấy, hai diễn giả đã đưa ra danh sách một trăm cuốn sách cần có trong tủ sách gia đình. Đó là những cuốn sách hồn nhiên tuổi thơ, những câu chuyện xúc động về sự sống, khơi gợi cảm hứng, kết nối những tâm hồn và xóa nhòa đi biên giới của sự khác biệt, kì thị.
Sách được ví như kho báu tri thức, nhưng sẽ chẳng đơn giản chỉ bằng một câu thần chú nhiệm màu “Sách ơi mở ra” là có thể chạm tay vào được kho báu ấy. Phải vất vả tìm đường tìm lối, vượt thác ghềnh thì mới đến nơi. “Này, sao hay thế nhỉ, có thằng bé xin mẹ mua sách, mà mẹ nó nhất định không cho. Thằng bé khóc vang cả phố. Trẻ con mà yêu sách, thích đọc sách là ta yêu lắm. Ta tặng luôn thằng bé cuốn sách. Mẹ nó ngượng quá, lại mua cho con". Đó là nỗi bức xúc của "mụ" Hoa – người bán sách lâu năm ở phố sách Đinh Lễ gần Hồ Gươm, Hà Nội.
Nhiều người biết đến "mụ" Hoa, bởi trước khi là người bán sách, mụ là người rất ham đọc sách. Và mụ bán sách, có lẽ một phần cũng để thỏa mãn đam mê được đọc mỗi ngày. Một cậu khách hàng thân của mụ khi được hỏi rằng sự khác biệt giữa thời sinh viên và khi đã thành đạt là gì, cậu trả lời rằng, lúc sinh viên phải nhịn ăn để có tiền mua sách, còn bây giờ cậu có thể mua bất cứ cuốn sách nào cậu muốn. Chỉ đơn giản vậy thôi. Và mụ Hoa chính là người được chứng kiến sự đổi thay tuyệt vời đó.
Rất nhiều năm nay, có hai chị em cứ sau giao thừa là dắt nhau đến tiệm mụ Hoa xông đất mở hàng. Bọn chúng bảo, năm mới chỉ thích được mừng tuổi bằng sách, chúng sẽ khai đọc đầu xuân, cho chữ nghĩa sinh sôi nảy nở trong đầu. Có nhiều thầy cô giáo ghé quán mụ để mua sách về thưởng cho học sinh theo cách “tích điểm đổi quà”. Bạn nào ngoan, học tốt sẽ được cộng sao, rồi số sao ấy khi tích đủ sẽ được quy đổi thành quà chính là sách. Bọn trẻ vì thế mà chăm chỉ tích sao, cuốn sách được tặng thấy quý vô cùng. Đó chẳng phải là những cách đọc thần chú khác nhau để mở được cuốn sách đó sao.
“Sách đã cứu vớt con tôi”
“Một ngày đi làm về, tôi hoảng hốt khi thấy con trai tôi đang chơ vơ giữa bậc thềm, nửa người ở trên, nửa người ở dưới. Hỏi con sao lại ở đây, con ngắc ngứ rằng con trườn ra đây chơi. Nhưng về sau tôi biết lúc đó con đang vật vã để tìm cách kết thúc sự sống, tôi đau lòng lắm. Tôi chỉ mong có một niềm an ủi nào giúp con thiết tha với cuộc đời này”, bà Nguyễn Thị Kim Sơn, mẹ của chàng trai tật nguyền Đỗ Hà Cừ ở thành phố Thái Bình nhớ lại.
Đó là chuyện đã qua, còn giờ đây, Cừ chẳng còn thời gian mà nghĩ đến cái chết nữa. Anh đam mê đọc sách, bận rộn với những dự án gây dựng tủ sách cho cộng đồng. Cừ bị khuyết tật bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam, liệt toàn thân phải nằm xe lăn, mọi thứ đều phụ thuộc vào bố mẹ. Duy chỉ có một việc mà anh tự lập hàng ngày một cách say mê, đó là đọc sách.
Càng lặn sâu vào thế giới của sách, Cừ càng tìm được nhiều kiến thức hay anh không hề được học vì không được đến trường. Có lẽ, nếu không có sách, một người chỉ cử động được duy nhất một ngón tay như Cừ sẽ không có nổi sự mạnh mẽ, tự tin. Chính những suy tưởng, băn khoăn, vỡ lẽ khi đọc đã khiến đầu óc Cừ nhanh nhẹn, tinh thông, bật lên khỏi cơ thể ốm yếu, dị tật. Nếu không có sách, Cừ chẳng đủ nghị lực để lập nên không gian đọc “Hy vọng” với 4.000 cuốn sách được mượn đọc miễn phí với gần 1.000 đọc giả thân thiết. Nếu không có sách, chắc sẽ không có thủ thư Đỗ Hà Cừ xuất sắc từng nhận giải thưởng tình nguyện quốc gia…
Một thủ thư đặc biệt khác, đó là Phùng Bá Hưng. Năm 2019, Hưng từng mang mô hình thư viện cấp xã sang giới thiệu tại Mỹ theo một chương trình của Đại sứ quán nước này. Không thể ngờ rằng mô hình thư viện bé nhỏ, thô sơ ở vùng quê Dương Liễu, huyện Hoài Đức ngoại thành Hà Nội lại gây nhiều sự chú ý cho bạn bè quốc tế đến vậy. Họ không nghĩ rằng ở Việt Nam lại một thanh niên trẻ tuổi bỏ ra 6-7 năm trời để xây dựng nên một thư viện tư nhân miễn phí, để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em thôn quê.
Hưng đã có một khoảng thời gian quý giá ở Mỹ, đủ để tìm hiểu về những thư viện nổi tiếng, cách làm thư viện nơi đây. Ở Mỹ, có thành phố có hơn 80 nghìn người dân mà có đến 75 nghìn người có thẻ thư viện. Và hầu như tất cả mọi người đều đến thư viện, từ đứa trẻ chưa biết chữ đến người già, người khuyết tật đều tiếp cận với sách theo một cách riêng. Thư viện không đơn thuần chỉ là nơi đọc sách, mà là không gian mở để tổ chức các sự kiện giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ. Sách cũng sẽ đều đặn được đưa đến những trại dưỡng lão, khu ở của người vô gia cư. Có cảm giác rằng sách như là cơm ăn, nước uống hàng ngày, tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ sách.
Sau chuyến đi Mỹ, Hưng tích lũy kinh nghiệm về áp dụng cho thư viện làng mình. Hưng dụ bọn trẻ đến không gian đọc, trước hết để chơi đã. Vậy là có đủ trò bày ra, từ rubic, trò chơi xếp gỗ, cờ tướng, cờ vua,… Rồi dần dần mới hướng tụi nhỏ đến việc đọc sách. Hưng kết nối với các bạn sinh viên nước ngoài để bọn trẻ được nghe nói tiếng Anh, được vươn ra xa hơn qua việc giao lưu trực tuyến.
Những đứa trẻ đọc sách đầu tiên ở thư viện xã giờ đã lớn, quay về làm tình nguyện viên để cùng Hưng khơi lên phong trào đọc ở quê hương. 70 tình nguyện viên sẽ hướng dẫn bọn trẻ chọn lựa sách đọc, cách đọc cho phù hợp trong gian phòng ngồn ngộn 5.000 cuốn sách kia. Gần 10 năm nay, thư viện Dương Liễu luôn hoạt động sôi nổi, chưa bao giờ bị đóng băng. Ngày càng có nhiều thư viện tư nhân, thư viện địa phương, thư viện cộng đồng trên cả nước được Hưng hỗ trợ thành lập, tư vấn hoạt động. Một thư viện nhỏ bé, nhưng thành công mang lại không hề nhỏ chút nào.
Lan tỏa tình yêu sách
Mấy hôm nay, không chỉ trẻ con mà cả người lớn ở khu nhà Hateco, quận Hoàng Mai cũng háo hức lạ thường. Bởi ở ngay tầng một toà nhà, phòng sinh hoạt cộng đồng vừa được sửa sang thành không gian đọc sách hiện đại, đẹp mắt cho bọn trẻ. Để có được không gian ý nghĩa ấy là sự đồng lòng góp sức của tất cả các hộ dân. Chi phí sửa sang, thiết kế phòng đọc trích từ quỹ chung của tòa nhà, sách được huy động từ các gia đình, các nguồn tài trợ. Rất nhiều đứa trẻ ở tòa nhà đã tự động rời Ipad, điện thoại để xuống không gian chung tìm sách đọc một cách say mê.
“Không gian đọc đang thực sự thu hút bọn trẻ, đó là điều đáng mừng. Nhưng để duy trì được lâu dài hoạt động của phòng đọc, để bọn trẻ không “cả thèm chóng chán” thì rất cần sự nhiệt tình, kiên nhẫn của các bố mẹ, chị Vũ Thị Phương – một cư dân của tòa nhà chia sẻ. Để sự đọc được lâu bền, tình yêu sách cần được vun đắp ngày ngày, cần có mảnh vườn để hạt mầm sách nảy nở. Thư viện Dương Liễu – mô hình thư viện tư nhân miễn phí nổi tiếng trong và ngoài nước, nhưng sau gần 10 năm hoạt động vẫn “ở nhờ” nhà người dân, vẫn lo nỗi lo phải chuyển chỗ, chẳng khác gì đi trọ. Mong muốn có được một không gian đọc riêng biệt và bền vững vẫn luôn canh cánh trong lòng thủ thư Phùng Bá Hưng.
Ở phố Đinh Lễ, mụ Hoa giờ đã là bậc lão làng. Nhưng mụ bảo bà cụ Mão mới là người có công khai sinh ra phố sách.Thời bà cụ Mão bán sách, nào sách đã có kiểu bán sách online, thành thử phố sách là thiên đường. Những cô cậu sinh viên khắp Hà Nội dành dụm tiền bắt xe bus lên đây, tha thẩn cả ngày tìm sách và… đọc ké. Lúc đó, cô cậu nào cũng chỉ ước có nhiều tiền để mua sách mang về đọc dần.
Ngày 26-5-2017, cụ Mão rời thế gian, mụ Hoa đã viết những dòng đầy xúc động: "Thế là cái ghế này từ nay không còn bà ngồi, làng sách mất đi một người làm sách tiên phong, ưu tú. Phố Đinh Lễ mất bà, người khởi sinh phố sách. Dương thế bộn bề, có lẽ đi về miền đất mới, bà lại kiến thiết thêm một phố sách bình yên". “Giờ, không gian sách nhà bà Mão vẫn còn. Những cô cậu sinh viên ăn mặc đẹp vẫn ghé qua, nhưng chủ yếu để chụp ảnh check in”, mụ Hoa nói trong tiếng thở dài.
Nghĩ về những vui buồn đọc sách, sẽ vẫn thấy những tình yêu sách nhỏ nhoi đang hiện hữu giữa ồn ào náo nhiệt của cuộc sống bộn bề. Hy vọng rằng, những tình yêu nhỏ ấy sẽ lớn dần, mạnh mẽ dần để ươm mầm sách ở những khoảng đất rộng và màu mỡ.
- Phát động phong trào đọc sách trên cả nước
- Khơi dậy tình yêu đọc sách và khát vọng cống hiến phát triển đất nước
Từ khóa » Thư Viện Sách ơi Mở Ra
-
Sách ơi Mở Ra
-
Sách ơi Mở Ra - Home | Facebook
-
Thư Viện Sách Ơi Mở Ra Hà Đông - Trang Chủ | Facebook
-
“Sách ơi Mở Ra” Lan Tỏa Văn Hóa đọc - Báo Quân đội Nhân Dân
-
Thư Viện 'Sách ơi Mở Ra' - Tin Tức Xuất Bản - Zing
-
Sách ơi Mở Ra Gây Nghiện Thành Công Cho Các Mọt Sách Nhí
-
"Sách ơi Mở Ra" Và Hành Trình Khuyến đọc - Hànộimới
-
Thư Viện Sách Ơi Mở Ra Hà Đông
-
Sách ơi Mở Ra - Hanoi - SchoolAndCollegeListings
-
Làm Sao để đến Thư Viện Sách ơi Mở Ra ở Dịch Vọng Bằng Xe Buýt?
-
Phóng Sự Giới Thiệu Thư Viện Sách ơi Mở Ra (VTV6) - YouTube
-
Dự án Sách ơi Mở Ra Tuyển Dụng Giáo Viên Fulltime