Sài Gòn đêm Mùa Dịch: Cuộc Sống đảo Lộn - Báo Tuổi Trẻ

Sài Gòn đêm mùa dịch: Cuộc sống đảo lộn - Ảnh 1.

Người dân Gò Vấp vẫn vững niềm tin vượt qua dịch khi được lấy mẫu xét nghiệm - Ảnh: CHÂU TUẤN

Quận Gò Vấp bị phong tỏa theo chỉ thị 16 cùng một phần ở quận 12. Cuộc sống không ít xáo trộn, khó khăn nhưng người dân vẫn đồng lòng để cùng chống dịch.

"Tui tin vào công tác chống dịch hiệu quả của thành phố và người dân tuân thủ quy định, mọi thứ rồi sẽ bình thường. Chỉ cần gìn giữ an toàn cho bản thân, không để lây lan người khác.

Ông Phạm Đan Trường

Ế ẩm, thất nghiệp

Đường phố ban ngày đã vắng, đêm về lại càng vắng vẻ hơn. Các quán ăn tuy vẫn được mở cửa theo hình thức phục vụ mua mang về, nhưng nhiều quán đã chủ động đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Một số chủ quán cho biết việc mở quán chỉ đủ kiếm đồng ra đồng vào, thậm chí lỗ vốn vì lượng khách mua về cũng giảm hẳn.

Vừa nghe thông báo có ca nghi nhiễm trong khu vực, anh Hồ Nhật Huy (23 tuổi, ngụ phường 9, quận Gò Vấp) cùng 9 người khác sống ở căn nhà trọ là sinh viên, công nhân đều bị cách ly tạm thời.

Đêm hôm không thể đi đâu, các chàng thanh niên đành nằm nhà theo dõi thời sự dịch bệnh qua màn hình điện thoại hoặc tán gẫu với bạn trọ cho đỡ nhớ quê nhà.

Anh Huy làm công nhân tại Công ty Lazada Quang Trung, chia sẻ: "Việc của tôi không thể làm tại nhà, giờ bị cách ly như vậy coi như thất nghiệp tạm thời rồi. Mọi người ở đây tận dụng những thực phẩm còn sót lại trong tủ lạnh, có gì ăn nấy".

Những ngày sống trong "cấm địa" phòng dịch, không đi làm, tiền dành dụm quá ít ỏi, anh Huy phải mượn tiền bạn để xoay xở. Họ không thể ra bù khú ở quán buổi tối nữa.

Muốn tiết kiệm, anh không đặt đồ ăn bên ngoài cho đỡ tiền ship, đồng thời giảm bớt các món trong mỗi bữa ăn để còn dùng được lâu dài. Trưa 3-6, anh Huy cùng người dân khu vực bị cách ly tạm thời đã được UBND phường trợ cấp một số thực phẩm.

Trong khi đó, những ngày đầu sống trong vùng phong tỏa, tiệm tạp hóa của chị Tuyết Mai (phường 3, quận Gò Vấp) vắng vẻ hơn mọi khi. Trời về tối, quán xá càng vắng hơn vì chẳng có mấy người ra đường.

Chị cho hay mình cũng may mắn kịp nhập đủ các mặt hàng thiết yếu như mì gói, gạo, dầu ăn... để bán trong 2 tuần giãn cách. Và bây giờ chị Mai đóng cửa tiệm vào lúc 22h, thay vì 0h như bình thường, vì có ráng mở cũng chẳng có khách mua.

Trước cửa hàng, chị Mai trang bị sẵn nước rửa tay sát khuẩn cho khách. Người mua hàng không cần vào tiệm, ai muốn mua gì cứ việc đứng bên ngoài nói, chị sẽ mang ra. Chị bảo đây là cách tốt nhất để hạn chế tiếp xúc, phòng tránh sự lây lan dịch bệnh. Dù lo lắng doanh thu sụt giảm, nhưng chị Mai nói lại có thêm thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc hơn và không phải thức khuya dậy sớm để dọn dẹp tiệm.

Anh Trần Đức Thái (ngụ phường 9, quận Gò Vấp) chia sẻ trước khi có lệnh giãn cách, anh và vợ đã xin phép cơ quan cho làm việc tại nhà, nên có thể kiếm ra tiền mà vẫn chăm sóc được gia đình. "Trước ngày 31-5, tôi đi siêu thị mua đồ ăn cho gia đình trong 2-3 ngày tới để hạn chế ra đường. Tôi học nấu nhiều món mới để đổi thực đơn cho cả nhà, hạn chế mua đồ ăn sẵn bên ngoài về.

Chúng tôi tranh thủ làm việc vào sáng sớm. Thời gian còn lại nấu ăn và trò chuyện cùng con, giúp các con ôn luyện bài vở. Khá lâu rồi hai vợ chồng mới có nhiều thời gian để ở bên con cái như vậy" - anh Thái tâm sự.

Buổi tối, không thể ra đường, gia đình anh ngồi xem tin tức thấy hình ảnh các bé vài tuổi đã phải tự đi cách ly khiến họ không khỏi xót xa. "Tôi may mắn vì cả gia đình vẫn khỏe mạnh. Mỗi ngày, nhìn các con ở ngay bên cạnh mình là hạnh phúc lắm rồi" - người cha 33 tuổi nói.

Sài Gòn đêm mùa dịch: Cuộc sống đảo lộn - Ảnh 3.

Đường phố đêm tại quận Gò Vấp những ngày này vắng vẻ vô cùng, chỉ lác đác vài chiếc xe - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đường đêm vắng lặng

Trong khi đó, tình hình bên ngoài điểm phong tỏa cũng khác hẳn những ngày yên ả bình thường. Nhiều người nói vui đường phố Sài Gòn mấy ngày này "vắng như tết", nhưng được phủ lên một gam màu trầm. Và thành phố về đêm lại trầm lắng hơn.

Ngồi nép mình trên vỉa hè, bên chiếc xe chất đầy phế liệu trên đường Bạch Đằng (quận Phú Nhuận), người đàn ông có vẻ ngoài khắc khổ cho biết mình tên Sang, làm nghề nhặt ve chai.

Công việc của anh bị ảnh hưởng nặng nề từ lúc thành phố cấm quán xá bán tại chỗ.

"Người ta toàn mua về, quán không có khách ngồi lại thì cũng đâu có gì thải ra để mình lượm lặt" - anh Sang nói và cho biết trước kia đêm nào cũng tới trước các nhà hàng, quán ăn để nhặt vỏ chai, lon bia, bọc nilông, bìa cactông. Thậm chí, ban ngày anh còn đi giăng lưới ở mấy con rạch ở ngoại thành.

"Nhưng từ lúc dịch giã, mình lượm ít đồ hơn, giá ve chai vựa thu mua cũng thấp nên không được bao nhiêu. Hồi trước một đêm kiếm khoảng 80.000 - 90.000 đồng, giờ cỡ 50.000 - 60.000 thôi" - anh nói.

Trong khi đó, shipper Nguyễn Văn Hưng (ngụ phường 8, quận Gò Vấp) cho biết mấy ngày nay sống trong vùng "cấm địa", điện thoại anh rất ít khi nổ cuốc. Trao đổi qua điện thoại, anh kể khách thì vắng, mà giao hàng hay đồ ăn cũng ít nếu không muốn nói là không có, vì "người ta ở vùng dịch nên cẩn thận nấu ăn ở nhà, chứ mấy ai đặt đồ ăn bên ngoài nữa mà giao. Mấy nay ở nhà bứt rứt lắm, vợ tui cũng thất nghiệp. Giờ cả ngày ngồi nhìn đường vắng hoe, không biết tiền đâu mà nuôi con" - anh shipper 29 tuổi tâm sự.

Sài Gòn đêm mùa dịch: Cuộc sống đảo lộn - Ảnh 4.

Ông Đan Trường vẫn lặng lẽ quét sạch đường phố đêm mùa dịch - Ảnh: DIỆU QUÍ

Vững tin và giữ an toàn

10h đêm, dưới góc đường công viên Gia Định vang tiếng xào xạc của chổi tre. Công nhân vệ sinh Phạm Đan Trường lặng lẽ gom lại đống lá cây vương khắp mặt đường.

Nhà gần chợ Cầu (phường 14, quận Gò Vấp), ông Trường cho hay mình vẫn đi làm bình thường như mọi ngày. "Đây là công việc thiết yếu mà, nên vẫn được đi ra đi vô làm việc. Chứ mà không cho công nhân vệ sinh đi làm thì chỉ 3 ngày là sẽ thấy lượng rác ngoài đường khủng khiếp đến ngạt thở" - người đàn ông 51 tuổi cho biết.

Ông Trường gắn bó với công việc quét đường khi đêm về đã nhiều năm. Thường thì 22h, hôm nào có ca sớm thì bắt đầu lúc 21h và khi xong việc thì đồng hồ đã điểm 1-2h sáng. "Nếu rác quá nhiều, kẹt ở các lỗ thoát nước thì phải 3h mới được về. Tui không làm cố định một chỗ, có khi quét bên này, bữa sau quét bên kia" - ông nói. Mấy hôm nay, công viên giăng dây phong tỏa, người đi đường cũng thưa dần nên ông đỡ vất vả vì rác ít, chủ yếu là lá cây rụng.

Lau mồ hôi lấm tấm trên trán, ông Trường nói tuy sống trong vùng phong tỏa song ông vẫn lạc quan khó khăn sẽ qua. "Người ta nói vận động đổ mồ hôi để kháng dịch. Với lại tính tui luôn nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực, đừng tự làm nặng lòng mình" - người cha có đứa con trai đang làm dân quân tại chốt phong tỏa phường 8, vui vẻ chia sẻ.

Vẫn còn chủ quan với dịch

Trong tình hình thành phố nỗ lực dập dịch COVID-19 vẫn còn nhiều cá nhân ỷ y, thờ ơ với dịch bệnh. Những đêm đi thực tế cuộc sống người lao động nghèo mùa dịch, chúng tôi bắt gặp nhiều tốp người dừng xe tại các rìa công viên để nói chuyện, hóng gió với nhau, có người còn không đeo khẩu trang. Khi thấy cơ quan chức năng gần tới thì họ phóng xe rời đi nên rất khó kiểm tra xử phạt.

(Còn tiếp)

Ấm lòng cán bộ chiến sĩ phường 9, Gò Vấp đội nắng tiếp tế bà con khu cách ly Ấm lòng cán bộ chiến sĩ phường 9, Gò Vấp đội nắng tiếp tế bà con khu cách ly

TTO - Trời nóng bức, các cán bộ, chiến sĩ phường 9, quận Gò Vấp vẫn đội nắng mang nhu yếu phẩm, mì tôm, khoai, bánh, trứng… tiếp tế cho bà con trong khu cách ly, phong tỏa.

Từ khóa » Hình ảnh đường Sài Gòn Mùa Dịch