Sài Gòn "matxa Cá" - Tuổi Trẻ Online

Nhóm học sinh Q.Phú Nhuận bên bể cá matxa - Ảnh: M.H.

Khách hàng chỉ cần nhúng chân xuống bể nước, vài giây sau hàng trăm chú cá nhỏ vây lại cắn rỉa các tế bào chết trên da chân. Cảm giác nhột, tê tê hai bắp chân khiến nhiều người thích thú.

Chiều cuối tuần trời nóng bức, các nhân viên phục vụ quán cà phê cá trên đường Trường Chinh (quận 12, TP.HCM) mướt mồ hôi hướng dẫn khách hàng rửa chân và ngồi vào vị trí. Một suất matxa cá 30 phút bắt đầu.

Vừa uống cà phê, vừa xem cá rỉa

Trong phòng VIP, nhóm bạn trẻ Tùng, Linh, Thảo, Vỹ (lớp 11 Trường THPT Hàn Thuyên, Q.Phú Nhuận) reo hò thích thú. Tám cái chân vừa thò xuống bể, đàn cá bu đen lại, miệt mài làm nhiệm vụ. Khi cái miệng nhỏ xíu, mềm mềm của những chú cá đầu tiên chạm vào chân, Thảo giật mình kêu toáng lên, vội vàng rụt chân lại khiến nước bắn tung tóe.

“Tại nhột quá, lát sau quen rồi thì có cảm giác tê tê. Vừa uống sinh tố vừa nhìn cá dưới chân, trêu chọc nhau rất vui” - Thảo nói.

Thúy Vy (21 tuổi, nhân viên phục vụ quán) cho biết đây là bể cá lớn nhất của quán với số lượng hơn 7.000 con. Loài cá này rất nhạy, chỉ cần để yên tay chân trong nước vài giây là chúng lập tức lao đến. Cá không có răng, miệng nhô ra ngoài như chiếc xúc tu nhỏ, liên tục “bập” vào chân người để tìm thức ăn. Mỗi ngày, đàn cá này có thể phục vụ hàng trăm khách mà không hề giảm sự nhiệt tình.

Vai trò của các nhân viên chỉ là đi lại trông chừng, nhắc nhở khách nhẹ nhàng kẻo làm chết cá và phục vụ đồ uống. Nguồn thu của quán cũng vì thế được đảm bảo. Giá một ly nước ở đây cũng tương đương với một suất ngồi “matxa cá” 30 phút là 50.000 đồng. Sinh viên, học sinh còn được giảm giá một nửa nên những ngày cuối tuần quán rất đông.

Thay vì ngồi bàn, khách sẽ ngồi quanh một bể cá lớn, thức uống đặt trên thành bể hoặc trên kệ nhỏ bằng gỗ nổi lên giữa bể cá.

Không ít gia đình đã chọn cà phê cá làm điểm nghỉ ngơi dịp cuối tuần. Ông Trần Thành (70 tuổi, ở Q.Tân Bình) và cháu nội ngồi bên nhau, cùng cười vang cả quán. “Tụi nó nói đi cho cá phục vụ ông một bữa. Da chân ông bong vảy, chúng nó gặm một tí là nhẵn bóng như da em bé. Mà đúng là sạch thiệt” - ông Thành giải thích.

Ngoài việc uống cà phê và ngâm chân dưới bể cá, một số khách hàng nữ còn yêu cầu được matxa cá toàn thân. Họ tin rằng việc ngâm mình dưới nước để cá “vệ sinh” thân thể 40 phút mỗi tuần sẽ làm sạch, làm mịn và trắng da. Tất nhiên trước khi xuống bể, khách phải tắm rửa cho sạch các loại hóa chất, mỹ phẩm trên người, “nếu không, cá sẽ bị ngộ độc và chết rất nhiều”.

Chăm “cá bác sĩ Cá matxa hay còn gọi là cá bác sĩ (doctor fish), có tên khoa học là Garra rufa, xuất xứ từ Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng thuộc họ cá chép nhưng kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng 4cm. Cá có tuổi thọ trung bình 4-6 năm. Thức ăn chính là các tế bào chết trên da người nên cá rất nhạy trong việc đánh hơi. Chỉ cần vài giây sau khi đặt chân, tay xuống hồ, chúng đã bu lại rỉa kín.

Cá matxa không có răng, chúng dùng môi để rỉa các tế bào chết trên da nên không gây ra tổn thương trên da. Việc chăm sóc loài cá này đòi hỏi sự cẩn thận và tỉ mỉ. Nhiệt độ thích hợp nhất cho cá phát triển khỏe mạnh là 280C. Hằng ngày phải thay nước cho bể cá một lần vào cuối ngày.

Sau khi cho cá ăn thêm thức ăn vào buổi tối, nếu tiếp tục cho cá làm việc, cá sẽ chết vì “bể banh bụng”, theo lời của chị Vương, chủ spa Z. Khi mua cá về, trước lúc cho cá làm việc, nhân viên của các tiệm matxa cá phải làm “chuột bạch” đặt chân xuống hồ nhử cá bu lại. Thời gian cho cá làm quen kéo dài từ 1-2 tuần.

Vừa đặt chân vào bể là hàng trăm con cá lao đến làm “vệ sinh” - Ảnh: M.H

Matxa cá vào Spa

Đặt một bể cá nhỏ ngoài vỉa hè đường Đồng Khởi, quận 1 với dòng chữ “Fish Massage” thu hút sự chú ý của nhiều đoàn khách du lịch đi bộ, cơ sở spa này có hai hồ cá dạng tròn với tổng cộng khoảng 2.000 chú cá, ngày cao điểm có thể phục vụ tới 100 khách, chủ yếu là khách nước ngoài.

Dịch vụ cũng không có gì đặc biệt, nhưng điều làm du khách thích thú là trước khi xuống bể được ngâm chân bằng nước ấm đựng trong thùng gỗ. Nhân viên vừa rửa chân cho khách vừa trò chuyện, kiểm tra, nếu có vết thương phải băng kín lại.

“Nhiều khách Mỹ, Úc rất thích matxa cá vì bên nước họ từng có dịch vụ này nhưng hiện nay không còn nhiều. Có những ông bà khách đòi ngâm cả người xuống nhưng chúng tôi không thể cho phép. Thế là nhân lúc nhân viên không để ý, có người đã nín thở, nhúng cả mặt xuống nước cho cá rỉa, thiệt là hết hồn” - Nhật Linh, quản lý spa B trên đường Đồng Khởi, nói.

Khi dưới chân đàn cá đang miệt mài “làm việc” thì vai, gáy, hai cánh tay của khách được các nữ nhân viên nhẹ nhàng matxa. Thay vì uống cà phê, spa cho khách nhâm nhi ly trà gừng nóng để thư giãn. Giá một gói matxa như vậy khoảng 210.000 đồng cho 30 phút.

Một bé gái 6 tuổi người Nhật Bản được cha đưa đến matxa chân bằng cá thích thú cười vang suốt buổi. Anh Kazuo Ito (29 tuổi), cha của bé, cho biết “fish massage” không phổ biến lắm ở Nhật Bản. Năm ngoái, chị gái anh đi du lịch ở Việt Nam có sử dụng dịch vụ này, về kể cho con gái anh nghe, bé rất thích. Lần này sang đây bốn ngày, bé vẫn nhớ và đòi đi bằng được.

Theo chị Vương - chủ spa Z trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, matxa cá đòi hỏi khá nhiều công sức chăm sóc cá, khách hàng sau khi trải nghiệm “cảm giác lạ” mà không có đổi mới gì sẽ không còn hứng thú nữa. Cũng vì thế một vài cơ sở tuy vẫn duy trì được đàn cá matxa nhưng chỉ còn hoạt động cầm chừng.

Ở một spa khác thuộc quận 1, khi chúng tôi đề nghị được matxa cá, nhân viên để khách tự nhúng chân vào một bể nước lạnh nhỏ, nước chỉ quá mắt cá chân rồi cho vào bể luôn. Đàn cá với nhiều con to nhỏ, màu sắc khác nhau bu lại. Những con cá to thi thoảng lại húc mạnh vào chân làm khách đau và giật mình.

Đặt bể cá tại nhà

Tìm hiểu các đầu mối cung cấp cá matxa trên địa bàn TP.HCM, chúng tôi được biết hiện nay khi các tiệm spa, cà phê dần giảm bớt về số lượng thì nhiều người đã mua các bể lắp đặt tại nhà.

Ông La Nghĩa Hưng (phường Tân Hưng, quận 7), một trong các đầu mối lớn cung cấp cá matxa, cho biết: “Qua thông tin trên mạng, nhiều người sợ bị lây bệnh nên đầu tư lắp bể cá giải trí ngay tại nhà. Nhà rộng, có sân vườn thì xây bể ximăng, nhà chật thì làm bể bằng kính. Toàn bộ chi phí cho một bể khoảng 20-25 triệu đồng. Chúng tôi đã lắp hàng chục bể như vậy, phản hồi của khách hàng khá tốt”.

Ông Hưng cảnh báo trên thị trường hiện nay có rất nhiều loài cá được giới thiệu là cá matxa và bán với giá rất cao, khoảng 20.000-40.000 đồng/con, nhưng không phải loài nào cũng có khả năng matxa. Cá matxa chính hiệu không có răng, miệng nằm phía dưới như cá lau kính chứ không phải nằm ngang.

“Nếu không quan sát kỹ, có thể sẽ mua phải cá Trung Quốc bán theo ký, giá rất rẻ. Loài này thuộc họ cá rô, khi lớn lên có răng sẽ cắn rất đau, thậm chí gây chảy máu” - ông Hưng nói. Do vậy, khi tiến hành lắp đặt bể hoặc đến các cơ sở matxa cá, mọi người cần quan sát kỹ loại cá, quan sát cách nhân viên vệ sinh chân cho khách để đảm bảo an toàn

Tốt cho sức khỏe, nhưng...

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diệu My - Bệnh viện Da liễu TP.HCM, bất cứ một phương pháp matxa nào cũng giúp cơ thể giải tỏa căng thẳng, giảm stress và tùy vào người sử dụng có lạm dụng hay không. Cá rỉa chân là hình thức kích thích những đầu mút thần kinh nên được đánh giá là tốt cho sức khỏe.

Vấn đề matxa bằng hình thức này có hai trường hợp: cá có thể gây bệnh cho người nếu nhiễm ký sinh trùng gây ký sinh cho người, và cá là nguồn trung gian lây bệnh từ người qua người.

Xác suất lây bệnh qua hình thức cộng đồng này không phải là không có nhưng rất thấp, quan trọng là các cơ sở kinh doanh dịch vụ matxa cá cần quan sát những khách hàng có dấu hiệu bệnh ngoài da hay không (bằng cách nhìn vào móng chân, bàn chân), nếu khách hàng có dấu hiệu nấm thì cho sử dụng bồn riêng.

DIỆU NGUYỄN

Từ khóa » Cá Rỉa Da Chết