Sai Lầm Khi Quan Niệm “khẩu Xà Tâm Phật” | Giác Ngộ Online

GN - Hầu hết chúng ta đều biết, ái ngữ (nói lời từ ái) là chất liệu nuôi dưỡng tình thương, gắn kết các mối quan hệ gia đình và xã hội. Tuy nhiên vì cuộc sống vội vã, chúng ta mải chạy theo những giá trị tiện nghi bên ngoài nên vô tình quên đi cách sử dụng ái ngữ để nuôi dưỡng chính mình và các mối quan hệ.

thien dinh.jpg

Tại sao tâm tốt rồi, mình không nói năng cho tốt luôn?

Chúng ta vẫn tưởng rằng, yêu thương một người hay gia đình mình, chỉ cần kiếm thật nhiều tiền, chu cấp mọi nhu cầu cho họ là đủ. Mình tự cho phép bản thân lúc nào cũng bận, căng thẳng. Do đó, chúng ta thường buông lời hằn học, khó chịu, cáu gắt vào người thân khi về đến nhà. Dù có tu tập, nhưng nhiều lúc chúng ta không kiềm chế được cơn giận, và bắt đầu những cuộc cãi vã đầy oán trách. Hoặc sau khi hành xử hay nói năng với lời lẽ rất nặng nề xong, chúng ta bào chữa “Tại nãy tôi nóng thôi, chứ không có gì đâu”. Tin rằng “khẩu xà tâm Phật” cũng không phải là xấu, nên vô hình trung, chúng ta xem việc nói năng sao cũng được, miễn tâm mình lành.

Nhưng thật ra, việc nói năng tưởng chừng vô hại ấy lại lắm tai hại, nó có thể dẫn đến bi kịch gia đình, gây tan vỡ mối quan hệ, hoặc tạo áp lực giết chết người khác. Gần đây nhất là những vụ tự tử của những người trẻ, những em học sinh giỏi giang bị trầm cảm, xuất phát từ áp lực của gia đình, nhà trường. Ngày nào các em cũng bị la mắng, chì chiết thì đến một lúc, những lời nói đó đẩy các em đến bước đường cùng, tự mình kết thúc những khổ đau bằng cái chết.

Đâu phải nói tục, chửi bậy mới gọi là khẩu nghiệp. Chính ngay những người có giáo dục, đạo đức, lời họ nói ra không một ngôn từ nào của chợ búa nhưng buông một câu để người nghe bị tổn thương, suy sụp thì khẩu nghiệp còn nặng nề hơn.

Tại sao chúng ta không tự hỏi, tâm Phật được mà không khẩu Phật được? Tại sao tâm tốt rồi, mình không nói năng cho tốt luôn? Nếu vẫn chưa làm được, là do chúng ta vẫn chưa tu, chưa hành tới nơi tới chốn. Chính ngay lời ăn tiếng nói của mình mà mình cũng chưa điều khiển được thì mình còn kém lắm. Chỉ cần cảm xúc tiêu cực thì muốn nói gì liền nói, chắc chắn là chúng ta đang tàn phá thân tâm người đối diện. Nhưng mình lại biện minh rằng, tôi đâu cố ý nói vậy, đâu có ý muốn nói lời sát thương vậy, tại người kia họ nhạy cảm quá thôi. Thành ra nếu thấy không thể kiềm chế và chuyển hóa thành ái ngữ được thì nên giữ im lặng. Thà không nói gì còn hơn là nói những lời đầy tổn thương và khó nghe.

Không biết người Phật tử đó tu bao lâu, đi chùa bao nhiêu năm, thuộc bao nhiêu quyển kinh, nhưng chỉ cần nhìn vào cách hành xử, giao tiếp của họ với những người xung quanh là ta sẽ biết được việc tu tập của họ thế nào. Đặc biệt là lời nói của họ, tu tập là để cho tâm trí sáng ra, mở rộng trái tim để hiểu và thương, để nói lời ái ngữ. Nếu chúng ta vẫn giữ quan niệm “khẩu xà tâm Phật”, tự dễ dãi cho tâm tính và lời nói của mình chạy theo cảm xúc như vậy, thì sự tiến bộ trên con đường tu tập sẽ còn xa lắm.

Hồng QuếSingapore, 17-4-2018

Từ khóa » Khau Xa Tam Phat Nghia La Gi