Sai Sót Liên Quan đến Việc Sử Dụng Oxytocin

GIỚI THIỆU

Oxytocin và các thuốc tương tự thường được sử dụng để khởi phát và kích thích chuyển dạ. Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng rộng rãi để dự phòng và điều trị băng huyết sau sinh. Tuy nhiên, oxytocin có thể gây quá kích thích tử cung dẫn đến suy thai, cần chỉ định mổ lấy thai khẩn cấp, hoặc vỡ tử cung. Một phân tích các biến cố đã được tiến hành nhằm xác định các giải pháp giúp cải thiện độ an toàn cho bệnh nhân khi dùng loại thuốc có nguy cơ cao này.

KẾT QUẢ ĐỊNH LƯỢNG

Theo kết quả phân tích các biến cố, tổng cộng có 170 biến cố có khả năng liên quan đến việc sử dụng oxytocin đã được xác định trong cơ sở dữ liệu của Viện Thực hành An toàn thuốc Canada (ISMP Canada) và Hệ thống Báo cáo Sự cố Quốc gia Canada (NSIR). Các biến cố này được rà soát để loại bỏ các trường hợp không phù hợp hoặc không có đủ dữ liệu cần thiết. Cuối cùng, 99 báo cáo còn lại từ cơ sở dữ liệu ISMP Canada và 45 báo cáo từ NSIR đã được đưa vào phân tích.

Các vấn đề xảy ra trên phụ nữ có thai, thai nhi hoặc trẻ sơ sinh chiếm 12% các báo cáo của ISMP Canada và 29% các báo cáo của NSIR. Phần lớn các biến cố được báo cáo trong cả hai bộ dữ liệu đều xảy ra trong thời gian dùng thuốc.

PHÂN TÍCH ĐỊNH TÍNH

Kết quả phân tích cho thấy có thể chia các báo cáo theo 3 nhóm chính; mỗi nhóm chính bao gồm các phân nhóm nhỏ tương ứng (xem bảng 1).

1. Các vấn đề về pha chế và bảo quản thuốc

1.1. Vấn đề dán nhãn và/hoặc pha chế thuốc

Thông thường, các điều dưỡng chuẩn bị dung dịch tiêm truyền oxytocin tại khoa phòng điều trị bệnh nhân, ngay trước khi sử dụng, bằng cách lấy lượng oxytocin thích hợp từ ống/lọ thuốc, rồi thêm vào túi vừa đủ lượng dịch truyền tĩnh mạch phù hợp (như natri clorid 0,9%). Dung dịch sau khi đã được pha loãng này sẽ được dùng cho bệnh nhân thông qua một bơm tiêm truyền. Trong trường hợp khẩn cấp, quá trình này được thực hiện nhanh chóng trong thời gian rất ngắn.

Oxytocin có đặc điểm trong suốt và không màu, do đó không thể phân biệt ống tiêm/ túi truyền tĩnh mạch chứa oxytocin với ống tiêm/túi truyền tĩnh mạch không chứa oxytocin hoặc có chứa thuốc trong suốt, không màu khác. Vì vậy, việc ghi nhãn rõ ràng, đầy đủ và chính xác bất kỳ dung dịch hay thiết bị chứa oxytocin nào đóng vai trò rất quan trọng. Phân tích này đã phát hiện các trường hợp nhãn thuốc bị bỏ sót hoặc không hoàn thiện, dẫn đến các vấn đề an toàn xảy ra trên bệnh nhân. Các vấn đề liên quan đến nhãn thuốc này thường xảy ra do sự ngắt quãng, sao lãng hoặc cường độ công việc cao tại khoa phòng chăm sóc bệnh nhân.

Ví dụ về biến cố: Một túi dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch không dán nhãn, ban đầu được cho là không chứa dược chất, đã được lấy và sử dụng cho bệnh nhân. Sau đó, nhân viên y tế ghi nhận người mẹ bị chuột rút và chậm tim thai. Điều tra sau đó cho thấy túi dung dịch này có chứa oxytocin. Bệnh nhân đã phải được chỉ định mổ lấy thai cấp cứu.

Thực hiện kiểm tra chéo độc lập trong quá trình chuẩn bị đối với thuốc có nguy cơ cao và sử dụng miếng nhãn in sẵn để dán vào các túi thuốc đã được pha chế là những biện pháp khả thi để cải thiện độ an toàn cho bệnh nhân trong trường hợp này. Ngoài ra, cần loại bỏ lượng còn dư, không được sử dụng của chế phẩm thuốc đã được pha chế để tránh việc người khác sử dụng nhầm.

Nên cân nhắc oxytocin dùng cho tiêm truyền lý tưởng nhất là được sản xuất ở dạng sẵn sàng sử dụng ngay. Dạng thuốc này giúp hạn chế các thao tác bằng tay trong chuẩn bị thuốc tại giường bệnh và thu được lợi ích từ quy trình kiểm tra chặt chẽ. Tuy nhiên, các cơ sở pha chế thuốc vô khuẩn (trong công nghiệp hoặc tại Khoa Dược ở bệnh viện) gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm việc đảm bảo yêu cầu về độ ổn định và vô khuẩn của chế phẩm và nguồn lực cần thiết để đáp ứng nhu cầu sử dụng lớn của oxytocin trong thực hành.

1.2. Phương pháp bảo quản chưa đảm bảo an toàn

Ở một số khoa phòng chăm sóc bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt không được áp dụng cho oxytocin như đối với các loại thuốc có nguy cơ cao khác. Các sai sót về cách sử dụng oxytocin không phù hợp được mô tả trong hơn 20 báo cáo. Ví dụ: các ống oxytocin được một nhân viên không có chuyên môn về chăm sóc bệnh nhân (như nhân viên dọn phòng) phát hiện ở khu vực này. Trong trường hợp này, oxytocin đã không được bảo quản cẩn thận, đúng cách trong bộ dụng cụ dùng cho sản khoa.

2. Sai sót liên quan đến tiêm truyền tĩnh mạch

2.1. Sai sót trong việc lắp bơm truyền hay thiết lập đường truyền tĩnh mạch

Việc thiết lập kết nối đường truyền tĩnh mạch với bơm truyền và/hoặc với bệnh nhân không phù hợp sẽ dẫn đến các lỗi liên quan đến sai thuốc, sai liều dùng hoặc bỏ sót liều. Các yếu tố góp phần gây ra tình trạng này bao gồm nhu cầu cần sử dụng nhiều đường truyền tĩnh mạch, môi trường làm việc cường độ cao, khối lượng công việc lớn, nhân viên thiếu kinh nghiệm và sự sao lãng trong quá trình làm việc.

Ví dụ về biến cố: Trong quá trình thúc đẩy chuyển dạ, oxytocin phải được truyền bằng bơm truyền kiểm soát tốc độ, trong khi dung dịch ringer lactat được chảy tự do vào tĩnh mạch dưới tác dụng của trọng lực. Trong quá trình chuẩn bị, các đường truyền này bị nhầm với nhau, dẫn đến việc oxytocin vô tình được để chảy tự do không qua bơm truyền. Kết quả là bệnh nhân đã nhận được liều oxytocin lớn hơn dự định và phải chỉ định mổ lấy thai cấp cứu.

Kiểm tra chéo độc lập việc lập trình bơm và thiết lập đường truyền tĩnh mạch, hoặc sử dụng bơm truyền thông minh được tích hợp phần mềm hạn chế lỗi về liều dùng, có thể giúp cải thiện độ an toàn khi sử dụng oxytocin. Việc hoàn thành một bảng kiểm an toàn chuẩn trước khi sử dụng oxytocin có thể là một biện pháp hữu ích giúp hạn chế sai sót. Khi thiết lập đường truyền tĩnh mạch, phải tạo ra các dấu hiệu giúp xác định loại thuốc, bơm truyền và bệnh nhân chính xác và kịp thời. Có thể cân nhắc dán nhãn ống truyền tĩnh mạch chính với tên của dịch truyền, ngay phía trên đầu ống tiêm gần nhất với bệnh nhân và phía dưới bơm truyền (ví dụ trên ống truyền tĩnh mạch ở vị trí ngay dưới bơm).

2.2. Sai sót liên quan đến tốc độ tiêm truyền

Một số báo cáo về nhầm lẫn đã được ghi nhận do sự không thống nhất trong các thuật ngữ dùng để biểu thị tốc độ tiêm truyền trong đơn thuốc, bệnh án và/hoặc thư viện điện tử của bơm. Nồng độ oxytocin trong dịch truyền thường được tính bằng miliunit/mililít (mU/mL) hoặc unit/lít (U/L). Tốc độ truyền oxytocin thường được tính bằng lượng thuốc được truyền (ví dụ: mU/phút) hoặc thể tích dung dịch được truyền (ví dụ: mL/giờ).

Ví dụ về biến cố: Do nhầm lẫn giữa các đơn vị đo lường, một bơm truyền đã được lập trình để truyền lượng oxytocin nhiều gấp 3 lần liều trong y lệnh.

Trong các khuyến cáo thực hành tốt được công bố gần đây, Hội đồng Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em bang Ontario (PCMCH) đã khuyến khích việc tiêu chuẩn hóa tốc độ truyền oxytocin và cung cấp các công cụ, như bộ công cụ kê đơn mẫu, nhằm hạn chế những khác biệt trong thực hành giữa các bệnh viện trong tỉnh bang này. Việc trao đổi thông tin về tốc độ truyền (mU/phút) và thể tích dịch truyền (mL/giờ) cần đảm bảo rõ ràng hơn và giảm nguy cơ nhầm lẫn. Tiêu chuẩn hóa cách ghi liều và tốc độ tiêm truyền, kết hợp với sử dụng bơm thông minh (tích hợp phần mềm hạn chế lỗi và thư viện thuốc) có thể làm giảm nguy cơ sai sót.

3. Các vấn đề về tài liệu và trao đổi thông tin

3.1. Thiếu hoặc không thực hiện đúng quy trình

Việc thiếu nhận thức hay chưa tuân thủ đúng quy trình sử dụng oxytocin trong bệnh viện được xem là một trong những yếu tố dẫn đến các biến cố liên quan đến oxytocin đã được ghi nhận trong một nghiên cứu trong giai đoạn 10 năm. Tương tự, các biến cố trong phân tích này cũng cho thấy các lỗ hổng trong nhận thức về các tài liệu này cũng như việc thiếu quy trình hướng dẫn kê đơn.

Ví dụ về biến cố: quy trình của một bệnh viện đã chỉ rõ oxytocin là thuốc ưu tiên dùng cho phụ nữ sau sinh có nguy cơ băng huyết cao. Một cán bộ y tế không biết đến quy trình này đã sử dụng carbetocin (một dẫn xuất của oxytocin) cho bệnh nhân. Bệnh nhân sau đó bị băng huyết nghiêm trọng.

3.2. Chưa hoàn thiện việc chuyển giao chăm sóc bệnh nhân

Chưa có văn bản ghi lại thông tin rõ ràng khi chuyển giao chăm sóc bệnh nhân là yếu tố chính dẫn đến biến cố về oxytocin. Người báo cáo thường cho rằng nguyên nhân do áp lực công việc cao, nhịp độ công việc nhanh, thiếu kinh nghiệm và sự tham gia của nhiều đồng nghiệp trong quá trình chăm sóc bệnh nhân.

Ví dụ về biến cố: Khi ghi nhận nhịp tim thai chậm, điều dưỡng đã cho ngừng truyền oxytocin. Sau đó, bác sĩ khám bệnh nhân và đưa ra y lệnh bằng lời để bắt đầu lại việc truyền oxytocin với tốc độ chậm hơn. Vài phút sau, một bác sĩ khác, là người tiếp nhận công việc từ bác sĩ thứ nhất, đưa ra y lệnh truyền oxytocin ở liều ban đầu. Hai y lệnh này mâu thuẫn trực tiếp với nhau. Việc thiếu tài liệu dưới dạng văn bản khi đưa ra quyết định giảm liều được xem là một yếu tố dẫn đến biến cố này.

Việc sử dụng các công cụ dạng văn bản chuẩn hóa và phương pháp trao đổi thông tin trong quá trình chuyển tiếp bệnh nhân được khuyến cáo để tăng cường sự rõ ràng, kịp thời và trao đổi thông tin về bệnh nhân hiệu quả. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao độ an toàn khi sử dụng oxytocin.

KẾT LUẬN

Oxytocin thường được sử dụng để hỗ trợ chuyển dạ và sinh con, dự phòng và điều trị băng huyết sau sinh. Các lỗi khi sử dụng oxytocin có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho người mẹ và thai nhi. Phân tích các biến cố này cho thấy sự cần thiết đảm bảo việc ghi nhãn đầy đủ và chính xác của tất cả các sản phẩm, chế phẩm pha chế và hệ thống tiêm truyền chứa oxytocin; tiêu chuẩn hóa cách ghi liều, nồng độ dung dịch và tốc độ truyền; và ủng hộ việc văn bản hóa và trao đổi thông tin rõ ràng với bệnh nhân và các nhân viên y tế khác tham gia vào quá trình chăm sóc người bệnh. Lý tưởng nhất, việc cung cấp oxytocin dưới dạng tiêu chuẩn hóa, có thể sử dụng ngay sẽ giúp tối ưu việc sử dụng an toàn loại thuốc có nguy cơ cao này.

Từ khóa » Tiêm Oxytocin