Săn ảnh ở đèo Gió
Có thể bạn quan tâm
Khúc cua gấp, dốc dựng đứng, làn đường hẹp, ổ gà... khiến con đường trở nên vô cùng hiểm trở. Ðây là cung đường không những hội tụ các yếu tố trên mà còn tiềm ẩn nguy cơ lở đất, động vật băng qua và tầm nhìn hạn chế. Thế nhưng vẫn phải đi, bởi con đường “tử thần” đó đôi khi là độc đạo. Tuy nhọc nhằn, vất vả và đầy rẫy hiểm nguy nhưng đèo Gió đã để lại cho chúng tôi một sự trải nghiệm vô cùng lý thú.
Hẹn hò đi vào mùa lúa chín nhưng phải đến tận những ngày đông tôi và Nguyễn Việt (Tạp chí Thủy Sản), “Tuấn con” và Trung Kiên (Đài PTTH Lào Cai) mới thu xếp được công việc để làm một chuyến săn ảnh ở đèo Gió (Hà Giang). Biết tay lái người Hà Nội, anh bạn của Kiên ở thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên (Lào Cai) trố mắt, “ném” lại một câu chào lạnh gáy: “Hãy đi cẩn thận, để lần sau còn cơ hội gặp lại!”. Chia tay mấy anh bạn, chúng tôi chạy men theo QL279 qua xã Nghĩa Đô để sang với huyện Quang Bình (Hà Giang) trong cái lạnh se sắt của mùa Đông. Cung đường chỉ với 40km nhưng xe phải chạy mất gần 2 giờ đồng hồ bởi phải đánh vật với những ổ voi trên đường ở địa phận tỉnh Hà Giang.
Cung đường gần đỉnh đèo Gió.
Sau khi nghỉ ở thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình), xe chúng tôi rẽ vào tỉnh lộ 178 tiếp tục hành trình. Biết tôi “lão” nhất đoàn, mắc chứng bệnh về xương cốt, lại vừa bị “trần” ở một cung đường xóc như rang lạc, Việt vỗ vai: Mời anh tọa ghế trên để… “giữ gìn sức khỏe!” - “Chú mày trông vậy thôi, anh cũng còn “hoành tráng” chán!”, tôi đáp lại. Cuộc sống của cao nguyên thật yên bình. Những đoạn cua mềm mại chạy qua những thảm rừng trùng điệp. Xa xa phía dưới chân là những ngôi nhà sàn người bản địa ẩn mình trong rừng cọ xanh mướt, những hồ nước phẳng lặng mờ trong sương khói. Không cưỡng lại được với cảnh đẹp, tôi lôi máy ảnh, thò qua ô kính xe chụp toanh toách. Thấy ống kính va vào cửa xe đùm đụp, “Tuấn con” gọi giật Kiên: “Chú mày giữ anh Hội, kẻo cửa xe bất trắc”. Đến những đoạn vào cua có vị trí tương đối an toàn, “Tuấn con” dừng xe để chúng tôi chụp ảnh. Một phần vì thưởng ngoạn cảnh đẹp và cũng để “giãn cơ” sau một cung đường khó!
Cung đường đi vắng hoe, thi thoảng mới gặp một chiếc xe tải trọng nhỏ chở hàng hóa phục vụ dân sinh. Có thể nói, ấn tượng với chúng tôi vẫn là “văn hóa nhường đường” của các lái xe người bản địa. Mỗi khi gặp, các tài xế cho xe đi thật chậm để có thể tránh nhau vì mặt đường hẹp, góc cua tay áo. Đến km 16, xe đi vào một đoạn cua quá gấp, mặt đường nhầy nhụa vì sạt lở, “Tuấn con” xoay sở mãi mà xe vẫn chưa qua được đoạn đường trơn, nhầy nhụa bùn đất. Biết chúng tôi là dân xuôi, một tài xế xe tải biển 23 (biển xe Hà Giang) tên Hưng bật xuống xe. Sau một hồi trao đổi, anh còn truyền đạt lại một số kinh nghiệm vượt đèo dốc. Kêu chúng tôi lấy củi rải dưới 2 làn bánh, anh còn tận tình xi nhan cho xe chúng tôi qua trước rồi mới đi tiếp. Nghỉ xả hơi ở trung tâm xã Na Chì và hỏi đường, chỉ tay lên đỉnh núi mù sương, anh bạn người bản địa nói tiếng Kinh lơ lớ: Ồ kia rồi, nhưng cũng phải đi 20 kây nữ! (20 cây số nữa).
Xe càng lên đèo, độ cua càng gấp và dốc càng dựng. Đã đi nhiều, trải qua nhiều cung đường “khét tiếng” hiểm nguy nhưng chưa ở cung đường nào có độ dốc lại lên tới 15% như ở cung đường này. Sự chia cắt địa hình quá mạnh khiến cho con dốc càng trở nên dựng. “Tuấn con” tập trung cao độ, liên tục gồng mình hết đánh lái sang trái lại đột ngột đánh sang phải, rướn người ra phía ngoài vòng cua, mắt trừng trừng nhìn về phía trước, mồ hôi chảy dài trên má. Mỗi khi nghe thấy tiếng trượt loạt soạt của bánh xe, “Thắng đen” lại quay sang ôm ghì Kiên, mắt nhắm nghiền. Nhiều đoạn vào cua quá gấp, khuất tầm nhìn, mặt đường hẹp, xe nghiêng văng ra ngoài vòng cua, tôi phải nín thở nhún người vào phía trong. Cả đoàn mặt tái nhợt. Việt trấn tĩnh: Sắp tới đỉnh rồi, cũng chỉ hiểm trở như lên Mã Pí Lèng thôi mà! Dọc cung đường, lan can của các cây cầu hầu như đều bị phá hỏng, ai cũng hiểu đó là dấu tích của những vụ tai nạn. Nhớ lại lời kể của anh bạn người bản địa về những vụ tai nạn, hình ảnh những chiếc xe bị “vò nát” dưới chân đèo, những ngôi miếu thờ nằm lạnh lẽo bên những khúc cua tử thần mà tự nhiên sống lưng lạnh toát!
Thác Tiên đổ xuống như mái tóc người thiếu nữ.
Thật không may, xe leo đến lưng chừng đèo thì trời chợt đổ mưa. Mặt đường bỗng chốc tối om, nhạt nhòa trong nước. Trước tình thế đi không được, mà quay lại cũng là điều không thể, bỗng Việt, người có kinh nghiệm đường trường nhảy khỏi xe, lăm lăm lấy cây đèn pin, hì hụi lấy mảnh giấy bóng vàng bọc kín mặt kính đèn rồi đi trước mũi xe, rờ rờ từng mét đường rồi vừa bấm đèn pin ra tín hiệu, vừa hô to chỉ đường cho xe vượt dốc. Chiếc xe Ford Everest phân khối hai chấm bẩy rồ ga, ỳ ạch bám từng mét đường. Tôi và Kiên xuống xe, dốc hết sức mình đẩy thêm cho xe vượt dốc, khói từ bánh xe văng ra đen đúa, khét lẹt. Lên xe, để giảm bớt căng thẳng, chúng tôi quay sang nói chuyện tầm phào. Nhờ có Việt, một tay có tiếng phượt nhiều tếu táo nhất đoàn làm anh em quên đi mệt nhọc. Hầu hết những địa danh hiểm trở và nổi tiếng, từ Côn Đảo, Trường Sa, Phú Quốc đến Cột cờ Lũng Cú, đỉnh Phan Xi Păng, Ngã ba A Pa Chải, A Mú Sung… đều đã đi qua. Kiên quay sang hỏi Việt: Anh đi nhiều, cả nước còn bao nhiêu tỉnh nữa anh chưa được đặt chân? Việt giơ bàn tay lên nhẩm tính rồi trả lời tỉnh bơ: Còn một số huyện nữa là chưa được đến!
Càng lên đỉnh, trời càng rét tê tái. Ai nấy mồ hôi vã ra đầm đìa nhưng cảm thấy phấn chấn vì đã thoát được đoạn đường tử thần. Sương giăng mù mịt phủ kín những thảm rừng nguyên sinh trùng điệp và kỳ bí dưới chân đèo tỏa vào tận trong xe lạnh toát. Chiếc xe như đi trên mây bồng bềnh, huyền thoại. Đang mơ màng trong không gian như huyền ảo, mọi người bỗng giật mình như một phản xạ khi nghe tiếng hô từ Việt: “Dừng lại, tất cả xuống xe!”. Lừng lững đi về phía bờ vực, Việt lôi ra cái máy ảnh, chĩa ống kính to đùng về phía xa xa chụp xoèn xoẹt. Kiên thoăn thắt như con sóc chạy lên đám hoa dại chụp đàn bướm rừng đang bay kín lối đi. Tôi cũng “kém miếng khó chịu”, lôi máy ra rồi chạy nhào phía trước Việt, người lảo đảo vì gió. Rờ rẫm từng bước, tìm điểm khá an toàn rồi bấm máy. Nhưng ôi thôi, bấm mãi mà máy không thể “nổ”, ống kính đã bị ngấm hơi sương, mờ tịt. Thất vọng tràn trề. Tôi phải nhờ máy mấy anh bạn để lưu lại những khoảnh khắc… không dễ gì gặp lại.
Sau bữa nhậu lẩu cá hồi no nê trên đỉnh đèo Gió, ông chủ quán người bản địa vỗ đùi quả quyết: Lên đèo Gió mà chưa đến thác Tiên thì… phí cả hành trình! Mưa giăng giăng nhạt nhòa càng làm cho cái rét thêm phần tê tái nhưng không cản được quyết tâm khám phá thác Tiên - một danh thắng nổi tiếng bậc nhất của Xín Mần. Nhìn từ xa, thác Tiên như mái tóc dài mềm mại của cô gái tuổi xuân thì buông lững lờ theo làn gió, phấp phới, tỏa hơi sương mát lạnh. Thác nằm giữa rừng nguyên sinh đèo Gió thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, sau vài cây số đổ đèo, cả đoàn được hòa mình vào một thế giới thiên nhiên thuần khiết với thảm thực vật nguyên sơ quý hiếm. Bên cạnh phong lan rừng, thảo mộc và nấm các loại là nhiều loài gỗ quý nghìn năm tuổi. Trong khi cả đoàn đang mơ màng với thiên nhiên hoa cỏ thì tiếng nước đổ vọng gần đã đưa mọi người về thực tại với dòng thác Tiên huyền thoại trước mặt. Mọi mệt mỏi dần tan biến theo mỗi bước qua thềm bậc giữa cánh rừng vầu rậm rạp. Trong màu xanh ngút ngàn của rừng già
hoang sơ là dòng thác đôi trắng xóa. Thác bắt nguồn từ xã Tả Củ Tỷ, Bắc Hà (Lào Cai). Khi đến xã Nấm Dẩn, dòng nước thả mình qua vách núi đèo Gió tạo thành dòng thác đôi như mái tóc dài mềm mại, buông lững lờ của thiếu nữ tuổi trăng tròn.
Đổ xuống từ độ cao gần trăm mét giữa núi rừng hùng vĩ, thác Tiên không ầm ào, hung dữ mà mềm mại, réo rắt, mang đến bầu không khí mát lành nhờ những hạt nước li ti lan tỏa theo làn gió thổi quanh chân thác. Bởi thế thác Tiên ngoài tên gọi Táng Tinh (theo tiếng Nùng) còn được gọi là thác Gió. Nước suối dưới chân thác lặng, yên bình và trong vắt quanh năm, nhìn thấu tận đáy. Suối nông nhưng lạnh do nằm trên độ cao gần 2 nghìn mét so với mực nước biển, nên mùa hè có thể thoải mái lội suối vui đùa, còn mùa đông, khách thường chỉ men theo lối nhỏ để dạo một vòng hoặc chụp ảnh trên cây cầu cong vắt ngang qua suối. Trong khi cả đoàn hào hứng thi nhau chụp ảnh, tôi lại như kẻ mất hồn, đờ đẫn, miên man trước vẻ đẹp kì vĩ của đôi dòng thác.
Mưa mỗi lúc một nặng hạt, rét cóng đôi bàn tay nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm chụp một bộ ảnh về cảnh đẹp của thác Tiên để giới thiệu với công chúng. Vừa lấy tay gạt nước mưa trên mặt, Kiên vừa lăng xăng hết chỗ này đến chỗ khác để tìm góc ảnh đẹp, người chao đảo vì gió. Khi Việt vừa tìm được một góc đẹp, giơ máy lên chụp thì ôi thôi… máy ảnh không thể “nổ”. Nước mưa đã hắt làm nhòa ống kính nên không thể lấy được nét. Để tạo bố cục đẹp, tôi phải nhờ “Tuấn con” cầm một cành cây làm tiền cảnh, khi dừng lại thì tôi đã mệt nhoài và ướt đẫm vì mưa.
Chia tay thác Tiên kì vĩ mà hình ảnh về đèo Gió và “cung đường chết” vẫn đau đáu trên suốt chặng đường về. Do thời tiết nên chuyến đi không có nhiều ảnh đẹp, nhưng đã để lại cho mỗi người trong đoàn một kỷ niệm sâu sắc về một hành trình đầy gian nan vất vả nhưng lại ý nghĩa vô cùng. Mỗi người đã có thêm sự trải nghiệm, trải nghiệm về tình đất và người nơi đỉnh núi mù sương, để biết trân trọng hơn những gì mình đang có!
Bài và ảnh: Thanh Hội
10 việc khiến hen phế quản chào thua | Cảnh báo nạn hack tài khoản facebook để lừa đảo | Tết rộn ràng đến với người bệnh |
Từ khóa » Hình ảnh đèo Giàng
-
Đèo Giàng – Wikipedia Tiếng Việt
-
Vang Mãi Chiến Công Nơi địa Danh Lịch Sử Đèo Giàng - Tỉnh Bắc Kạn
-
100+ Hình ảnh đèo Giàng đèo Gió
-
Đèo Giàng
-
Đèo Giàng - Di Tích Chiến Thắng
-
Đêm Năm ấy – Đèo Giàng
-
Đèo Gió, Ngân Sơn, Bắc Kạn
-
Ám ảnh Cửa Tử Nơi đèo Giàng (Bắc Kạn)
-
Đèo Giàng ở Bắc Kạn - TripHunter
-
Kỳ Vĩ đèo Gió (Bắc Kạn)
-
Tin Tức, Hình ảnh, Video Clip Mới Nhất Về Đèo Đông Giang
-
Đèo Thị Trấn Thạnh Mỹ - Quốc Lộ 14 ở Huyện Nam Giang, Quảng ...
-
Hình ảnh Về Chiến Thắng Điện Biên Phủ "lừng Lẫy Năm Châu, Chấn ...