Săn “cọp Biển” Trong đêm | Sống 4 Màu

(Kienthuc.net.vn) - Chiếc dây dù thả câu căng phừng phực, lôi nhanh con tàu cả trăm mã ngựa giữa màn biển đêm. Những ngư dân trẻ vã mồ hôi quay máy tời, vờn cùng con “cọp biển” nặng đến vài tấn đang quẫy đạp dưới biển. Một trong những câu chuyện ly kỳ về những đội câu cá mập cuối cùng làng chài Quảng Ngãi.

Vùng biển đêm lờ mờ, yên ả bổng chốc nổi ụ sóng. Chiếc dây câu kéo căng phừng phực. Kình ngư Cao Tận (thôn Tân An, Nghĩa An, Tư Nghĩa – Quảng Ngãi) nói như hét trên boong lái con tàu QNg-97319: cá mập cắn câu, tất cả vào vị trí. Không ai bảo ai, như thành phản xạ của những tay săn lão luyện, vài ngư dân trẻ chạy đến điều khiển máy tời. Nguyễn Văn Thành (36 tuổi) tay cầm chắc cây lao dài nhọn sắc, thêm vài người cầm chiếc lia, ba múi chuẩn bị cho khâu cất mẻ lưới, tóm gọn loài cá biển hung dữ.

Tuổi 42, kình ngư Cao Tận săn chắc chẳng khác gì một “sói biển” dày dặn kinh nghiệm. Từng ngang dọc khắp các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa làm đủ nghề lặn hải sâm, câu mực… rồi anh bị cá mập “hút hồn”. “Những lần chinh phục cá mập là những lần kỳ thú, gian nan và ngoạn mục nhất” – anh Tận đúc kết.

Kình ngư Cao Tận

 

Khắp các vùng biển giáp ranh nước ngoài, chẳng chỗ nào vị kình ngư này chưa đánh thuyền tới. Từng mùa, con nước và thời điểm di cư của loài “cọp biển”, anh Tận rành rọt như lòng bàn tay. Không phải ngẫu nhiên anh Tận tự hào: săn cá mập phải có công phu, kỹ nghệ của nó. Đây là một trong những nghề độc đáo nhất trên đại dương của đời ngư phủ.

Anh Tận kể từng loại cá mập nhám (cá trắng), mập đen, mập cào… tùy theo mỗi loại có “thế đánh” khác nhau. Nhưng điều quan trọng phải luôn luôn thay đổi mồi câu mới dễ dụ được cá. Nếu có một con mắc câu, thì ít những con cá mập khác cùng ăn mồi này, phải thay đổi mồi. Riêng mồi “cá nhảy” (loại cá heo) loại thức ăn hảo hạng của loài cá mập có thể khiến cả chục con dính câu là chuyện thường.

Đang mùa Bắc (tháng 2-3 âm lịch), anh Tận cho tàu đạp sóng gần tuần trời từ cầu cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) ra tận vùng biển phía Nam, giáp ranh nước ngoài để thả câu, săn cá mập. Theo anh Tận: mùa này cá mập hay về ẩn ở các rạn san hô. Còn những mùa khơi, phải đi ngang dọc vùng biển lộng để rà câu cá. Lúc này cá mập di cư từng đàn. Nếu đánh trúng hang ổ của loài “cọp biển” này, các ngư dân bội thu chiến lợi phẩm.

Thời điểm đầu con trăng (đầu tháng) hoặc trước con nước (thủy triều) cá mập thường ăn tạp nhất. Phải tranh thủ lúc này để thả câu, sẽ bội thu. Nhưng loài cá biển hung dữ này không kém phần tinh ranh, chúng có thể đánh lạc hướng các tay câu nếu không có kinh nghiệm. Những lúc cá chỉ vờn giỡn mà không ăn mồi thì không vội đánh luôn, chờ đến ngày mai, lưỡi câu sẽ dính đầy hàm cá mập- Kình ngư Cao Tận, bật mí.

Chuyến câu tiền tỷ

Hơn 20 năm ngang dọc khắp các vùng biển săn tìm hang ổ của cá mập, thuyền trưởng Cao Tận nếm đủ mùi vị thăng trầm đời câu. Nhưng theo anh, câu cá mập giờ thuận tiện hơn và bội thu hơn. Anh nhớ có lần vừa thả sợi dây câu dài đến 40km với hơn 1.000 lưỡi câu - ngư dân trong nghề vẫn gọi vui là "hàng độc” của thứ “nghề độc” này - không phải chờ lâu, đoạn dây câu căng phừng, lôi con tàu về phía màn biển đêm lờ mờ.

“Cuối năm 2011, trong chuyến đi câu tận vùng biển giáp Philippines, cả tàu tôi trúng lớn. Lần đó, để đánh gọn con “cọp biển” khổng lồ nặng đến gần cả tấn, đội tàu mất hàng tiềng đồng hồ mới có thể chế ngự thành công” – anh Tận kể.

Chiến lợi phẩm của cuộc chiến cam go trên biển.

 

Kình ngư Tận được liệt vào danh sách các “cao thủ” săn cá mập của làng chài Nghĩa An. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng từ đầu năm đến nay, anh Tận đã có 3 chuyến đi biển thắng lợi, thu về hàng chục tấn cá mập, bán lãi gần 2 tỷ đồng.

Ông Trần Thái Sơn (Nghĩa An), chủ tàu cá QNg- 95762 một tay săn cá mập có tiếng trên địa bàn, kể: trung bình phải mất gần 2-3 tạ cá, cắt thành từng miếng mới làm đủ mồi cho số lưỡi câu cá mập. Chưa đầy tiếng đồng hồ thả câu, chiếc dây dù động đậy báo hiệu, rung bần bật, liên tục lắc mạnh vào máy tới... Lão ngư Sơn chạy xuống máy tời, trực tiếp điều khiển.

Những vòng tay gân thước quay nhanh, mở giãn chiếc dây câu về phía biển. Các ngư dân liên tục kéo rồi thả, vờn nhau cùng vài con cá mập mắc câu. Chưa bao giờ cảnh giằng co với loài cá mập lại căng thẳng đến thế. Kinh nghiệm cho thấy phải “cương – nhu” với loài "cọp biển" này mới giành chiến thắng.

Cá mập vừa được kéo lên mặt biển, cả tàu tròn mắt nhìn con "cọp biển” chẳng khác gì cái cột đình khổng lồ. "Gian nan nhưng bù lại, đời câu cá mập không thiếu những chuyến đi bội thu. Chuyến đó tàu thu hoạch vài chục tấn cá mập, kiếm tiền tỉ" - ông Sơn nói.

Còn nữa...

Xuân Tuyết

Từ khóa » Câu Cọp Biển