Săn "cọp Nước" Tam Giang - Tép Bạc
Có thể bạn quan tâm
Cá vược phá Tam Giang từng là nỗi kinh hãi của ngư dân
"Lời nguyền" của cá
Làng Ngư Mỹ Thạnh nằm hướng mặt ra phá Tam Giang. Từ xa, ngôi làng nhỏ bé như chiếc mũi thuyền hướng ra đầm phá. Bao đời nay, cũng như những ngư phủ sống dọc miền sông nước, người dân làng lấy đánh bắt, nuôi trồng thủy sản làm kế mưu sinh.
Một bận, đi dọc miền phá Tam Giang, ghé vào nhà người bạn, hỏi chuyện về cá vược, chưa nói dứt câu, anh bạn tên Tuân của tôi liền đổi sắc mặt, bảo là không được nói nữa. Nếu có nói thì ra khỏi nhà, chứ trong nhà làm ngư nghiệp, không được vô cớ nhắc đến tên "ngài". Nói đoạn anh dẫn chúng tôi đến gặp hai anh em Nguyễn Dàng và Nguyễn Dồn trú cùng thôn. Tuân bảo: “Dọc miền phá ni, chỉ có hai ông già đó mới dám đánh bắt cá ngài thôi. Gặp hai ông ấy rồi khắc sẽ rõ".
Bên tách trà, ngồi vấn tẩu thuốc, ngư phủ Nguyễn Dàng chậm rãi kể cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện “truyền đời” của ngư dân đầm phá về loài ngư tinh được ví như là “cọp nước” của miền Tam Giang. Ông kể: “Cá vược lúc nhỏ người ta gọi là cá trặc, chúng thường đến “ngự” ở các am thờ nổi lên trên đầm phá. Cá vược cỡ lớn có con đạt 50-70 kg. Hồi những năm 80-85 thế kỷ trước, loài cá này nhiều vô kể. Ai làm ngư nghiệp mà bị ngài vô trong lưới thì xem như xui xẻo, thậm chí là bỏ nghề. Cá vược có sức mạnh của loài cá dữ, ăn tạp, ngài mà vô lưới thì quẫy tan tành, lưới rách bươm. Có khi, người ta còn thấy ngài đớp cả ngón chân, tay của ngư dân bơi trên đầm phá, bởi thế đối với những người làm ngư nghiệp, thường gặp ngài là quay mũi thuyền lảng đi, cá mắc lưới thì thả cho ngài đi".
Theo lời ngư phủ Nguyễn Dàng, ông cũng đã từng nghe và chứng kiến nhiều câu chuyện tai ương mà loài ngư tinh này mang lại. Nếu ai làm nghề chài lưới, không may gặp cá chết ngửa bụng hoặc khi “trái con nước” ngài quẫy đạp văng mình lên trên thuyền thì xem như tai họa ập đến. Người đó quay trở lại nhà không bị tán gia bại sản thì cũng ốm đau bệnh tật triền miên.
“Vào những năm 1985, ở làng này cũng có một ngư phủ tên là Nghiêm, một lần ông xuôi thuyền qua Điền Hải thì không may gặp ngài đến “ngự” ở đền miếu mọc lên giữa phá. Dù đã quay mũi thuyền qua hướng khác, nhưng thuyền ông Nghiêm cũng bị loài ngư tinh này “ghé thăm”. Nghe đâu khi trở về, ông Nghiêm bỏ hẳn nghề ngư, ở nhà tâm thần bấn loạn sinh bệnh ốm liệt giường. Những năm đó, nhắc đến loài cá vược, ngư dân đều kinh hãi", ông Dàng cho biết. Để “giải” được lời nguyền của cá, người làm chài lưới nào không may bị cá vào lưới hay quẫy đạp văng lên thuyền thì phải làm con cá giấy và một mâm cỗ để cúng cho ngài.
Câu chuyện thứ hai được ông Dàng về trường hợp ngư phủ Trần Anh (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền) bị cá vược búng lên mạn thuyền dùng đuôi quất vào mặt. Ông Anh đến nay vẫn sống bình thường nhưng vết thương ở mặt cứ tấy lên, mấy năm sau mới lành, để lại một vết sẹo lớn trên mặt. Vào những ngày trời động, vết thương đau nhức không chịu được. Quá hoảng sợ vì bị ngư tinh tấn công, ông Anh đã bỏ hẳn nghề chài lưới.
Khắc tinh của loài cá dữ
Hai ngư phủ dày dạn sông nước Nguyễn Dàng và Nguyễn Dồn đã bước sang tuổi 85. Khi chúng tôi ghé thăm, ông Dồn đã yếu, không tiếp chuyện được. Hơn 60 năm gắn đời mình trên sóng nước, ngư phủ Nguyễn Dàng giờ đã “gác kiếm”, nhưng những ký ức về chiến tích và kinh nghiệm săn loài cá dữ vẫn mồn một trong ông.
Tay lưới săn cá vược thường 7-8 người ôm mới bắt được cá
Lúc 20 tuổi đầu, ông Dàng đã được bố truyền cho kinh nghiệm bắt loài ngư tinh. Những năm 1980 - 1985, cùng chiếc thuyền chèo, hai anh em ông đã ngược xuôi trên đầm phá, nơi nào có cá vược vào phá lưới của ngư dân hai ông đều ra tay diệt trừ. Về miền phá, được may mắn theo ông ngược con nước ra tìm lại những nơi đã in dấu “chiến tích” một thời tung hoành “săn” loài ngư tinh hung dữ mới biết đối với ngư phủ Nguyễn Dàng, săn cá vược cũng là niềm tự hào về sức mạnh chinh phục của cư dân. Nhìn dáng người quắc thước, đôi tay thuần thục buông lưới một cách điệu nghệ, đủ biết dưới bàn tay của ông không biết bao nhiều loài ngư tinh bị chế ngự.
Lưới săn cá vược thường làm bằng dây dù bện cỡ lớn, mắt lưới cỡ 25mm. Tay lưới rất dài, một đầu được cố định vào cọc, mỗi lần “dàn trận” phải có 7 đến 8 người mới bắt được cá. Chỉ tay ra phía cồn nước mênh mông, ông Dàng kể lại kỳ tích săn cá vược của mình: “Săn cá vược thường “ngẫu hứng”, tức là mình nhìn con nước lẳng lặng mà đi chứ không ai trước khi đi săn mà nói trước cho "ngài" động. Khi thấy ngài ngự chầu ở các am thờ, tô hố con mắt như hai cái chén mắt trâu thì cho thuyền dừng lại từ xa quan sát. Cá vược thường đi riêng lẻ một con. Những con cá này sống lâu năm trên đầm phá đã thành tinh, thường thuộc con nước, rất khó đánh bắt. Khi đã xác định vị trí của cá thì miềng tung “đòn hiểm” là vây lưới vòng quanh. Mực nước phá thường không sâu nên có thể 7-8 người giữ chắc tay lưới dễ dàng".
Cá vược bị lưới bủa quanh thường tung ra những cú đòn hiểm bằng những cái quẫy đuôi hung tợn. Người săn cá vược phải tỉnh táo để tránh được những “món nghề” đó. Cứ để cho cá vùng vẫy, mặc sức tông vào lưới, đến khi nào cá quật lên ngang mặt lưới thì người đi săn phải dùng tay chộp nhanh, ấn hai móng tay mạnh vào hai mang cá như một “tử huyệt” làm cho cá càng thêm đuối sức mới bắt được.
Một buổi săn cá vược thường diễn ra cả giờ đồng hồ, đòi hỏi thợ săn phải có sức khỏe và tính kiên trì. Trước khi đi săn cá vược, các ngư phủ dày dạn kinh nghiệm thường ngủ lại một đêm trên đầm phá. “Nếu ai rành nghề chỉ cần ban đêm thinh lặng mà nghe con nước, nghe đuôi cá quẫy đạp thì ban ngày ắt hẳn xác định được vị trí của “ngài” tới ngự. Cá vược là loài ngư tinh, thường được các thần linh dùng làm “phương tiện” đi lại trên sông nước, nếu khi nào miềng “dàn quân” nhiều lần mà bắt không được thì nên thôi. Dẫu sao mình kiêng dè vẫn là hơn”, ngư phủ Nguyễn Dàng chia sẻ kinh nghiệm.
“Biết là loài ngư tinh hiểm độc, người làm ngư nghiệp không ai dám đụng tới, sao ông vẫn liều lĩnh thế?" - tôi hỏi. Ông Dàng bật cười, bảo: “Chú nói như bà vợ tui ở nhà hè. Loài cá ni ăn tạp, hay tấn công lưới cụ thậm chí cả người, mình phải diệt trừ chứ. Ai cũng sợ thì nó sinh sôi, quậy phá làm ngư sao được…".
Đêm. Làng Ngư Mỹ Thạnh sáng rực ánh đèn bên đầm phá Tam Giang, như một vùng đất vừa được tách ra sau một cơn địa chấn miền sông nước. Ông Dàng kể rằng, trong những giấc mơ vào cái tuổi “cổ lai hy”, ông vẫn nghe tiếng quẫy đuôi xoàm xoạp của loài ngư tinh, gợi về một quá khứ lẫy lừng của đời ngư phủ. Tiếng vẫy đuôi dũng mãnh của con “cọp nước” đã bị ngư dân vùng đầm phá chế ngự.
Đánh bắt cá vược cũng như “dàn quân” đánh giặc. Muốn diệt được “giặc” thì phải hiểu và nắm bắt được nó, nghĩa là mình phải thuộc con nước, tập tính và những đòn hiểm của loài cá này. Ở miền núi, người ta thường xem cá gáy là chúa tể, thì ở vùng đầm phá, cá vược được ngư dân xem như là “cọp nước”, bá chủ cả vùng sông nước”, ngư phủ Nguyễn Dàng cho hay.
Từ khóa » Cá Cọp Nước
-
Theo Dấu Sơn Nam - Kỳ 4: “Cọp Nước” Miền Tây - Báo Thanh Niên
-
Theo Dấu Sơn Nam - Kỳ 4: “Cọp Nước” Miền Tây - Báo An Giang
-
Về Phá Tam Giang Nghe Huyền Thoại 'cọp Nước' - Báo Tuổi Trẻ
-
Cận Cảnh 'cọp Nước' ở Phá Tam Giang, Dài 1,5m Nặng Cả Trăm Ký
-
Choáng Với Màn Rỉa Thịt Của Cá Cọp Piranha | Báo Dân Trí
-
Merlion Park: Gặp Gỡ Bức Tượng Nổi Tiếng - Visit Singapore
-
Cá Răng đao – Wikipedia Tiếng Việt
-
Các Loại Cá Hổ - Datnioides Pulcher
-
Săn "cọp Nước": Nghề Nguy Hiểm! - .vn
-
Số Lượng Hổ Tự Nhiên Bắt đầu Gia Tăng, Nhưng Còn đó Nhiều Thách Thức
-
VIỆT DỊCH BẦU CUA…
-
Cá Song Hổ Loại đặc Biệt Ngon. Hải Sản Lộc Biển địa Chỉ Mua Hàng ...
-
Bộ Bầu Cua Cá Cọp | Shopee Việt Nam