Săn Cực Quang - Dải Sáng Huyền Bí Tại Phần Lan Khiến Du Khách ...

Là một nhiếp ảnh gia sống tại thành phố Pietarsaari – thành phố biển ở miền Trung Phần Lan, cách Thủ đô Helsinki 500 Km về phía Bắc, Nguyễn Duy dành rất nhiều thời gian để đi khắp mọi nơi, khám phá những vẻ đẹp kỳ vỹ của tự nhiên, ghi lại những bức ảnh đẹp. Và một trong những trải nghiệm mà anh yêu thích nhất, chính là săn cực quang.

Đất nước Phần Lan vốn nổi tiếng không chỉ vì là quê hương của ông già Noel, mà còn ở vị trí địa lý đặc biệt. Do nằm ở vùng Scandinavia, nên hầu hết mọi nơi tại Phần Lan đều có thể có cơ hội ngắm được cực quang.

Trong thiên văn học, cực quang là hiện tượng hiếm gặp. Ánh sáng như những dải màu huyền diệu được sinh ra khi các hạt mang điện tích từ gió mặt trời va chạm với tầng khí quyển bên trên của trái đất, ở độ cao từ 100 đến 400 km so với mặt biển.

Khi tới trái đất, các làn gió này bị tầng khí quyển trên cao chặn lại, tạo nên xung đột điện từ. Kết quả là các dải sáng chuyển động liên tục, tựa như những dải lụa đầy màu sắc nhảy múa trên bầu trời. Hiện tượng này thường xuất hiện ở các quốc gia vùng Bắc Cực như Canada, Nga, Iceland, Phần Lan…

Thông thường, quãng thời gian lý tưởng để săn cực quang sẽ vào mùa đông, từ cuối tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Nguyễn Duy cùng những người bạn thường đi săn cực quang vào cuối tuần, một phần để thỏa mãn đam mê săn ảnh, một phần anh xem đây là một hoạt động giải trí cuối tuần, cơ hội để gặp gỡ bạn bè.

Thông thường cả nhóm đi săn cực quang ở bãi biển Fäboda, cách nơi sinh sống khoảng 10km. Đây là khu đi dã ngoại quen thuộc của cả nhóm, đặc biệt là vào mùa hè. Đi săn cực quang, “đồ nghề” mang theo rất đơn giản, một chút trà, cà phê, bánh ngọt…để ngồi nhâm nhi nói chuyện trong lúc chờ đợi; thêm củi để đốt lửa sưởi ấm, tiện thể có thể chuẩn bị thêm chút đồ ăn như xúc xích hay thịt xiên để nướng.

Cực quang là hiện tượng thiên nhiên kỳ thú ở những nước gần cực nói chung và Bắc Âu nói riêng. Càng về gần cực, tần suất và cường độ của ánh sáng cực càng lớn, đặc biệt vào mùa đông khi ngày rất ngắn và đêm rất dài. Do khu vực Nguyễn Duy ở là miền Trung nên xác suất có cực quang với cường độ cao sẽ thấp hơn ở miền Bắc Phần Lan.

Để săn được cực quang, nhóm của Duy đã sử dụng một số app để xem dự báo trước, đồng thời phải theo dõi kỹ thời tiết. Ngay cả khi dự báo có cực quang nhưng nếu thời tiết xấu, tuyết rơi hoặc trời nhiều mây, sương mù thì cũng không thể thấy cực quang.

Nguyễn Duy chia sẻ, săn cực quang là một trải nghiệm rất thú vị nhưng bạn phải rất kiên nhẫn. Cũng như thời tiết, các dự báo cực quang đôi khi cũng ‘hên xui’. Rất nhiều lần anh đi săn theo dự báo, ngồi suốt mấy tiếng ngoài biển lạnh tê tái mà không thấy gì, đành phải đi về. Còn có những lần do thời tiết thay đổi rất nhanh nên ra đến chỗ săn thì mây kéo tới mù mịt cũng không “bắt” được cực quang. Có rất nhiều người mất tới cả chục lần đi vẫn không thể chiêm ngưỡng được hình ảnh những dải ánh sáng nhảy múa trên bầu trời.

Để săn được cực quang, việc phải ngồi chờ vài tiếng dưới thời tiết lạnh giá cắt da cắt thịt cũng là chuyện bình thường. Bởi không ai biết cực quang sẽ xuất hiện vào lúc nào nên những “thợ săn cực quang” luôn phải sẵn sàng ngồi chờ ngoài trời. Vì vậy khi đi săn, du khách phải chuẩn bị đồ giữ ấm thật kỹ để chịu được cái lạnh mùa đông Bắc Âu xuống đến -10 độ C.

Thế nhưng theo Nguyễn Duy, việc phơi mình dưới giá lạnh là hoàn toàn xứng đáng. Bởi dù đã 'săn' được cực quang khá nhiều, lần nào anh cũng thấy cực kỳ phấn khích và choáng ngợp khi nhìn thấy thứ ánh sáng kỳ diệu ấy. Những dãy ánh sáng xanh tím, nếu cường độ mạnh sẽ có cả màu đỏ bay uốn lượn thay đổi hình thù liên tục trên bầu trời, không lần nào giống lần nào. Có khi xoắn như tâm bão, khi thì như rơi thẳng đứng xuống mặt đất. Đặc biệt ánh sáng cực quang làm sáng rực cả một vùng trời và như rơi xuống nền tuyết trắng xóa, tạo nên khung cảnh vô cùng ảo diệu, huyền bí mê hoặc, không thể nào đẹp hơn.

Những điểm lý tưởng để săn cực quang là những khu đất trống rộng lớn như khu vực bãi biển, đỉnh đồi, bờ hồ hoặc công viên sinh thái. Khi săn ở những khu vực công cộng này sẽ không tốn chi phí dịch vụ. Còn nếu muốn săn cực quang một cách ấm áp hơn, thì khách du lịch có thể chọn thuê các khách sạn lều tuyết có trần làm bằng thủy tinh để ngắm nhìn hiện tượng kỳ vỹ hiếm gặp này.

Anh Duy cũng cho biết, dù đã có cả “bộ sưu tập” những bức ảnh cực quang, nhưng anh cùng bạn bè của mình vẫn sẽ còn đi săn nhiều lần nữa bởi sự vui thích và cảm giác mới mẻ mà mỗi chuyến đi mang lại cho mình.

Thùy Chi (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ khóa » Cực Quang Sống ở đâu