Sân Khấu: Bán Vé 'công Nghệ'... Lấn Truyền Thống! | HomeVN

Phòng vé IDECAF đã "dễ thở" hơn khi sân khấu này thực hiện bán phần lớn vé qua hệ thống mạng - Ảnh: GIA TIẾN

Không chỉ vì lý do hoạt động sân khấu ngày một khó khăn mà phương thức bán vé giờ đã thay đổi.

Cận Tết năm 2021, khi các sân khấu đã lên hết lịch diễn Tết, vé đã bán quá nửa thì dịch bệnh bùng lên. Vậy là lần đầu tiên, sân khấu TP.HCM tắt đèn không diễn mùa kịch Tết. Ngoài nỗi buồn vì Tết mà không được diễn thì việc các sân khấu đau đầu là thông báo trả vé, trả tiền cho một số lượng khán giả không nhỏ.

Tháo gỡ chuyện trả, hủy vé

Rất may thời điểm đó, nhiều sân khấu đã làm quen với việc bán vé qua mạng, chuyển khoản không dùng tiền mặt. Các sân khấu như Idecaf, Hoàng Thái Thanh, nhà hát kịch 5B... đã có dịch vụ bán vé thông qua trang ticketbox, fanpage của nhà hát nên việc trả tiền vé lại cho khách không quá vất vả.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sân khấu Idecaf, kể: "Sau mùa Tết, rồi đến mùa kịch thiếu nhi năm 2021, chúng tôi đã chuẩn bị, đã bán gần 20.000 vé rồi, đùng cái dịch bệnh lại bùng lên. May mà nhờ bán vé qua ticketbox họ rất chuyên nghiệp, lấy thông tin khách hàng rõ ràng, có số tài khoản đầy đủ. Khi có sự cố họ tự thao tác trả lại tiền cho khách hàng nhanh chóng, mình khỏe re".

NSƯT Mỹ Uyên cho biết giờ bán vé sân khấu buộc phải có số tài khoản. Vì khán giả thường lên mạng, có số điện thoại phòng vé họ gọi đến đặt vé, xong tự động kêu mình đưa số tài khoản họ chuyển tiền để giữ chỗ.

Anh Công Hiển, quản lý điều hành sân khấu Hoàng Thái Thanh, cũng thông tin rằng việc bán vé tại chỗ hiện giờ thường chỉ chiếm khoảng 30%. Đa số khán giả vẫn thích giao dịch online. "Ưu điểm là khán giả đỡ mất thời gian đi lại, liên hệ cũng rất nhanh.

Có sơ đồ chọn chỗ, rồi chuyển tiền giữ chỗ gọn lẹ. Có những khán giả ở tỉnh muốn cuối tuần lên thành phố xem kịch, việc mua vé chuyển khoản hết sức tiện lợi với họ", Công Hiển nói.

Vé cải lương cũng đa số lên mạng

Nếu các sân khấu kịch diễn định kỳ ở TP.HCM hầu hết đều có sân khấu thuê riêng và có được phòng bán vé thì hầu hết các đoàn hát, nhóm hát xã hội hóa ở TP.HCM không có may mắn đó. Cả thành phố chỉ có nhà hát cải lương Trần Hữu Trang có trụ sở riêng, còn các đơn vị khác đều phải thuê mướn điểm diễn. Vì vậy, họ sẽ không có một nơi cố định làm phòng bán vé.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Phan Quốc Kiệt, giám đốc nhà hát Trần Hữu Trang, dù nhà hát có phòng vé nhưng lại hơi khuất bên trong. Khi khán giả đến mua vé phải lên cầu thang cao, khá bất tiện, nên ở mỗi suất diễn ông cho đặt một chiếc bàn phía trước sảnh để bán cho khán giả vãng lai.

Ông nói: "Vẫn còn một ít khán giả có thói quen đi ngang nhìn panô, poster quảng cáo rồi quyết định mua vé nên chúng tôi vẫn duy trì hình thức bán vé truyền thống tại chỗ. Nhưng số lượng này khá ít, chỉ chiếm khoảng 20-30%".

Các vở diễn của nhà hát đang được bán vé thông qua fanpage của nhà hát. Không chỉ riêng nhà hát Trần Hữu Trang mà ở các nhóm hát hiện nay lượng vé bán nhiều từ các ngôi sao có mặt trong vở diễn.

Những ngôi sao đó có lượng fan đông đảo, khi ngôi sao đăng thông tin vở diễn lên trang cá nhân, người hâm mộ nắm bắt và chủ yếu đặt vé qua thần tượng của họ.

Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long thời gian qua gây chú ý khi suất diễn nào cũng thường cháy vé. Nghệ sĩ Bình Tinh cho biết vì không có địa điểm bán vé cố định nên đoàn của cô chủ yếu bán vé qua mạng.

"Khán giả thường đặt vé qua trang cá nhân của tôi và nghệ sĩ Thái Vinh (kép chánh của đoàn). Vì vé khá 'hot' nên khi đặt vé là họ đề nghị chuyển khoản luôn để không bị mất chỗ. Nói chung bán vé chuyển khoản tiện lợi vô cùng, tiện cả người mua lẫn người bán!", Bình Tinh cười cho biết.

"Nóng" nhất trong mùa hè năm nay có lẽ là việc "săn" vé chương trình Ngày xửa ngày xưa số 33 của sân khấu Idecaf.

Từ việc dự kiến chỉ diễn 25 suất trong mùa hè này mà sân khấu đã phải tăng thêm 4 suất. Cho tới nay, ông Trầm Thanh Thảo, phụ trách bán vé của sân khấu, cho biết vé cho 29 suất diễn đã bán sạch sẽ dù ngày 1-7 vở mới bắt đầu diễn suất đầu tiên.

Idecaf đã đưa lượng lớn khoảng 80% vé chương trình Ngày xửa ngày xưa bán qua hệ thống ticketbox, ông Thảo nói: "Gởi bán qua trang mạng này mình rất khỏe, theo dõi được doanh thu rõ ràng.

Hạn chế được tình trạng vé chợ đen. Khán giả có nhu cầu ai muốn mua cũng được không phải mất thời gian cực khổ. Chỉ có bất tiện là do nhu cầu quá cao, nên có ngày lượng truy cập lớn khiến mạch bị nghẽn".

Không tiền mặt từ trên ghế nhà trường

TTO - Phụ huynh không phải đến trường để nộp học phí, không phải chen chân chờ đợi lấy số thứ tự để đóng các khoản thu khác. Các học sinh đến lớp, xuống căngtin mua dụng cụ học tập, ăn uống... cũng không cần phải mang theo tiền mặt.

Từ khóa » Sơ đồ Ghế Idecaf