Sản Xuất Hàng Hoá Và Chuyên Môn Hoá Sản Xuất Nông Nghiệp - VOER
Có thể bạn quan tâm
Bản chất của sản xuất hàng hoá và chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất hàng hoá.
Sản xuất hàng hoá là quá trình sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, để bán, không phải để tự tiêu dùng bởi chính người sản xuất ra sản phẩm đó. Để hiểu được khái niệm này, cần phân biệt hai hình thức sản xuất hàng hoá.
Thứ nhất, đó là sản xuất hàng hoá giản đơn. Đây là hình thức sản xuất hàng hoá ở trình độ thấp. Điều này được thể hiện trước hết ở mục đích của người sản xuất. Việc tạo ra sản phẩm được gọi là hàng hoá trong hình thức sản xuất hàng hoá giản đơn chỉ là ngẫu nhiên, không phải mục đích của người sản xuất, hoặc ít ra, đó không phải mục đích chính của họ. Phần sản phẩm dư thừa được trở thành hàng hoá chỉ là ngẫu nhiên, thừa ra ngoài nhu cầu tiêu dùng cho bản thân người sản xuất. Trình độ sản xuất hàng hoá thấp còn được thể hiện ở trình độ của lực lượng sản xuất xã hội trong quá trình sản xuất ra sản phẩm. Nói chung, trong hình thức sản xuất hàng hoá giản đơn, trình độ kỹ thuật của sản xuất còn lạc hậu, phân công lao động xã hội chưa phát triển. Sản xuất hàng hoá giản đơn được tiến hành bởi nông dân sản xuất nhỏ, thợ thủ công cá thể, dựa trên chế độ sở hữu nhỏ về tư liệu sản xuất và sức lao động của bản thân nông dân, thợ thủ công là chính. Hình thức sản xuất hàng hoá giản đơn ra đời vào cuối thời kỳ công xã nguyên thuỷ - thời kỳ tan rã của phương thức sản xuất này, và bắt đầu ra đời phương thức sản xuất chiễm hữu nô lệ. Đến thời kỳ phương thức sản xuất phong kiến, sản xuất hàng hoá giản đơn vẫn còn chiếm vị trí phổ biến.
Thứ hai, đó là sản xuất hàng hoá lớn. Điều khác biệt cơ bản giữa sản xuất hàng hoá giản đơn và sản xuất hàng hoá lớn trước hết thể hiện ở mục đích của người sản xuất. Trong sản xuất hàng hoá lớn, ngay từ trước khi tiến hành sản xuất, mục đích sản xuất ra sản phẩm để bán được đã khẳng định; sản phẩm trở thành hàng hoá đã được xác định từ trước khi quá trình sản xuất diễn ra, nó là quá trình tất nhiên, không phải là sự kiện ngẫu nhiên. Sự khác nhau giữa hai hình thức sản xuất hàng hoá còn được thể hiện ở trình độ kỹ thuật, trình độ phân công lao động cao trong sản xuất hàng hoá lớn.
Điều kiện ra đời và tồn tại của sản xuất hàng hoá.
Theo khái niệm sản xuất hàng hoá, đó là quá trình sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, để bán. Như vậy, để có sản xuất hàng hoá không thể có chỉ một người sản xuất, mà phải có nhiều người sản xuất khác nhau, chỉ khi đó mới hình thành được mục đích sản xuất sản phẩm để trao đổi, để bán. Nhưng nếu chỉ có nhiều người sản xuất khác nhau thì cũng chưa đủ để có sản xuất hàng hoá, mà những người sản xuất khác nhau đó phải là những người chủ sở hữu độc lập về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra. Khi đó sản phẩm trao đổi giữa những người sản xuất phải được bồi hoàn chi phí sản xuất cho nhau, tức là phải mua bán sản phẩm hàng hoá giữa họ với nhau. Đến đây, vẫn chưa thể có sản xuất hàng hoá, nếu những người chủ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra đó đều cùng làm ra một loại sản phẩm như nhau. Vậy là, những người sản xuất khác nhau đó còn phải sản xuất ra những sản phẩm hàng hoá khác nhau, tức là mỗi người sẽ chuyên môn hoá sản xuất một hay một số sản phẩm nào đó. Để tồn tại và phát triển bình thường, khi đó những người sản xuất sản phẩm khác nhau sẽ phải trao đổi sản phẩm cho nhau trên cơ sở có sự bồi hoàn chi phí cho nhau.
Tóm lại, để sản xuất hàng hoá ra đời và phát triển cần có 2 điều kiện cơ bản là: có sự phân công lao động xã hội, và có nhiều người chủ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra.
Trên thực tế, biểu hiện của phân công lao động xã hội trong nông nghiệp thông qua việc hình thành những người lao động chuyên môn hoá, ngành chuyên môn hoá, doanh nghiệp chuyên môn hoá, vùng chuyên môn hoá. Khi đó sẽ xuất hiện mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và quan hệ trao đổi sản phẩm lẫn nhau giữa những người chuyên môn hoá sản xuất. Phân công lao động xã hội là quá trình mang tính khách quan, nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Trình độ và tính chất của lực lượng sản xuất xã hội; trình độ của những người lao động; các quan hệ chính trị - xã hội chủ đạo trong nền kinh tế - xã hội...
Biểu hiện của những người chủ sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta là: sự tồn tại và phát triển của nhiều thành phần kinh tế được pháp luật thừa nhận và khuyến khích phát triển. Trong mỗi thành phần kinh tế, lại có nhiều doanh nghiệp có tư cách pháp nhân riêng, hoặc có nhiều lao động cá thể có tư cách thể nhân. Do có quyền sở hữu khác nhau đối với tư liệu sản xuất và sản phẩm làm ra, nên khi trao đổi sản phẩm cho nhau, họ phải bồi hoàn chi phí cho nhau, ngoài ra còn phải có lãi. Chỉ khi chi phí sản xuất được bồi hoàn và có lãi cho người sản xuất, khi đó mới tạo ra được động lực thúc đẩy sản xuất hàng hoá phát triển.
Chỉ tiêu phản ánh trình độ của sản xuất hàng hoá.
Do sản xuất hàng hoá là quá trình sản xuất ra sản phẩm để trao đổi, để bán, nên chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh trình độ của sản xuất hàng hoá là chỉ tiêu tỷ suất sản phẩm hàng hoá trong tổng sản phẩm của người sản xuất. Chỉ tiêu này có thể tính bằng tỷ lệ về mặt hiện vật, nếu trong cơ cấu sản phẩm là đồng nhất, có thể so sánh được về lượng hiện vật. Ví dụ, trong sản xuất lúa gạo, nếu sản phẩm của hộ nông dân chỉ là lúa gạo, thì tỷ trọng sản phẩm hàng hoá có thể được tính bằng cách so sánh giữa lượng lúa gạo hàng hoá với lượng lúa gạo đã được sản xuất ra. Chỉ tiêu tỷ trọng hàng hoá tính theo lượng hiện vật cũng có thể được sử dụng để phân tích trình độ sản xuất hàng hoá, khi sản phẩm nằm trong cùng một nhóm có tính chất gần như nhau. Ví dụ, sản lượng lương thực qui thóc, sản lượng ngũ cốc, sản lượng rau xanh...
Bên cạnh tỷ suất sản phẩm hàng hoá tính theo tỷ lệ hiện vật, người ta còn sử dụng chỉ tiêu tỷ suất giá trị sản phẩm hàng hoá. Đây là chỉ tiêu phổ biến khi nghiên cứu trình độ sản xuất hàng hoá của một đơn vị kinh doanh, hoặc một vùng kinh tế. Để tính chỉ tiêu này, có thể so sánh giữa tổng giá trị sản phẩm hàng hoá nói chung với tổng giá trị sản lượng của doanh nghiệp. Khi tính tỷ suất sản phẩm hàng hoá bằng giá trị cần lưu ý rằng, nếu muốn so sánh chỉ tiêu này qua các năm, thì người ta có thể dùng giá cố định, hoặc cũng có thể dùng giá hiện hành. Nếu để so sánh trình độ sản xuất hàng hoá của các đơn vị trong cùng năm, người ta thường dùng giá hiện hành để tính toán.
Việc phân tích trình độ sản xuất hàng hoá được dựa chủ yếu vào chỉ tiêu tỷ suất sản phẩm hàng hoá. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu chỉ sử dụng chỉ tiêu đó, sẽ chưa nói lên trình độ của sản xuất hàng hoá là cao hay thấp. Ví dụ, một người nông dân sản xuất được 5 con gà trong một năm và đem bán cả 5 con gà đó trên thị trường, thì tỷ trọng sản phẩm hàng hoá sẽ là 100%. Nếu so với người khác, nuôi được 50 con gà, và để tiêu dùng 25 con, bán ra thị trường 25 con, và đương nhiên tỷ trọng sản phẩm hàng hoá sẽ là 50%, khi đó sẽ khó có thể đánh giá là trình độ sản xuất hàng hoá của người thứ nhất cao hơn người thứ hai. Hoặc nếu như người thứ nhất nuôi gà theo lối chăn thả quảng canh, còn người thứ hai chăn thả theo lối thâm canh, thì cũng khó có thể nói người thứ nhất có trình độ sản xuất cao hơn người thứ hai.
Để khắc phục hạn chế trên, người ta còn dùng chỉ tiêu qui mô giá trị sản phẩm hàng hoá. Thông thường khi sử dụng chỉ tiêu tỷ suất hàng hoá đều kèm theo chỉ tiêu qui mô giá trị sản phẩm hàng hoá. Ngoài ra để đánh giá trình độ sản xuất hàng hoá của từng loại nông sản, người ta còn sử dụng chỉ tiêu cơ cấu giá trị nông sản hàng hoá.
Ưu thế của sản xuất hàng hoá.
Xét về mặt lịch sử, sản xuất hàng hoá là kiểu tổ chức sản xuất có sau sản xuất tự cấp, tự túc. Do vậy, sản xuất hàng hoá có nhiều ưu thế hơn hẳn so với sản xuất tự cấp, tự túc. Những ưu thế được thể hiện ở những khía cạnh chủ yếu sau đây:
Trước hết, do yêu cầu của qui luật cạnh tranh, liên quan đến sự sống còn của người sản xuất hàng hoá, buộc mỗi người sản xuất hàng hoá phải tìm cách để hạ thấp chi phí sản xuất, thông qua việc cải tiến kỹ thuật sản xuất, áp dụng công nghệ mới, cải tiến tổ chức sản xuất... Tất cả những nỗ lực đó của những người sản xuất hàng hoá một mặt, đem lại vị trí vững vàng của họ trên thị trường, mặt khác, đã thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội ngày càng phát triển.
Thứ hai, do động lực của lợi nhuận thúc đẩy, những người sản xuất hàng hoá vô tình hay hữu ý cũng đã thúc đẩy lực lượng sản xuất xã hội ngày càng phát triển.
Thứ ba, sự cạnh tranh để hạ thấp chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm giữa những người sản xuất hàng hoá không chỉ đem lại lợi nhuận cho họ, mà còn tạo ra cho xã hội ngày càng nhiều sản phẩm với chất luợng cao, giá cả hạ.
Tuy nhiên, sản xuất hàng hoá, kinh tế hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường cũng có những khiếm khuyết nhất định. Kinh tế thị trường luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế thừa hoặc thiếu, theo đó là tình trạng lãng phí tài nguyên của xã hội; là tình trạng thất nghiệp thường xuyên xảy ra. Kinh tế thị trường dẫn đến sự phân hoá xã hội, dẫn đến sự phá hoại môi trường... Để phát huy ưu thế của sản xuất hàng hoá, kinh tế hàng hoá và cao hơn là của kinh tế thị trường, hạn chế những khuyết tật của nó, rất cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vai trò đó có thể được thể hiện thông qua cơ chế quản lý vĩ mô, thông qua các chính sách và giải pháp định hướng, hoặc thông qua sự đầu tư trực tiếp của Nhà nước vào một vùng, ngành, sản phẩm nào đó.
Kinh tế hàng hoá, kinh tế thị trường.
Có thể hiểu một cách khái quát kinh tế hàng hoá là nền kinh tế mà ở đó sản xuất hàng hoá đã trở thành kiểu sản xuất phổ biến. Kiểu sản xuất hàng hoá là kiểu sản xuất đối lập với sản xuất tự cấp tự túc. Tương tự như vậy, kinh tế hàng hoá cũng đối lập với nền kinh tế tự nhiên. Trong nền kinh tế tự nhiên, các mối quan hệ kinh tế phổ biến là quan hệ hiện vật. Trên góc độ lịch sử, kinh tế hàng hoá là nền kinh tế có sau nền kinh tế tự nhiên, và dĩ nhiên, nó là nền kinh tế phát triển ở trình độ cao hơn kinh tế tự nhiên.
Liên quan đến kinh tế hàng hoá, còn có một kiểu tổ chức nền kinh tế nữa - kinh tế thị trường. Nói đến kinh tế thị trường, trước hết đó phải là nền kinh tế hàng hoá và nền kinh tế hàng hoá đó phải được vận hành chủ yếu theo cơ chế thị trường, tức là hoạt động chủ yếu dưới sự điều tiết của các qui luật thị trường.
Đối lập với nền kinh tế thị trường là nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Trong nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, kinh tế hàng hoá có thể chưa trở thành phổ biến, cũng có thể đã trở thành phổ biến. Tuy vậy, điểm khác căn bản giữa nền kinh tế thị trường và nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung là ở cơ chế vận hành. Trong kinh tế thị trường, như đã nói, cơ chế vận hành nền kinh tế chủ yếu theo cơ chế thị trường, ngược lại, trong kinh tế kế hoạch hoá tập trung, cơ chế vận hành nền kinh tế chủ yếu theo mệnh lệnh kế hoạch từ trung tâm phát ra. Dĩ nhiên, cơ chế vận hành khác nhau, thì cấu trúc của nền kinh tế cũng không giống nhau. Sẽ không thể có kinh tế thị trường, hoặc nếu có thì đó cũng là kinh tế thị trường không hoàn chỉnh, nếu cấu trúc của nền kinh tế đơn nhất về thành phần kinh tế và các quan hệ thị trường bị hạn chế phát triển. Ngược lại, cũng không thể thực hiện được cơ chế kế hoạch hoá tập trung, nếu có quá nhiều đầu mối bên dưới mà không có cơ chế ràng buộc các đầu mối đó với nhau. Nói ngắn gọn: cơ chế vận hành như thế nào thì cần phải có cấu trúc nền kinh tế tương ứng, ngược lại, cấu trúc nền kinh tế như thế nào cũng phải có cơ chế vận hành phù hợp.
Chuyên môn hoá sản xuất nông nghiệp.
Chuyên môn hoá sản xuất là quá trình tập trung lực lượng sản xuất của một đơn vị để sản xuất một hay một số sản phẩm hàng hoá phù hợp với điều kiện của đơn vị đó cũng như với nhu cầu của thị trường.
Chuyên môn hoá sản xuất, hay chuyên canh trong nông nghiệp có sự khác nhau căn bản so với độc canh. Điều đó được thể hiện ở mục đích của sự tập trung lực lượng sản xuất của đơn vị là để sản xuất ra sản phẩm hàng hoá, nó khác hẳn với mục đích của độc canh - tạo ra sản phẩm để tự tiêu dùng. Sự giống nhau về hình thức giữa độc canh và chuyên canh là ở sự tập trung lực lượng sản xuất để sản xuất một hay một số sản phẩm dễ dẫn đến sự lầm lẫn về mặt lý luận cũng như cũng như thực tiễn khi nghiên cứu về kinh tế nông nghiệp. Chuyên canh và độc canh được phát triển ở các trình độ khác nhau của lực lượng sản xuất xã hội.
Để đánh giá trình độ chuyên môn hoá của một vùng, có thể sử dụng hệ thống chỉ tiêu, trong đó, chỉ tiêu chính là tỷ suất giá trị sản phẩm hàng hoá trong tổng giá trị sản xuất, các chỉ tiêu bổ sung là qui mô giá trị sản phẩm hàng hoá, tỷ trọng đầu tư các yếu tố đầu vào cho sản xuất sản phẩm hàng hoá...
Do đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, cũng như xuất phát từ những yêu cầu về sinh thái, về thị trường, về tài chính của doanh nghiệp, nên các vùng chuyên canh trong nông nghiệp thường phải kết hợp với phát triển đa dạng một cách hợp lý. Sự kết hợp đó phải tuân thủ nguyên tắc là: không được cản trở sự phát triển của sản phẩm chuyên môn hoá và tốt nhất là tạo điều kiện cho sản phẩm chuyên môn hoá phát triển.
Trong điều kiện của Việt Nam, chuyên môn hoá kết hợp với phát triển đa dạng hoá thường được thực hiện dưới một số hình thức chính sau đây:
Thứ nhất, bên cạnh sản xuất sản phẩm chuyên môn hoá, doanh nghiệp còn có thể phát triển một số sản phẩm khác để tận dụng những yếu tố nguồn lực mà việc sản xuất sản phẩm chuyên môn hoá chưa sử dụng hết, thường thì đó là những thửa đất không phù hợp để phát triển cây trồng chính, hoặc là để tận dụng lao động nhàn rỗi ngoài thời vụ của sản xuất sản phẩm chính... Sản phẩm sản xuất thêm theo cách này thường không liên quan đến sản xuất sản phẩm chính, xét về mặt kỹ thuật.
Thứ hai, trong vùng chuyên canh một loại cây trồng nào đó, có thể trồng xen những loại cây khác. Việc trồng xen này phải tuân thủ nguyên tắc cây trồng xen không được cản trở, cạnh tranh về dinh dưỡng với cây trồng chính. Trên thực tế, ở Việt Nam thường thấy các hình thức trồng xen như: khi cây lâu năm chưa khép tán, người ta trồng xen các loại cây họ đậu để tận dụng đất trống; hoặc có một số vùng nông dân trồng xen ngô và đậu; trồng xen đậu, ngô giữa các luống trồng khoai lang...
Thứ ba, có thể thấy hình thức trồng gối vụ ở vùng chuyên môn hoá. Mục tiêu của trồng gối vụ chủ yếu là để tranh thủ thời vụ, tăng thêm vụ gieo trồng, tăng năng suất ruộng đất.
Trong quá trình kết hợp chuyên môn hoá với phát triển đa dạng hoá trong nông nghiệp cần lưu ý rằng, ngoài những mục đích truyền thống của sự kết hợp đó, cần hướng tới mục đích phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, nền nông nghiệp sạch; ít dùng thuốc trừ sâu hoá học, ít dùng thuốc diệt cỏ hoá học...
Từ khóa » Chuyên Môn Hóa Trong Sản Phẩm
-
4 ích Lợi Của Chuyên Môn Hóa Trong Sản Xuất Hiện đại
-
5 Cái Lợi Từ Chuyên Môn Hóa Trong Việc Sản Xuất
-
Chuyên Môn Hóa Theo Sản Phẩm Ví Dụ - Hàng Hiệu Giá Tốt
-
Kinh Doanh Chuyên Môn Hoá Là Gì? Nguyên Tắc, Phân Tích ưu Và ...
-
Chuyên Môn Hóa Theo Sản Phẩm Là Gì - 123doc
-
Khái Niệm Chuyên Môn Hoá Sản Xuất Nông Nghiệp - Dân Kinh Tế
-
Chuyên Môn Hóa Là Gì? Tầm Quan Trọng Của Chuyên Môn Hoá
-
Chuyên Môn Hóa Là Gì? - Vietnam Finance
-
Chuyên Môn Hoá Vùng Là Gì - Thả Rông
-
Chuyên Môn Hóa Trong Tổ Chức
-
Sản Phẩm Của Quá Trình Chuyên Môn Hóa
-
Chuyên Môn Hoá Sản Xuất Là Gì? - Ad
-
Chuyên Môn Hóa (Specialization) Là Gì? Các Lợi ích Của ... - VietnamBiz
-
Tính Chuyên Môn Hóa Trong Sản Xuất Nông Nghiệp Của Hoa Kì được ...