Sáng Chế – Nền Tảng Của Khởi Nghiệp đổi Mới Sáng Tạo

Mọi ý tưởng sáng chế đều xuất phát từ sự quan sát tinh tế nhằm đáp ứng, giải quyết và tháo gỡ những vấn đề của đời sống xã hội, phục vụ cộng đồng; Con đường nghiên cứu khoa học là một chặng đường dài với rất nhiều thử thách, đòi hỏi người nghiên cứu phải chịu dốc tâm dốc sức và cực kỳ đam mê mới gặt hái được vinh quang. Nghiên cứu khoa học như một cơ duyên dẫn dắt để các nhà khoa học khám phá và chế tạo ra những sản phẩm phục vụ lợi ích cộng đồng; Từ ý tưởng “thô” thành ý tưởng “tinh”, đòi hỏi sinh viên cần phải có tư duy đổi mới sáng tạo, khởi nguồn cho những sáng chế xuất phát từ những điều tưởng chừng đơn giản trong cuộc sống.

Đây là những chia sẻ của các diễn giả Kỹ sư Lê Trung Hiếu – Nhà sáng chế và nhà sáng lập Ewater, TS. Huỳnh Kỳ Trân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo – Thorakao và TS. Ngô Đắc Thuần – Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty IP Group tại Hội thảo khởi nghiệp “Sáng chế – nền tảng của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”. Sự kiện do trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng ngày 10/3 tại Hội trường 602, số 97 Võ Văn Tần, Quận 3. Đây là chương trình trong chuỗi các hoạt động mà Trường Đại học Mở TP. HCM triển khai đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” được Thủ tướng chính phủ ký quyết định ban hành ngày 30/10/2017 giao Bộ GD&ĐT chủ trì thực hiện.

Chương trình nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống trên cơ sở nền tảng sáng chế và các giải pháp hữu ích; đồng thời kết nối mạng lưới nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, sáng chế giữa các nhà sáng chế, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp và sinh viên, đặc biệt là sinh viên ngành công nghệ sinh học.

Tại hội thảo, sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp, sinh viên đam mê NCKH được lắng nghe những chia sẻ hữu ích về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo từ các chuyên gia, được tham gia sâu vào tọa đàm về cách thức xây dựng ý tưởng, nuôi dưỡng ý tưởng và giải pháp để hiện thực hóa những ý tưởng, sáng chế cho công cuộc khởi nghiệp của mình.

Con đường nghiên cứu khoa học là một chặng đường dài với rất nhiều thử thách, đòi hỏi người nghiên cứu phải chịu dốc tâm dốc sức và cực kỳ đam mê mới gặt hái được vinh quang. Nghiên cứu khoa học như một cơ duyên dẫn dắt để các nhà khoa học khám phá và chế tạo ra những sản phẩm phục vụ lợi ích cộng đồng. Sản phẩm gần đây tạo ra tiếng vang trên cả Việt Nam lẫn thế giới phải nói đến thuốc trị Covid – 19 chiết xuất từ lá trầu không (tên khoa học Piper betle). Bằng cơ chế cộng hưởng enzyme tích hợp từ các chất trong lá “trầu không” ngăn cản sự phát triển của virus. Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo – Thorakao đã đem đến một sản phẩm mang tầm vóc phục vụ công cuộc bảo vệ sức khỏe nhân loại. Ông đưa ra lời khuyên dành cho sinh viên: “Chính trong quá trình lao động, các bạn may mắn gặp được thầy tốt, gặp được cơ hội, gặp được động lực thì sẽ dẫn đến thành công. Nhưng chủ yếu, nòng cốt chính là sự lao động cật lực, sự yêu thích của các bạn về khoa học, về khởi nghiệp thì các bạn sẽ thành công”.

Từ ý tưởng “thô” thành ý tưởng “tinh”, đòi hỏi sinh viên cần phải có tư duy đổi mới sáng tạo, khởi nguồn cho những sáng chế xuất phát từ những điều tưởng chừng đơn giản trong cuộc sống. Dung dịch đổi màu hoa theo ý muốn ra đời là môt sản phẩm tiêu biểu cho khái niệm “từ ý tưởng đến thị trường”. Sản phẩm Nước nhuộm màu hoa tươi, với thể tích 1 lít có thể nhuộm gốc cho 2.000 cành hoa, nhất là giá thành chỉ bằng 1/10 so với giá nhập khẩu. Chia sẻ về hành trình “Đổi màu cho hoa – từ ý tưởng đến thị trường”, ông Lê Trung Hiếu, Nhà sáng chế và nhà sáng lập Ewater, công ty Ewater Engineering cho hay, đây là ý tưởng từ 2 năm trước, khi con gái của ông có giờ thực hành về việc làm cho hoa lên màu trong môn Sinh học ở lớp. Từ đó, nhóm nghiên cứu của công ty, với sự tham gia của sinh viên các trường đại học, đã bắt tay nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hóa sản phẩm. Trước đó, nhóm nghiên cứu cũng đã thương mại hóa thành công sản phẩm Nước cắm hoa i-on đồng Humik – giữ cho hoa cắt cành được tươi lâu.

“Quan trọng ở công ty, mình kết hợp nhân công là các bạn sinh viên trong trường đại học. Sinh viên thực hiện những công việc như thí nghiệm, tổng hợp, thống kê, đánh giá. Thầy cô giảng viên trong các trường đại học đóng vai trò cố vấn. Ưu thế của bên mình là có thị trường rộng, những gì cần thiết sẽ bắt tay làm ngay. Sản phẩm này, bên mình mới phát triển sau tết, hiện tại bên đã cung cấp sản phẩm này cho khoảng 50% thị trường trong nước”, ông Lê Trung Hiếu chia sẻ.

Cũng tại chương trình Tiến sĩ Ngô Đắc Thuần, Chủ tịch Hội động quản trị công ty IP Group, chuyên gia trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, tư vấn về phát minh sáng chế có những chia sẻ tổng quan một số vấn đề về chiến lược tăng chuỗi giá trị từ hoạt động nghiên cứu ứng dụng và sáng chế trong trường đại học, đồng thời ông cũng chia sẻ thêm về những câu chuyện thành công trong hoạt động tư vấn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ.

Mang đến những chia sẻ thiết thực cùng những bài học kinh nghiệm quý báu thúc đẩy tinh thần nỗ lực học tập, góp phần tạo nền tảng khởi nghiệp là những cảm nhận chung của tất cả sinh viên tham dự hội thảo. Trang Nguyễn một sinh viên năm nhất với mong muốn khởi nghiệp chia sẻ “ …em đã có ý tưởng khởi nghiệp “thô” từ những năm cấp 3, nhưng tất cả còn khá mơ hồ. Sau khi nghe được phần chia sẻ của các vị diễn giả, em nghĩ những ý tưởng và bước đi của mình trở nên rõ ràng hơn. Em mong mình có cơ hội để biến những ý tưởng “thô” còn ấp ủ thành một cái gì đó thiết thực và giúp ích cộng đồng trong tương lai”.

Đông Nhi

Từ khóa » Ts Ngô đắc Thuần