Sáng Tạo Lý Luận Của Đảng Về Chủ Nghĩa Xã Hội Và Con đường đi Lên ...

Lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH) và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam có vị trí then chốt, vai trò bao trùm trong hệ thống lý luận chính trị, phản ánh mô hình tổng thể, đặc trưng bản chất của chế độ chính trị gắn với mục tiêu, phương thức, con đường phát triển đất nước. Đóng vị trí then chốt, vì lý luận này chế định đến các phân hệ - lĩnh vực khác của lý luận chính trị; đóng vai trò bao trùm vì nó thiết kế nên mô hình CNXH ở Việt Nam và vạch ra con đường hiện thực hóa từng bước mô hình đó trong từng chặng đường, từng bước phát triển.

Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam

Xác định mô hình CNXH với những đặc trưng cấu trúc phản ánh chất lượng phát triển của mô hình ở dạng hoàn chỉnh trong tương lai là một trong những vấn đề lý luận cơ bản đầy khó khăn, phức tạp, luôn được Đảng ta bổ sung, phát triển gắn với những bước tiến của tư duy, nhận thức. Trước đây, các nhà sáng lập CNXH khoa học chỉ mới đưa ra một số phác thảo cơ bản có tính dự báo về đặc trưng của CNXH dựa trên sự phân tích của các ông về các hình thái kinh tế - xã hội mà loài người đã trải qua trong lịch sử, đặc biệt là những giới hạn cần phải “bỏ qua” chế độ tư bản chủ nghĩa. Thực tiễn phát triển của CNXH cho thấy, CNXH về bản chất và mục tiêu là thống nhất, nhưng mô hình phát triển ở thời kỳ quá độ rất đa dạng, phong phú, do chế định bởi trình độ phát triển, đặc thù về lịch sử, văn hóa của từng quốc gia - dân tộc. Trên nền tảng chủ nghĩa duy vật biện chứng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận CNXH từ nhiều phương diện khác nhau: Từ chủ nghĩa yêu nước và khát vọng giải phóng dân tộc, từ phương diện đạo đức, từ góc độ văn hóa, từ chủ nghĩa nhân văn. Người kiến tạo đặc trưng CNXH là một chế độ phản ánh chất lượng phát triển mới, trình độ phát triển mới thực sự ưu việt, đầy tính nhân văn cao cả. “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc”(2). Người khẳng định: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(3). Đối với Việt Nam, CNXH là con đường phát triển tất yếu do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo “nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(4). Những thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam trong gần thế kỷ qua càng chứng minh giá trị và sức sống mãnh liệt của tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

Ngay từ khi khởi xướng công cuộc đổi mới, Đảng ta đã xác định dứt khoát, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về CNXH, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu, xây dựng “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, mà cốt lõi chính là xác định rõ mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong điều kiện mô hình CNXH hiện thực ở các nước Đông Âu, Liên Xô rơi vào khủng hoảng, rồi sụp đổ; công cuộc đổi mới ở nước ta mới bắt đầu khởi động; môi trường chiến lược toàn cầu thay đổi nhanh chóng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991) được công bố vào lúc mà CNXH hiện thực ở các nước Đông Âu, Liên Xô sụp đổ dây chuyền đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, đồng thời đặt ra cho Đảng ta yêu cầu phải phát huy cao độ sức sáng tạo lý luận để tìm tòi mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH phù hợp thực tiễn đất nước và đặc điểm thời đại, khắc phục chủ nghĩa giáo điều dưới mọi hình thức và phòng ngừa chủ nghĩa cơ hội, nguy cơ chệch hướng XHCN.

Sáng tạo lý luận của Đảng thể hiện ở xác định mô hình CNXH Việt Nam với 6 đặc trưng. Đó là: 1- Do nhân dân lao động làm chủ; 2- Có một nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu; 3- Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 4- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân; 5- Các dân tộc trong nước bình đẳng, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; 6- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới. Đây là những đặc trưng cấu trúc phản ánh bản chất hay mục tiêu cơ bản, chất lượng phát triển của CNXH ở Việt Nam mà nhân dân ta phấn đấu xây dựng và hướng tới dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Chính thực tiễn công cuộc đổi mới giúp Đảng ta có những hiểu biết, nhận thức mới về CNXH. Vì vậy, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) đã bổ sung, phát triển thành 8 đặc trưng của CNXH Việt Nam: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(5).

So với Cương lĩnh năm 1991 thì Cương lĩnh năm 2011 đã bổ sung 2 đặc trưng mới, đó là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và “Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”. Với 8 đặc trưng này, CNXH mà nhân dân ta phấn đấu xây dựng là “một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”(6). Đây cũng là mô hình CNXH “hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”(7). Cùng với sự phát triển của công cuộc đổi mới, bên cạnh việc xác định rõ những đặc trưng bản chất, cốt lõi của CNXH, Đảng ta ngày càng có những nhận thức đầy đủ hơn về thời kỳ quá độ lên CNXH, nhất là phương thức hiện thực hóa mục tiêu XHCN trong từng chặng đường phát triển đất nước phù hợp quy luật khách quan.

Các đặc trưng mô hình CNXH phản ánh mục tiêu mang tính bản chất của chế độ XHCN nêu trong Cương lĩnh đã trở thành ngọn cờ quy tụ, tập hợp lực lượng toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là đích hướng tới chứa đựng lý tưởng khoa học, động cơ đạo đức, vì dân tộc trường tồn, đất nước phát triển, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, vì tiến bộ xã hội và lương tri, phẩm giá con người, vì một thế giới tốt đẹp hơn. Mang lý tưởng khoa học nên đích hướng tới được luận chứng bằng căn cứ khoa học, khắc phục những quan niệm chủ quan, giáo điều trước đó; mang động cơ đạo đức nên CNXH hướng tới giá trị cao đẹp, khác với động cơ vụ lợi, hành động xu thời, cơ hội chủ nghĩa. Đặc trưng CNXH nêu trên không chỉ thể hiện ở dạng cấu trúc hoàn chỉnh phải định hướng cho tương lai, mà còn phải từng bước được hiện thực hóa, định hình trong quá trình đổi mới đất nước mà người dân được chứng thực bằng chất lượng sống cải thiện hằng ngày, bằng sức mạnh, tiềm lực, uy tín và vị thế đất nước được nâng lên.

Từ khóa » đặc Trưng Cnxh Mà Nhân Dân Ta đang Xây Dựng