Sáng Tạo Những Tác Phẩm Có Giá Trị Vì Con Người ... - Thành ủy TPHCM

1. Tài năng văn học, nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ, người chiến sĩ xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần phát huy lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc”. Đoạn trích trên đây là một trong những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Quan điểm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng: Đó là sự khẳng định sâu sắc trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ với hiện thực cuộc sống! Bài viết này xin chỉ bàn về trách nhiệm công dân của nhà văn trước Tổ quốc, trước nhân dân là sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, vì con người, vì phẩm giá con người!

2. Nếu văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội (Stendhal) thì nhà văn chính là thư ký của thời đại (Balzac). Hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú, sinh động. Có niềm vui và nỗi buồn, có hạnh phúc và khổ đau, có cao cả và thấp hèn, có người tốt và kẻ xấu… Vậy thì nhà văn – thư ký của thời đại có thái độ ứng xử như thế nào đối với hiện thực ấy qua lao động sáng tạo của mình?

Theo tinh thần của Nghị quyết 23-NQ/TW thì rõ ràng là nhà văn phải thể hiện rõ tinh thần nhập cuộc, ý thức về trách nhiệm của người cầm bút – con người của đam mê, sáng tạo và tài năng trước cuộc sống!

Mọi công dân đều phải có trách nhiệm đối với đất nước, với dân tộc mình và nhà văn – bằng lao động sáng tạo của mình – không thể đứng ngoài những vấn đề lớn lao của đất nước, của dân tộc, không thể đứng ngoài những vận hội, những biến cố có thể xảy đến của thời cuộc, không thể đứng ngoài những ngóc ngách của đời sống xã hội, của thân phận con người. Văn chương trước hết và luôn luôn phải viết về cuộc sống và về con người! Mối bận tâm lớn nhất, chính yếu nhất của nhà văn là gì nếu không phải là toàn tâm, toàn ý viết cho cuộc sống, viết cho con người? Không thể hình dung một nhà văn có trách nhiệm với cuộc sống lại không khát khao sáng tạo để có những tác phẩm giúp con người tự khám phá, hiểu biết, nâng cao niềm tin vào bản thân, hướng tới chân lý, hướng tới cái đẹp của cuộc đời. Con người là giá trị văn hóa cao nhất, giá trị của mọi giá trị và hoàn thiện nhân cách, nhân tính của con người chính là sứ mệnh cao cả của văn học, là nỗ lực cao nhất mà người cầm bút cần đạt đến.

Mỗi tác phẩm ra đời đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết của nhà văn. Bởi đó là nơi để nhà văn gửi gắm những tình cảm sâu lắng nhất, những cảm xúc, khát vọng chân thành nhất, mãnh liệt nhất về con người và về cuộc đời. Dưới mỗi con chữ sáng tạo của nhà văn là biết bao xúc động, biết bao tình yêu cũng như nỗi đau đời trong tâm hồn nhạy cảm của người cầm bút. Bởi suy cho cùng, dù là viết về đề tài gì, nói về vấn đề gì, thì tác phẩm luôn thể hiện rõ quan điểm, thái độ của nhà văn trước cuộc sống. Bởi cái đích hướng tới của văn chương đâu chỉ dừng ở việc phản ánh hiện thực mà qua phản ánh hiện thực, nhà văn đều gửi những thông điệp về tư tưởng, những chuẩn mực về tình cảm, thẩm mỹ đối với xã hội và con người. Khi thực hiện sứ mệnh sáng tạo của mình, nỗ lực tận hiến hết sức mình với khao khát cho ra đời những tác phẩm có giá trị, nhà văn không chỉ hướng tâm hồn con người đến chân, thiện, mỹ mà còn giúp con người đào luyện mình ngày càng hoàn thiện hơn, ngày càng nhân ái và tốt đẹp hơn. Và ở đây, trách nhiệm của nhà văn sẽ thể hiện rất rõ rằng, những tác phẩm văn chương đích thực ra đời từ những cảm xúc, những chân thành và khát khao sáng tạo mãnh liệt của nhà văn, chứ không thể là một sản phẩm hời hợt, máy móc hay áp đặt, nhạt nhẽo, nịnh bợ hay lòe bịp, mị dân hay là bởi chỉ để thỏa mãn những dục vọng tầm thường.

3. Cuộc sống luôn chờ đợi những tác phẩm có giá trị. Nhất là hiện nay, khi đời sống của con người phải đối mặt với quá nhiều thách thức, quá nhiều những bất trắc, âu lo thì người đọc càng mong chờ những tác phẩm đi sâu vào thân phận con người – những tác phẩm mà số phận nhân vật có thể chạm đến nơi sâu nhất của trái tim mỗi người. Những tác phẩm cho con người, vì phẩm giá con người chính là những viên gạch xây đắp và kết nối tình yêu thương, lòng nhân ái giữa con người với con người trong xã hội. Thông qua những tác phẩm đó, nhà văn khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, khát vọng khôi phục và bảo vệ cái cao cả, cái tốt đẹp của cuộc đời, ý thức phản kháng cái ác.

Bởi, như GS. Nguyễn Văn Hạnh viết, văn chương cũng như nghệ thuật không thể thay thế cho kinh tế, chính trị và những lĩnh vực quan trọng khác của đời sống xã hội. Nhưng ngược lại, cũng không một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn chương trong việc giúp con người hiểu cuộc sống và hiểu chính mình, sống có tình thương, có đạo lý, có văn hóa, vượt qua cái tầm thường, phàm tục, giả dối, để thăng hoa, để ước mơ, vươn đến chân, thiện, mỹ… Trong thế giới hiện nay, khi con người luôn bị lôi ra bên ngoài, bị cuốn vào đám đông và bị nhu cầu vật chất cám dỗ dữ dội, thì thi ca, văn chương lại càng cần thiết. Tiếp xúc với văn thơ, con người có điều kiện giao lưu với những giá trị tinh thần, suy ngẫm, chiêm nghiệm về những vấn đề nhân bản, nhân văn, không phải giữa đám đông, hay trong lúc bận rộn bởi bao điều rắc rối, phiền toái ở đời này, mà tương đối thanh thản, ở tư thế một mình, chỉ riêng mình trò chuyện với tác giả, riêng mình đối diện với lương tri, với cái phần người nhất của chính mình. Những khoảnh khắc đó thật đáng quý cho con người trong thời buổi này để bảo tồn và phát huy phẩm giá và năng lực làm người(1).

4. Văn học phải chiếu sáng cuộc sống, bồi dưỡng, nâng cao tâm hồn con người chứ không phải hạ thấp con người và nhà văn thể hiện điều đó như thế nào để xứng đáng với niềm hy vọng của nhân dân? Người cầm bút có trách nhiệm không thể bỏ qua những vấn đề thời cuộc đang diễn ra nhưng ngay cả khi viết về cái ác, cái xấu, viết về cuộc đấu tranh gay gắt, giằng co giữa cái tốt và cái xấu người cầm bút cũng đề cao tính văn, nhân bản chứ không phải để người đọc có cảm giác sợ hãi, âu lo, thậm chí quy phục cái ác. Như thế, là nhà văn đã góp phần thanh lọc cơ thể của xã hội, góp phần làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn và như thế cũng có nghĩa là nhà văn đã thực thi trách nhiệm công dân của mình. Nói như PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh, tác phẩm văn học, nghệ thuật khi khai thác những mặt trái của đạo đức xã hội với mục đích là khơi gợi, thức tỉnh con người tránh xa cái ác, cái xấu để nuôi dưỡng, nâng đỡ, bồi đắp cái thiện vốn có trong cuộc sống, chứ không phải vùi dập, chà đạp nhân cách con người. Cho dù cuộc sống có suy thoái đạo đức, nhưng cái thiện vẫn là cơ bản, vì nếu không như vậy thì còn gì là sự sống? Văn học cần đấu tranh không khoan nhượng với những thói hư, tật xấu của con người, nhưng viết về mặt trái của xã hội, không thể chỉ là nơi gợi ra sự căm ghét, không chỉ là nơi nhà văn trút bỏ ẩn ức của mình. Cao hơn, văn học còn biết giúp công chúng nhận thức vết thương đau và tìm cách vượt qua nó bằng niềm tin sâu sắc vào tương lai. Nếu để mất niềm tin là để mất tất cả! Đây là sứ mệnh cao quý, đồng thời cũng là trọng trách nặng nề của văn nghệ sĩ(2).

Không thể có tác phẩm đích thực nếu không có nhà văn đích thực. Để có những tác phẩm đích thực, nhà văn phải đến với cuộc sống, đến với con người bằng cả tấm lòng, bằng trái tim mẫn cảm với tất cả sự nâng niu, trân trọng trong nguồn cảm hứng của khát khao sáng tạo. Khi và chỉ khi nhà văn thực sự “sống” giữa cuộc đời, tha thiết gắn bó và khao khát hòa nhập với cuộc đời thì mới có thể cho ra đời những tác phẩm văn học thực sự có giá trị. Và đến lượt mình, những tác phẩm đích thực chỉ có thể bắt nguồn từ những rung động chân thành của nhà văn, từ hơi thở ấm nóng của cuộc đời. Nói cách khác, đời sống trong tác phẩm luôn bắt nguồn từ đời sống của thế giới hiện thực nên tác phẩm của nhà văn phải hít phả từng hơi thở sống còn của cuộc sống. Dĩ nhiên, đó không chỉ là kết quả của tài năng thiên bẩm của người cầm bút mà còn là sự lao tâm, khổ tứ, sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người cầm bút. Và đã là nhà văn thì không thể dựa vào bất cứ ai khác ngoài chính tài năng và lao động sáng tạo của chính mình. Cái tầm, cái tâm của người cầm bút sẽ được bộc lộ rõ nhất ở đâu nếu không phải là ở chính trong tác phẩm – đứa con tinh thần của nhà văn? Điều này trước hết và trên hết phụ thuộc vào tài năng, vào bản lĩnh của nhà văn. Ngoài tài năng, lao động miệt mài, nhà văn phải có bản lĩnh. Bởi chỉ khi có bản lĩnh thì nhà văn mới dấn thân để khám phá, tìm tòi và sáng tạo, khát khao cống hiến cho cuộc sống những tác phẩm cho con người, vì phẩm giá con người. Trên con đường sáng tạo đầy gian truân và thống khổ của văn chương, nhà văn phải vượt mọi gian khó mới bền chí theo đuổi và nỗ lực đi tới cùng đích con đường mà mình đã chọn dấn thân cho thời đại của mình bằng một ý chí quả cảm kiên trinh.

5. Lịch sử văn chương nhân loại và Việt Nam đã để lại những tác phẩm có giá trị cao. Nhiều nhà văn đã cống hiến những gì tinh túy nhất của bản thân cho cuộc đời. Họ viết văn để tỏ lòng yêu nước và đó là triết lý sống, là quan điểm sáng tác chi phối toàn bộ quá trình sáng tạo của họ. Họ đã đốt cháy trái tim mình để tạo nên những tác phẩm đề cao phẩm giá con người. Những tác phẩm của họ sống mãi trong tâm hồn hàng triệu độc giả mọi thời đại.

Từ hiện thực vĩ đại trong chiến tranh giải phóng của dân tộc, chúng ta cũng đã có một đội ngũ nhà văn – chiến sĩ mang khát vọng lớn, có trách nhiệm với đất nước và dân tộc cùng một nền văn học với những tác phẩm xứng đáng là những di sản tinh thần vô giá cho đời sau. Bạn đọc nhiều thế hệ trân trọng và biết ơn những nhà văn – chiến sĩ đã thể hiện trách nhiệm lớn lao của mình, gắn bó với hiện thực trong suốt cuộc trường chinh giải phóng để cho ra đời những tác phẩm có giá trị. Đời sống nhà văn luôn gắn kết, song hành cùng đời sống thân phận đất nước, thân phận dân tộc. Nhiều nhà văn tài hoa đã hy sinh vì Tổ quốc! Trước khi hy sinh, các văn nghệ sĩ này, bằng tác phẩm của mình đã tạc nên những tượng đài bất tử trong trái tim tất cả mọi người.

Hiện thực ấy vẫn tiếp tục tới ngày hôm nay, trong sự đổi mới của đất nước. Trong sự phát triển rất đa dạng của văn học hiện nay, nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức và phong cách thể hiện đã được độc giả nhiệt tình đón nhận, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng không phải ngẫu nhiên, khi bàn về đời sống văn học hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, trong sự chuyển dịch ấy, không ít sáng tác của nhà văn cũng bị thị trường hóa khi chạy theo cái tôi vị kỷ, bản năng và bản ngã... Nhiều ý kiến thẳng thắn và mạnh mẽ rất đáng suy nghĩ là trong khi văn học của chúng ta chưa có nhiều tác phẩm lớn có sức lay động, cuốn hút con người thì lại không ít thông tin những chuyện ồn ào giữa các nhà văn, nhà thơ với nhau. Lại có cả hiện tượng sùng bái hình thức, tự đánh bóng mình, cố tạo ra những scandal trong một số hoạt động văn học…

6. Làm thế nào để văn học nước ta có sự phát triển vượt bậc, sánh kịp các nền văn học tiên tiến trên thế giới; làm thế nào để văn học nghệ thuật đóng góp nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh? Làm sao để có những tác phẩm hay, Có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước” như Nghị quyết 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã đề ra?

Câu trả lời trước hết đi từ chủ thể đầu tiên là nhà văn, đi từ phẩm chất đầu tiên của nhà văn là trách nhiệm công dân của họ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Nghị quyết số 33-NQ/TW về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã khẳng định vai trò, nhiệm vụ văn học – nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người; trong việc đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái thấp hèn, lạc hậu; chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Đó cũng chính là sứ mệnh của văn nghệ sĩ với tư cách là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng – văn hóa.

Sự nghiệp và sứ mệnh cầm bút thật cao quý và đẹp đẽ! Bởi thế trách nhiệm của nhà văn cũng thật nặng nề! Bạn đọc đặt niềm tin và mong chờ các nhà văn bằng sứ mệnh nhân văn cao cả, bằng ý chí mãnh liệt, bằng tư tưởng tiến bộ và bằng ngòi bút không biết mệt mỏi của mình sẽ sáng tạo, sáng tạo không ngừng nghỉ để cho ra đời những tác phẩm văn chương đích thực vì con người, vì phẩm giá con người!

------------------------------

(1) Về bản chất và ý nghĩa của văn chương, http://tapchisonghuong.com.vn.

(2) Đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của của con người Việt Nam, Vanvn.net/new ngày 28-11-2014.

Từ khóa » đáng Chú ý Là Những Tư Tưởng Tình Cảm Lớn Của Con Người