Sáng Tạo Với Mô Hình Nuôi Rắn Ri Voi - Báo Hậu Giang

Xem Video:

/uploads/Video/News/2021/07/02/080342nuoi ran ri voi.mp4

Làm giàu không hề khó, chỉ cần dám nghĩ, dám làm và dám sáng tạo thì ắt sẽ thành công.

Ông Phong đã nuôi thành công 30 con rắn ri voi bằng thùng xốp.

Cùng với sự phát triển của đô thị hóa, diện tích đất phục vụ cho chăn nuôi tự nhiên không còn nhiều nên người nông dân Trương Thành Ngôn, ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, đã có sáng tạo riêng cho mô hình nuôi rắn ri voi. Mô hình đã mang đến lợi nhuận cao mà không cần nhiều diện tích.

Cho rắn ở nhà lầu

Đây là cách nuôi lạ đời mà ông Trương Thành Ngôn tự thiết kế cho mô hình nuôi rắn của mình. Gần 2.000 con rắn con, rắn bố mẹ nằm trọn vẹn trong 2 căn phòng nhỏ rộng hơn 60m2 trên tầng 3 của ngôi nhà mới xây. Khoảng 100 chiếc lồng kiếng là chỗ trú ngụ của đàn rắn “cưng” của ông Ngôn.

Ông Ngôn sở hữu 500 con rắn ri voi bố mẹ nuôi trong lồng kiếng.

Ông Ngôn cho biết 10 năm trước gia đình sống nhờ vào nghề bán tạp hóa và sửa máy ở chợ. Rồi một lần tình cờ đi tiệc với bạn, cả nhóm người muốn ăn thịt rắn ri voi nhưng không có vì chỉ bắt được trong tự nhiên, giá khá cao. Khi ấy, có nông dân trong xóm bắt được 2 con rắn ri voi con từ tự nhiên, ông Ngôn mua thả nuôi lại. Không có chỗ nuôi, ông tận dụng tủ kiếng nuôi cá kiểng đang bỏ trống. Không ngờ, rắn thích nghi, lớn nhanh.

Chuyện nuôi rắn tưởng chừng dừng lại ở 2 con thử nghiệm nếu như không có việc người em bà con giao cho ông gần 20 con rắn ri voi vì bị bể tủ kiếng, không chỗ nuôi. Sự cố này đã đẩy đưa ông Ngôn tiếp nhận và gắn bó với nghề nuôi rắn 6 năm qua. Giờ đây, ông Ngôn không chỉ nuôi rắn thịt mà còn chăm sóc rắn sinh sản, kinh doanh con giống với số lượng lên đến hàng ngàn con/năm.

Từ thú chơi thành đam mê

Từ thú vui, nghề nuôi rắn ri voi đã trở thành niềm đam mê của ông Ngôn. Ông thích nhất là quan sát rắn, ông Ngôn quay phim lại tất cả hành động của rắn từ cho ăn, tách đàn, đến cảnh rắn sinh sản. Từ tủ kiếng, hàn khung kệ sắt đều do một tay ông làm. Vốn có sẵn nghề thợ hàn, thợ sửa máy nên ông Ngôn làm tất cả. Mỗi chiếc lồng kiếng có diện tích khoảng 1,2m x 0,5m x 0,5m. Ở đáy kiếng có gắn van xả nước thải. Từ 1 tủ kiếng, ông Ngôn đã tự tay tạo ra gần 100 chiếc để thả rắn. “Dùng tủ kiếng dễ theo dõi được rắn sinh hoạt, cho ăn, quan sát chất lượng nước, thậm chí quá trình sinh sản của rắn”, ông Ngôn cho biết.

Giá của mỗi lồng kính cũng không quá đắt, trung bình khoảng 1 triệu đồng/tủ, có thể chứa được 5 con rắn bố mẹ có trọng lượng từ 1-4kg hoặc 10 con rắn thịt có trọng lượng khoảng 1kg. Đối với rắn con mới đẻ được ông tách mẹ cho vào từng can nhựa, chăm sóc, cho ăn riêng để đảm bảo tăng trưởng đồng đều. Ông Ngôn chi sẻ: “Rắn con được thả vào can nhựa có chứa 1 ít cỏ để thích nghi dần. Sau đó khoảng 5 ngày là cho ăn, thức ăn có thể là dạng viên hoặc cá trê nhỏ. Cứ vậy, cách 4-5 ngày là thay nước từng can nhựa và cho rắn ăn. Đến khi rắn được nửa tháng tuổi là có thể xuất bán, giá rắn lúc này là 80.000 đồng/con. Nếu rắn được 1 tháng tuổi thì bán 100.000 đồng/con và có thể thả chung 30-40 con vào 1 lồng kiếng. Trong lồng thả một ít cỏ măng hoặc cỏ mần trầu để tạo giá thể cho rắn ẩn trốn. Đến khi rắn khoảng 3-4 tháng tuổi thì chia ra 20 con/lồng. Khi rắn đạt loại 1 (từ 600gr trở lên) thì chỉ nuôi chung 10 con/lồng để tạo khoảng không cho rắn bơi lội, dễ bắt thức ăn.

Bài học kinh nghiệm được ông quan tâm nhiều là khâu vệ sinh lồng nuôi, nếu làm tốt thì rắn sẽ ít bệnh. Lồng kiếng phải thường xuyên thay nước 1 lần/tuần, trước khi cho rắn ăn. Hơn nữa, không nên cho rắn ăn con cá mồi to hơn miệng rắn, tránh rắn bị rách miệng, bị nấm đẹn. “Khi rắn bị nấm đẹn là 90% chết, rất khó trị. Thức ăn của rắn là cá da trơn như cá trê, cá chốt. Nhưng nên cho rắn ăn cá trê vì ngạnh cá mềm hơn so với cá chốt. Ngạnh cá chốt cứng đến đầu ngạnh sẽ gây thủng ruột”, ông Ngôn chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Ngôn, từ tháng 4 âm lịch, vào mùa mưa là đến mùa rắn sinh sản. Rắn được 24 tháng tuổi sẽ đẻ lứa đầu tiên với số lượng rắn con khoảng 6-8 con/lần, năm tiếp theo sẽ tăng lên 9-13 con/lần. Qua từng mùa sinh sản sẽ tăng số lượng. Con to nhất có thể đẻ được 30-40 con rắn con/lần. 6 năm qua, ông Ngôn đã gầy dựng đàn rắn bố mẹ được 500 con, số lượng rắn con được sinh ra năm nay khoảng 2.000 con, tăng gần gấp 2 lần so với năm trước.

Nhiều hộ nuôi thành công

Ông Ngôn chia sẻ là loại rắn này rất dễ nuôi, công chăm sóc nhẹ, 4-7 ngày mới cho ăn một lần. Thức ăn cũng dễ tìm, giá rẻ. Nếu nuôi đúng cách thì rắn ít bị bệnh, tỷ lệ sống cao nên có nhiều hộ nhân nuôi thành công. Như ông Nguyễn Hoàng Phong, ở đối diện nhà ông Ngôn đã nuôi khoảng 30 con rắn thương phẩm. Nhưng ông Phong nuôi trong thùng xốp, đến nay rắn được 1 năm tuổi, không bị bệnh hay chết con nào. Ông Phong hí hửng khoe: “Ban đầu thấy ông Ngôn nuôi nên nuôi thử vài con. Tôi không có tủ kiếng nên thả trong thùng xốp, vậy mà rắn cũng nhanh lớn. Giờ đây rắn được hơn 600gr/con, đến mùa mưa năm sau là sinh sản”.

Còn ông Nguyễn Văn Bùi, ở chợ thị trấn Cây Dương cũng học hỏi ông Ngôn nuôi thành công 100 con rắn con trong lồng kiếng. Năm qua, rắn của ông đã sinh sản lứa đầu tiên. Nhưng ông Bùi có kế hoạch mở rộng quy mô, mua thêm 100 con giống nữa từ ông Ngôn để nhân đàn.

Tại thị trấn Búng Tàu, ông Nguyễn Bá Lưu cũng đã nhân đàn rắn từ mô hình của ông Ngôn với số lượng rắn bố mẹ được 33 con. Đàn rắn sinh sản khoảng 3 năm qua đã gần 500 con. Ông Lưu thì nuôi bằng nhiều vật liệu khác nhau như thùng bê, thùng nhựa và cả trong lồng kiếng.

Ông Trần Thanh Phong, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: Nhìn chung, rắn ri voi là loài tự nhiên nhưng cũng khá dễ thích nghi khi thả nuôi. Nhưng trong huyện chưa có nhiều hộ nuôi và còn khan hiếm con giống. Chúng tôi đang đề nghị cấp trên thí điểm, hỗ trợ một nơi để người dân nuôi các loại động vật hoang dã có nơi trưng bày và bán sản phẩm của mình, trong đó có rắn ri voi. Riêng về mô hình rắn ri voi, đơn vị đang đề nghị với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện thực hiện dự án nhân rộng ra dân, mong muốn giúp người dân cải thiện thu nhập và tăng lượng con giống, đủ cung ứng ra thị trường với nhu cầu nhân nuôi khá lớn cả trong và ngoài địa phương.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Từ khóa » đầu Ra Rắn Ri Voi