Sao Em Nỡ Vội Lấy Chồng – Wikipedia Tiếng Việt
Có thể bạn quan tâm
"Sao em nỡ vội lấy chồng" | |
---|---|
Bài hát của Quang Lý, Thu Hiền | |
Thể loại | Trữ tình |
Viết lời | Trần Tiến, Hoàng Cầm |
Thông tin bài hát ở Việt Nam | |
Tên khác | Lá Diêu Bông |
Năm sáng tác | 1990 |
Nhạc sĩ | Trần Tiến |
"Sao em nỡ vội lấy chồng" hay "Lá Diêu Bông" là một bài hát thuộc thể loại trữ tình do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác vào năm 1990, phỏng theo bài thơ mang tên "Lá Diêu Bông" của nhà thơ Hoàng Cầm. Nội dung bài hát kể về chuyện một người thiếu nữ thề ước với người con trai yêu cô rằng: nếu tìm được "Lá Diêu Bông" thì sẽ lấy làm chồng, mặc dù cô biết đó là một loại lá không có thật. Thời gian trôi qua, người con trai cất công đi tìm chiếc lá thần thoại đó nhưng người mà anh yêu đã đi lấy chồng từ thuở nào.[1]
Bài hát từng nhận được giải thưởng của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh năm 1990, về những sáng tác cổ động cho phong trào Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.
Nguồn gốc tác phẩm
[sửa | sửa mã nguồn]Bài thơ "Lá Diêu Bông" là câu chuyện tình có thật của nhà thơ Hoàng Cầm. Khi mới được 8 tuổi, Hoàng Cầm về thăm nhà ở phố ga Như Thiết, Bắc Giang sau khi đi trọ học ở tỉnh. Sau này Hoàng Cầm mới biết chị tên Vinh, hơn ông 8 tuổi, con một nhà giáo ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh) mới chuyển nhà đến phố ga Như Thiết.
Một buổi chiều, Hoàng Cầm theo chị Vinh ra cánh đồng sau nhà. Tháng 10, lúa đã gặt chỉ còn trơ gốc rạ. Cô gái tìm một thứ lá cây mọc ở gò đất. Lá ấy tên gì chị có nói, nhưng ông quên mất. Ông chỉ nhớ chị bảo lấy lá cây ấy giã đắp mặt cho da đẹp. Đến năm 12 tuổi, một ngày cuối tuần trở về nhà như thường lệ, Hoàng Cầm không thấy chị Vinh đâu. Mẹ bảo chị đã đi lấy chồng, làm lẽ cho một quản lính khố xanh ở Phủ Lý, Hà Nam.
Kể từ ngày ấy ông không còn gặp cô gái mình trộm thương bên nhà nữa. Và hơn 20 năm sau, trong một đêm mơ kỷ niệm cũ, Hoàng Cầm đã viết bài thơ Lá diêu bông. Hoàng Cầm luôn có một xấp giấy và cây bút đặt trên đầu giường và nhiều bài thơ của ông được viết trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê.[2]
Bài thơ nói về tình yêu mộng tưởng và sự đi tìm trong vô vọng theo một thứ viễn vông không có thật, được hứa hẹn bởi ai đó.[2]
Trích đoạn bài thơ:
Chị bảo - Đứa nào tìm được lá Diêu Bông - Từ nay ta gọi là chồng Hai ngày sau em tìm thấy lá Chị chau mày - Đâu phải lá Diêu Bông Mùa đông sau em tìm thấy lá Chị lắc đầu Trông nắng vãn bên sông Ngày cưới chị Em tìm thấy lá Chị cười xe chỉ ấm trôn kim Chị ba con Em tìm thấy lá Xòe tay phủ mặt chị không nhìn...Phổ nhạc
[sửa | sửa mã nguồn]Khoảng năm 1990, nhạc sĩ Trần Tiến phổ lại nhạc và lời mới cho bài thơ này, bài hát mang âm hưởng dân ca Bắc Bộ, lấy tên là "Sao em nỡ vội lấy chồng". Bài hát này được Trần Tiến sáng tác để tuyên truyền cho phong trào Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - một phong trào được Liên Hợp Quốc bảo trợ.[1] Một thời gian sau, nó được dàn nhạc giao hưởng New York thể hiện nhằm đón chào Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam lên nhận giải thưởng của tổ chức này. "Sao em nỡ vội lấy chồng" từng được khá nhiều ca sĩ thể hiện như Quang Lý, Ngọc Tân, Thu Hiền, Trung Đức, Trần Thu Hà, Quang Linh, Mạnh Đình, Như Quỳnh, và trong chương trình Paris By Night 84, ... Ngoài ra, một nữ ca sĩ người Nhật Bản cũng đã đưa bài hát này vào CD nhạc phát hành hơn 20 nước trên thế giới của mình.[3]
Trích lời bài hát:
Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi Lấy chồng sớm làm gì, để lời ru thêm buồn Ru em thời thiếu nữ xa xôi Còn đâu bao đêm trăng thanh Tát gàu sòng, vui bên anh Ru em thời con gái kiêu sa Em đố ai tìm được lá diêu bông Em xin lấy làm chồng...Trước đó, vào thập niên 1980, nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc cho bài thơ, và từng được Thái Hiền, Ý Lan,... trình bày. Nội dung bài thơ được giữ nguyên và ông chỉ thêm vào hai câu ở cuối bài, làm rõ thêm ý về sự hứa hẹn viễn vông của người mình yêu:
Em đi trăm núi nghìn sông Nào tìm thấy Lá Diêu Bông bao giờVề lá diêu bông
[sửa | sửa mã nguồn]Lá diêu bông được nhà thơ Hoàng Cầm giải thích rằng đó là lá của hoa phiêu diêu, hoa trong mộng tưởng. Tình yêu luôn đẹp và phiêu diêu như vậy. Hoàng Cầm không hề có ý "chơi chữ" về cái tên "diêu bông" mà vì lúc chập chờn giữa giấc mơ, ông nghe lời người phụ nữ năm xưa gọi chiếc lá như vậy.[2]
Về cây mà người chị gái hái để "giã đắp mặt cho da đẹp" như nhà thơ Hoàng Cầm kể. Đó là cây Bọ mẩy, còn có tên khác là cây đắng cảy. Các gò đất vùng phố ga Như Thiết có rất nhiều, ngay bên đường tàu ngày ấy cây mọc thành bụi. Nhưng từ ngày có người thu mua làm thuốc, loại cây này hiếm dần. Mặc khác, con gái bây giờ thì dùng mỹ phẩm chứ không còn lấy lá làm thuốc như xưa nữa.[2]
Ảnh hưởng
[sửa | sửa mã nguồn]- Bài hát "Ngày mai người ta lấy chồng" (Đông Thiên Đức)
- Bài hát "Ngày em đi lấy chồng" (Hamlet Trương)
- Vở cải lương Chuyện tình lá diêu bông (Quốc Nguyễn & Hà Nam Quang)
- Vở cải lương Tình lá diêu bông (NSƯT Hữu Quốc & Hà Nam Quang)
- Vở kịch Tình lá diêu bông (Bảo Ngọc)
- Bài tân cổ Chuyện tình lá diêu bông (Nguyễn Tiến)
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b Nốt nhạc nguyên thủy Lưu trữ 2009-06-02 tại Wayback Machine--Trần Thành Long, dịch theo bài viết của Asiaweek. Truy cập 25 tháng 7 năm 2009
- ^ a b c d “Sự thật sau những tác phẩm để đời - Kỳ cuối: Lá diêu bông và vị đắng tình yêu”.
- ^ Trần Tiến: Qua tuổi 60 vẫn còn phong độ sáng tác Lưu trữ 2009-08-03 tại Wayback Machine--NhacVietplus. Truy cập 25 tháng 7 năm 2009
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Nghe bài hát Sao em nỡ vội lấy chồng (Lá diêu bông) Lưu trữ 2019-10-11 tại Wayback Machine do Quang Linh trình bày
Từ khóa » Hoa Diêu Bông
-
Lá Diêu Bông Là Gì? Lá Diêu Bông Có Thật Sự Tồn Tại Không?
-
Lá Diêu Bông Là Gì? Sự Thật Về "Lá Diêu Bông"
-
Đi Tìm Lá Diêu Bông Của Người Mường Xứ Thanh - Xã Hội - Zing
-
Lá Diêu Bông Là Gì - GiaiNgo
-
Truyền Thuyết Về Lá Diêu Bông Và Nhạc Sĩ Trần Tiến - Thu Âm Việt
-
Lá Diêu Bông - NSND Thanh Hoa - YouTube
-
Cây Diêu Bông - Sinh Học Việt Nam
-
Sự Thật Sau Những Tác Phẩm để đời - Kỳ Cuối: Lá Diêu Bông Và Vị ...
-
Hoa Diêu Bông | Facebook
-
Lá Diêu Bông Có Thật Không, Có Thể Tìm Thấy ở đâu?
-
Lá Diêu Bông Là Gì - Có Nghĩa Là Gì, Ý Nghĩa La Gi 2021
-
Sự Tích Về "Lá Diêu Bông" Trong Thơ - Em" Của Thi Sĩ Hoàng Cầm
-
Đi Tìm Lá Diêu Bông Của Người Mường Xứ Thanh - Tiền Phong