Sao Không Thấy Chàng Cầu Hôn? - Honey Bees

Sao có quá ít đàn ông Việt Nam biết cầu hôn nhỉ?

Nếu như ở các nước phương Tây các chàng phải khổ công nghĩ trăm phương ngàn kế và đầu tư không ít công sức vẽ ra kịch bản để có thể “rước nàng về dinh” thì ở ta, trong suy nghĩ của đa số đàn ông chuyện đó thuộc dạng...xa xỉ, có “hâm” mới vẽ vời như thế vì “đằng nào cô ấy cũng chịu”.

“Mình chẳng biết đến cầu hôn là gì. Yêu nhau 5-6 năm, gặp ai quen cũng hỏi bao giờ cưới, các cụ sốt ruột cũng giục cưới xin cho ổn định. Thế là nhà chàng lên dạm ngõ xong cả hai đứa dắt tay nhau đi mua nhẫn cưới vèo một cái. Vậy là làm vợ người ta” - chị Hương vừa cười vừa nói.

Chị Trang có con hai tuổi nhưng khi được hỏi đến chuyện này vẫn còn tiếc nuối: “Xem phim nước ngoài thấy các cô được người yêu quỳ xuống hôn tay rồi nói ba chữ quan trọng mà thèm! Sao họ sướng thế! Như mình chờ mãi chẳng thấy người yêu đả động đến cưới xin dù nhắc khéo mãi. Cuối cùng bố mẹ mình đành phải hỏi thẳng thì anh chàng gật đầu luôn rồi bảo để con gọi điện thu xếp đưa bố mẹ con lên. Thế là thành ra mình đi hỏi cưới người ta”.

Đảo một vòng qua các trang web nước ngoài, không biết bao nhiêu câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề cầu hôn, nào là cách thức cầu hôn đặc biệt, làm thế nào để nàng nhận lời cầu hôn... Các chàng nước ngoài cứ gọi là rối tinh rối mù, ấy thế mà chị em nhà ta lại chỉ dám coi đó là việc chỉ có trong phim.

Bất kỳ người con gái nào cũng hạnh phúc khi nhận được một lời cầu hôn

Mọi chuyện do... phụ huynh quyết!

Ở phương Tây người ta yêu mà chẳng hề nghĩ đến việc phải kết hôn, thậm chí có đến vài đứa con mới dẫn nhau đi làm đám cưới. Có tới 5% phụ nữ không muốn đăng ký kết hôn mà chỉ muốn sống chung với người mình yêu cũng chẳng ai đàm tiếu hay nói ra nói vào.

Ở nước ta, nếu người con gái dẫn về nhà đến người bạn trai thứ ba là đã có vấn đề, hàng xóm chẳng nói này thì nói nọ, gia đình cũng xầm xì. Tự do hôn nhân chẳng còn là vấn đề phải bàn, nhưng đa số quyền quyết vẫn nằm ở các bậc phụ huynh. Khi bố mẹ còn can thiệp sâu vào chuyện cưới xin của con thì cái sự cầu hôn này vẫn được đánh đồng với việc bố mẹ sang dạm ngõ. Những người muốn cưới nhau chỉ còn mỗi việc quan trọng nhất là đi mua nhẫn cưới.

Đôi khi chính người trong cuộc quyết định cưới mà chẳng cần tới lời cầu hôn, đơn giản vì: “Tìm hiểu nhau thấy hợp, thấy người này xứng đáng để cho mình dựa dẫm là cưới, chẳng cần ai phải nói gì cả”.

“Thôi cứ ăn chắc mặc bền cho xong!”

Đấy là suy nghĩ chung của các cô. Dù 100 người phụ nữ thì đến 99 cô mong được cầu hôn như trong phim, hoặc ít ra cũng phải lãng mạn với kịch bản được dàn dựng công phu. Có thế cái gật đầu mới giá trị. Nhưng phụ nữ Việt Nam vốn có thiên chất nghiêng về phía gia đình, họ hiểu người đàn ông họ yêu không được lãng mạn cho lắm mà mộc mạc, chân thành.

Lời cầu hôn dù có cánh đi chăng nữa cũng chỉ đủ để họ ngất ngây trong giây lát chứ chẳng phải là thứ đảm bảo cho họ hai chữ hạnh phúc. Chính vì thế họ mới đồng ý nắm tay chàng, giao trọn con tim và nửa phía sau rất dài của cuộc đời, dù chả có bất cứ lời cầu hôn nào!

Gì đi nữa các chàng trai ạ, phụ nữ vốn yêu bằng tai. Người phụ nữ của bạn xứng đáng được nghe một lời cầu hôn ngọt ngào và chân thành phải không nào? Chẳng có lý do gì để bạn bỏ đi cơ hội làm cho nàng yêu mình hơn, ngay cả khi họ đã rất yêu bạn rồi, nhỉ.

Các chàng ta cũng chẳng phải là cục gạch khô bói không ra chút lãng mạn. Chỉ có điều cách thể hiện tình cảm của họ thực tế hơn nhiều so với các bộ phim Tây mà chị em vẫn xem đấy thôi. Họ vẫn có cách cầu hôn của riêng họ, độc đáo đủ để cưa đổ người họ muốn lấy làm vợ.

Lãng mạn như chuyện của bạn Dung266: chàng mang một bó hoa to tướng, vượt qua 200km đến nhà tớ vào mồng 2 tết. Rồi...như trong phim, chàng quỳ xuống trước mặt tớ: “Em đồng ý lấy anh nhé!”. Một năm sau thì chúng tớ cưới nhau.

Hoặc hài hước như: “Em này, bố mẹ bảo anh cưới năm nay hợp tuổi lắm. Hay anh cứ in thiếp rồi để trống tên cô dâu với ngày cưới viết bằng bút nhũ cho nó đẹp em nhỉ?”.

Còn bạn, bạn được cầu hôn như thế nào?

Post by Mrs: H.Hương

Từ khóa » Cầu Hôn Trước Hay Dạm Ngõ Trước